Mặc dù con người thế gian đều biết rõ rằng “danh” và “lợi” là vật ngoại thân, khi sinh không mang theo đến khi chết không mang theo đi, rất trống rỗng hư không, nhưng rất ít người có thể xem nhẹ và tránh khỏi được cạm bẫy của danh lợi. Họ một đời vì danh vì lợi mà “lao tâm khổ tứ”. Thậm chí có người còn coi danh lợi là mục đích để sinh tồn. 

Một người nếu không thể xem nhẹ được danh lợi thì người ấy sẽ không có cách nào bảo trì được một tâm linh trong sáng, thuần tịnh. Cuộc đời của người ấy sẽ giống như Khoa Phụ đuổi mặt Trời, vĩnh viễn không đuổi theo được. Rốt cuộc thứ mà họ nhận lại chỉ là sự mệt mỏi, và rất nhiều khi là thất vọng và oán thán.

Kỳ thực, nếu có thể tĩnh tâm quan sát thế giới vật chất này, chúng ta sẽ thấy được rằng ngay cả khi không cần phải nhọc sức chạy theo mọi thứ, ánh mặt trời sẽ vẫn luôn soi sáng chúng ta.

Einstein là một nhà khoa học nổi tiếng về kiến thức, cũng nổi tiếng về cả sự giản dị và khiêm tốn. Ông nói rằng ngoài khoa học ra, không có thứ gì khiến ông thực sự quan tâm yêu thích, cũng chẳng có thứ gì khiến cho ông phải ghét cay ghét đắng cả.

"Xem nhẹ danh lợi" là cảnh giới cao của người trí tuệ
(Ảnh: Ferdinand Schmutzer, Public Domain)

Một lần nọ, trong một chuyến đi biển, thuyền trưởng của một con tàu đã đặc biệt chuẩn bị căn phòng sang trọng nhất cho Einstein nghỉ ngơi. Nhưng Einstein lại nhất quyết từ chối món quà của viên thuyền trưởng này. Dường như trong mắt Einstein, bản thân ông không có gì khác biệt so với những người khác. Vì thế, ông không muốn nhận cách đối đãi đặc biệt ưu ái ấy.

Chính đức tính khiêm nhường và chân thành của nhân cách đã khiến ông được nhiều người ngưỡng mộ và kính nể.

Một nhà khoa học khác cũng nổi tiếng về sự vô tư là Marie Curie. Sau khi vợ chồng bà tìm ra nguyên tố radium, nhiều người trên khắp thế giới đã mong muốn được biết phương pháp chiết xuất. Bấy giờ Marie Curie và chồng có hai lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là họ sẽ chia sẻ cách chiết xuất radium mà không cần trả một đồng tiền công nào. Lựa chọn thứ hai là họ giữ quyền sở hữu phương pháp chiết xuất radium. Với lựa chọn thứ hai, họ sẽ thu được những khoản tiền rất lớn và có một cuộc sống cực kỳ giàu có. Ngoài ra, họ còn có thể để lại một khoản tiền thừa kế lớn.

Nhưng bà Curie đã kiên quyết khước từ lựa chọn thứ hai. Chính thái độ sống “xem nhẹ danh lợi” ấy đã khiến mọi người đều cảm nhận từ bà một loại khí chất rất đặc biệt, không phải ai cũng có.

"Xem nhẹ danh lợi" là cảnh giới cao của người trí tuệ
Tranh khắc cảnh Marie Curie và chồng trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: Morphart Creation, Shutterstock)

Trong suốt cuộc đời, bà Curie đã được trao 16 huy chương các loại và 117 danh hiệu cao quý, trong đó có 2 giải Nobel, nhưng bà đã không xem những thứ ấy là quá quan trọng.

Có một giai thoại về bà Curie thế này. Một lần, một người bạn của bà đến thăm. Người bạn này đã nhìn thấy cô con gái nhỏ của Curie đang chơi đùa với một chiếc huy chương mà Viện hàn lâm Hoàng gia Anh quốc tặng cho bà. Người bạn ấy đã ngạc nhiên hết sức: “Bà Curie, chiếc huy chương kia là vinh dự của bà, sao bà có thể để trẻ con cầm như một món đồ chơi được?”

Nhưng ngẫm kỹ lại, trong cuộc đời này, kỳ thực vinh dự chỉ như là một món đồ chơi. Nó chỉ có thể chơi chứ không thể vĩnh viễn giữ, nếu không thì cả đời sẽ không làm thành được việc gì cả.

Khí độ phi phàm của Einstein hay Curie là tấm gương cho những ai đang cố gắng dốc toàn lực để truy cầu danh và lợi. Một người nếu có một trái tim trong sáng thuần khiết, cố gắng hết sức để hoàn thành những trách nhiệm của mình, thì thành tựu sẽ liên tục đến với người ấy. Người ấy sẽ có được vinh dự mà họ đáng được nhận. Xem nhẹ danh lợi, không cầu mà được mới là khởi điểm của thành công thật sự.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: