Người xưa thường tâm niệm rằng làm người không nên quá tính toán, so đo. Người lương thiện, chịu thiệt cũng không phải là chuyện xấu, bởi vì khi đối xử tốt với người khác thì chính là đang tích phúc khí cho mình, cuối cùng cũng sẽ được đền đáp thỏa đáng.

Trí tuệ cổ nhân: Làm người, chịu thiệt là phúc
(Tranh: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Văn hóa truyền thống dạy người ta lấy đức báo oán, không nên tranh giành, oán hận người khác. Trong tín ngưỡng cổ xưa cũng giảng về đạo lý “không tranh với đời” để có thể đạt được cảnh giới vô vi. Trong cuộc đời, một người dẫu có tranh giành được thứ gì thì cũng chẳng thể vì nó mà đạt được bình an. Tranh được lợi lộc thì mất đi lương thiện. Tranh được danh tiếng thì mất lòng người. Tranh được tình thì mất tỉnh táo. Đoạt thứ của người khác thì tâm sẽ bất an. Phàm là những thứ khiến người ta phải vắt óc nghĩ kế giành giật thì đều không mang đến sự thanh thản, thay vào đó chỉ là phiền não, thống khổ và thù hận mà thôi.

Người không tranh, nguyện ý chịu thiệt thòi là người quảng đại. Một người có tấm lòng quảng đại bao nhiêu thì phúc lộc cũng lớn bấy nhiêu. Hơn nữa, phúc báo của một người không phải cứ tranh giành là được. Trái lại, càng tranh giành danh lợi thì càng làm tổn hại phúc thọ của bản thân. Từ xưa đến nay, không có một cá nhân nào làm tổn hại thiên lý mà bản thân hoặc đời sau được an yên; không có một gia đình nào tranh giành tài sản lẫn nhau mà được thịnh vượng, hòa thuận, trở thành “danh gia vọng tộc”; không có một quốc gia nào lấy thù hận và đấu tranh làm động lực mà có thể thực sự được tôn trọng hay có được hoàn cảnh thịnh thế an tường.

Cho nên cổ nhân giảng làm người đừng quá so đo, có thiệt hãy biết chịu đựng một chút, người khác thiếu nợ ta, ông Trời chắc chắn sẽ bù lại cho xứng đáng. Đây chính là nhân quả. Hơn nữa, đối xử tử tế, lương thiện với người khác, dù cho phúc báo chưa đến nhưng tai họa thì đã rời xa rồi, có thể gặp một chút gian truân nhưng cũng là “hữu kinh vô hiểm”.

Chuyện kể rằng vào triều đại nhà Minh, có một thư sinh tên là Ngô Tử Điềm. Ngô Tử Điềm mồ côi mẹ từ rất sớm, cha cưới vợ hai. Mẹ kế của Tử Điểm rất bất công, chỉ đối xử tốt với người con ruột của mình, còn đối với Tử Điềm thì lại rất không tốt. Dần dần trong lòng Tử Điềm có chút bất bình.

Sau này, khi Ngô Tử Điềm cưới vợ, mẹ kế cũng không đối xử tốt với vợ của anh. Một lần, Tử Điềm không nhịn được nữa, bèn đi tìm mẹ kế nhưng lại bị vợ bắt gặp. Vợ anh ta khuyên can: “Chúng ta là con thì nên chịu nhịn một chút.”

Sau này, khi cha của Tử Điềm qua đời có để lại ruộng đất và tiền bạc. Mẹ kế chỉ chia cho hai vợ chồng Tử Điềm một số đất ít ỏi còn hai mẹ con bà nhận hết phần tiền và phần lớn ruộng đất.

Tử Điềm sinh tâm oán hận, quyết đi tìm mẹ kế, nhưng người vợ lại ngăn cản: “Chịu thiệt là phúc. Hơn nữa đã là thứ của mình thì sẽ không mất, đâu có phải cứ tranh là được? Càng tranh giành, phúc báo sẽ càng hao tổn.” Vậy là Tử Điềm lại nghe lời vợ.

Người con riêng của mẹ kế có thói quen cờ bạc, nên toàn bộ tài sản đã nhanh chóng tiêu tan. Hai mẹ con người mẹ kế phải ra đường xin ăn, không còn nơi tá túc. Vợ của Tử Điềm là người hiểu đạo lý, bèn khuyên bảo chồng đi tìm và đón mẹ kế cùng người em về nhà.

Sau khi đón mẹ kế và em chồng trở về, hai vợ chồng Tử Điềm cùng giúp em nên người. Cũng từ đó trở đi, cả gia đình cùng nhau sống vui vẻ, chan hòa.

Về sau, hai vợ chồng Tử Điềm sinh được ba người con trai, cả ba đều thi đậu tiến sĩ. Người ta nói đây là phúc khí hai vợ chồng Tử Điềm nhờ chịu thiệt tích lại được.

Trong “Chu tử trì gia cách ngôn” giảng: “Luân thường quai suyễn”, xung đột rồi thì sẽ lập tức tiêu vong. Gia đình như vậy sẽ lụn bại. Người hiện đại thông thường có thể vì mặt mũi mà chịu thiệt với người ngoài, nhưng đối với người thân thì khó mà chịu thiệt. Xã hội ngày nay cũng không thiếu cảnh vì gia sản mà anh em không nhìn mặt nhau, thậm chí kiện cáo, chém giết lẫn nhau. Đây quả thực là những điều thấy mà đau lòng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: