Cổ nhân giảng: Phàm muốn kiến lập tốt công danh, thống trị tốt đất nước, đều phải từ điều gốc rễ mà bắt đầu. Hiểu được gốc rễ rồi thì có thể “làm ít mà công to”. Nếu bỏ gốc mà tìm ngọn thì rất có thể chỉ là tốn công vô ích. Vậy, cái gốc, cái căn bản để bậc quân chủ kiến công lập nghiệp, thống trị tốt một quốc gia là gì? Đó chính là ở chỗ trọng dụng người hiền tài, “Đắc hiền vụ bổn”, lấy người hiền tài làm gốc rễ của quốc gia.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Người hiền tài giúp quốc gia hưng thịnh
Tranh “Đế vương đạo thống vạn niên đồ” do họa sĩ Cừu Anh thời nhà Minh vẽ. (Tranh: Public Domain)

Từ lịch sử các triều đại mà suy xét, đối với việc trị quốc bình thiên hạ hay thành tựu sự nghiệp vương giả, thì việc có hay không có người hiền tài trợ giúp mang tính chất quyết định. Hết thảy các bậc minh quân trong lịch sử đều có nhận thức vô cùng thanh tỉnh về vấn đề này. Bởi vì, quan lại có tài hay không, làm việc chính sự có dựa trên đức hạnh hay không, sẽ tác động đến việc người ấy có thể dùng quyền hạn trong tay mà mưu lợi cho dân chúng hay không, từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống của muôn dân và sự an nguy của triều đình.

Khi một vương triều có được người hiền tài trợ giúp thì trật tự xã hội được cải thiện, dân chúng tự nhiên cũng quy thuận. Khi dân chúng quy thuận, lòng dân đã hướng đến, thì tự nhiên không đánh mà có thể thắng.

Trong Kinh Thi có câu: “Vô cạnh duy nhân”, tức là không gì mạnh bằng người. Ý nói, một quốc gia cường thịnh hoàn toàn được quyết định bởi người tài đức. Trong sách Lã Thị Xuân Thu viết: Từ thời vua Lỗ Ẩn Công đến vua Lỗ Ai Công tổng cộng trải qua 12 triều đại, các triều đại này đều có một đặc điểm chung là: Khi đất nước có được người hiền tài thì liền yên ổn hưng thịnh, danh tiếng hiển vinh. Khi đất nước mất đi người hiền tài thì lâm vào nguy nan, phải chịu cảnh bị khinh miệt, bị vũ nhục. Các nước chư hầu đạt được quân vị hay mất đi quân vị cũng được quyết định bởi việc họ có được người hiền tài hay mất đi người hiền tài.

Chuyện kể rằng, khi vua nước Tấn muốn tấn công nước Trịnh đã phái Thúc Hướng đến nước Trịnh thám thính thực hư xem nước Trịnh có hiền tài hay không. Ở nước Trịnh, Thúc Hướng phát hiện Tử Sản là người tài đức hơn người nên đã lập tức trở về nước báo với vua nước Tấn rằng: “Nước Trịnh có hiền tài Tử Sản, là người tài đức nên không tấn công được”. Đây cũng là điển cố một người tài đức có thể giúp quốc gia tránh được mối tai họa do chiến tranh mang đến.

Trái lại, phàm là quốc gia nào đang ở cận kề sự suy vong thì đều là hôn quân cai trị, bức bách người hiền đức phải trốn tránh đi nơi khác, rời bỏ quê hương. Vua Kiệt triều nhà Hạ ham mê dùng bạo ngược, phóng túng, khiến cho Thái sử lệnh bấy giờ là Chung Cổ, một sử gia hiền đức phải ôm sách luật của nhà Hạ chạy theo Thương Thang Vương. Thương Thang Vương có được Chung Cổ thì cao hứng vô cùng. Sau này, Thương Thang Vương đã khởi binh lật đổ Hạ Kiệt tàn bạo, kết thúc vương triều nhà Hạ.

Sử gia Hướng Chí nhà Ân thấy Trụ Vương hoang dâm vô độ đã dùng xe chở sách luật nhà Ân tìm Chu Vũ Vương nương tựa. Chu Vũ Vương có được hiền tài Hướng Chí đã vô cùng mừng rỡ. Cuối cùng Chu Vũ Vương đã lật đổ Trụ Vương tàn bạo của nhà Thương, và thành lập triều đại lâu dài nhất của Trung Hoa.

Trong sử sách ghi chép, các vị vua anh minh của các triều đại đều dùng trăm phương ngàn cách để mời được người tài đức. Như thời cổ đại, vua Nghiêu vì để cầu được Ngu Thuấn đã ở trước mặt chư hầu dùng lễ nghi đối đãi ông. Vua Nghiêu còn gả hai con gái cho Ngu Thuấn, thậm chí ông còn đem thân phận thần tử của mình trao cho Ngu Thuấn.

Vua Vũ vì để cầu hiền tài đã đi khắp nơi, không một phút buông lỏng, bê trễ, vất vả gian nan đến mức thân thể tiều tụy mà cuối cùng mới tìm được các vị hiền tài Cao Dao, Bá Ích, Trực Thành, Hoàng Cách trợ giúp mình. Công trạng và thành tích của vua Vũ được khắc vào đồ đồng và đồ đá cổ… truyền lưu cho đời sau.

Xã hội hiện đại ngày nay, việc tìm cầu và coi trọng người tài đức vẫn là một loại trí tuệ mà người lãnh đạo cần lĩnh hội. Bởi vì, khi có hiền tài thì một đất nước bần cùng có thể trở nên giàu có, nước yếu nhỏ có thể trở nên cường thịnh. Nếu một đất nước không coi trọng người hiền tài thì ngược lại, quốc gia giàu có có thể biến thành nghèo nàn, quốc gia cường mạnh có thể biến thành suy yếu.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: