Gần nhà tôi ở Tân Định có quán cơm tấm lề đường. Gọi quán cho sang, chứ chỉ là cái bàn nhỏ thấp lè tè đặt ở lề đường, và hai cái ghế dài để khách ngồi. Khách chủ yếu là học sinh ghé quán ăn sáng, trước khi đến trường cách đó chưa đầy trăm mét.

Khách toàn là học sinh nhí, nên ồn ào vui lắm. Khi đông, bọn học sinh ăn đứng hoặc ngồi chồm hổm, chìa đĩa xin thêm thứ này, thứ nọ. Ham vui nên thỉnh thoảng tôi cũng ghé ăn. Phải ăn quán lề đường như vậy tôi mới chịu, chứ mua mang về nhà thì không, dù nhà cách quán chừng 50 mét.

Thức ăn thường là hai lát chả trứng, hoặc bì sợi, hành mỡ, đồ chua, chan nước mắm ngọt, trộn lên với cơm tấm trong dĩa, trông bắt mắt. Hạt cơm tấm nhỏ, rời rạc, chứ không dài hạt và dẻo như cơm nhà. Tôi hỏi mẹ tôi, bà bảo đó là hạt gạo bị gãy, sàng ra để lấy hạt gạo nguyên, giá cao. Còn gạo tấm, bán giá rẻ. Nhà nghèo ăn gạo tấm, mà sao cơm tấm bì chả lại ăn ngon thế…

Cơm tấm thời này khác nhiều quá, hạt gạo dài, chứ có tấm đâu. Thỉnh thoảng cũng có quán có hạt tấm, nhưng chỉ là gạo dài lẫn tấm. Nghe nói, tấm đắt hơn gạo. Chưa hết, chả trứng còn thêm mắm thì phải, rồi trứng ốp la, sườn nướng tại chỗ, khói bay mù mịt…

Trước đây tôi thường đi Miền Tây, hay ghé quán cơm tấm gần chợ Long Xuyên, mới biết có thứ cơm tấm mẳn, là những hạt gạo “nhỏ con”, nhỏ tự nhiên, tấm tự nhiên chứ không phải là tấm gãy, sàng ra bán giá rẻ.

Tự nhiên chợt nhớ cơm tấm mẳn. Long Xuyên cách xa Sài Gòn cả 170 cây số, muốn ăn lại. Lần này sẽ so sánh xem có ngon bằng đĩa cơm tấm thuở xưa của tôi không, nhưng cách trở thế này làm sao… thử.

Vũ Thế Thành

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành và trang Sài Gòn Thập Cẩm

Mời độc giả tìm đọc các tác phẩm “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ” và “Những thằng già nhớ mẹ” của tác giả Vũ Thế Thành cùng một số tác phẩm khác tại đây.

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: