Nghĩa quân Thanh Sơn rút khỏi căn cứ, quân Pháp tràn vào thì không gặp ai, nên lại rút đi. Nhưng lần này trước khi rút, quân Pháp đã phá hủy các chiến lũy, hệ thống phòng thủ trong căn cứ, đốt cháy cả nhà dân.

Quân Pháp càn quét các cuộc khởi nghĩa

Khi nghĩa quân trở về thấy căn cứ bị hủy tan hoang, nhận định không thể ở lại được nữa, Đốc Ngữ cho quân đến Trung Bằng La (nơi ráp gianh giữa Sơn La và Yên Bái) để xây dựng căn cứ mới.

Tháng 3/1892, Pháp tiến đánh căn cứ Trung Bằng La. Khi quân Pháp đến nơi thì nghĩa quân đã rút hết, thực hiện “vườn không nhà trống”. Quân Pháp rút về Hưng Hóa rồi cho người dò la truy đuổi nghĩa quân.

Dò ra được nghĩa quân, quân Pháp cho bao vây rồi tấn công. Đốc Ngữ đã cùng nghĩa quân quả cảm chống lại, rồi mở được vòng vây, vượt sông Đà, sông Mã chạy vào Thanh Hóa hội quân với Tống Duy Tân.

Hai nghĩa quân hợp sức tấn công quân Pháp tại một số nơi và giành được thắng lợi. Nhưng Đốc Ngữ nhận thấy nơi đây chủ yếu dựa vào dân, không tìm được đia điểm để lập căn cứ nên quyết định dẫn quân trở lại mạn sông Đà.

Trong khi đó, nghĩa quân Hùng Lĩnh phải liên tục cầm cự trước những đợt tấn công của quân Pháp nên suy yếu dần. Đến tháng 8/1992, Tống Duy Tân phải tuyên bố giải tán nghĩa quân.

Lúc này nhiều cuộc khổi nghĩa ở các nơi bị dập tắt, nên quân Pháp dễ tập trung đối phó với cuộc khởi nghĩa của Đề Kiều và Đốc Ngữ. Quân Pháp đưa Lê Hoan vốn là một quan đại thần thời vua Đồng Khánh hàng Pháp tới trợ giúp việc đánh nghĩa quân.

Mua chuộc và ám sát

Lê Hoan cùng với các chỉ huy quân Pháp đã dùng kế mua chuộc các tướng sĩ trong hàng ngũ các nghĩa quân, nhằm thu được thông tin, khiến nội bộ nghĩa quân bất hòa, và dùng các Việt gian bị mua chuộc này để ám sát các thủ lĩnh.

Cuộc chiến chống quân Pháp ở Bắc hà (P11)
Lê Hoan cùng tùy tùng, ảnh chụp năm 1905. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Kế sách mua chuộc này giúp phía Pháp nắm rõ sự di chuyển của Đốc Ngữ. Vì thế mà nghĩa quân đi đâu cũng liên tục bị quân Pháp dò ra được và tấn công, khiến binh sĩ cứ hao hụt dần. Cuối cùng nhờ sự giúp sức của Việt gian, quân Pháp sát hại được Đốc Ngữ, cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Thanh Sơn đến đây cũng chấm dứt.

Sau khi Đốc Ngữ bị nội phản và hy sinh, nhiều cuộc khởi nghĩa khác cũng vì nội phản mà thủ lĩnh bị sát hại: Thủ lĩnh nghĩa quân ở Thanh Mai (thuộc Lâm Thao) là Lãnh Mai bị nội phản bắt được giao nộp cho Pháp rồi bị hành hình; thủ lĩnh nghĩa quân vùng Mai Tùng (thuộc Hạ Hòa) là Lãnh Hặc bị quân Pháp bắt được rồi mang đi hành hình; thủ lĩnh nghĩa quân vùng Xuân Áng (thuộc Hạ Hòa) là Lãnh Đa bị tử trận.

Kế sách mua chuộc, nội gián của Pháp cũng khiến Tán Dật, thủ lĩnh ở Lạng Sơn, bị cô lập phải uống thuốc độc.

Quân Pháp dọa giết người, đốt làng

Các cuộc khởi nghĩa vùng Bắc hà hầu như đã bị quân Pháp dùng kế sách mua chuộc, nội gián mà đánh dẹp được. Chỉ còn nghĩa quân của Đề Kiều ở căn cứ Rừng Già là rất vững chắc, khiến quân Pháp không thể lay động nổi.

Bấy giờ Lê Hoan tìm bắt được mẹ của Đề Kiều cùng cha mẹ của các tướng sĩ nghĩa quân; rồi yêu cầu nghĩa quân phải đầu hàng nếu không sẽ giết chết họ và đốt hết cả làng.

Trước kế này, Đề Kiều đành phải đầu hàng nhưng đưa ra điều kiện là: Phải thả hết toàn bộ dân làng; ông và nghĩa quân được tự do; ông được phép giữ 3 Tổng nằm trong địa bàn của nghĩa quân để ông cùng người dân tự quản.

Pháp chấp nhận các điều kiện này, cuộc khởi nghĩa của Đề Kiều kết thúc. Pháp phong cho ông làm Lãnh binh để phục vụ cho Pháp giống như Lê Hoan, nhưng ông đã từ chối, mà chỉ muốn làm một dân thường.

Việc Đề Kiều không chịu phục vụ cho Pháp khiến người Pháp lo lắng. Có nguồn cho rằng Chánh sứ Robin và Chánh Mật thám Gertbert đã hạ độc ông.

Người dân các làng thuộc 3 Tổng đều lập đền thờ Đề Kiều và truyền lại bài thơ vịnh:

Trên dải sông Thao núi Đọi Đèn…
Đèn không còn nữa núi còn tên!
Nghĩa xưa thấp thoáng nền doanh cũ
Sườn đá rêu mờ dấu ngựa in…
Non nước viếng thăm ngàn dặm cách
Gió trăng say tỉnh một bầu tiên!
Anh hùng thuở trước giờ đâu tá?
Núi cả tài cao tiếng để truyền

*

Lúc này về cơ bản đợt khởi nghĩa liên tục ở Bắc hà đã bị người Pháp đánh dẹp, tuy nhiên cuộc chiến chống quân Pháp tại đây chưa dừng lại. Ở Yên Thế, quân Pháp dù dành được chiến thắng, diệt được thủ lĩnh Đề Nắm, nhưng Đề Thám đã thu thập tàn quân tiếp tục cuộc chiến thêm 20 năm nữa.

Đồng thời các cuộc binh biến của binh lính người Việt chống quân Pháp cũng nổ ra, có sự tham gia của các tổ chức như Việt Nam Quang Phục hội, Việt Nam Quốc dân đảng. Tiêu biêu cho các cuộc binh biến này là binh biến ở Thái Nguyên và binh biến ở Yên Bái.

Các bài việt về những cuộc khởi nghĩa và binh biến này sẽ được đề cập trong những loạt bài khác.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: