Khoảng thời gian từ năm 800 tới năm 200 Trước Công nguyên được xem là thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử tư tưởng của nhân loại. Trong thời kỳ này, những người có trí huệ vĩ đại, những người đặt nền móng cho các tư tưởng triết học và hệ thống đức tin cho các thế hệ sau, đã xuất hiện ở cả phương Đông và phương Tây. Hai trong số những thánh nhân ấy là Lão Tử và Socrates.

Lão Tử: Phúc đức sinh ra bởi biết đủ, tai họa sinh ra bởi lòng tham
Tranh vẽ Lão Tử. (Tranh: Widodo, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)
triet gia hy lap 2
Tranh vẽ Socrates của họa sĩ Marcello Bacciarelli. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Trong hai người này, một người đặt nền móng cho Đạo giáo trong nền văn minh Trung Hoa, người còn lại trải đường cho triết học Hy Lạp vốn là nền tảng cho mọi triết học của phương Tây. Gần như cùng một thời điểm, họ định hình những giá trị đạo đức cốt lõi và trụ cột tinh thần của văn hóa truyền thống Đông – Tây.

Triết lý nhân sinh của hai vị hiền triết

Trước tác nổi tiếng nhất của Lão Tử là cuốn Đạo Đức Kinh gồm khoảng 5.000 chữ, còn hay gọi là cuốn Ngũ Thiên Ngôn. Đây là cuốn sách đúc kết ngắn gọn về nhân sinh dựa trên trật tự của tự nhiên là các quy luật vận động không ngừng nghỉ của vũ trụ. Lão Tử chứng ngộ được quy luật của vũ trụ và gọi nó là Đạo.

Triết lý của Đạo là dựa trên sự hòa hợp giữa con người với các quy luật của vũ trụ. Con người cùng với Thiên và Địa hợp thành Tam Tài là Thiên – Địa – Nhân. Lão Tử nhấn mạnh việc trở thành một phần của tất cả mọi thứ, hòa hợp với tất cả mọi thứ, nhu hòa như nước, nhún nhường và không chấp trước. Ông không hy vọng thế nhân hiểu được những lời của mình, nên sau khi để lại Đạo Đức Kinh đã rời Trung Nguyên qua cửa Hàm Cốc.

Còn Socrates là một triết gia Hy Lạp sống tại thành Athens. Ông được xem là một trong những người đặt nền móng cho triết học phương Tây. Ông không để lại trước tác nào. Hầu hết những gì chúng ta biết về Socrates đến từ tác phẩm của học trò xuất sắc của ông, triết gia Plato, và một vài người khác.

Socrates tin rằng đạo đức là đủ để mang lại hạnh phúc. Phương pháp của ông là giúp mọi người tìm thấy được chân lý cho bản thân mình, làm cách nào để thu hẹp đối tượng và chọn ra được sự thật và chân lý. Socrates tin rằng sống một đời đạo đức, sống theo các chuẩn mực đạo đức, và sống một cách tự nhiên là cách sống tốt nhất. Ông tin vào việc chọn con đường ở giữa và không đi lệch sang cực đoan, sống như vậy sẽ đem đến sự hài lòng và hạnh phúc.

Socrates tin tưởng vào tự do của cá nhân và sự truy cầu hạnh phúc, sự thật, lòng tốt và công lý. Ông khuyến khích mọi người giải phóng bản thân khỏi các đức tin sai lầm và tự lừa dối bản thân. Triết học của ông khẳng định niềm tin rằng trí huệ của Thần dẫn dắt thế giới tới điều tốt đẹp nhất. Ông tin chúng ta phải nỗ lực để tìm ra chân lý, và trong quá trình đó sống hạnh phúc và đức hạnh.

Chính vì những lời chỉ trích không kiêng nể với tầng lớp quý tộc ở Athens và quan niệm “quyền lực luôn đúng” của họ, Socrates đã khiến họ đố kỵ và sợ hãi. Ông không nói mình có trí tuệ, nhưng ông lại biết nhiều hơn tất cả những người quý tộc khác ở Athens, những người luôn nói rằng họ biết rất nhiều thứ.

Hãy thử tưởng tượng một cuộc gặp mặt giữa Lão Tử và Socrates

Thử tưởng tượng hai vị hiền triết này gặp mặt nhau trong thời đại của họ và cùng trao đổi về những bí ẩn của cuộc sống, thời không, quy luật của tự nhiên, về thế giới… họ sẽ nói gì và để lại những gì cho chúng ta. Họ sẽ nghĩ gì về chúng ta?

Có người đang cố gắng kiếm nhiều tiền hơn và có người đang hối hả đi mua hàng giá rẻ.

Socrates nói: “Người giàu biết bằng lòng vì bản thân sự bằng lòng chính là giàu có.”

Lão Tử cười nói: “Biết đủ thường vui.”

Những người bán hàng ven đường trong thành phố cất tiếng chào mời mua hàng dưới ánh đèn neon, tiếng ồn ào náo nhiệt, tiếng huýt sáo vang lên khắp mọi nơi, người ta yến tiệc, hát hò, nhảy nhót trong quán bar, những cuộc cãi vã ồn ã vang lên khắp nơi.

Socrates bảo: “Trên tất cả tiếng động, sự tĩnh lặng là giai điệu thâm thúy nhất.

Lão Tử trả lời: “Hư vô thanh tĩnh, tự nhiên vô vi.”

Socrates tiếp nói: “Phải hiểu biết bản thân mình.”

Lão Tử nói: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh.”

Lúc đó, một thanh niên trẻ giàu có đi ngang qua nghe được câu chuyện của họ, cậu thấy những lời họ nói tràn đầy trí huệ. Dù giàu có, nhưng cậu lại vô cùng buồn bã. Cậu cố gắng trốn khỏi nỗi sầu muộn của mình bằng cách mua những món đồ đắt tiền và gặp gỡ các cô gái đẹp. Tuy nhiên hạnh phúc mà bỏ tiền mua được thì sống rất ngắn, vậy nên cậu tiến tới gặp hai nhà hiền triết và hỏi bí quyết có được hạnh phúc thực sự.

Lão Tử thở dài: Dục đa thương thần, tài đa luy thân.”

Socrates trả lời: “Bí mật của hạnh phúc là không tìm thêm mà vẫn có thể hạnh phúc ngay cả khi anh nhận được rất ít.”

Chàng trai trẻ trầm ngâm nhớ lại thuở hàn vi của mình, từ đó, cách nhìn cuộc sống của anh ấy đã hoàn toàn thay đổi.

Socrates tiếp tục: “Mong cầu càng ít thì càng được ở gần hơn với các vị Thần.”

Lúc này, một học giả tôn giáo đi ngang qua nghe được câu chuyện của họ về các vị Thần, miệng không chịu được phải khoe khoang tài học của mình một phen. Trước mặt hai vị hiền triết, ông ta nói về nguồn gốc, lịch sử và các học thuyết tôn giáo trên khắp thế giới.

Hai thánh nhân ngồi nghe và mỉm cười nói nhau.

Socrates nói: “Tôi không thể dạy ai cái gì. Tôi chỉ có thể giúp họ suy nghĩ.”

Lão Tử đáp: “Ai biết sẽ không nói. Ai nói sẽ không biết.”

Vị học giả kia cảm thấy xấu hổ, đành rời đi.

Trong lịch sử, có rất nhiều người đã đọc hàng ngàn cuốn sách, nhưng không ai nhớ tới họ vì họ chẳng để lại cho hậu thế một câu chân ngôn. Trí huệ thực sự và triết lý nhân sinh trong những lời nói của Thánh giả sẽ không bao giờ phai nhạt.

Theo Vision Times tiếng Anh
Hạ Chi biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: