Khi tôi đưa lên Facebook câu hỏi đầy nhạy cảm là: “Theo cảm nhận của các bạn thì học sinh hiện nay có học lực tốt hơn hay kém hơn những thế hệ trước?”, trong khoảng 10 tiếng đồng hồ tôi nhận được khoảng 30 bình luận trả lời.

Các ý kiến có góc nhìn rất phong phú và có nhiều ý kiến đối lập nhau. Xin phép các bạn đã trả lời cho tôi trích ý kiến của các bạn lên đây và có lược bỏ tên:

“Học lực chưa nói đến nhưng chắc chắn các bạn nhỏ giờ thông minh hơn chúng ta trước đây nhiều. Chỉ có điều giáo dục đã làm thui chột đi mà thôi.”

“Mình không nghĩ là thông minh hơn mà có lẽ đúng hơn là các em có nhiều dịp hơn và điều kiện tốt hơn để thể hiện sự thông minh so với thế hệ trước. Trẻ con ngày nay tự tin hơn nhưng ý thức cá nhân chưa chắc tốt hơn. Học lực thì có vẻ tốt hơn do được ‘uốn’ nhiều hơn tuy nhiên tri thức chưa chắc bằng các thế hệ trước, bởi các thế hệ trước học được mà không bị nhồi nhét một cách thụ động, họ chủ động hơn trong việc bồi đắp tri thức của bản thân. Chỉ là cảm nhận nên không mang tính khẳng định”

“Kém”

“Theo mình thì tốt hơn rất nhiều. Trẻ em giờ thông minh, năng động và tự tin lắm!”

“Sao lúc nào mọi người cũng chê giáo dục thế.”

“Có chỗ nào đáng khen nhờ bạn liệt kê ra.”

“Nếu giáo dục toàn những điều xấu và làm thui chột các em học sinh như bạn nghĩ vậy thì bạn cho con, cháu đến trường làm gì nhỉ.”

“Nếu được phép lựa chọn như đủ tài chính, điều kiện thì người ta đã đưa ra hành động khác. Anyway, mình không nói thêm việc này với bạn nữa”.

“Học lực nhìn chung thì tốt lên nhưng về ý thức đạo đức và con người thì xuống dốc trầm trọng không phanh ạ!”

“Bề mặt có vẻ các em hiện nay khó bảo hơn, nổi loạn hơn, có nhiều bất ổn về tâm lý hơn.”

“Nếu lấy theo tiêu chuẩn ‘con ngoan trò giỏi’ trước đây các em có vẻ ‘tệ hơn’. Nhưng nhìn góc độ khác; các em có thể chất tốt hơn; chiều cao tốt hơn, thông minh hơn, độc lập hơn, tư duy phản biện tốt hơn, năng lực tự học tự tìm tòi tốt hơn. Sự chênh lệch giữa các cá nhân trong thế hệ các em cũng lớn hơn.”

“Không bình luận. May mỏ.”

“Học sinh có điều kiện học và tìm hiểu kiến thức rộng lớn và dễ dàng hơn, thông minh và giỏi hơn thế hệ chúng ta nhiều Nguyễn Quốc Vương. chị thấy các bạn của con chị rất giỏi em ạ, các con không chỉ học giỏi mà còn rất có ý thức, trung thực và nhân hậu.”

“Ở Pháp thì nói là kém hơn làm cho đề cũng phải dễ hơn, nhưng ở Việt Nam hiện nay thì em thấy học lực của học sinh vẫn có xu hướng tăng đấy ạ. Các con phải học nhiều hơn thế hệ mình ngày xưa nhiều…”

“Học lực tốt hơn nhưng thái độ học tập kém hơn.”

“Kĩ năng mềm thì ok hơn nhưng xét về khía cạnh học lực em nghĩ không bằng, tức là chỉ đánh giá một mặt nhỏ thôi ạ, ví dụ những dạng toán, dạng đề khó của sách ngày xưa thì ít bạn giải được.”

“Học lực rõ là kém hơn, ít chịu khó tư duy hơn. Còn hạnh kiểm thì em nghĩ tuỳ vào môi trường nên khó so sánh.”

“Giỏi hơn ạ. Nhìn đề đại học bây giờ thấy khủng khiếp anh ạ.”

“Có gì để đo không?”

“Học sinh giỏi trường em hơi bị nhiều! Nhớ lại ngày xưa cả khối được 5 đứa ý.”

“Có nhiều học sinh giỏi hơn nhưng mặt bằng ý thức thì kém đi. Thiếu lễ phép và tôn trọng.”

“Chỗ em thì thấy kém hơn!”

“Học lực trong sổ học bạ tốt hơn Thầy à. Con nhà ai và trò trường nào cũng tốt cả đấy.”

“Học lực trội ở cá nhân học sinh. Năng lực giao tiếp tốt hơn nhưng ngược lại cũng nhiều ạ. Nói chung quy lại thế hệ nay trội theo cá nhân nhiều ạ. Nhận xét của cá nhân em ạ.”

“Để đưa ra kết luận hơn hay kém thì phải mất chục trang giấy để chứng minh. Nhưng có 1 điều chắc chắn là học sinh bây giờ phân hóa hơn. Trò giỏi thì đạt thành tựu hơn, trò hư thì cũng khủng khiếp hơn.”

“Hơn đấy”

“HƠN!”

“Mình thấy áp lực học lớn nhưng không thể phủ nhận trẻ thông minh hơn thế hệ trước.”

“Giỏi hơn chứ nhưng ích kỷ, sức chịu đựng vượt khó kém lắm.”

“Trẻ thông minh hơn nhiều, giỏi đấy bạn ạ. Bạn chỉ hỏi 1 vế nên trả lời 1 vế không thêm ‘nhưng’ vào sau câu trả lời nhé.”

“Ai có đủ số liệu nghiên cứu đâu mà phán được, phán cảm tính không đáng tin. Xét riêng thì tùy theo là cha mẹ là ai, cha mẹ ‘kiến tạo’ nề nếp gia đình thế nào.”

“Các con bây giờ có điều kiện học tập tốt hơn nhưng em nghĩ kết quả học tập phản ánh chưa đúng với năng lực thật của các con. Có những cháu giỏi thật sự nắm vững kiến thức và tiếp thu nhanh nhưng số này rất ít. Ngành giáo dục bây giờ đang đề ra chỉ tiêu thành tích quá cao so với thực tế. Đây là 1 vấn đề nhạy cảm và nan giải trong thực trạng giáo dục nước nhà. Em xin bỏ ngỏ vấn đề ở đây ạ.”

Cuộc tranh luận có lẽ sẽ còn tiếp tục.

Thật thú vị là không chỉ có người Việt Nam tranh luận về nó. Đây chính là vấn đề gây nên cuộc tranh luận không dứt giữa người Nhật bao gồm cả các học giả với nhau trong suốt nhiều thập kỉ qua. Những kết quả điều tra thực chứng và cả thông tin quan sát cho thấy trường học và giới trẻ Nhật Bản trong các thập kỉ gần đây đang đối mặt với nhiều vấn đề.

Chính phủ Nhật đã phải đặt trong tâm vào giải quyết các vấn đề giáo dục. Tuy nhiên cách thức tiếp cận vấn đề trong giáo dục của chính phủ cũng gây ra nhiều tranh cãi, tương tự như vấn đề mà người Việt tranh cãi ở trên.

Ngày 10 tháng 10 năm Heisei 18 (2006), chính phủ Abe đã phác thảo “Cấu trúc thể chế giáo dục thích hơp với Nhật Bản trong thế kỉ 21” để thực hiện mục tiêu “Tái sinh giáo dục”, “cải cách giáo dục từ nền tảng”.

Để thực thi các công việc cụ thể, chính phủ Abe cũng lập ra “Hội nghị tái sinh giáo dục”.

Ngày 18 tháng 1 năm Heisei 19 (2007), sau ba tháng tranh luận, Hội nghị tái sinh giáo dục đã đưa ra đề án cải cách giáo dục. Ngày 24 tháng 1, sau buổi họp tổng thể, bản báo cáo có trình bày phương án cải cách được trình lên thủ tướng Abe. Nội dung chủ yếu của nó có thể tóm tắt như sau:

I. Bảy đề xướng

1. Sửa đổi giáo dục thong thả, nâng cao học lực.

“Chương trình tăng cường học lực cơ bản”.
– Làm phong phú sự chỉ đạo cá biệt thích hợp với trình độ học tập.
– Du nhập chế độ lựa chọn trường học.

2. Tái sinh trường học, tạo ra lớp học có kỉ luật nơi học sinh có thể yên tâm học tập.

– Sử dụng hiệu quả chế độ đình chỉ học tập, hợp tác với cảnh sát.
– Giáo dục quyết liệt đối với học sinh lặp đi lặp lai hành vi bạo lực.

3. Dạy cho tất cả học sinh về ý thức kỉ luật, thực hiện triệt để nền tảng cơ bản trong tư cách con người.

– Đảm bảo và làm phong phú “giờ đạo đức”.
– Bắt buộc hóa hoạt động phụng sự ở trường học.
– Xúc tiến phổ cập việc nhập học vào tháng 9 ở các trường đại học.

4. Tổng động viên tất cả các phương thức để đào tạo nên các giáo viên có sức hấp dẫn và đáng kính trọng.

– Tuyển dụng một số lượng lớn những người đã đi làm ngoài xã hội làm giáo viên.
– Tạo ra hệ thống lương bổng hợp lý.
– Loại bỏ những giáo viên không phù hợp

5. Tạo ra trường học có thể đáp ứng thật sự sự tín nhiệm của phụ huynh và địa phương.

– Du nhập hệ thống giám sát, đánh giá bên ngoài với tư cách là các “cơ quan bảo đảm tiêu chuẩn giáo dục”.
– Thiết lập chức hiệu phó, giáo viên chủ chốt (shukan).
– Tuyển dụng hiệu trưởng là người ở ngoài khối dân sự.

6. Sửa đổi cơ bản phương thức tồn tại của Ủy ban giáo dục.

– Thiết lập đội ngũ quản lý nguy cơ.
– Trao quyền nhân sự cho thành phố, khu phố, làng ở phạm vi nhiều nhất có thể.
– Du nhập chế độ đánh giá bên ngoài với tư cách như là bên thứ ba đối với Ủy ban giáo dục.

7. Huy động sức mạnh của toàn xã hội vào việc giáo dục trẻ em.

– Sử dụng “Ngày gia đình” (giao lưu đa thế hệ).
– Giáo dục các nhà lãnh đạo địa phương.

II. 5 ứng phó khẩn cấp

1. Sửa đổi “giáo dục thong thả” (cấp thiết).
2. Cải cách cơ bản chế độ ủy ban giáo dục (Phiên họp thường niên của quốc hội năm 2007).
3. Chế độ đổi giấy phép hành nghề giáo viên (Phiên họp thường niên của quốc hội năm 2007).
4. Xác lập thể chế trách nhiêm của trường học (cấp thiết).
5. Xem xét, sửa đổi các thông tri, pháp lệnh nhằm chỉ đạo… đối với những trẻ em có hành vi phản xã hội (trong năm 2006) .

Nhiều học giả đã phản ứng dữ dội với bản báo cáo và đề án cải cách trên. Các giáo sư tập hợp trong “Hội giáo viên chuyên nghiệp” đã chỉ trích mạnh bản đề án này trong cuốn sách “Giáo dục đại hỗn loạn” (2007).

Các tác giả cho rằng, đề án đã không nhận ra vấn đề cơ bản nhất mà trường học đang phải đối mặt. Theo các tác giả này, ba trụ cột chính của đề án là: (1) Nhằm mục đích “nâng cao học lực”, (2) Để đạt mục đích cần tạo ra “các lớp học có kỉ luật”, (3) Nâng cao động lực và năng lực của giáo viên.

Đối với trụ cột đầu tiên, các tác giả cho rằng đây là sai lầm khởi đầu của các sai lầm. Họ cho rằng vấn đề lớn nhất mà trường học Nhật Bản đang phải đối mặt không phải là sự “suy giảm học lực” của học sinh mà là vấn đề “suy giảm năng lực đời sống”. Các học sinh hiện nay đã không trang bị được cho bản thân cách thức sinh hoạt phù hợp vì vậy mà khi gặp việc khó hay việc mình không thích thì ngay lập tức từ bỏ một cách dễ dàng, khi gặp chuyện gì đó – dù là không mấy nghiêm trọng cũng trở nên tổn thương sâu sắc. Mặt khác, chính các học sinh này lại không biết kiềm chế dục vọng và rất khó sinh sống, sinh hoạt cùng người khác. Khi bản thân bị tổn thương họ thường phòng vệ, phản ứng lại bằng bạo lực.

Cũng theo các tác giả này, biểu hiện cụ thể của vấn đề trên là hàng loạt các vấn đề xảy ra trong lớp học như bắt nạt, bỏ học, cự tuyệt trường học, vô kỉ luật, bạo lực.

Số lượng và tỉ lệ những học sinh nói trên đang tăng lên và các biểu hiện cụ thể như bắt nạt, bạo lực đã trở thành chuyện thường ngày.

Ngay cả trong học tập các môn giáo khoa, vấn đề này cũng thể hiện rõ. Theo các tác giả, việc học tri thức giáo khoa cần đến năng lực tập trung, năng lực kiên nhẫn, năng lực thử thách, khám phá cái mới và phải luôn nỗ lực không ngừng. Tuy nhiên học sinh ngày nay ngày càng kém tập trung và nỗ lực. Điều đó nói lên rằng học sinh Nhật Bản đã không có đủ điều kiện cơ bản về thể xác và tinh thần đáp ứng cho việc học.

Như vậy, chúng ta thấy cuộc tranh luận của người Nhật sẽ làm cho người đọc có liên tưởng đến tình hình ở Việt Nam.

Chương trình giáo dục trường học ở Nhật Bản về cơ bản gồm hai nội dung chính là “Giáo dục giáo khoa” “Giáo dục đời sống”. Sự đánh giá về tình hình học sinh hiện tại sẽ thể hiện cái nhìn của người đánh giá đối với sự cân bằng trong hai nội dung trên.

Trong khi tranh luận trên Facebook của tôi, có bạn hỏi “Lấy tiêu chí, kết quả nào để đánh giá?”. Ở Việt Nam rất thiếu các cuộc điều tra quy mô và đáng tin cậy. Các số liệu thống kê xã hội học rất ít và nhiều trường hợp không đáng tin. Học bạ và bảng điểm cho dù là một tham số cũng có thể đáng ngờ.

Ở Nhật, học lực của học sinh gần đây được đánh giá dựa vào kết quả thi PISA và các chỉ số thu được từ cuộc điều tra khảo sát học lực được thực hiện trên toàn quốc đối với học sinh lớp 9 (điểm số thu được chỉ để dùng nghiên cứu).

Tuy nhiên, trong thực tế, những kết quả định lượng như vậy không nhận được sự đồng thuận của giới học giả và cả người dân. Nhiều người kết tội các con số và các cuộc khảo sát đó là thủ phạm làm hỏng nền giáo dục Nhật.

Mối lo lắng về “sự suy giảm năng lực đời sống” trong giới trẻ của người Nhật có vẻ như ngày càng hiện hữu.

Khi đọc các tài liệu về nó và quan sát giới trẻ Việt Nam ở cả nơi làm, ngoài phố và ở cả bình diện xã hội, tôi không thể tránh khỏi những liên tưởng buồn bã.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời nghe radio: