Cha mẹ yêu con là thiên tính, là nghĩa vụ, còn con cái hiếu thuận với cha mẹ là trách nhiệm, cũng là đạo hiếu đương nhiên. Một người không có lòng hiếu thuận với đấng sinh thành, ắt chẳng thể trao tình yêu của mình cho người khác, lại càng chẳng thể nói tới việc quan tâm tới sự hưng vong của quốc gia, dân tộc.

Lòng hiếu thuận của người xưa
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Người xưa dạy: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trăm điều thiện thì chữ hiếu đứng đầu. Vài nghìn năm qua, phàm những người hiếu kính với cha mẹ đều được xã hội tán dương. Trong “Giới Am lão nhân mạn bút” của Lý Dực thời nhà Minh có ghi chép lại ba câu chuyện về chữ Hiếu thời bấy giờ như sau.

Người ăn mày làm trò cho mẹ vui

Có một người ăn mày thường hành khất tại Tô Châu. Một lần nọ, vào đêm trăng sáng vằng vặc, một người quyền quý trong thành đi ngang qua cầu, đột nhiên nghe thấy dưới chân cầu có tiếng hát vọng lại. Ông hiếu kỳ, bèn xuống dưới chân cầu xem thử, hoá ra đó là tiếng hát của người ăn mày thường xin ăn trong thành.

Lúc đó người ăn mày đang nâng một bát rượu xin được, quỳ xuống dâng lên một bà lão ngồi trên mặt đất. Người ăn mày vừa gõ bát rượu theo tiết tấu, vừa cất tiếng hát. Thấy có người tới, người ăn mày giật mình, định thần lại thấy là một người quyền quý, bèn cười nói: “Kẻ hạ tiện mà, chỉ là để mẫu thân vui vẻ chút thôi.” Người kia nhìn thấy cảnh này, cảm phục hồi lâu mới quay người bước đi.

Hôm sau, người quyền quý nọ kể lại chuyện hiếu thuận này với mọi người, ai nấy đều cảm thấy vô cùng xúc động. Từ đó về sau, lại có không ít người chuyên tới xem người ăn mày làm mẫu thân của mình vui lòng. Trong số họ có người nói: “Ta sống ngần này tuổi đầu, nhưng chưa từng làm mẫu thân được vui vẻ như vậy, dẫu chỉ một lần”.

Hiếu thuận giấu thức ăn cho mẹ

Tại Trường Hưng Lý, tỉnh Chiết Giang có một người hầu hạ mẫu thân vô cùng tận tâm, nhưng trong nhà không giàu có lắm. Thúc phụ của ông ta lại là một người giàu sang.

Một hôm, thúc phụ và vài người họ hàng thân thích cùng nhau mở tiệc rượu, bèn gọi vị hiếu tử này tới hầu rượu. Do trong số những người họ hàng này, rất nhiều người có quyền, có thế, nên bữa tiệc vô cùng long trọng.

Hiếu tử nhìn mâm cơm thịnh soạn trước mắt, chưa kịp ăn đã nghĩ: “Có cách gì mang những món ngon này đặt trước mặt mẫu thân ta thì tốt biết bao”. Vậy nên sau khi bữa tiệc bắt đầu, chốc chốc ông lại nhìn trước ngó sau, nhân lúc người khác không để ý, bèn nhanh tay dùng giấy bọc chút đồ ăn ngon, giấu vào túi áo.

Khi bữa tiệc sắp kết thúc, chủ nhân cầm ly vàng rót rượu mời khách quý. Khách quý trốn uống rượu, bèn lặng lẽ giấu chiếc ly vàng dưới mái lầu, dùng ngói đậy lên và chạy về nhà. Người hầu sau đó báo có một ly rượu vàng bị mất, các vị khách đều được yêu cầu cởi áo ra kiểm tra.

Vị hiếu tử sợ bị lục soát người, thì lộ ra việc lấy đồ ăn về cho mẹ, mang tiếng xấu cho mẹ, bèn tự nhận mình ăn cắp chiếc ly, và nói bừa một chỗ giấu ly. Người hầu tới chỗ ông ta nói, nhưng không tìm thấy ly vàng. Hiếu tử lại nói, có lẽ đã bị người khác lấy mất. Thúc phụ đòi ông phải bồi thường, ông cũng đồng ý bán nhà, đền tiền, nhưng xin được gia hạn vài ngày, đợi tới khi thuê được nhà, lo liệu cho mẫu thân xong xuôi rồi sẽ bán.

Sau này, vị khách quý trốn rượu đó đã viết thư nói rõ nguồn cơn và nơi đặt chiếc ly vàng, chủ nhân cuối cùng cũng tìm được ly vàng. Hơn nữa vị thúc phụ còn tìm hiểu được nguyên do vị hiếu tử không muốn bị lục soát. Vị thúc phụ cảm động bởi tấm lòng hiếu thuận, bèn chia gia sản làm 3 phần, chia cho vị hiếu tử và hai người con trai của mình, mỗi người một phần.

Nhìn thấy chim bồ câu là khóc

Giữa những năm Thành Hoá, Hoằng Trị, tại đất Thường Thục, Giang Tô, còn có một người tên là Từ Tuấn. Lúc nhỏ ông nuôi vài chú chim bồ câu làm thú tiêu khiển, vì vậy ông bị phụ thân đánh một trận. Từ đó ông tiếp thu bài học giáo huấn, lập chí học hành tử tế, cuối cùng cũng làm nên sự nghiệp.

Sau khi phụ thân qua đời, hễ nhìn thấy chim bồ câu, ông lại nhớ về những lời giáo huấn của cha, không cầm được nước mắt mà rằng: “Ta không còn cha để đánh ta và giáo huấn ta nữa!”

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: