“Chẳng hiểu sao gã tá điền suốt ngày quần quật bóc lốp, ăn không dám ăn no, mặc chỉ dám dùng loại rẻ tiền nhất mà lại bị liệt vào tầng lớp tư sản?”… Đó có lẽ là thắc mắc không chỉ của “vua lốp” Hà thành Nguyễn Văn Chẩn, mà của rất nhiều người vào cái thời ấy. Cuộc đời ông “vua lốp” cần mẫn sáng tạo là một chuỗi bi kịch vào tù ra tội, bao nhiêu lần gây dựng cơ nghiệp là bấy nhiêu lần trắng tay.

Cổ tích "Vua lốp Hà thành": Vào tù ra tội vì muốn thành tư sản
(Ảnh tư liệu: Nguyễn Nam sưu tầm)

Ông Chẩn vốn là một nông dân ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Vất vả cơ cực mà mãi vẫn nghèo túng, năm 1954 ông quyết bán ao rau muống, để lại một nửa số tiền cho vợ và đàn con, nửa còn lại ông mang ra Hà Nội tính kế làm giàu.

Thoạt đầu, ông Chẩn xin vào làm ở một cơ sở sản xuất dép cao su từ những chiếc lốp ô tô hỏng. Cần mẫn tích góp, ông mở được một cửa hiệu nhỏ rồi đón vợ con lên Hà Nội. Biến cố đầu tiên ập đến khi bức tường đất của căn nhà ọp ẹp đổ, khiến đống lốp phế liệu lăn hết ra ngoài phố. Ngay lập tức, ông Chẩn bị quy là tư sản mới nổi, bị tịch biên tài sản, phải đi cải tạo. May mắn là chỉ vài ngày sau, ông được thả. Nhưng biến cố ấy đã đặt ra một câu hỏi sẽ theo ông suốt cả cuộc đời:

“Chẳng hiểu sao gã tá điền suốt ngày quần quật bóc lốp, ăn không dám ăn no, mặc chỉ dám dùng loại rẻ tiền nhất mà lại bị liệt vào tầng lớp tư sản?”

Hỏi là hỏi vậy, chứ chỗ gia sản và mấy ngày tù cải tạo không đủ làm nhụt chí làm ăn trong mình ông. Vả lại ở nhà là vợ cùng 10 đứa con đẻ, 4 con nuôi, làm sao mà “dám” nhụt chí cho được.

Một lần, ông Chẩn phải đi khắp các cửa hàng bách hóa để tìm thay bút máy bị hỏng cho con. Lúc đó đây là loại hàng phân phối, phải mua chui. Ông tức mình, ngồi tháo bút ra nghiên cứu và nhận thấy rằng mình có thể tự làm được. Thế là ông chuyển sang lĩnh vực làm bút. Bút do ông làm giống kiểu bút máy Trường Sơn, không nhãn mác, từ nhựa phế thải tái sinh, nhưng chất lượng vẫn tốt. Ông Chẩn đem mẫu bút ra Phòng thủ công nghiệp quận đăng ký sản xuất bút mực. Bút của ông tốt, giá rẻ, được bày bán khắp nơi, ra lô nào là hết lô đó.

Đang làm ăn phát đạt thì có vụ Z30, người ta đến khám nhà ông ở quận Ba Đình, kiểm tra đăng ký sản xuất. Ông Chẩn trình giấy tờ đầy đủ nhưng vẫn bị tịch thu toàn bộ công cụ, nguyên liệu, sản phẩm. Ông kêu oan… Rồi công an Ba Đình kéo đến tịch thu toàn bộ mô-tơ, khuôn làm bút, vài tạ dép đứt quai, cao su, hàng ngàn chi tiết bút. Ông Chẩn bị xử tội tàng trữ và đầu cơ, sản xuất trái phép, bị xử 30 tháng tù giam. Ông vẫn kêu oan…

Sau Tòa án nhân dân tối cao xử phúc phẩm ngày 25/5/1972, tuyên ông chỉ phạm tội đầu cơ, chỉ cần phạt cảnh cáo và nộp phạt một trăm đồng. Thế hóa ra ông Chẩn bị tù oan hai năm rưỡi!

Khuynh gia bại sản, ông phải đi móc củ sen, làm công nhân vệ sinh, ra đường sửa xe đạp, buổi tối thì nhận xăm của nhà máy cao su về nối. Nhưng mà… ông lại thấy nhựa vá xăm lốp quốc doanh “chưa vá đã bong” nên mày mò pha chế và tìm ra một loại nhựa tốt hơn. Khách của ông lại đông kìn kìn.

Vì khách đông kìn kìn, nên đầu năm 1974, người ở quận Ba Đình lại đến khám nhà, tịch thu, bắt người. Ông bị giam ở quận, với lý do… “ăn nên làm ra vùn vụt, chắc phải có gian lận”. Giam đến ngày 30/3/1974 thì họ thả ông về. Lúc ấy ông đã 50 tuổi. Có lẽ vì tuổi tác cao, lại cộng thêm những cú sốc chẳng bao giờ dứt, nên 5 năm sau đó ông đi bán chè.

Nhưng cái duyên với lốp xe lại trở lại tìm ông vào năm 1979. Rồi đến 1980, hiệu lốp Quyết Thắng của ông Chẩn ra đời. Lốp ông Chẩn có thể chạy ba năm trong khi lốp xe cùng loại của Nhà máy cao su Sao Vàng chỉ chạy được chưa đầy sáu tháng. Những năm đó, lốp của ông nổi tiếng toàn quốc, mỗi năm sản xuất trên 2.000 đôi.

Năm 1983 lốp Quyết Thắng được trao Huy chương đồng tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ, ông Chẩn được xưng tụng là “vua lốp”. Ông mở rộng cơ sở sản xuất, mua lại toàn bộ bãi rác của nhà máy cao su Sao Vàng, bao gồm lốp và cao su phế liệu. Bãi nguyên liệu của gia đình ông nằm ở vị trí chợ Thành Công bây giờ, bãi luôn có tới hàng trăm tấn nguyên liệu.

Đã có hãng sản xuất săm lốp ô tô nổi tiếng trên thế giới, trụ sở tại Pháp cử đại diện đến gặp “vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn, tìm hiểu cơ hội hợp tác làm ăn, vì ông nắm được bí quyết độc quyền.

Cổ tích "Vua lốp Hà thành": Vào tù ra tội vì muốn thành tư sản
(Ảnh tư liệu: Nguyễn Nam sưu tầm)

Nhưng người có nhiều “tiền án tiền sự”… làm giàu như ông thì tất nhiên phải là đối tượng thăm hỏi đặc biệt. Đầu tháng 7/1983, ông Chẩn bị kiểm tra và trong suốt ba ngày trời, “dưới sự chứng kiến của hàng trăm quan chức đủ mọi thành phần và hàng ngàn người dân hiếu kỳ, ông Chẩn và các con đã phải thao tác quy trình làm lốp bằng phế liệu”. Không tìm ra lỗi, người ta đành cáo buộc ông “tự ý sản xuất” làm “rối loạn” nền kinh tế mà trong đó, mọi sản phẩm đều do Nhà nước lên kế hoạch, giao chỉ tiêu từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ.

27/8/1983, nhiều đơn vị của quận Ba Đình đã phong toả nhà và xưởng sản xuất của vua lốp, rồi tuyên bố, tịch thu toàn bộ nhà cửa, nguyên vật liệu và dây chuyền sản xuất xưởng sản xuất lốp, đồng thời ra lệnh bắt giam ông Chẩn. Vợ con ông phải ra vỉa hè căng lều, trải chiếu.

Lần này, khác với những lần trước, ông Chẩn bỏ trốn, phiêu bạt, để khỏi bị tù oan. Và trớ trêu thay, sau khi bị thu nhà, tài sản, thì đến tháng 9/1983, gia đình “vua lốp” vẫn còn nhận được giấy mời đi nhận huy chương cho lốp Quyết Thắng.

Ông Chẩn vừa phiêu bạt vừa kêu oan khắp nơi, chỉ về nhà sau khi vợ cùng các con đã phát đơn khởi kiện, do vậy tránh được việc phải vào tù lần nữa. Về nhà rồi, đơn thư ông viết hàng chồng, hơn 40 tờ báo trong nước và nhiều tờ báo nước ngoài đưa tin về ông.

Trước sức ép công luận, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án, yêu cầu trả lại toàn bộ tài sản, nhà cửa cho “vua lốp”. Nhưng người ta lại ra quyết định “miễn tố”. Ông Chẩn tiếp tục kiện: “Miễn tố là có tội nhưng miễn cho, nhưng tôi có tội gì?”. Lại thêm những đơn từ kiện lên, kiện xuống.

Cuối năm 1985, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định hủy bỏ quyết định miễn tố, quyết định đình chỉ điều tra, thừa nhận ông vô tội và yêu cầu trả lại tài sản cho gia đình ông.

Được minh oan, vãn hồi danh dự, nhưng mà việc cơ cực đâu đã dừng ở đó. Phải 7 năm sau đó, người ta mới trả lại cho ông Chẩn và vợ con ngôi nhà (nhưng không làm được sổ đỏ). Lại 10 năm sau nữa, gia đình ông mới nhận lại được một phần tài sản…

Huyền thoại vua lốp đi cùng với hình ảnh vợ ông – “người đàn bà quỳ” – người đã theo ông trong suốt những tháng ngày cay đắng. Điểm đẹp nhất trong cuộc đời của họ có lẽ là đàn con vẫn được học hành đầy đủ, đều tốt nghiệp phổ thông, có người còn tốt nghiệp đại học. Với con, ông Chẩn không chỉ là huyền thoại vua lốp, mà còn là một tấm gương nghị lực kiên trì nhẫn nại.

Nguyễn Nam
Tác giả gửi Trí Thức VN

Xem thêm:

Mời xem video: