Sau thời kỳ Hai Bà Trưng, Giao Chỉ lại bị nhà Hán đô hộ, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra trong thời kỳ này, lớn có, nhỏ có, trong đó có cuộc khởi nghĩa của Chu Đạt. Cuộc khởi nghĩa này được ghi chép trong “Hậu Hán thư”. Sau này vì sử Việt bị nhà Minh phá hoại nên các cuốn sử Việt ghi chép lại cũng là dựa trên “Hậu Hán thư”.

Vào năm 157 ở huyện Cư Phong, quận Cửu Chân (nay là Thiệu Hóa, Thanh Hóa), Chu Đạt đã hiệu triệu dân chúng khởi nghĩa. Sử cũ không thấy viết về xuất thân của Chu Đạt, chỉ thấy chép rằng dân chúng nô nức hưởng ứng sau thời gian dài bị đô hộ.

Nghĩa quân tấn công vào huyện đường Cư Phong, tiêu diệt quân Hán cùng đám quan lại.

Tin dân chúng ở huyện Cư Phong nổi lên đánh chiếm huyện đường lan đi rất nhanh, người dân khắp quận Cửu Chân háo hức đến Cư Phong gia nhập nghĩa quân. Dần dần quân số nghĩa quân đã được 5 nghìn người.

Cuộc khởi nghĩa Chu Đạt mang lại 3 năm độc lập cho quận Nhật Nam
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Ép quân Hán phải cố thủ

Chu Đạt quyết đưa quân đánh chiếm cả quận Cửu Chân, nghĩa quân đến đâu quân Hán tan đến đó. Quân Chu Đạt tiến thẳng đến thành ở quận lỵ Cửu Chân.

Thái thú Cửu Chân là Nghê Thức nghe tin có cuộc khởi nghĩa, chưa nghĩ ra cách đánh dẹp thì nghĩa quân đã kéo đến rồi. Nghê Thức tự tin quân của mình được huấn luyện và trang bị đầy đủ, trong khi nghĩa quân thì chỉ là dân chúng mới nổi lên nên cho rằng dễ thắng.

Khi Chu Đạt tiến đến thành, Nghê Thức liền cho toàn quân ra ngoài thành giao chiến. Mặc dù quân Hán được huấn luyện luyện trang bị tốt hơn, xung trận có kỷ luật nhưng quân khởi nghĩa có dũng khí tinh thân cao hơn gấp bội. Dần dần quân Chu Đạt chiếm ưu thế và chém chết Thái thú Nghê Thức.

Tướng quân Hán là Đô úy Ngụy Lãng hốt hoảng rút toàn quân vào trong thành cố thủ. Chu Đạt cho quân công thành, nhưng thành rất chắc chắn, nghĩa quân lại chưa đánh thành trì bao giờ nên không có kinh nghiệm.

Ngụy Lãng quan sát thấy nghĩa quân ở ngoài thành sơ hở thì cho quân tập kích rồi rút vào thành, khiến quân số nghĩa quân bị tiêu hao.

Trấn giữ quận Nhật Nam

Nhận thấy chưa thể chiếm được thành, Chu Đạt cho toàn quân rút đi. Lại thấy quận Nhật Nam của Giao Chỉ là nơi xa xôi ở tận cực nam, quân Hán ở đây rất ít, Chu Đạt quyết định cho toàn quân đến, đánh tan hệ thống cai trị người Hán, lập căn cứ vững chắc tính kế lâu dài.

Tại Nhật Nam, nghĩa quân xây dựng căn cứ, dân chúng theo hưởng ứng rất đông, quân số lên đến 2 vạn. Chu Đạt nhanh chóng ổn định được ở Nhật Nam rồi cho quân tấn công quân Hán ở các nơi lân cận, vây các huyện lỵ, giúp đỡ dân chúng ở những nơi này, thanh thế nghĩa quân ngày càng lan xa. Quân Hán ở các nơi phải chống đỡ rất mệt mỏi.

Quân Hán mấy lần cho quân tấn công vào Nhật Nam nhưng đều bị nghĩa quân đánh bại. Không sao thắng được nghĩa quân, quan quân nhà Hán liền cầu viện về Triều đình.

Bị mua chuộc, chia rẽ

Vua Hán nhận được tin báo, năm 160 cho viên Thái thú Quế Dương (Quảng Tây, Trung Quốc) là Hạ Phương làm Thứ sử, đem theo binh tướng đánh dẹp vùng Nhật Nam.

Hạ Phương trước đây từng làm Thái thú Cửu Chân, đã từng đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa ở Cửu Chân và Nhật Nam trước đó nên có rất nhiều kinh nghiệm và hiểu được tình hình dân chúng ở vùng này. Vì có công nên Hạ Phương được phong làm Thái thú Quế Dương. Nay Nhật Nam có khởi nghĩa, nhà Hán lại để Hạ Phương đến đây dẹp loạn.

Dù có lực lượng rất mạnh từ Hán sang nhưng Hạ Phương không tấn công ngay mà cho người tìm hiểu nghĩa quân, những tướng chỉ huy quan trọng và những người thân cận thủ lĩnh Chu Đạt.

Sau đó Hạ Phương dụ dỗ những tướng chỉ huy quan trọng, gây mâu thuẫn chia rẽ khiến nghĩa quân bị suy yếu. Nhiều người vừa bị mua chuộc, lại vừa bị đe dọa nên quyết định làm nội ứng khi quân Hán tiến đánh.

Khi tính toán nắm được phần thắng, Hạ Phương mới đưa quân tấn công vào Nhật Nam. Nghĩa quân bị phân hóa, Chu Đạt cùng những tướng sĩ còn lại dù nỗ lực nhưng bị rơi vào cảnh thế cô không chống đỡ nổi. Cuối cùng Chu Đạt đã tử trận.

Cuộc khởi nghĩa của Chu Đạt giúp Nhật Nam có được 3 năm hưởng độc lập. Tiếc rằng nội bộ nghĩa quân không thể đoàn kết một lòng nên bị quân Hán tiêu diệt.

40 năm sau, Sĩ Nhiếp cai quản cả vùng Giao Châu rộng Lớn (bao gồm cả một phần Trung Quốc ngày nay). Trong khi đó nhà Hán sụp đổ, rồi Trung Nguyên rơi vào thời kỳ “Tam quốc” khói lửa chiến tranh. Bấy giờ thì Giao Châu bước vào giai đoạn ổn định và phát triển vươt bậc, nhiều danh sĩ phương bắc chạy đến nơi đây lánh nạn.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: