Thất bại tại Tuyên Quang không làm quân Pháp nhụt chí. Hơn nữa, việc nhà Thanh chống quân Pháp là vi phạm Hòa ước Thiên Tân 1884 khiến Pháp đưa thêm quân đến Bắc hà, con số lên đến 35.000 quân, nhằm buộc nhà Thanh phải ngồi vào bàn đàm phán, đồng ý với các điều khoản của Pháp.

Quân Pháp có 2 đạo quân tiến đánh quân Thanh ở núi Bóp, nhưng kế hoạch bị thay đổi khi đạo quân của đại tá Giovanninelle phải đi giải vây cho quân Pháp ở thành Tuyên Quang. Đạo quân còn lại của tướng De Négrier đến núi Bóp giao tranh với quân Thanh, sau 2 ngày quân Thanh phải rút đi, nhưng quân Pháp cũng phải rút về đồn Chũ (nằm ở thị trấn Chũ thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) do bị thiệt hại nặng.

Chống Pháp
Bản đồ Lạng Sơn. (Tranh: Djwilms/Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Sau đó quân Pháp tiến đánh Phố Vỹ, nhưng trên đường đi liên tục bị quân Cờ Đen và nghĩa quân người Việt chặn đánh, giao tranh lớn ở Hạ Hòa khiến quân Pháp bị tổn thất nhiều. Quân Pháp tiến rất chậm do liên tục bị nghĩa quân người Việt mai phục trên đường. Đến ngày 11/2, quân Pháp chiếm được Phố Vỹ ở gần Lạng Sơn nhưng bị mất 200 lính. (Theo “Đại cương lịch sử Việt Nam”).

Tướng De Négrier đưa quân qua đèo Vân lấy đồn Đồng Sơn tức đồn Sung (trên bản đồ là Dong Song), rồi đánh chiếm ải Chi Lăng, chặn mất đường về nước của quân Thanh khiến quân Thanh hoảng sợ bỏ chạy. Nhờ đó De Négrier đưa quân đến chiếm được thành Lạng Sơn. Lúc này quân Pháp ở Lạng Sơn có đến 35.000 quân (theo “Việt Nam sử lược”)

Chống Pháp
Quân Pháp chiếm thành Lạng Sơn. (Tranh: Bảo tàng quân đội Pháp/Wikipedia, Public Domain)

Quân Pháp tiếp tục cho quân đánh Đồng Đăng, quân Thanh bỏ chạy về nước theo hai đường Thất Khê và ải Nam Quan.

Tại khu vực sông Kỳ Cùng cùng các nơi khác, quân Cờ Đen liên tục mai phục chặn đường khiến quân Pháp bị thiệt hại nhiều.

Lúc này Đề đốc Quảng Tây là Phùng Tử Tài đóng quân ở đồn Long Châu (thuộc huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) sẵn sàng giao chiến với quân Pháp. Quân Pháp quyết định tiến đánh Long Châu, vào địa phận 80 km thuộc Trung Quốc, nhằm buộc nhà Thanh phải đồng ý thương thuyết ký Hiệp ước mới.

Tuy nhiên quân Pháp chưa kịp tấn công sang đất Trung Quốc thì quân Thanh cùng quân Cờ Đen đã tấn công chiếm lại ải Nam Quan, quân Pháp thua trận phải rút chạy đến Đồng Đăng.

Ngày 6/2/1885 (âm lịch), quân Thanh tiến đánh Đồng Đăng, tướng De Négrier phải đưa thêm quân lên ứng cứu. Sau đó quân Pháp quyết định tiến đánh Long Châu.

Trận đánh ở Long Châu diễn ra rất ác liệt. Tướng Phùng Tử Tài chỉ huy quân Thanh chống lại hỏa lực cực mạnh của quân Pháp. Quân Thanh ở công sự nấp dưới các chiến hào, đợi quân Pháp tiến đến sát mới ném lựu đạn rồi xông lên dùng gươm đánh giáp lá cà. Chiến thuật này khiến quân Pháp không phát huy hết được ưu thế về vũ khí hiện đại của mình. Kết quả quân Pháp không giành được chiến thắng, lại nghe tin quân Cờ Đen uy hiếp Lạng Sơn nên phải rút lui.

Quân Thanh tiến chiếm lại ải Nam Quan rồi đánh vào Kỳ Lừa (thuộc Lạng Sơn), tướng chỉ huy quân Pháp là De Négrier bị thương nặng. Quân Thanh chiếm lại được Kỳ Lừa và thành Lạng Sơn, quân Pháp rút về Tuần Muộc, đồn Chũ và đồn Kép.

Tin quân Pháp thất trận ở Lạng Sơn khiến Paris náo động, thất bại này khiến Pháp khó gây sức ép lên nhà Thanh nếu đàm phán, Thủ tướng Pháp là Jules Ferry từ chức.

Chính phủ mới của Pháp quyết định chấm dứt chiến tranh, Pháp và Thanh quyết định sẽ ký kết đình chiến.

Chống Pháp
Thủ linh quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc năm 1896. (Ảnh: Viễn Đằng Thành/Wikipedia, Public Domain)

Tháng 6/1885, hai bên ký Hòa ước Thiên Tân 1885, quân Thanh rút hết về nước. Vua Quang Tự ép quân Cờ Đen phải trở về nước và tự giải tán, Lưu Vĩnh Phúc được phong làm Tổng binh Quảng Châu.

Theo Hòa ước Thiên tân, nhà Thanh dù có được chiến thắng sau cùng nhưng mất chư hầu là nhà Nguyễn, trao quyền bảo hộ Đại Nam cho Pháp. Hòa ước này khiến nhà Thanh có nhiều tranh cãi, Lý Hồng Chương cùng Triều đình bị chỉ trích nặng nề.

Sau khi quân Thanh và quân Cờ Đen về nước, cuộc chiến ở Bắc hà vẫn tiếp tục với nhiều cuộc khởi nghĩa, nhất là sau khi vua Hàm Nghi ra dụ Cần Vương, các sĩ phu Bắc hà hưởng ứng khiến quân Pháp phải vất vả đối phó

  • (Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: