Lời tòa soạn: Những năm 1930, với sự ra đời ồ ạt của báo chí, các cây bút đua nhau đấu trí, bày tỏ lập trường, bộc lộ tâm tình đối với nhau, tạo nên một sinh hoạt hào hứng trên các tờ báo, cũng là một nét riêng có của phê bình văn học thời kỳ này. Trong các cuộc tranh luận qua lại xuất hiện ở thời điểm này, đáng chú ý có cuộc “bút chiến” về vấn đề quốc học. Dưới đây là ghi chép của tác giả Thanh Lãng về cuộc bút chiến này, trích từ loạt bài viếtPhê bình văn học thế hệ 1932, đăng trên tạp chí Chim Việt Cành Nam.

Lê Dư đặt vấn đề Quốc Học

Quốc học là gì? Thực chất của nó ra sao? Đó là một vấn đề được đặt ra vào khoảng đầu năm 1930. Nhưng hình như hồi đầu người ta không có đặt vấn đề nội dung cho từ ngữ này. Cái người đầu tiên đã dùng tiếng này nhiều có lẽ là Sở Cuồng Lê Dư: ông lập ra một tủ sách lấy tên là “Quốc học tùng san”. Tất cả các sách do ông biên soạn đều đề là “Sở Cuồng Văn Khố Quốc học tùng san”. Rất tiếc là lúc viết về vấn đề này tôi không có trong tay tất cả các tài liệu liên quan đến vụ này mà không biết tìm đâu cho ra. Các thư viện mà tôi biết đều không có.

Năm 1930, Lê Dư cho xuất bản tập nghiên cứu đầu tiên của ông trong bộ Quốc học tùng san, đề là “Bạch Vân Am thi văn tập” với lời ghi chú “giật sử và văn thơ sấm ký của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm”.

Rất tiếc là hiện giờ tôi không có tập này trong tay. Nhưng tôi nghe rằng trong Bạch Vân Am thi văn tập, Lê Dư đã đề cao Nguyễn Bỉnh Khiêm như là người có công nhất trong việc xây dựng nền quốc học.

Trịnh Đình Rư bác lý thuyết về Quốc Học của Lê Dư

Trịnh Đình Rư phê bình Bạch Vân Am thi văn tập của Lê Dư. Bài phê bình này, tiếc rằng tôi cũng chưa được đọc, chỉ biết, theo Phan Khôi, trong bài “Luận về quốc học” (P.N.T.V. số 94, 6-8-1931) thì Trịnh Đình Rư không đồng ý với Lê Dư, không công nhận nước ta đã có cái gì gọi là quốc học. Trong bài Luận về quốc học, Phan Khôi có trích lại hai đoạn văn Lê Dư đã trích của Trịnh Đình Rư: “Nước ta từ xưa đến nay chưa từng thấy có cụ nào dựng ra được một học thuyết gì to tát riêng, xét đến lịch sử những nhà học giả Đông Tây mà nghĩ lại đến quốc học nhà, ta tưởng tự lấy làm thẹn” (trích theo Luận về quốc học, P.N.T.V. số 94, 6-8-1931) và của Phạm Quỳnh: “Nói đến học thuật chơn chánh thì cổ lai nước ta có gì; không dám nói bạc tiền nhân, nhưng thật không có người nào vậy. Tương truyền lý học thâm thúy có cụ Chu An và cụ Trạng Trình nhưng các cụ phát minh được những điều gì, trứ thuật được những sách gì có ích?”

Cứ theo Phan Khôi thì vì Trịnh Đình Rư và Phạm Quỳnh đã có ý kiến như vậy về quốc học cho nên Lê Dư đã viết bài “Câu chuyện đọc thơ của ông Trạng” trong đó ông Lê Dư lên án đích danh Trịnh Đình Rư và ám chỉ ông Phạm Quỳnh bằng việc trích văn của ông này như Phan Khôi tố cáo mà không gọi tên đích danh Phạm Quỳnh. Trong bài đó Lê Dư kết án Trịnh Đình Rư và Phạm Quỳnh rất gắt gao mà ông gọi là vô ơn và nhục mạ tổ tiên. Phan Khôi có trích mấy dòng sau đây của Lê Dư: “Ôi! các ông chưa xét cho kỹ, mà dám to gan dạn miệng bội bạc tiền nhân như vậy! Sao các ông vụ nhục nền văn hoá nước nhà như vậy?” (Trích theo Phan Khôi trong bài Luận về quốc học).

Phạm Quỳnh bày tỏ lập trường ủng hộ Trịnh Đình Rư

Nếu bài phê bình của Trịnh Đình Rư chúng ta không được đọc toàn vẹn vì chưa biết nó được đăng ở báo nào, chứ bài của Phạm Quỳnh thì chúng ta có thể đọc được đầy đủ. Thực ra Phạm Quỳnh không có ý bàn về quốc học mà chỉ bàn đá đến vấn đề mà thôi. Phan Khôi kết án Phạm Quỳnh là học phiệt, nghĩa là kiêu ngạo, khinh người, không chịu trả lời khi có người công kích. Phạm Quỳnh trả lời Phan Khôi qua bài “Trả lời bài Cảnh cáo các nhà học phiệt của Phan Khôi tiên sanh” (P.N.T.V. số 67, 28-8-1930). Trong bài này, sau khi đã minh xác và thân oan cho thái độ của mình, Phạm Quỳnh, trong phần kết luận, có bày tỏ nỗi lòng của ông đối với nền học vấn của ta từ xưa đến nay. Phạm Quỳnh phàn nàn rằng tất cả cái học của ta từ xưa đến nay đều là cái học thuê viết mướn chưa có gì đáng giá cả. Thế rồi ông hô hào người trong nước cố gắng gây lấy một nền quốc học mai ngày bằng việc thành lập hội “chấn hưng quốc học”:

“Nói đến học thuật chơn chánh thì cổ lai nước ta đã có gì? Không dám bội bạc tiền nhân, nhưng thật không có người nào vậy. Tương truyền lý học thâm thúy có cụ Chu văn An, cụ Trạng Trình. Nhưng các cụ phát minh được những điều gì, trứ thuật được những sách gì có giá trị? Nào đâu là những phái Vương học, phái Thiền tôn như ở Nhật bản, cũng học chữ Tàu mà khám phá được nhiều điều người Tàu không nghĩ tới? Nước mình tịnh không có gì cả. Đó chẳng qua là bởi cái tinh thần học vấn của mình nó bạc nhược quá. Lại bởi cái mô phỏng của người mình nữa, xưa kia phỏng chép người Tàu, ngày nay bắt chước người Tây…

“Ấy cái hiểm tượng của học giới ta ở đó, ở cái tánh nô lệ của người mình đó, chớ không phải là lỗi tại người nầy hay người nọ…

“Phải nên cùng nhau hiệp lực, cố gây dựng cho nước nhà một nền “quốc học” đích đáng, không Tây mà không Nho, có cái tính cách đặc biệt, tiêu biểu được cho cái tinh thần cố hữu của nòi giống. Cái ý tưởng đó ngày nay Phan tiên sanh mới đề xướng, mà về phần tôi chủ trương đã lâu lắm rồi.

“Vậy ngày nay chúng ta có nên cổ động lập một hội “Chấn hưng quốc học”, họp tập những người có chí học vấn trong Nam ngoài Bắc, mỗi năm hội nghị một lần để bàn các kế hoạch nên thi hành cho nước nhà có một nền quốc học xứng đáng không?

“Thiết tưởng thế còn hơn là cãi vã nhau vô ích. Phan tiên sanh nghĩ sao?

(Phụ Nữ tân văn, số 67, 23-8-1930).

Phan Khôi công kích Phạm Quỳnh

Vì Phạm Quỳnh đã hỏi “Phan tiên sanh nghĩ sao?”, nên Phan Khôi đã trả lời Phạm Quỳnh trên Phụ Nữ tân văn, số 70, 18-9-1930, qua bài “Về các ý kiến lập hội chấn hưng quốc học của ông Phạm Quỳnh”.

Trong bài này, sau khi thương xác với Phạm Quỳnh nhiều vấn đề, Phan Khôi tỏ ý không tán thành việc thành lập cái hội gọi là hội “Chấn hưng quốc học”. Theo Phan Khôi chúng ta dã có quốc học bao giờ đâu mà nói đến mất hay đến suy vi khiến phải chấn hưng. Phan Khôi viết:

“Cái ý kiến của tiên sanh muốn lập một hội kêu bằng “Chấn hưng quốc học” đó, theo tôi, tôi tưởng ta chưa làm được, mà cái hội ấy hình như cũng không cần có nữa. Nhơn rốt bài của tiên sanh, có lời hạ vấn đến tôi, tôi phải trực trần ý kiến, xin chớ ai thấy mà trách tôi: Làm không làm, lo phá đám!

“Trước hết xin gạn hỏi cái tên hội mà tiên sanh phỏng định ra đó. Phàm cái gì từ trước đã có sẵn rồi mà sau suy bại đi, mình muốn làm cho nó hồi phục lại cái quang cảnh cũ, vậy mới nói là chấn hưng được. Cái nầy nền “quốc học” của nước ta tiên sanh đã nhận rằng từ xưa chưa có, mà tôi cũng từng nhận như vậy, thì sao gọi được là “chấn hưng”?

Ấy ngay từ hồi này, như các bạn thấy, chẳng phải chỉ có Trịnh Đình Rư hay Phạm Quỳnh chối ta không có quốc học mà cả Phan Khôi nữa. Phan Khôi còn chối mạnh hơn cả hai ông Rư và ông Quỳnh. Vậy mà trong bài “Câu chuyện đọc thơ của ông Trạng” Lê Dư chỉ đả kích có Trịnh Đình Rư và Phạm Quỳnh mà không nói gì đến Phan Khôi. Chính sự yên lặng đó của Lê Dư đã được Phan Khôi nhắc tới trong bài Luận về quốc học của ông khi ông viết:

“Còn tôi ai khảo mà xưng “Lạy ông tôi ở bụi này”, cái không những là dại mà là dởm. Nhưng vì nếu tôi có thú khai tôi ra đây thì cái ý nghĩa bài này mới càng đích xác hơn vậy.

“Cái giọng phủ nhận như ông Trịnh Đình Rư và ông Phạm Quỳnh đó, thưa thiệt, tôi cũng có thốt ra nhiều lần rồi…

Một lần sau mới đây, lời càng thống thiết hơn, là trong bài “Hán học ở bên Tây” đăng ở báo Đông Tây cách vài tháng trước. Trong bài ấy đến nỗi tôi muốn nói rằng nước ta từ xưa đến nay không có cái gì đáng gọi là cái học nữa kia. Những cái luận điệu của tôi đó tưởng ít nữa ông Lê Dư cũng có thấy qua, song ông chừa tôi ra, là vì ông cùng tôi có tình anh em riêng, với tôi, ông càng không muốn rắc rối hơn với ông Phạm nữa.

Ông Lê có lòng tốt đối với tôi như vậy tôi nỡ nào đi phụ cái lòng ấy của ông? Song tôi nghĩ, cái chân lý giữa cõi học nó bắt phải để riêng cái tình anh em trong một nhà. Bởi vậy, trong việc này, tôi phải để mình về bên hai ông Phạm và Trịnh kia, viết bài này cùng ông Lê thương xác lại vấn đề ấy”.

(Phụ Nữ tân văn số 94, 6-8-1931).

Cuộc chiến bùng ra gay gắt từ đấy. Nhưng trước khi đi vào việc trình bầy tiếp cuộc tranh luận này, chúng ta cần tìm xem quan điểm Lê Dư từ đấy trở về trước đối với vấn đề quốc học như thế nào.

Tôi không được đọc Bạch Vân Am thi văn tập là tập I trong bộ Quốc học tùng san của Lê Dư in năm 1930, nhưng tôi được đọc Vị Xuyên thi văn tập là tập II của bộ Quốc học tùng san, in năm 1931. Nơi đầu tập sách này có hai bài giới thiệu ngắn một của nhà xuất bản Nam Ký thư quán là nhà xuất bản đứng ra in tất cả sách vở của Lê Dư, một của Sở Cuồng Văn Khố. Theo chỗ tôi phỏng đoán thì hai bài giới thiệu này cũng đã in ở đầu sách “Bạch Vân Am thi văn tập” rồi nay lại được giới thiệu lại ở Vị Xuyên thi văn tập. Bài giới thiệu của Nam Ký thư quán mang tựa đề là “Lời bá cáo của nhà xuất bản bộ Quốc học tùng thư”. Vậy lời bá cáo này mở đầu bằng những đòn sau đây:

“Quốc hồn ở đâu? ở tại tư tưởng, tư tưởng phát ra làm văn chương, văn chương của các nhà học giả nước ta, từ xưa đến nay chính là quốc hồn ở đấy nên quốc học cũng ở đấy.

“Ông Sở Cuồng là một nhà đốc chí hiếu học, cố sức vun bồi nền quốc học, phát huy áng văn chương riêng của nước ta, ngót mười năm nay ở trường Bác Cổ, lưu lý sưu tập những tài liệu thuộc về quốc văn, quốc sử biên tập thành bộ “Quốc học tùng san” kể hơn một trăm tập nào là lịch sử, nào là văn chương, tài liệu như núi như non, từ tảo như hoa như gấm, đủ chứng minh kho văn học của ta phong phú như vậy, các bậc tiền bối ta, có công với nền quốc học như vậy” (Lời bá cáo của nhà xuất bản bộ Quốc học tùng san, trong Vị Xuyên thi văn tập 1931). Đến chính Sở Cuồng cũng có mấy lời giới thiệu Quốc học tùng san của ông, cũng in ở đầu cuốn Vị Xuyên thi văn tập như thế này: “Bản Văn Khố muốn lấy sức mọn vun bồi cái cơ sở nền quốc học, phát huy áng văn chương riêng của nước ta, ra công sưu tập văn chương và lịch sử của các nhà học giả xưa biên thành bộ “Quốc học tùng san” này, phương pháp theo lối khảo cổ, cốt thu thập được nhiều tài liệu cho tiện về sau này, các nhà văn học muốn khảo cứu về vấn đề gì đều sẵn đủ cả, cho nên cái nội dung có khác với các quyển giáo khoa và các quyển thi văn tinh tuyển khác, xin độc giả lượng xét cho”. Bài giới thiệu này ký là “Sở Cuồng Văn Khố”.

Cứ những bài giới thiệu trên đây thì ta thấy quan điểm của Lê Dư chưa được minh bạch rạch ròi cho lắm. Nếu quan điểm đó không chỉ cho quốc học là văn học thì ít ra quốc học hầu như là văn học. Thứ nhất ta thấy những sách trong bộ quốc học của Lê Dư gồm toàn sách văn chương: nơi bìa tập sách Vị Xuyên thi văn tập, tác giả liệt kê “Sách bộ Quốc học” của ông chỉ gồm toàn sách văn chương như: Văn đàn bảo giám, Bạch Vân Am thi văn tập, Bằng quân thi văn tập, Ôn Như Hầu thi văn tập, Vị Xuyên thi văn tập, Việt văn dẫn giảng… Thứ hai là ta thấy Lê Dư hứa sẽ viết một bộ Việt Nam văn học sử với dụng ý minh chứng nền quốc học Việt Nam rất phong phú. Thứ ba ta thấy lời giới thiệu của Nam Ký thư quán cũng hiểu quốc học là văn học như trong câu: “Quốc hồn ở đâu? Ở tại tư tưởng, tư tưởng phát ra làm văn chương, văn chương của các nhà học giả nước ta từ xưa đến nay chính là quốc hồn ở đấy, nên quốc học cũng ở đấy”. Thứ bốn ta thấy chính Lê Dư trong “Mấy lời giới thiệu” cũng nói đến việc xây cơ sở nền quốc học bằng việc sưu tầm văn chương:

“Bản văn khố muốn lấy sức mọn vun bồi cái cơ sở nền quốc học, phát huy áng văn chương riêng của các nhà học giả xưa, biến thành bộ quốc học tùng san này”.

Phan Khôi đã chẳng hiểu quốc học như Lê Dư, vì thế ông mới viết bài luận về quốc học.

Phan Khôi luận về Quốc Học

Trước hết Phan Khôi nói đến việc dùng danh từ quốc học trong văn giới Việt Nam cũng như văn giới Trung Hoa mới là từ mấy năm trở lại đây mà thôi.

Phan Khôi định nghĩa chữ Quốc học rất rành rẽ. Ông viết:

“Quốc học là một danh từ mà cũ và mới có nghĩa khác nhau. Hồi trước ta nói “quốc học” tức là cái trường học cho cả nước; như trường Quốc học ở Huế là lấy nghĩa ấy: Còn chữ “Quốc học” ngày nay thường dùng là chỉ về cái học riêng của một nước, có vẻ đặc biệt, có chỗ khác với nước ngoài. Vậy khi nói “quốc học” cũng gần giống như “quốc phục” là y phục riêng của một nước. Nói “Quốc kỳ” là hiệu kỳ riêng của một nước.

“Chữ quốc học trong bài này chuyên nói về nghĩa mới là nghĩa sau đó

(Luận về Quốc học).

Như vậy, theo Phan Khôi, Quốc học là nền học thuật, tức nền tư tưởng, nền triết học riêng của một nước đã thực sự ảnh hưởng, chi phối đời sống của dân tộc nước ấy khiến cho dân tộc ấy thành khác biệt những dân tộc trên thế giới.

Dựa theo giới thuyết như trên về quốc học, Phan Khôi đồng tình với Trịnh Đình Rư và Phạm Quỳnh mà quả quyết nước ta chưa có quốc học. Phan Khôi cho rằng đây là một vấn đề học vấn, vấn đề chân lý; có thì nói có, không thì nói không, chứ đừng vì tình cảm, vì tự ái dân tộc không đúng chỗ mà phải nhận là có cái ta chưa có:

“Ông Lê nói có, ông lại hứa rồi đây ông sẽ đem chứng cớ ra. Song, truyện ấy để lát nữa sẽ nói, đây tôi xin tỏ ra cái cớ tại sao mà chúng tôi phải hô hào lên cho người ta biết rằng nước ta không có quốc học.

Sự học tức là sự trí thức, nó chuyên khuynh hướng về lý trí mà không nên xen vào một chút tình cảm. Đức Khổng cũng dạy rằng cái học của người đời xưa là vị kỷ và bắt đầu từ thành ý nghĩa là không dối mình. Khi nói về cái học của một người đã vậy thì khi nói về cái học của một nước cũng vậy. Nếu nước ta quả không có quốc học thì dầu nó là một sự nhục cho mình đi nữa cũng phải chịu, không nên vì tình cảm mà nói có, cho thành ra dối mình. Dối mình là một cái hại lớn lắm, cho người cũng như cho nước. Bởi vì, nếu không mà nói có, ai nấy tin rằng có, sẽ sanh ra lòng tự phụ, mà tự phụ một cách hư ngụy, rồi không lo tu tấn nữa, nhơn đó cõi học trong nước lại càng tối tăm thêm. Do lẽ ấy trước khi muốn người nước mình bắt đầu từ ngày nay lập nên một nền học thuật chúng tôi phải khai thiệt ra cho ai nấy biết cái tình hình trong cõi học nước ta từ trước ra thế nào; thấy không có thì chúng tôi phải nói không có, đó là chỗ trung hậu thành khẩn của chúng tôi, cũng như một nhà kia ông cha nghèo, thì phải khai thiệt là nghèo, không có một cục đất nào thì phải khai thiệt là không có một cục đất; hầu cho con cháu mà lo làm ăn vậy.

“Đó, nếu ai đã tin bụng tôi, hoặc chúng tôi, thì sẽ không trách sự phủ nhận ấy là bội bạc, là vụ nhục nữa; bây giờ đây, cái vấn đề chỉ còn là sự “có” với “không” mà thôi. Như ai nói “có” thì phải đem chứng cớ ra”.

(Luận về quốc học).

Sau khi minh định quan niệm và thái độ thẳng thắn như vậy, Phan Khôi duyệt qua một ít các nhà học giả xưa mà Lê Dư thường nâng lên như là các ông tổ của nền quốc học Việt Nam thì chỉ thấy họ là những nhà văn học chứ không ai kiến tạo được một hệ thống tư tưởng riêng biệt cho xứ sở này.

Phạm Quỳnh luận về Quốc Học

Đồng ý và tiếp theo Phan Khôi, Phạm Quỳnh viết một bài đại luận “Bàn về quốc học”, đăng liên tiếp trên hai số báo Phụ Nữ tân văn số 104 (15-10-1931) và số 105 (22-10-1931).

Nơi bài số 104 (15-10-1931) Phạm Quỳnh thử ngược dòng lịch sử duyệt qua một vòng xem có thể tìm đâu ra được vết tích quốc học không thì Phạm Quỳnh đã phải thất vọng hoàn toàn.

Theo Phạm Quỳnh, anh hùng ta có, liệt nữ ta có, danh sĩ, cao tăng ta cũng có, nhưng trong “cõi học nước ta, cổ kim chưa có người nào có tài sáng khởi, phát minh ra những tư tưởng mới, thiết lập ra những học thuyết mới, đủ có cái vẻ độc lập một “nhà” đối với các “nhà” khác như bách gia chư tử bên Tàu ngày xưa” (Bàn về quốc học, P.N.T.V. số 104). Cái học của ta, Phạm Quỳnh thấy toàn thị là cái học mướn mà học mướn ấy cũng chưa học cho đến nơi đến chốn… Tổ tiên ta chỉ chú trọng đến cử nghiệp cho nên rút cục sau hàng ngàn năm các cụ học hành mà con cháu ngày nay nhìn về các cụ chẳng tìm thấy gì gọi được là học thuật tư tưởng đứng đắn cả. Về việc định nghĩa quốc học là gì, ý tưởng Phạm Quỳnh giống ý tưởng Phan Khôi, duy có điều Phạm Quỳnh nói sau nên có chiều khúc chiếc gẫy gọn hơn. Ông nói: “Quốc học là gồm những phong trào về tư tưởng học thuật trong một nước, có đặc sắc khác với nước khác, và có kết tinh thành ra những sự nghiệp có trước tác lưu truyền trong nước ấy và ảnh hưởng đến các học giả trong nước ấy” (Bàn về quốc học, P.N.T.V. số 104).

Cứ theo định nghĩa ấy Phạm Quỳnh đã đồng ý với Phan Khôi mà bảo rằng nước ta chưa có quốc học. Rồi từ đó ông đi tìm nguyên nhân đã xui khiến nên tình trạng buồn tủi kia. Phạm Quỳnh cắt nghĩa sự thiếu vắng kia bằng ba lý do vừa địa lý, vừa lịch sử, vừa chính trị. Về địa lý, nước ta quá bé nhỏ cho nên hầu như bị Trung Hoa nuốt trửng nên bị mất hẳn độc lập về tinh thần.

Về lịch sử, nước ta càng bị nước Tàu đè nén hơn nữa. Ngoài 10 thế kỷ nô lệ, Việt Nam trong suốt thời độc lập vẫn phải đối phó gay go cơ cực với Tàu. Ấy là chưa nói đến việc ta coi các học thuyết truyền từ Tàu sang đều là tôn giáo cả cho nên không khi nào dám bàn cãi.

Thuộc về chính trị, thì nước ta xưa kia bị cái nạn quân chủ chuyên chế. Nhà vua đã đặt ra một lối học rất gò bó để làm tiêu chuẩn tuyển chọn người tài thành ra bao nhiêu sáng kiến tư nhân bị tiêu diệt dần đi.

Sau khi đã nhìn về dĩ vãng mà nhận định vấn đề như vậy, Phạm Quỳnh đã hướng về tương lai mà đặt vấn đề: làm sao để xây dựng được một nền quốc học? Nếu đã tố cáo cái học nô lệ theo Tàu xưa kia thế nào, thì Phạm Quỳnh lại chống cái học hoà đồng theo Tây như vậy. Cả phần thứ hai của bài bàn về quốc học, tức bài số 105 (P.N.T.V. số 105, 22-10-1931), Phạm Quỳnh dành cho việc phân tích nghiên cứu vấn đề để tìm một lối thoát cho tương lai đang lúc Tây phương chi phối chúng ta nặng nề chẳng kém gì Tàu đồng hoá các cụ ta xưa kia. Phạm Quỳnh muốn đề ra một triết lý văn hoá, nó sẽ là linh hồn, là cơ sở cho nền quốc học tương lai. Triết lý đó là triết lý dung hoà. Ông viết: “Muốn cho gây được thành một cái quốc học riêng của mình, thì phải dùng phương pháp phê bình khảo cứu của khoa học mà phân tích những học thuyết cùng nghĩa lý cũ của Á đông ta rồi đem ra nghiền ngẫm, suy nghĩ, đối chiếu với những điều chân lý cùng những sự phát minh của khoa học thái tây. Kết quả của sự phân tích cùng tổng hợp đó, tức là tài liệu để gây ra quốc học sau này vậy” (P.N.T.V. số 105).

Lê Dư trả lời cả Phạm Quỳnh lẫn Phan Khôi

Sau loạt bài của Phan Khôi đến của Phạm Quỳnh, đến lượt Lê Dư lên tiếng. Không như những lần khác, lần này quan điểm của Lê Dư được trình bầy khá minh bạch. Người ta có thể không đồng ý với ông nhưng biết rõ ông muốn gì chứ không như trước đây. Có lẽ những lời công kích ông trước đây, đã khiến cho Lê Dư suy nghĩ và cô đúc lại để đặt ra một lý thuyết cho chữ quốc học mà trước kia có lẽ ông chưa có ý kiến rõ rệt.

Lê Dư cũng tự nhận thấy rằng sự không rõ rệt đó đã xui khiến nên những cuộc tranh luận mà ông cho là vô ích cho nên ông viết bài “Vấn đề quốc học” ghi rõ định nghĩa và nội dung quốc học (P.N.T.V. số 107, Nov 1931).

Lê Dư đã định nghĩa quốc học: “Quốc học là học vấn, kỹ thuật của một nước: học vấn kỹ thuật ấy là cái cố hữu của mình hay là cái mình học của người nhưng đã thay đổi nhiều lắm, nay trở thành cái cố hữu của mình mà người ta không ai có” (P.N.T.V. số 107).

Sau khi định nghĩa, Lê Dư mô tả nội dung của quốc học: “Quốc học là đối với các học vấn ngoại lai như: Hán học, Phật học, mà nói có chỗ đặc biệt mà từ xưa đến nay đã có học phái, có ảnh hưởng đến nhân quần xã hội ta; người ngoại quốc bàn đến cái học ấy, phải cho là cái học đặc biệt của người nước Nam, không giống nước nào hết” (Bàn về quốc học).

Rồi Lê Dư kể lể các yếu tố làm nên qua niệm quốc học theo ông hiểu:

“Đã là quốc học thì nội dung phải bao hàm cả quốc văn, quốc sử, quốc túy ở trong.

“Quốc văn – lấy nhất ban quốc văn học làm chủ như các học thuyết, lý thuyết những sách vở của tiền nhân đã trứ thuật để lại và những quốc ca, quốc ngữ (chữ nôm và chữ quốc ngữ) đặc biệt của ta.

“Quốc sử – lấy nhất ban chính trị sử làm chủ như cách tổ chức, cách hành động về chánh trị và những pháp luật, chế độ, phong tục, tập quán, kỹ thuật đặc biệt của ta.

“Quốc túy – lấy nhất thiết trường sở mỹ điểm thuộc về vật chất, về tinh thần của dân tộc tính cố hữu mà do cái tình hình địa lý và nguyên nhân lịch sử đã dưỡng thành trong mấy mươi thế kỷ nay.

“Ba cái ấy, tôi đã nhận thấy là quốc học của ta và là chủ nghĩa của tôi chủ trương đó

(P.N.T.V. số 107).

Sau đó Lê Dư bảo đó chẳng phải ý kiến lập dị riêng của ông mà là chủ trương của cả cái dân tộc cực văn minh là dân tộc Nhật Bản. Và chỉ ai dốt nát không biết như vậy mới dám phủ nhận nền quốc học phong phú của ta. Ta đọc thấy những dòng đại khái như sau đây của Lê Dư ám chỉ về những người bảo ta chưa có quốc học:

“Ôi! sao các ông không xét đến sự thật và tình hình học vấn nước nhà xưa nay, mà đã vội mạt sát tiền nhân như vậy?

“Ôi! không căn cứ theo sách vở, thì dễ nói bậy bạ, cho nên tôi thường có một câu cách ngôn rằng: không biết pháp luật thì dễ nói ngang, không xem sách vở thì sẽ nói càn”

(P.N.T.V. số 107)

Lời lẽ của Lê Dư như các bạn thấy trên đây quả là kết án bọn các ông Phạm Quỳnh, Trịnh Đình Rư, Phan Khôi là dốt nát.

Nguyễn Trọng Thuật giàn hoà

Sau bài công kích của Lê Dư, Nguyễn Trọng Thuật đứng ra hoà giải qua bài “Điều đình cái án quốc học”. Đây nguyên là một bài diễn thuyết ông đọc tại Hội Trí Tri Hải Dương ngày 26-11-1931, rồi sau lại đăng tải trên Nam Phong tạp chí số 167 ra tháng 12 năm 1931.

Nói là hoà giải, là điều đình, nhưng thực ra Nguyễn Trọng Thuật đứng hẳn về phe Lê Dư, công kích phe Phan Khôi, có điều là Nguyễn Trọng Thuật công kích bằng lời lẽ phải chăng mà thôi.

Nguyễn Trọng Thuật mở bài diễn thuyết của ông bằng việc ghi nhận nội dung và lý do vụ án mà ông gọi là “vụ án quốc học”.

“Hiện nay trong nước ta đang có một cuộc tranh luận về vấn đề quốc học, là cái học riêng của một nước. Nó khác với nghĩa quốc học cũ nghĩa là cái nhà trường học của cả nước như xưa.

“Khởi xướng ra hai chữ quốc học về nghĩa mới ở ta đây là ông Lê Dư; cãi lại rằng nước ta không có cái học đáng gọi là quốc học là ông Phan Khôi. Hai bên tranh luận ở báo Đông Tây Hà nội, thành ra một cái học án cho học giả trong nước đang bàn xét”.

Nguyễn Trọng Thuật có trách Lê Dư, nhưng điều ông trách Lê Dư là điều rất nhẹ. Theo ông, cái lỗi của Lê Dư, nếu có, chỉ là Lê Dư “sơ ý một chút” mà thôi.

Nguyễn Trọng Thuật viết:

“Nay xét đến nguyên nhân cuộc tranh luận này, thì chỉ ông Lê Dư sơ ý một chút để nên chuyện mà thôi. Nguyên ông làm trong trường Bác Cổ Hà Nội đã lâu năm, khảo cứu sưu tập được nhiều những tập văn thi nôm của nước ta, nay ông muốn đem in dần ra làm một bộ sách tùng thư thuần về bản quốc. Ông lấy việc làm như thế là nó thuộc vào một phần trong khoa quốc học như của Nhật Bản đó. Ông bèn đặt tên cho bộ sách ấy là “Quốc học tùng san”. Cuốn in mở đầu là “Bạch Vân Am thi tập”, trên đầu bìa có bốn chữ tên bộ sách như thế…”

Ngoài ra, cũng theo Nguyễn Trọng Thuật, cái sơ ý của Lê Dư là ở chỗ dùng một từ ngữ với một nội dung mới mà không minh định trước cho độc giả biết cái nội dung mới mẻ ấy.

“Đại phàm mới phát minh ra một danh từ về chủ nghĩa gì hay là mới thâu thái nó ở đâu mà đem xướng lên cho xã hội thì phải giải thích cho rõ cái tính cách của nó ra trước. Bởi vì ngày nay thường một danh từ mà nghĩa mới nghĩa cũ, nghĩa rộng nghĩa hẹp nhiều lắm, thế mà ông Lê không giải thích cho cái tên quốc học mà ông mới dùng ấy một câu nào cả. Lại quyển “Bạch Vân Am thi văn tập” ông Lê giữ tính cách biên tập và tồn cổ, cho nên ông không có bình luận gì vào đấy một câu nào. Nghĩa là chỉ để cho học giả được đủ nhiều tài liệu để nghiên cứu mà thôi. Nhưng ông cũng không dặn cho người ta biết thế. Ở cái đời khoa học thực nghiệm này, trông ngoài bìa sách thấy hai chữ “quốc học” mới mẻ to tát, mở cuốn sách thấy một ít lời sấm, thì ai cũng phải ngờ. Ấy vì thế nghị giả nhận sai nghĩa chữ quốc học đi mà thành lầm”.

Nguyễn Trọng Thuật cho rằng chính bởi thiếu minh định nội dung từ ngữ như vậy mà làm cho Phan Khôi hiểu lầm. Ông phân tích và bàn giải về sự lầm lẫn của Phan Khôi một đàng vì không hiểu biết nội dung từ ngữ quốc học theo nghĩa của Nhật Bản, một đàng vì thiếu sự tìm tòi và đối chiếu các tài liệu cũ của ta với nhau vì so sánh chúng với các nước khác. Đó là ý nghĩa của đoạn văn sau đây:

“Nay xét ra nghị giả lầm vì hai cớ này: một là không biết đến cái nghĩa quốc học đan thuần của Nhật Bản, nhận thấy ở Trung quốc đâu đầu đời Dân quốc, có một phái nào đó xướng lên lấy sách bách gia chư tử làm quốc học để đối với Tây học đang tràn vào. Quả như lời nghị giả thì nghĩa quốc học ấy là ngoan cố khoa đại đấy, quả thế thì lầm. Hai là nghị giả không đem thời đại học thuật của nước nhà mà so sánh với xa gần, và đồng thời không chịu lượng xét cho học giới ta xưa bị những trở lực gì mà dù có ít nhiều điều biệt kiến cũng phải tiêu trầm, rồi không chịu khó bới móc trong chỗ giấy rách mà nhặt nhạnh lại, nhất diện cứ câu chấp ở đống sách bề bộn của Tàu mà kết án cho cổ nhân mình, kết luận rằng: “Nước ta không có cái học gọi là quốc học”. Xét ra thì ý nghị giả muốn nói về cái học chung của thế giới kia, mà gọi lầm là quốc học đấy, chứ quốc học thì nước nào mà chả có.

“Song le dù đối với cái học chung của thế giới đi nữa, so với cụ Khổng, cụ Phật cùng Đông châu chư tử thì cổ nhân ta không những không có mà lại còn là học đồ, nhưng so với bạn học cùng cái thời đại học thuật với nhau, nghĩa là so với các học giả Hán, Tống, Minh Thanh, mà đời kêu là đại nho thì cổ nhân ta đời nào cũng có như thế đấy, chỉ vì số nhiều không biết trọng mà để trầm mai đi, thì còn lấy đâu mà thành lập lưu hành được. Chứ nếu đều được thành lập lưu hành đến nay cả thì đã chả có cái cảnh tượng học thuật khủng hoảng như bây giờ…”

Đoạn văn trích trên đây cho ta thấy Nguyễn Trọng Thuật chủ trương rằng tổ tiên ta có thua kém thì chỉ thua kém cụ Khổng, cụ Phật thôi, chứ có thua kém gì bách gia chư tử của Tàu và các học giả của Nhật.

Để minh chứng cho lập trường trên, Nguyễn Trọng Thuật phân biệt cái học ra làm quốc học và thế giới công học rồi lần lượt định nghĩa, mô tả thế nào là quốc học và thế giới công học:

“Cho được hiểu rõ hai điều lầm của nghị giả trên này, tôi xin bàn giải, so sánh và chứng dẫn luôn làm một bài khảo cứu như sau này, các ngài tự suy xét phán đoán lấy, chứ tôi không muốn theo cách biện luận tỉa tách từng lời, cãi vặt từng câu nữa.

“Dưới đây trước tôi phân giải cho hai cái học ở trong học giới các nước ngày nay là quốc học với thế giới công học khác nhau thế nào. Rồi tiến lên xem học thuật Việt Nam đối với hai cái học ấy; về quốc học thì lấy nghĩa của Nhật Bản rồi xem Việt Nam sẽ có những gì, về thế giới công học thì trước xét ở Trung quốc, ở Nhật Bản về đồng thời xem thế nào, rồi xét đến Việt Nam xem thế nào.

“Hai cái học trong học thuật thế giới:

“Học thuật các nước thế giới đến ngày nay là hoàn bị và tinh tế, song lấy quốc tính mà phân ra thì có hai loài là quốc học và thế giới công học. Quốc học là cái học riêng chỉ một mình nước ấy có. Thế giới công học là cái học chung của các nước học lẫn của nhau.

“Coi đó thì biết quốc học tức là cái học bất dịch, chỉ một nước ấy có, chỉ người nước ấy cần phải học, hoặc là chỉ người nước ấy mới có thể học thâm thấu được, còn nước khác không có, người nước khác không cần phải học, hoặc là có học cũng không thâm thấu được. Đến như thế giới công học thì là cái học chung, là cái học biến dịch, nghĩa là tùy thời mà đổi mới tùy thời mà khứ thủ không nhất định được.

“Ví như một người, quốc học là phần bản thể; thế giới công học là phần bồi dưỡng. Bản thể thì cần phải nuôi cho lớn khôn khỏe đẹp ra mà không bỏ và thay chỗ nào được, nếu bỏ hay là thay chỗ nào thì là bất cụ, quá thì chết. Còn bồi dưỡng thì nếu nhà có thì chớ, bằng có mà thiếu, hoặc có mà xấu, hoặc không có đi nữa thì cứ lấy ở ngoài…

“Xem thế thì về thế giới công học, thiếu đâu cứ cầu ở ngoài, đã hủ rồi thì cứ cải lại, hoặc khử cả đi, hoặc phát kiến thêm ra được để đóng góp với đời càng tốt. Đến như quốc học thì phải có sẵn cả rồi, là cũ kỹ tích lũy chứ không phải là mới. Hoặc có nhãng bỏ thì nay đem ra, có tản mát thì nay thu tập lại, chứ không phải đi chuốc ở đâu đem vào được”.

Như vậy, theo Nguyễn Trọng Thuật, cũng như theo Lê Dư, quốc học gồm có “quốc sử, quốc văn, quốc thần, địa dư chí, cổ điển, ca dao và văn thi.” Quốc sử thì gồm có “sử ký, liệt truyện, gia phả và bi ký”; Quốc văn tức là “ngôn ngữ văn tự”, tức cũng là “cái gốc của cõi học một nước”, quốc thần thì gồm “những vị thần từ Hùng Vương trở xuống nào quốc tổ, nào vĩ nhân cùng những vị có công đức”, địa dư chí thì biên chép các nơi danh thắng trong nước; cổ điển tức là “chính trị của lịch triều”; chế độ của xã hội, phong tục của dân gian; ngạn ngữ phong dao là “cái kho tự điển văn luật, vừa là một pho kinh, điển của cả một dân tộc kinh nghiệm hoặc sở đắc về luân lý, về phép hành vi, về mĩ cảm”, văn thi là “kho tàng văn học thơ của các văn nhân thi sĩ”.

Sau khi đã phân tích và mô tả quốc học và thế giới công học là thế nào rồi, Nguyễn Trọng Thuật dựa vào các quan niệm đó mà duyệt lại lịch sử của Việt Nam, của Trung Hoa, của Nhật để minh chứng, ở mọi địa hạt, ta không có thua kém gì Trung Hoa hay Nhật Bản, có chăng ta chỉ thua kém là không có một “cụ Khổng”, một “cụ Phật” mà thôi.

Cuối cùng Nguyễn Trọng Thuật, căn cứ vào lịch sử để trình bày một cách cụ thể nền quốc học và nền thế giới công học như là đã có cơ sở liên tục qua suốt cả lịch sử Việt Nam. Cái học của Việt nam dưới con mắt của Nguyễn Trọng Thuật quả cũng đã có trường phái đàng hoàng. Ông viết:

“Tóm lại học thuật Việt Nam trong một thời đại, cả Nho học Phật học đều có ba cái tính chất khác nhau là hợp sáng, biệt sáng và toàn mô phỏng. “Ba tính chất ấy có những học phái này:

“Về Nho học, tính chất hợp sáng có Hán nho đích Việt Nam học phái, tính chất biệt sáng có Chu An thực hành học phái, Hoa Việt Nho học phái, Quế đường học phái hay là Lê Nguyễn nho học phái, tính chất toàn mô phỏng có Tống nho học phái”.

Như vậy, chẳng những ta không thua kém Tàu hay Nhật mà cũng không đến nỗi hổ thẹn nếu so sánh với các nước trong thiên hạ. Nguyễn Trọng Thuật diễn tả ý tưởng đó ở đoạn sau:

“Bởi vậy tôi đã ví quốc học là bản chất, ví những cái học cũ ở Á Đông là nhà trường Đông phương học; mà những cái sở đắc cũ là những cái bằng tốt nghiệp trước vậy. Bây giờ bạn học cũ đã đều lên trường cao đẳng mới, ta dù chậm chạp cũng đã tìm thấy cổng trường, nhưng trước khi thụ giáo, ta phải tự sát hạch lại cái bằng tốt nghiệp cũ của ta là phải lắm. Cái bằng tốt nghiệp cũ của ta, về món quốc học, những tài liệu về bản chất, so với bạn học cũ dẫu chẳng được toàn ưu điểm gì, nhưng cũng ưu liệt tương bán. Về món công học dù bị nội giới ngoại giới cùng số nhiều ham mê về cử nghiệp khiến cho có sở đắc mà không được lưu hành, có lưu hành mà được một số ít người hoặc được một thời kỳ ngắn ngủi; song những tinh thần chủ nghĩa như là điều hoà siêu việt với thực tế, thực hành minh đạo hoá dân, tự tín, tự giác về quốc âm thổ sản như trên ấy, thực đã biết đem cái học công hữu của thế giới biến hoá ra làm cái học độc hữu của một nước rồi đó”.

Qua sự phân tích bài “Điều đình cái án quốc học” như trên đây, các bạn đã nhận thấy Nguyễn Trọng Thuật, tuy nói là không bênh bên nào, mà kỳ thực thì đã bênh Lê Dư và kết án Phan Khôi. Có điều là lời lẽ Nguyễn Trọng Thuật nó thanh lịch, kín đáo, nhẹ nhàng.

Phải chăng vì vậy mà Phan Khôi không chấp nhận sự hoà giải của Nguyễn Trọng Thuật qua bài “Bất điều đình” của ông đăng ở báo Đông Tây số 133. Tiếc rằng bài “Bất điều đình” của Phan Khôi tôi chưa được đọc cho nên không biết Phan Khôi đã trả lời Nguyễn Trọng Thuật những gì: hiện giờ tôi chưa làm sao tìm ra được tờ Đông Tây nào.

Phan Khôi chống sự giàn hoà của Nguyễn Trọng Thuật

Nhưng cứ đọc bài Siêu Việt công kích Phan Khôi vì Phan Khôi không chấp nhận sự điều đình của Nguyễn Trọng Thuật thì cũng biết qua được thái độ của Phan Khôi đối với Nguyễn Trọng Thuật. Để phản đối cái việc Phan Khôi không chịu nhận sự hoà giải của Nguyễn Trọng Thuật, Siêu Việt đã trích những lời Phan Khôi buộc tội những ai muốn điều đình đều là hạng người hèn nhát:

“Người ta mà ưa làm kẻ điều đình là chỉ vì có ý sợ khó, có ý chiều đời, có ý thích làm lớn, bằng không có ý đó thì bổn thân cái thuyết điều đình chẳng đứng một mình được vì nó vừa đen vừa trắng hay là không đen không trắng, dễ nói quá, mà chẳng có nghĩa gì” (theo bài “Đọc bài Bất điều đình của ông Phan Khôi” trong báo Đông Tây số 133, An Nam tạp chí số 43, 1-6-1932).

Sau khi đã trích câu văn của Phan Khôi, Siêu Việt lấy nó để mà đả kích Phan Khôi là ngụy biện thiếu tư cách của một học giả tự xưng là trọng luân lý:

“Ông Phan Khôi thường tự nhận là một nhà học giả, song đọc đoạn văn trên vừa rút ở bài của ông, tôi không thể coi là cách lý luận của học giả được; gọi là cái luận điệu của trạng sư thì đúng hơn. Cái bổn thân của sự điều đình thế nào? Nó có hại và vô giá trị không, ông Phan hãy cùng tôi nghiên cứu”

(Siêu Việt, An Nam tạp chí, số 43).

Phản đối việc Phan Khôi không chịu điều đình, Siêu Việt đã định nghĩa thế nào là điều đình theo nghĩa triết học. Ông viết: “Điều đình hay là tổng hợp cũng vậy, có khi thì là cái chung cục của một cuộc biến, mà có khi lại là cái mầm của một cuộc biến khác. Một lý thuyết dù hay dù dở, bao giờ cũng có một phái tán thành, hết sức duy trì lấy nó. Đồng thời lại có một phái khác phản đối lại. Bởi đó, sự xung đột của hai lý thuyết mà rút lại thì là sự điều đình vậy. Hết cuộc biến thiên này lại kế tiếp một cuộc khác, nhân loại tiến hoá không biết tới đâu mới là cùng” (An Nam tạp chí số 43).

Sau khi đã tranh luận với Phan Khôi về ý nghĩa của chữ điều đình, Siêu Việt lại thương xác với Phan Khôi về thái độ cực đoan của Phan Khôi. Cũng nhờ Siêu Việt mà ta biết Phan Khôi có chủ trương cực đoan. Siêu Việt trích lời Phan Khôi: “Đại phàm sự học nhờ ở sự cực đoan mà mới có tiến bộ. Nói về triết học, ai có khuynh hướng về duy vật thì cứ duy vật đi. Mỗi bên đều cứ theo chỗ mình tin tưởng dựa vào luận lý học và phát huy nghĩa lý cho tới cùng như vậy nền triết học mới càng ngày càng chói sáng thêm. Học giả bên Tây sở dĩ tấn tới mau lắm là nhờ đi theo con đường đó. Con đường đó là gì? Chẳng phải là sự quan ma tư ích cho nhau của hai cái thái cực duy tâm và duy vật là gì?” (Siêu Việt An Nam tạp chí số 43).

Trích lời Phan Khôi rồi, Siêu Việt lại bàn giải về vấn đề cực đoan như là một phương tiện trên đường khám phá chân lý. Như chỗ tôi hiện biết, thì hình như cuộc tranh luận đã ngừng lại ở đấy. Vấn đề tuy chưa ngả ngũ hẳn ra đàng nào, vụ án quốc học cũng khai mào cho việc đặt ra rất nhiều vấn đề văn hoá xã hội và hối thúc học giả đi vào con đường tìm kiếm, giải quyết: Văn học nhờ vậy mà tiến bộ rất nhiều.

Thanh Lãng

Trích “Phê bình văn học thế hệ 1932
Đăng trên tạp chí Chim Việt Cành Nam.

Xem thêm:

Mời xem video: