Nhận được thư cứu viện của Henri Rivière, chỉ huy hải quân Pháp ở Trung Quốc là đô đốc Mayer lập tức đưa quân Pháp tới ứng cứu Bắc hà. Quân tiếp viện đến Hà Nội ngày 14/5/1883 .

Trận Cầu Giấy khiến Henri Rivière tử trận

Thấy quân Pháp lo phòng thủ chặt thành Hà Nội, quân Cờ Đen đã cho người đột nhập vào thành, dán yết thị khiêu chiến, thách quân Pháp ra khỏi thành đến cánh đồng ở phủ Hoài Đức để cùng quyết chiến một phen.

Tối ngày 18/5/1883, Henri Rivière cảm thấy thành Hà Nội bất an, đã thông báo với các sĩ quan quyết định sẽ rút khỏi thành Hà Nội vào ngày 19 để đến phủ Hoài Đức (nay là phường Dịch Vọng thuộc quận Cầu Giấy) theo hướng Sơn Tây. Tuy nhiên kế hoạch của quân Pháp đã bị một người hầu gốc Hoa nghe được.

Quân Cờ Đen biết được kế hoạch này đã chuẩn bị ngay một trận địa mai phục ở khu vực làng Hạ Yên Khê (còn gọi là Hạ Yên Quyết) bên trái Cầu Giấy.

Cuộc chiến chống quân Pháp ở Bắc hà (P2)
Rivière trong trận Cầu Giấy 1883. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

4 giờ sáng ngày 19/5, khoảng 500 quân Pháp lên đường đến Phủ Hoài Đức theo kế hoạch. Đến 6 giờ sáng quân Pháp đụng độ với quân Cờ Đen ở gần Cầu Giấy. Khi quân Pháp lọt vào trận địa mai phục, quân Cờ Đen nổ súng khiến sĩ quan cao cấp Berthe de Villers thiệt mạng.

Quân Cờ Đen chuẩn bị sẵn đã chặn luôn đường rút của quân Pháp. Henri Rivière phải cho quân vừa đánh vừa lùi về lại thành Hà Nội. Tuy nhiên trên đường rút Rivière cùng vài sĩ quan bị quân Cờ Đen tiêu diệt.

Đến 9h30 quân Pháp rút về đến thành Hà Nội. Do chỉ huy Rivière cùng nhiều sĩ quan và hàng trăm binh lính tử trận, quân Pháp liền cho người đến Hải Phòng xin thêm viện binh.

Cầu Giấy trở thành địa danh nổi tiếng lịch sử khi 2 lần Pháp tiến quân ra Bắc hà thì cả 2 sĩ quan chỉ huy đều tử trận tại nơi đây. Chiến thắng Cầu Giấy khiến tinh thần quân dân Bắc hà dâng lên rất cao. Mặc dù vậy một loạt các trận đánh tấn công vào Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định đều bị quân Pháp đẩy lui.

Triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước 1883

Tin Rivière tử trận truyền về Paris, người Pháp liền tăng cường thêm quân đến, giao cho thiếu tướng Bouet làm Thống đốc Quân vụ Bắc kỳ.

Tháng 8/1883, vua Tự Đức mất, quân Pháp liền tấn công vào cửa biển Thuận An, tiến vào Kinh thành Huế. Dù các quan nhà Nguyễn đã cố giữ nhưng không chống nổi vũ khí hiện đại với hỏa lực mạnh của Pháp.

Triều đình nhà Nguyễn đầu hàng và ký Hòa ước Quý Mùi năm 1883, theo đó quân Triều đình ở Bắc hà phải triệt hồi, quân Pháp có toàn quyền xử lý quân Cờ Đen.

Tuy nhiên Hoàng Kế Viêm một lần nữa kháng lệnh Triều đình, cùng binh lính tiếp tục cuộc chiến chống Pháp ở Bắc hà.

Quân Pháp tấn công

Có thêm quân từ Pháp sang, ngày 15/8/1883, tân Thống đốc Quân vụ Bắc kỳ Bouet cùng 1.500 quân mở cuộc tấn công, chia làm 2 cánh đánh vào phủ Hoài Đức (nay là đường Nguyễn Phong Sắc quận Cầu Giấy), làng Vệ (làng Vẽ xã Đông Ngạc Từ Liêm). Quân Cờ Đen đóng ở phủ Hoài Đức và làng Vệ chống trả quyết liệt.

Tại làng Vệ quân Cờ Đen có hệ thống các chiến lũy ngăn cản quân Pháp hiệu quả khiến quân Pháp bị chặn lại.

Trong khi đó tại phủ Hoài Đức, quân Cờ Đen cầm cứ ác liệt đến tối thì rút đến đồn Phùng (nằm ở thị trấn Phùng, thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội) xây dựng nhiều chiến lũy ngăn quân Pháp. Quân Pháp đuổi theo quân Cờ Đen đến đồn Phùng nhưng không sao tiến được trước các chiến lũy của quân Cờ Đen.

Sau 3 ngày giao chiến quân Pháp không sao chiếm được làng Vệ và đồn Phùng nên phải rút lui.

Ngày 1/9/1883, quân Pháp tiến đánh Sơn Tây, nhưng bị quân Cờ Đen chặn lại ở làng Ba Giang (thuộc huyện Đan Phượng), vị trí ở ngã ba sông Đáy. Lúc này có lũ nước sông dâng cao khiến đê vỡ, Lưu Vĩnh Phúc tưởng rằng quân Pháp cho phá vỡ đê, Hoàng Kế Viêm cũng lệnh cho quân Cờ Đen rút đến bảo vệ Sơn Tây.

Liên quân chặn quân Pháp ở Sơn Tây

Phía Triều đình nhà Nguyễn cử người đến lệnh cho Hoàng Kê Viêm ở Sơn Tây, và Trương Quang Đản ở Bắc Ninh phải về kinh. Lệnh của Triều đình khiến các quan phân vân, người thì tiếp tục ở lại chống Pháp, người thì tuân lệnh Triều đình, khiến hàng ngũ sứt mẻ.

Nhà Thanh yêu cầu quân đội phối hợp chặt chẽ với quân Cờ Đen chống Pháp. Quân Thanh được lệnh đến Sơn Tây, nhưng chỉ một phần đến Sơn Tây còn đa số thì dừng ở Bắc Ninh với lý do rằng Bắc Ninh có vai trò phủ thủ quan trọng hơn Sơn Tây. Nhà Thanh cũng cung cấp cho quân Cờ Đen 100.000 bạc nhưng không rõ vì lý do gì mà quân Cờ Đen không nhận được.

Quân Cờ Đen rút 3.000 quân đến bảo vệ Sơn Tây, ngoài ra còn có 5.000 quân của Hoàng Kế Viêm, 1.500 quân Thanh.

Đầu tháng 12/1883, quân Pháp nhận được nhiều viện binh, bao gồm cả đội quân Lê Dương nổi tiếng, nâng tổng số quân Pháp ở Bắc hà lên 9.000. Tuy nhiên Courbet cho rằng vẫn chưa đủ và yêu cầu cho thêm quân.

Ngày 11/12/1883, quân Pháp đưa 6.000 quân tiến đánh thành Sơn Tây theo 2 đường thủy bộ hỗ trợ cho nhau cùng tiến.

Ngày 14/12, quân Pháp đến bờ đê dẫn vào làng Phù Xa (nay thuộc phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây), đây là con đường dẫn đến thành Sơn Tây. Liên quân quân Cờ Đen, quân Thanh và quân của Hoàng Kế Viêm chờ sẵn chặn quân Pháp lại ở bờ đê, trận đánh rất quyết liệt, tới chiều thì quân Pháp chiếm được bờ đê.

Đến tối liên quân lại tấn công vào bờ đê, nhưng tối hôm ấy trăng sáng nên quân Pháp đã đẩy lui được đợt tấn công này. Liên quân phòng thủ tại các chiến lũy ở làng Phù Xa.

Quân Pháp chiếm đường bờ đê, đưa được đại bác đến vị trí thuận lợi bắn thẳng vào các chiến lũy ở làng Phù Xa, rồi tấn công vào làng. Liên quân tại các chiến lũy giao tranh quyết liệt khiến quân Pháp không tiến được, phải chia quân tiến vào các làng Thiệu Xuân và làng Linh Chiểu, nhưng quân Pháp vẫn bị chặn lại.

Đến tối, quân Pháp không vượt qua được phải quyết định rút lui về phía công sự bờ đê. Đến tối liên quân bí mật đột nhập công sự của Pháp.

Bác sĩ quân y người Pháp là Charles Edouard Hocquard viết trong hồi ký của mình như sau: “Quân của chúng tôi chiến đấu suốt cả ngày mà không vượt qua được chiến lũy này, và khi đêm đến chúng tôi buộc phải rút lui về những nhánh đê phụ để ẩn náu vào những công sự hồi sáng. Trong suốt cả đêm đó, chúng tôi vẫn phải đối phó với kẻ thù quyết bám giết, không chịu rời chúng tôi”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: