Cổ ngữ nói: “Một người có thể đi được bao xa, không phải được quyết định bởi đôi chân mà được quyết định bởi chí hướng”. Cổ nhân rất xem trọng việc lập chí hướng trong đời người, bởi vì không có chí hướng sẽ không có động lực tiến bước, cũng khó có được thành công trong cuộc đời. Càng là người có được thành tựu to lớn thì càng phải “minh chí”, càng phải có chí hướng rõ ràng minh bạch.

Cổ nhân: Làm người cần phải có chí hướng rõ ràng
(Ảnh minh họa: Gyn9037, Shutterstock)

Bàn về chí hướng của một người, Gia Cát Lượng nói rằng “Chí hướng phải đặt ở nơi cao xa”. Một người phải có chí hướng cao xa mới có thể vượt qua những khó khăn trước mắt và những thiếu sót của bản thân, cuối cùng đạt được mục tiêu đề ra, có được thành tựu to lớn trong cuộc đời.

Trong sách Luận Ngữ viết: “Khổng Tử lên núi Đông Sơn nhìn xuống thì thấy nước Lỗ nhỏ bé, lên núi Thái Sơn nhìn xuống thì thấy thiên hạ tầm thường”. Một người phải đứng ở nơi cao thì mới có thể nhìn được xa, có ý chí hoài bão to lớn thì mới không tính toán được mất thành bại nhất thời, cuối cùng thực hiện được mục tiêu cao cả của mình.

“Luận Ngữ. Lý nhân” lại viết: “Một người trong quá trình theo đuổi chân lý, học đạo mà coi việc thiếu ăn, thiếu mặc làm điều hổ thẹn nhục nhã thì người ấy không đáng giá để kết giao đàm luận”. Người xưa cảm phục những ai “thực vô cầu bão, cư vô cầu an”, ăn không cần đầy đủ sơn hào hải vị, ở không cần đầy đủ tiện nghi. Người có thể chịu đựng được hoàn cảnh ấy không phải là vì lười biếng, mà là vì có thể dốc lòng, tận tâm, tận lực cho việc học tập của mình, cuối cùng hoàn thành được ước nguyện.

Cổ nhân có cách nói: “An bần lạc đạo”, chịu cảnh nghèo mà vui với đạo. Khổng Tử cũng từng nói: “Quân tử mưu đạo bất mưu thực” (Người quân tử mưu cầu đạo, không mưu cầu cái ăn) , “Quân tử ưu đạo bất ưu bần” (Người quân tử lo lắng về đạo, không lo lắng về nghèo). Người học trò mà Khổng Tử tâm đắc nhất chính là Nhan Hồi, một người an bần hiếu học. Khổng Tử khen Nhan Hồi: “Một đan cơm, một bầu nước, ở gian nhà nhỏ đơn sơ, người khác đều không chịu được cảnh khốn cùng kham khổ ấy vậy mà Nhan Hồi vẫn không thay đổi hứng thú học tập. Thật cao thượng biết bao!” Nhờ có chí hướng lớn lao, muốn hồng dương Nho đạo mà Nhan Hồi đã vượt qua được hoàn cảnh sống khó khăn một cách vui vẻ.   

Trong “Luận Ngữ. Thái bá” có chép lời của Tăng Sâm như vậy: “Kẻ sĩ không thể không kiên cường, kiên nghị, bởi vì họ gánh vác trọng trách lớn, hơn nữa còn đi con đường dài. Lấy việc khai triển đạo nhân ái vào cuộc sống làm trách nhiệm của mình, đây chẳng phải nhiệm vụ nặng nề sao. Chỉ cần còn hơi thở thì vẫn không ngừng làm, phải đến chết mới được xem là kết thúc, con đường này chẳng phải quá dài sao.” Những lời này đã thể hiện Tăng Sâm là người có khí phách, chí hướng to lớn. Nó cũng thể hiện ra sự tự tin vào đạo đức và sự theo đuổi lý tưởng nhân cách không ngừng nghỉ của ông.

Vậy một người như thế nào mới có thể tạo lập được chí hướng cao xa? Gia Cát Lượng đã viết trong “Giới tử thư” rằng: “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi trữ tĩnh vô dĩ trí viễn”, không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi. Đây là lời dạy bảo con của Gia Cát Lượng, cũng là đạo lý tu thân dưỡng đức trong cuộc đời.

Một người bị lợi ích làm mê muội tâm can, bị ràng buộc bởi danh vọng thì sẽ không thể có được chí hướng cao xa rộng lớn, mạnh mẽ, cũng rất khó có được nhận thức rõ ràng. Chỉ có không màng danh lợi mới có thể lập được chí hướng cao xa, mới giữ được tâm thái ôn hòa bình thản, mới có thể nghĩ sâu tính kỹ, suy xét tường tận. Lý tưởng cao thượng thường có ở những người rời xa tham dục nơi thế tục, tư duy thông suốt thấu đáo cũng thường đến từ tâm cảnh yên tĩnh.

Nhà văn nổi tiếng thời Tống, Tô Đông Pha, viết: “Những người có thể làm thành đại sự, không chỉ có tài hoa hơn người còn cần bền gan vững chí”. Một người nếu muốn thành công thì tài năng và nghị lực là hai thứ không thể thiếu.

Từ xa xưa, cổ nhân đã có rất nhiều câu tục ngữ dùng để khích lệ mọi người ngay từ nhỏ đã cần lập chí, như “hữu chí bất tại niên cao, vô chí không hoạt bách tuế”, có chí chẳng do tuổi tác, không có chí thì trăm tuổi cũng tay không.

“Hậu Hán thư” viết rằng: “Người có chí ắt sẽ thành công”. Nhưng chí hướng ấy phải phù hợp với đạo nghĩa, nếu không sẽ không có được nhân cách cao thượng mà trái lại còn là nguyên nhân chiêu mời tai họa. Hơn nữa sau khi lập được chí lớn rồi thì cần phải kiên trì nỗ lực không ngừng, không phải cứ ngồi chờ đợi là thành công sẽ đến. Nếu một người không có sự trả giá, không bỏ công sức thực sự thì dù chí hướng có cao xa đến đâu đi nữa cũng chỉ là “xây lâu đài trên cát”, một trận sóng là lâu đài đổ sụp.

Thời nhà Đường, Huyền Trang là một hòa thượng nổi tiếng vượt qua vô số khổ nạn để lấy được kinh Phật. Trên đường đi tới Ấn Độ để lấy kinh, ông đã vô tình làm đổ hết nước uống ở giữa sa mạc. Ông nghĩ, “Ta không còn nước trong sa mạc vô tận này, ta cần phải quay lại.” Trong khi quay lại, ông cảm thấy điều mình đang làm là sai. Vậy nên ông lại quay ngược lại và đi tiếp. Sau đó ông đã thề rằng ông sẽ không quay lại cho đến khi tìm được chân kinh. Huyền Trang dựa vào chính tín đối với Phật Pháp, có thể xả bỏ tất cả mọi thứ, trước sinh tử không hề biến sắc. Chính nhờ chính tín như thế, chính nhờ chí hướng như vậy, ông mới có thể liên tiếp gặp được Thần tích trên suốt dọc đường, cuối cùng lấy được chân kinh.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: