Đời người có rất nhiều việc bỏ lỡ mất sẽ khiến người ta cảm thấy hối tiếc, cũng có những việc càng cố làm thì càng dễ lưu lại nhiều ân hận và hậu quả. Cổ nhân gọi những việc không nên làm ấy là những việc “thấy lợi quên nghĩa”, bởi vì chúng có thể khiến cho người ta bỏ qua lương tri mà dấn thân vào. Hậu quả của chúng thật vô cùng nguy hiểm.

Trí tuệ cổ nhân: Đời người có 3 việc nhất định không nên làm
(Ảnh minh họa: 5534534, Pixabay, Pixabay License)

Việc hại người, đừng làm

Làm hại người để mình được lợi thì nhất thời có thể chiếm được chút lợi nhưng cuối cùng cũng sẽ nhận được kết quả không hay. Người vì lợi mà làm hại người khác, cái thiệt đầu tiên là đánh mất lương tri, cái thiệt thứ hai là đánh mất sự thành tâm trong mắt người khác. Hơn nữa luật nhân quả không chừa một ai. Cho nên giữa người với người, trong đối nhân xử thế hay trong kinh doanh, việc hại người khác là điều rất không nên làm.

Trước khi làm việc gì, người có giáo dưỡng luôn suy xét kỹ rằng việc đó có nên làm không, có chính đáng không, có lợi cho người khác không, có làm hại ai không. Sau khi suy xét kỹ lưỡng mới hành động. Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, ý rằng điều mình không muốn, chớ làm cho người khác. Câu nói này rất đáng suy ngẫm.

Thời Võ Tắc Thiên khuynh quyền, có một “ác quan” tên là Chu Hưng thành danh nhờ ngụy tạo án oan “mưu phản”. Khi ông đương chức đã dùng cách bức cung nhục hình vô cùng tàn khốc, gây ra vô số án oan, hàng ngàn người bị ông ta hãm hại.

Sau này Chu Hưng cũng lại bị kẻ khác tố cáo là “tạo phản”. Khi Chu Hưng bị bắt vào nhà ngục, người xét xử ông ta là một ác quan khác, tên là Tuấn Thần.

Trước đây trong một dịp Tuấn Thần ngồi ăn cùng Chu Hưng có xin thỉnh giáo Chu Hưng về phương pháp ép phạm nhân nhận tội. Chu Hưng hãnh diện nói: “Việc này không khó, chỉ cần bỏ phạm nhân vào cái chum to rồi châm lửa đốt xung quanh thì lo gì hắn không nhận tội!”

Sau này khi Tuấn Thần xét xử Chu Hưng đã nói: “Đệ phụng theo mật chỉ, nói có người tố cáo huynh mưu phản, mời huynh vào chum đi!”

Chu Hưng vừa nghe bốn chữ “mời huynh vào chum” thì hồn bay phách lạc, toàn thân mềm nhũn, liên tục dập đầu nhận tội. Câu chuyện này là một trong những chuyện “gậy ông đập lưng ông” nổi tiếng trong sử sách.

Việc đi tắt, đừng làm

Con người thời hiện đại luôn vội vã quay cuồng, hầu như mỗi người đều hy vọng có thể làm được nhiều hơn một chút. Nhưng cũng vì muốn đi tắt mà rất nhiều vấn đề nảy sinh, đúng là “dục tốc bất đạt”. Người xưa giảng rằng khi làm việc thì cần dụng tâm dụng ý, tận tâm tận sức, không trốn tránh khó nhọc, không mưu mẹo xảo trá, không ham an nhàn. Đây là thái độ căn bản cần có của bất kỳ ai khi đối đãi với công việc, đối đãi với cuộc sống.

“Thiên đạo thù cần”, có mất mới có được, nỗ lực bao nhiêu thì sẽ đạt được bấy nhiêu. Một người muốn đạt được thành công nhất định phải trả giá, phải dành thời gian, tâm huyết để làm thì thành công ấy mới được bền vững lâu dài. Nếu có thể không dính mắc mà nỗ lực, không tham lam mà nỗ lực, thì sẽ “không cầu mà tự được”. Còn những người ham thành quả mà lựa chọn phương thức nhanh chóng thì thông thường sẽ lừa người dối mình, làm tổn hại lương tri, hãm hại người khác, bởi vậy mà kết quả cuối cùng cũng không được như ý.

Tăng Quốc Phiên là một vị quan nổi tiếng của triều Thanh, nhưng tư chất bẩm sinh mà trời ban cho ông lại không được cao, hay nói đúng hơn là rất kém. Mặc dù tư chất bẩm sinh không tốt, nhưng đối với chuyện học hành, ông rất kiên trì, không đi đường tắt. Nếu không đọc thuộc câu trước, ông sẽ không đọc tiếp câu sau, không đọc xong quyển sách này, ông sẽ không sờ đến quyển sách kia.

Thời thiếu niên, có một hôm, Tăng Quốc Phiên ở nhà đọc sách. Có một tên trộm ẩn nấp trong nhà, đợi Tăng Quốc Phiên đi ngủ để lấy trộm một vài thứ. Nhưng tên trộm đợi mãi mà Tăng Quốc Phiên vẫn không ngừng lật qua lật lại đọc một bài văn.

Tên trộm tức giận, nhảy ra và nói: “Trình độ như thế này thì đọc được sách gì?” Tên trộm nói xong, lập tức đọc thuộc lòng một lượt bài văn này, rồi nghênh ngang bỏ đi.

Nhưng, Tăng Quốc Phiên cũng không vì thế mà nản chí bỏ cuộc. Trái lại, ông càng siêng năng, dụng tâm chăm chỉ học hơn. Cuối cùng, ông đã trở thành một vị danh nhân nổi tiếng trong lịch sử. Còn tên trộm thông minh kia thì đã vùi lấp trong dòng chảy dài của lịch sử từ bao giờ.

Chuyện cầm quân của Tăng Quốc Phiên cũng thế, tuần tự tiệm tiến, không chắc thì không làm. Mỗi lần quân của ông chiến thắng tính ra phải mất thời gian cả năm mà không phải hai, ba tháng. Phương pháp của Tăng Quốc Phiên bị không ít người đánh giá là “ngốc nghếch” nhưng kết quả lại vô cùng hữu hiệu.

Tăng Quốc Phiên cho rằng những thành công mà ông đạt được là nhờ vào sự dụng tâm chuyên nhất, không đi đường tắt. Bởi vì ông quan niệm rằng: “Người ngốc nhất thiên hạ có thể thắng được người khôn khéo nhất thiên hạ.”

Chậm rãi là dừng chân trước cảnh vật mỹ hảo trong cuộc sống, là mọi việc đều bao dung, không tranh giành, không hoảng loạn. Bình ổn mà ngẫm cách cầu tiến, chậm rãi mà làm việc hữu ích, đó mới là phương thức sống chính xác. Chỉ khi sống chậm lại, mới có thể tập trung tinh thần, gặt hái thành công.

Việc chiếm đoạt, đừng làm

Con người sống trên đời đều có lòng nghĩ tới lợi ích, người hiện đại lại thường khó kiểm soát dục vọng của bản thân. Đặc biệt là khi nhìn thấy những “món hời” ngay trước mắt thì tâm tình của con người rất khó thoát khỏi một hồi “tranh biện” thiện – ác. Kỳ thực, hầu hết mọi thứ ta nhận được trong cuộc đời đều có giá của nó. Nếu hôm nay tranh giành để đạt được một lợi ích gì đó, tương lai sẽ phải trả một cái giá tương tự, thậm chí là đắt hơn.

Những người già thường hay khuyên nhủ con cháu “chịu thiệt là phúc”, bởi vì họ biết rõ hết thảy “Phúc, Lộc, Thọ” ở thế gian con người đều là đổi từ đức mà ra, mà “chịu thiệt” lại có thể tích đức. Cổ nhân hiểu rằng đời người trong họa có phúc, trong phúc có họa, không mất thì không được, được thì phải mất. Làm việc không nên làm thì sẽ phải nhận những điều không muốn nhận. Làm việc thất đức, chiếm đoạt của người khác thì sẽ không có kết quả tốt đẹp.

Tả Tông Đường, danh tướng triều nhà Thanh từng nói: “Hảo tiện nghi giả, bất khả dữ chi giao tài”, tức là người luôn chiếm lợi của người khác thì không thể giao tài vật cho người đó, không nên kết giao với người như vậy. Người luôn chiếm lợi về mình sẽ khiến người khác đề phòng, từ đó mất đi nhiều cơ hội và nhân duyên. Cuối cùng cái được chẳng bù nổi cho cái mất.

Từ xưa đến nay, có không ít người khi còn tại vị đều làm việc công tâm và lấy dân làm gốc, được lưu danh muôn đời. Nhưng cũng có không ít người làm việc tư tâm, tư lợi, dựa quyền dựa thế mà chiếm đoạt của người khác. Nhưng khi thất thế thì họ gặp phải hối hận vô cùng, không chỉ bị người đời coi thường mà còn nơm nớp lo lắng bị đưa ra công lý.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: