Ngày 20/2/1905, dù trời còn phủ đầy tuyết, quân Nhật vẫn mở màn trận Phụng Thiên. 27 vạn quân Nhật dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Ōyama Iwao tấn công 33 vạn quân Nga do đại tướng Alexei Kuropatkin chỉ huy. Phòng tuyến quân Nga ở nam Phụng Thiên có chiều dài 140 km nhưng chiều sâu lại không nhiều.

Trận Phụng Thiên

Quân Nhật chủ yếu tấn công mạnh vào phía phải và trái của quân Nga, quân Nga dựa vào địa đạo chống trả. Quân Nhật sử dụng đại bác tấn công liên tục khiến hai cánh phải và trái của quân Nga phải lùi dần.

Sau mấy ngày giao tranh, hai đầu phòng tuyến của quân Nga lùi dần tạo thành thế vòng cung. Nhận thấy có nguy cơ bị bao vây ở trung tâm, quân Nga liền cho quân di chuyển để tái bố trí lại đội hình. Đây chính là điều mà nguyên soái Nhật Ōyama đã chờ đợi.

Người Nhật tính toán rằng tấn công tạo thành thế vòng cung sẽ tránh một cuộc dụng độ phía trong thành phố, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân Trung Quốc tại đây.

Khi quân Nga di chuyển tái bố trí đội hình, Ōyama cho quân Nhật lần theo hướng di chuyển của quân Nga mà truy kích.

Lối đánh này của Nhật khiến việc bố trí lại đội hình của quân Nga bị rối loạn. Đại tướng Nga là Kuropatkin phải cho toàn quân rút khỏi phía nam Phụng Thiên vào ngày 9/3 đến phòng tuyến ở phía bắc là Hspingkai (ngày nay là Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm)

Quân Nhật tiến vào trung tâm thành phố, tiếp thu thủ phủ Mãn Châu, nơi có cố đô của nhà Thanh. Những văn vật mang giá trị văn hóa tại đây đã không bị tàn phá bởi chiến tranh do quân Nhật dẫn hướng cuộc chiến khỏi nơi có dân cư sinh sống.

Quân Nhật và Nga đối đầu trên biển

Trong một diễn biến khác, hạm đội Baltic của Nga được đổi tên là hạm đội Thái Bình Dương thứ hai. Hạm đội này khi đến Madagascar thì nhận được tin Lữ Thuận thất thủ. Thay vì đến cảng Lữ Thuận như kế hoạch ban đầu, hạm đội này phải đến cảng Vladivostok của Nga.

Đô đốc Nhật là Togo cũng đoán quân Nga mất Lữ Thuận thì sẽ về cảng Vladivostok nên bố trí cho quân chặn tất cả các ngả.

Chiến tranh Nga Nhật
Đô đốc Tōgō Heihachirō trên thiết giáp hạm Mikasa, ngày 27/5/1905. (Tranh: Tōjō Shōtarō, Wikipedia, Public Domain)

Cuối tháng 5/1905, hạm đội của Nga đã đến biển Đông, chọn con đường qua eo biển Đối Mã để đến cảng Vladivostok. Đây là eo biển nằm giữa đảo Tsushima và Ikinoshima, và là một phần của eo biển Triều Tiên .

Do phải di chuyển một quãng đường quá dài sau 7 tháng nên quân Nga rất mệt mỏi, các tàu cũng xuống cấp. Quân Nga không muốn ngay lập tức gây chiến với Nhật nên tìm cách bí mật về Vladivostok.

Đêm 26/5, hạm đội Nga đến đảo Tsushima. Đêm đó trời tối đen, sương mù dày đặc thuận lợi cho hạm đội Nga vượt qua tai mắt tàu Nhật. Mọi chuyện đang thuận lợi cho Nga thì một tàu cứu thương sơ suất dùng đèn nên bị lộ. Một tàu chiến của Nhật phát hiện liền báo lên thượng cấp, Đô đốc Togo cho quân dàn thành thế trận tấn công ngang vào hạm đội Nga.

Hạm đội Nga có 8 thiết giáp hạm (trong đó có 4 cái mới và hiện đại) cùng tuần dương hạm, khu trục hạm và các tàu tải binh lương, tổng số các loại là 38 tàu.

Quân Nhật huy động 5 thiết giáp hạm, 26 tuần dương, 21 khu trục hạm và 43 tàu phóng ngư lôi đuổi theo và chạy song song với hạm đội Nga. Vào lúc 11h50 ngày 27/5, hai bên có cuộc đấu pháo ác liệt.

Hải chiến Tsushima

Các tàu Nhật với tốc độ nhanh hơn chạy vượt lên, các tàu Nga chạy chậm hơn tàu Nhật, phần vì vướng các tàu vận tài theo sau. Tàu Nhật lập được hàng ngang chặn trước hạm đội Nga vào lúc 14h45.

Do các tàu Nhật dàn thành hàng ngang, còn tàu Nga thành một hàng dọc, nên các tàu Nhật tận dụng được mọi khẩu pháo dọc theo thân tàu để khai hỏa. Trong khi tàu Nga chỉ bắn được khẩu pháo đặt ở phía mũi tàu. Sau một giờ giao chiến bằng pháo, thiết giáp hạm Oslyabya của Nga bị bắn chìm, hai thiết giáp hạm khác của Nga bị hư hỏng nặng. Một thiết giáp hạm của Nga bất ngờ đổi hướng chạy qua hàng tàu Nhật hướng về Vladivostok.

Đô đốc Togo cho quân đổi chiến thuật, 21 tàu khu trục chọn vị trí chặn tàu Nga chạy thoát, số còn lại di chuyển đến mạn trái tàu Nga, rồi nhả đạn. Sau 3 tiếng giao đấu, hàng ngũ quân Nga rối loạn, chỉ huy quân Nga là Đô đốc  Rozhestvensky bị thương nặng phải giao quyền chỉ huy lại cho Chuẩn Đô đốc Nebogatov, thêm 2 tàu của Nga bị bắn chìm.

Hạm đội Nga chạy vượt lên cố thoát, các tàu Nhật chạy nhanh hơn lại thay đổi đội hình, dàn thành hàng ngang chặn trước hạm đội Nga. Sau 20 phút giao đấu thì thêm 2 thiết giáp hạm của Nga bị bắn chìm, các tàu còn lại chạy hết tốc lực về cảng Vladivostok.

Đô đốc Togo cho quân truy đuổi theo với 37 tàu phóng ngư lôi phối hợp với 21 tàu khu trục đang ở vị trí chặn tàu Nga chạy thoát trước đó. 21 tàu khu trục Nhật chặn phía trước đánh các tàu đi đầu của Nga, 37 tàu phóng ngư lôi đuổi phía sau cũng phóng ngư lôi vào tàu Nga, hình thành thế bao vây trước sau. Thêm 2 thiết giáp hạm và 2 tuần dương hạm của Nga bị đánh chìm, phía Nhật có 3 tàu phóng ngư lôi bị bắn chìm.

Quân Nhật xóa sổ hạm đội Thái Bình Dương thứ hai

Sáng ngày 28/5 chỉ huy quân Nga là Chuẩn Đô đốc Nebogatov phải cho 6 tàu chiến còn lại đầu hàng bằng cách giương lá cờ có chữ XGE (nghĩa quốc tế là đầu hàng), tuy nhiên phía Nhật không biết rằng đó là tín hiệu đầu hàng nên tiếp tục bắn.

Trong bước đường cùng, Nebogatov cho tắt hết động cơ rồi treo cờ của Nhật trên tháp pháo, lúc này quân Nhật mới ngừng bắn.

Việc treo cờ đối phương là điều đại kỵ và sẽ bị tử hình, thế nhưng Nebogatov chấp nhận hành động này. Ông nói với binh sĩ rằng: “Các anh còn trẻ, và sau này sẽ còn có cơ hội để làm rạng danh Hải quân Nga. Mạng sống của 2.400 thủy thủ trên những con tàu này quan trọng hơn mạng sống của một mình tôi.”

Các tàu Nhật tiếp tục truy các tàu đơn lẻ tìm cách chạy thoát của Nga và tiêu diệt các tàu này hoặc bắt sống.

Phía Nga bị thiệt hại nặng, bị mất toàn bộ thiết giáp hạm cùng hầu hết tuần dương hạm và khu trục hạm, 4.380 binh sĩ tử trận, 5.917 bị bắt. Phía Nhật chỉ mất 3 tàu phóng ngư lôi cùng 117 binh sĩ.

Do hạm đội Baltic bị thiệt hại quá nặng không còn lại bao nhiêu tàu nên có thể nói hạm đội này đã bị xóa sổ.

Nikolaj Nebogatov 1
Chuẩn Đô đốc Nikolaj Nebogatov. (Ảnh: Cassell, Wikipedia, Public Domain)

Chuẩn Đô đốc Nebogatov về nước trong hoàn cảnh biết trước sẽ bị trừng phạt. Năm 1906, ông bị tuyên án tử hình, Nga hoàng Nicholas II giảm án xuống còn tù 10 năm. 3 năm sau, trong dịp sinh nhật Nga Hoàng, Nebogatov được ân xá, ông mất năm 1922, thọ 73 ruổi.

Hải chiến Tsushima (còn gọi là hải chiến Đối Mã) được xem là một trong những trận đánh mang tính hủy diệt lớn nhất của hải quân thế giới, và đã từ rất lâu rồi một nước châu Á mới có thể khẳng định vị thế cường quốc của mình ở trên biển.

Thế nhưng chưa dừng lại ở đó, nhằm buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán với những điều khoản có lợi cho mình, Nhật Bản quyết định thừa thắng mở cuộc tấn công vào chính lãnh thổ nước Nga.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: