Chúng ta đều biết, hạt giống chỉ ở vào thời điểm thích hợp mới có thể nảy mầm, nụ hoa chỉ ở vào thời điểm thích hợp mới có thể nở rộ, rất nhiều lời nói chỉ ở vào thời điểm thích hợp mới có thể nói ra, rất nhiều sự tình chỉ ở vào thời điểm thích hợp mới có thể làm… Kỳ thực, vạn vật trên thế gian đều tồn tại một “thời điểm” như vậy, gọi là “thích hợp”. Một người cư xử “thích hợp” thì nhất định sẽ được lợi trong đối nhân xử thế.

Trí tuệ cổ nhân: Cư xử thích hợp trong đối nhân xử thế
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Nhà văn triều Minh, Phùng Mộng Long từng nói trong bài “Trí nang”: “Vật, quý cực chinh tiện, tiện cực chinh quý, phàm sự giai nhiên”, ý nói sự vật quý đến cực điểm thì sẽ lộ ra dấu hiệu của tiện, tiện tới cực điểm thì sẽ lộ ra dấu hiệu của quý, phàm là sự vật thì đều như vậy. Theo ý nghĩa này mà nói, thích hợp (thỏa đáng) là thời điểm tốt nhất. Làm người làm việc một cách thích hợp, thỏa đáng cũng là phẩm giá tốt nhất của người quân tử, là trí tuệ của người sáng suốt.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện thực lại rất ít người làm được điều này. Trong cuốn “Sử Ký” có chép một chuyện thế này. Lúc còn trẻ tuổi, vì nhà nghèo nên Trần Thắng thường đi cày thuê cùng với những người khác. Một lần, Trần Thắng dừng cày trên gò rồi bùi ngùi một hồi lâu và nói với bạn cày: “Sau này nếu được giàu sang, xin đừng quên nhau!”. Người bạn cày thuê cười, đáp:Đã đi cày thuê còn giàu sang nỗi gì?”. Trần Thắng thở dài, nói: “Than ôi! Chim yến tước làm sao biết được cái chí của chim hồng, chim hộc!”

Sau khi Trần Thắng xưng vương, người bạn cày cùng những người quen khác nhiều lần đến cung điện nói: “Ta muốn gặp Trần Thắng”, nhưng những người lính canh gác cửa không cho vào. Khi Trần vương xuất cung, người bạn này lại ở bên đường la lớn tên của Trần Thắng. Trần vương nghe thấy liền triệu kiến đến và đưa về cung.  Sau khi vào hoàng cung, nhìn thấy phòng ốc và màn trướng nguy nga lộng lẫy, có người lại cảm thán mà thốt lên: “Thật tuyệt vời! Trần Thắng, sau khi lên làm vua ở một nơi thật là lộng lẫy!” Những người này ra vào hoàng cung một cách rất tùy tiện và thường xuyên nhắc lại những câu chuyện xưa về Trần Thắng. Có người liền nói với Trần Thắng. Thế là Trần Thắng cuối cùng đã cho xử trảm một người.

Có thể nói người đó bị xử trảm là do tự mình. Lúc ấy Trần Thắng đã xưng vương, thân phận và địa vị đã thay đổi, nên không thể đối đãi một cách tùy tiện như lúc trước được. Hoàng cung ra vào là có phép tắc, hơn nữa Quân vương còn phải chú ý đến tôn nghiêm. Người đó không hiểu được đạo lý, không cư xử thích hợp mà bị vong mạng.

Trong lịch sử có không ít người biết cư xử phù hợp, thỏa đáng mà đạt được kết quả tốt đẹp. Trong “Hán Thư” có viết về Công Tôn Hoằng, tể tướng đời Hán Vũ Đế như sau.

Công Tôn Hoằng hiểu thấu Hán Vũ Đế nên mỗi khi lên triều luận sự, ông đều chỉ tấu báo tình hình để Hán Vũ Đế phán quyết mà không bày tỏ ý kiến riêng của mình. Nếu thấy ý kiến của mình cần được Hoàng đế thấu hiểu, ông sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp mà trình bày, chứ không ở trước mặt các quần thần mà tranh luận đúng sai với Hán Vũ Đế. Hơn nữa, mỗi lần đưa ra cách nhìn của mình, ông luôn cùng Chủ tước Đô uý Cấp Ảm thương nghị kĩ càng trước. Hán Vũ Đế cũng thường rất vui vẻ tiếp nhận. Qua một thời gian dài, Hán Vũ Đế cảm thấy Công Tôn Hoằng là người cẩn thận thành thật, biết rõ văn pháp lại sự, lại giỏi biện luận nên càng thân cận và trọng dụng ông hơn.

Sở dĩ Công Tôn Hoằng xử thế như vậy là bởi vì ông hiểu rằng nếu như động một chút lại ở trước mặt quần thần mà tranh luận với Hoàng đế thì sẽ mạo phạm đến sự uy nghiêm của Hoàng thượng. Như vậy thì hậu quả sẽ thật khó lường. Về sau, Công Tôn Hoằng trở thành danh thần của nhà Tây Hán. Thành quả ấy có được cũng phần nào nhờ vào cách cư xử thích hợp của ông.

Làm người, làm việc đều cần thích hợp, thỏa đáng. Người ta thường dùng tâm của mình để phỏng đoán người khác, thậm chí mang “thiện chí” của mình để thay đổi quyết định hoặc cuộc sống của người khác, nhưng kết quả lại là phá hủy quyết định và cuộc sống của họ, mang đến cho họ những tổn thất nhất định. Đó là bởi vì chúng ta chưa đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để xem có thích hợp, thỏa đáng hay không.

Vạn vật nơi thế gian đều có quy luật riêng của chính mình, cũng gọi là “thích hợp”. Vì vậy, trong một số sự tình, chúng ta phải biết linh hoạt, kịp thời thay đổi, không nên khăng khăng không chịu tỉnh ngộ. Nếu chúng ta đi ngược lại với quy luật ấy thì thường sẽ tạo thành kết quả không tốt. Ví như cá phải sống trong nước, nếu bắt nó để trên cạn thì nó sẽ chết. Cho nên, khi gặp những sự tình không thỏa đáng, chúng ta nên nhanh chóng điều chỉnh cho thích hợp.

Hiểu được thích hợp, thỏa đáng thì sẽ trở thành người biết nghĩ cho người khác. Đại thần Dữu Lượng thời Đông Tấn từng có một con ngựa rất hung dữ. Có người khuyên ông nên bán con ngựa ấy đi nhưng ông lại nói: “Ta bán nó tất sẽ có người mua, nhưng như vậy lại làm hại chủ mới của nó. Chẳng lẽ vì nó không an toàn đối với mình mà có thể giá họa cho người khác được sao?” Có thể thấy, sự thỏa đáng của Dữu Lượng đã hiển lộ ra phẩm cách quân tử của ông. Người quân tử chính là như vậy, họ biết rằng người khác và mọi sự vật đều có sự phù hợp của riêng mình để bao dung, thích nghi. Đây chính là thái độ tốt nhất, cũng là cách đối nhân xử thế tốt nhất.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: