Mẹ bảo con, “Con thấy em không, em ở quê thiệt thòi đủ thứ chẳng được đi chơi nhiều, không có điều kiện đi đó đây nhiều như con, nhỏ tuổi hơn con mà em ngoan ngoãn nghe lời.” Rồi lát sau khi con với em chơi cùng nhau mẹ lại bảo, “Em nhỏ, con chơi với em thì con phải nhường nhịn em chứ…” Đứa bé ấm ức, chẳng hiểu vì sao mẹ lại so sánh mình với em. Lúc thì mẹ nói con không bằng một góc sự hiểu biết ngoan ngoãn của em, lúc lại bảo con hiểu hơn em thì phải nhường. Ừ, đã chê con không hiểu biết bằng em, em hiểu hơn mà, sao hổng kêu em nhường đi mà kêu đứa kém hiểu biết phải nhường? Trong đầu con đơn giản suy luận như vậy.

Trong loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình”, mình viết và phân tích khá nhiều về nỗi ám ảnh “con nhà hàng xóm” mà các ông bố bà mẹ chụp lên đầu con mình. Sự so sánh, phân biệt đối xử luôn gây ra những tổn thương, mặc cảm rất lớn trong lòng một người. Với trẻ em, sự so sánh đó còn gây tổn thương hơn. Mẹ của bé có đọc loạt bài mình viết không? Có. Mình cũng đã ngồi nói chuyện với mẹ của bé nhiều lần. Nhưng đến nay bé vẫn chịu đựng rất nhiều áp lực từ mẹ, do mẹ vẫn đang gồng lên để đảm nhận các vai trò vợ hiền con thảo nuôi dạy con ngoan trong mắt người khác. Sợ người ta chê mình không biết dạy con nên có đưa con đi đến nhà ai chơi thì bắt nó ngồi một chỗ chào hỏi lễ phép, có được chơi thì cũng phải nhỏ nhẹ khẽ khàng duyên dáng nết na, muốn ăn phải hỏi muốn uống phải thưa không được tự tiện. Không được, không được, không được… rất nhiều thứ không được, trong khi cái được chỉ là: được ra khỏi nhà, đi với mẹ. Vui gì mà bắt con phải chịu đựng? Rồi đứa trẻ phải lo lắng nơm nớp vì không biết chủ nhà sẽ ngó xoáy gì mình, nói gì với mẹ mình, chủ nhà mà khó chịu gì đó với bọn trẻ, phàn nàn bâng quơ thì ngay lập tức hoặc sau đó về nhà trẻ sẽ bị đánh mắng hoặc đay nghiến, chỉ trích, la dạy. Thậm chí, mẹ sợ bị phán xét đến mức dặn dò, la mắng con trước về điều mà con còn chưa làm. “Qua nhà cô thì phải chào hỏi, ngoan ngoãn, không được hư như con nhà người ta nghe không.” Em có phải là trường hợp cá biệt? Em là đại diện cho hầu hết bà mẹ, ông bố, con người sống trong xã hội này.

Rất nhiều anh chị em nghe cái danh từ “con nhà hàng xóm” là nở nụ cười liền, vì thấy quen quá, hồi nhỏ bị so sánh phân bì với cái đứa đó hoài mà hổng biết nó là ai, mặt mũi ra sao. Các ông bố bà mẹ hay viện cớ lấy đứa khác làm gương, tùy tình huống khi thì gương xấu khi thì gương tốt để dạy con. Thiệt không? “Con nhà hàng xóm” có rời bạn khi trưởng thành không? Mình chứng kiến cảnh mẹ thằng bạn chăm sóc nó rất chu đáo trong việc ăn uống, nhưng cứ mở mồm ra là bà so sánh nó với thằng B, thằng D. “Đấy, nó bằng tuổi mày, học cùng trường mà giờ hai cái nhà mặt phố, vợ con ngoan ngoãn. Mày coi lại bản thân mày đi. Vợ con như thế…” Mặt thằng bạn vốn đã như cái mền giờ càng thêm sa sầm.

Nhiều người chồng, vợ nhìn ngó vợ, chồng nhà người ta rồi so với vợ, chồng mình. “Chồng người ta mỗi tháng làm mấy chục triệu đem tiền về!” Chị hét lên rất lớn để đáp lại câu cằn nhằn của anh, “Đi làm về mệt mà còn gặp bà nói nhiều, nhà người ta lúc nào cũng vui vẻ, về nhà này thấy chán.” Đâu phải chỉ trẻ em mới là nạn nhân của trò chơi “con nhà hàng xóm”. Đó là nỗi ám ảnh thường trực, thường xuyên, kể cả khi bạn già nằm một chỗ rồi vẫn bị so sánh, thậm chí cái chết của bạn vẫn bị đem ra so sánh.

“Trời ơi bà Hai vầy là khoẻ á nha. Tui mới đi thăm ông Năm hôm qua nè, ổng bằng tuổi bà, cũng đau giống vậy, mà giờ nằm một chỗ không có đi lại được như bà đâu. Bà ráng ăn vô cho khoẻ chớ để nằm như ổng là mệt!” Sốc tinh thần của bà Hai bằng cách làm cho bà Hai thấy ông Năm tệ hơn. Họ không biết họ đang làm bà Hai sợ chết khiếp. Ráng ăn vô, ráng uống thuốc vô, ráng ráng ráng… tự tạo căng thẳng khi bắt ép cơ thể phải phục vụ ý chí, khoẻ chưa thấy mà lại bệnh hơn vì toàn nghe hàng xóm chỉ bậy. “Anh ơi, chồng người ta sống với vợ với con tới đầu bạc mà sao anh lại nỡ bỏ mẹ con em lại một mình!” “Ôi con ơi là con ơi, bạn bè con còn đây mà sao con lại nỡ lòng nào bỏ mẹ đi đành đoạn để tre già phải khóc măng non?” Chết cũng không yên, vẫn bị so với đứa sống lâu hơn. Bạn chết thì bạn vẫn là nỗi thất vọng của họ? Chẳng phải vậy sao?

Ngày trước, chưa hiểu trọn bộ vấn đề này nên mình nghĩ đơn giản việc so sánh chỉ là sự thất vọng của người này dành cho người khác, mong muốn điều tốt đẹp hơn. Năm ngoái, khi trực tiếp ngồi trị liệu, chăm sóc mẹ, mình mới nhìn rõ hơn vì sao nỗi ám ảnh ấy lại bám rễ bền chặt đến vậy trong tâm trí con người. Con người không chỉ so sánh người thân với hàng xóm để làm gương đơn thuần mà họ thực sự cảm thấy thoải mái, vui vẻ, dễ nói chuyện với người khác, với hàng xóm hơn người thân.

Mình ngồi vừa chăm sóc mẹ, vừa giải thích cho mẹ nghe vì sao mẹ đau, giải thích về việc ăn uống, mẹ hổng để ý, mẹ coi ti vi. Con nhà người ta đang nói trên ti vi, nghe thích hơn. Biết mẹ không thích nghe chủ đề đang nói, mình im. Bữa sau mẹ nói, “Con con, trời ơi con nói y chang ông… nói nè, hổng khác gì…” Mình dạ, vui vẻ, mẹ hổng nghe mình nói mà nghe ông đó nói thì cũng được, ổng cũng hướng dẫn những điều đúng cho sức khoẻ của mẹ. Nhưng trong lòng mình có băn khoăn lập tức vì biết vấn đề không đơn giản như vậy. Ông này nói ổn nhưng nhiều người khác nói không ổn, mẹ có thực phân biệt được ai nói đúng hay ai nói sai?

Thoắt cái, hàng xóm qua, “Bà Hai, bà Hai, trời ơi tới bữa nay còn ăn thức ăn xay hả? Ăn cơm mới khoẻ được, ăn cơm mới có sức chớ ăn vầy hoài sao khoẻ đi chơi được?” Chiều mẹ đòi ăn cơm. Mình ngồi giải thích lại cho mẹ nhớ vì sao cần ăn xay, dạ dày đang đau bệnh. Nếu mẹ vẫn muốn ăn cơm mình vẫn mời mẹ cơm nhưng sau đó mẹ sẽ đau, khổ thân lắm. Mẹ ừ nhưng ăn hổng thấy ngon, cố tình ăn ít đi. Không chiều thì mỗi bữa mỗi ăn ít lại. Bữa sau, mình không cố cản nữa, mẹ muốn ăn gì mình nấu theo ý, mẹ ăn xong khen ngon. Mình nghe mẹ khen ngon mà trong bụng biết trước cái gì sắp xảy ra. Một tiếng sau mẹ bị đau, sau đó phải nhập viện luôn.

Tưởng mẹ hiểu rằng nghe lời hàng xóm không phải lúc nào cũng đúng, mà việc đó gây hại cho mẹ, trực tiếp trải nghiệm rồi. Dạ không. Hôm sau về nhà, hàng xóm chạy qua “Bà Hai, bà Hai..” là gì cũng nghe và thậm chí còn nghe đến mức quay ra khó chịu với đám con cháu trong nhà vì chúng nó cản không cho mình làm theo lời hàng xóm. Rồi hàng xóm chạy qua thì thầm đủ chuyện với mẹ, “Trời ơi cái này tui thấy còn tốt quá mà con Ngà nó đem bỏ, tui lấy về tui xài đó.” “Trời ơi, nó bỏ hết đồ của bà tui thấy tiếc quá, tiền không, tui đem vô tui cất đó mai mốt có cần xài gì thì xài chớ để bỏ uổng…” Họ thấy mình vứt đồ lưu cữu lâu năm, rác rến mẹ tích trữ trong nhà, một trong những nguyên nhân gây bệnh cho mẹ và cả gia đình. Mình chỉ cười cười với hàng xóm, không quan tâm, nhưng mẹ rất quan tâm.

Ban đầu mình cứ vô tư, khá ngu ngốc, khi nghĩ rằng đã giải thích rồi, mẹ tự trải nghiệm rồi, đau gần chết, thì sẽ không nghe hàng xóm nữa. Sau, thấy hổng có xuy xuyển gì hết, mẹ vẫn nghe lời hàng xóm hơn mình. Không chỉ riêng mình, mà mẹ không nghe đứa nào trong nhà từ con ruột đến dâu, cháu, kể cả cái đứa trong nhà mà ai cũng nghĩ là mẹ thương yêu nhất thì tiếng nói cũng không uy lực bằng con nhà hàng xóm.

Mấy đứa cháu của mình nhìn thấy hằng ngày, nghe, trải nghiệm trực tiếp cảnh cô Út làm việc quần quật chăm cho bà khoẻ lên được ba bốn ngày, hàng xóm chạy qua nói mấy câu, bà nghe theo. Cô Út hay ai trong nhà nói gì bà cũng không nghe, không chiều theo thì bà bỏ ăn, chiều theo càng chết. Mình không trách hàng xóm vì họ không hiểu biết. Mình thương. Họ đang gây hại cho mẹ mình, cho mình, mà sao lại thương mà không oán ghét? Mình khùng ha?! Có những đứa bạn thân còn nghĩ và nói mình “thánh” với đầy vẻ mỉa mai. Bạn nghĩ đi, nhìn sâu vô, bạn sẽ thấy những người hàng xóm ấy gây hại cho mẹ và cho mình một phần thôi, nhưng đã và đang tự gây hại cho bản thân và người thân họ gấp mười lần hơn. Họ không biết. Bạn biết mà đi chấp người không biết thì bạn có thực biết không? Thương họ. Mà nói hổng chịu nghe, thì thôi. Tại sao cho đến nước ấy mẹ vẫn nghe lời hàng xóm hơn con cái trong nhà? Không chỉ riêng mẹ mình đâu. Mẹ của bạn, chồng của bạn, vợ của bạn… để ý, bạn thấy liền cái bệnh. Tại sao?

Để trả lời được câu hỏi này, tốt nhất, bạn hãy nhìn vào chính mình. Từ tốn, chậm rãi, nghe, nhìn, thật kỹ, trung thực, không bỏ chạy khỏi vấn đề, bạn sẽ thấy.

Khi bạn gây ra một vết thương nào đó cho người khác, làm lỗi điều gì đó với họ, nói dối họ, có nhiều điều sai với họ, kể cả khi họ không biết bị bạn gây hại, gây tổn thương, bạn có cảm giác gì trong lòng? Trong người bạn cái gì diễn ra khi gặp người đó? Tim bạn đập ra sao, hơi thở, ruột, gan, cái đầu nghĩ gì? Nếu bạn đã nói chuyện, giải toả, trình bày, xin lỗi rồi thì bạn bớt được cảm giác có lỗi cào cuộn trong ruột và gỡ bỏ được nỗi sợ. Người ta hiểu và bỏ qua luôn thì bạn thấy nhẹ người.

Nhưng nếu ngay cái việc thú nhận với chính bản thân mà bạn còn chưa làm thì cảm giác đè nặng còn nguyên ở đó. Bạn làm ngơ đi để giả vờ bên ngoài nhưng bên trong bạn vẫn không thể chối bỏ mọi nhộn nhạo đang diễn ra. Phải không? Bạn không thể trốn cảm nhận vi tế của cơ thể, đó là hệ thống tự động. Nhận cảm nhận, cố gắng vùi đi thì nó cũng qua lúc đó nhưng nó không bao giờ mất đi. Cứ gặp mặt người đó là nó lại trồi lên. Thậm chí chỉ nghe tên họ thôi cơ thể bạn cũng đã thay đổi rồi.

Thay vì thừa nhận, nói chuyện để giúp nhau hiểu hơn, thì người ta thường vùi lấp bằng những câu chuyện bịa đặt, nhân danh, để khoả lấp cái cảm giác hối lỗi trong lòng. Bạn ít muốn gặp lại người đó, né được né liền à. Buộc phải gặp thì sượng sùng, ngần ngại, sợ. Người có uy quyền thì sẽ dùng uy quyền để trấn áp luôn người ta, tự nhủ nó xứng đáng chịu vậy vì nó…, lôi hết thói xấu hoặc những điều chưa được của người ta ra, tưởng tượng thêm đủ thứ xấu của nó để cho rằng ta đối xử với nó như vậy là không sai.

“Ba mẹ nào không thương con. La mắng là vì muốn con nên người, bay ngoan ngoãn giỏi giang như con nhà người ta thì sao lại bị mắng, ai mắng làm gì?!” “Anh mà tốt đẹp, không rượu chè thì em đâu có so sánh với chồng người ta.”… Không có lúc nào họ sai cái gì hết, lúc nào cũng đúng. Không giải quyết vấn đề bên trong mình thì tự gây hại. Trong trường hợp này là để sự sợ hãi, cảm giác hối lỗi ray rứt giết chết luôn mối quan hệ.

Mình đâu có mong nhận lời xin lỗi từ bất cứ ai, huống chi là từ mẹ, nhưng nếu mẹ không tự giải quyết được mặc cảm chất nặng bên trong, không tháo bỏ được nỗi sợ khi đối diện với sự thật thì bà vẫn luôn sống trong tình trạng đau bệnh cả thể xác lẫn tinh thần. Bà không khoẻ, không hạnh phúc, không bình an, không yêu thương con cháu, cũng không yêu thương hàng xóm dù rất nghe họ và vui vẻ với họ. Vui và nghe chỉ vì gặp cái đứa đó trong lòng mình hổng có gợn lên cảm giác khó chịu, không khó chịu thì nó nói gì cũng nghe hết, lại hợp ý quá thì càng nghĩ nó yêu thương mình. Hồi xưa mình đâu có đánh chửi nó, xưa giờ mình chỉ cho nó món này món kia, giúp nó việc này việc nọ, nói lời nhẹ nhàng yêu thương với nó không à, gặp nó trong lòng mình đâu có cảm giác gì đè nặng đâu nên dễ thở dễ nói chuyện, dễ nghe theo là vậy.

Ở vai trò là con cũng vậy, những đứa con thấy khó gần ba mẹ, ít lắng nghe ba mẹ hơn người ngoài, cũng chính vì chạy trốn cảm giác bên trong. Khó chịu, cay đắng, chua xót, buồn phiền, ẩn ức… mọi vấn đề còn tồn đọng trong lòng đều cản trở kết nối và giết hại tình yêu thương thực sự, chỉ còn lại những giả vờ che đậy và những nụ cười gượng gạo giả tạo trên khuôn mặt vô hồn. Lâu dần, quen, ai cũng vậy, thế là người ta coi đó là điều bình thường. Trong các mối quan hệ xã hội cũng y chang vậy, không khác gì nhau.

Mẹ mình đã nhiều tuổi, mình không làm gì được hơn ngoài việc yêu và chăm sóc trong khả năng có thể. Còn mình, các bạn, bọn trẻ thì sao? Mẹ mình có thể không tự cứu được nữa, nhưng câu chuyện về bệnh của mẹ biết đâu có thể làm cho ai đó nhận ra bản thân trong đó mà giật mình nhìn lại thì lại có ý nghĩa. Bọn trẻ con nhà mình sau đợt trải nghiệm ấy thì tỉnh thức và hiểu rõ hơn về bệnh của bà, của bản thân, lẫn xã hội để sống bình thản hơn, biết yêu thương thật sự là gì, không còn mặt nạ.

Đứa bé ở đầu câu chuyện này gọi mình là mẹ thứ hai, mình hiểu con gọi vậy vì con mong ước được mẹ hiểu con như cô hiểu con. Hồi nhỏ mình cũng từng nghĩ, ước mình có một người mẹ khác! Mình đã từng ước mình là con nhà hàng xóm! Là cha mẹ, mà để con mình mất kết nối với mình thì vừa tội mình vừa tội con.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: