Kiệt tác nổi tiếng nhất của danh họa Phục Hưng Raphael là bức “Học viện Athens” được vẽ trên tường căn phòng “Stanza della Segnatura” ở Vatican, nơi các Giáo hoàng ký những văn bản quan trọng của Giáo hội. Bức bích hoạ 500 năm tuổi này có chủ đề là triết học, hay nói đúng hơn là triết học cổ đại. Đây là kiệt tác nổi tiếng nhất của Raphael vì rất nhiều lý do, chẳng hạn Raphael đã áp dụng tỉ lệ vàng một cách sáng tạo trong tranh, hay Raphael đã mô tả rất nhiều triết gia nổi tiếng một cách hài hòa… Nhưng điều đặc biệt hơn là cuộc tranh luận đặc sắc giữa Plato và Aristotle bên trong kiệt tác này cũng như hàm ý hết sức thâm sâu của nó.

Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng: Tuyệt tác các căn phòng Raphael – Kỳ II: Nhân loại kiếm tìm chân lý
Bức “Học viện Athens” của họa sĩ Raphael (Raffaello Sanzio da Urbino), 1511, Vatican. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Trong cuốn sách nổi tiếng Lives of the Most Excellent Painters, Sculptors, and Architects (Tạm dịch: Cuộc đời của những họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư tài ba nhất), Giorgio Vasari đã kể về chuyện Raphael được ủy thác để thực hiện việc trang trí một số căn phòng mới xây dựng của Tòa Thánh Vatican. Theo đó, kiến trúc sư Donato Bramante, người bạn tốt của Raphael, đã thuyết phục Giáo hoàng Julius II cho phép Raphael – một họa sĩ trẻ chưa có tên tuổi – được thể hiện tài năng của mình tại các căn phòng này. Sau sự đồng ý của Giáo hoàng, Raphael vui mừng tới Rome và bắt tay vào công việc. Raphael cùng các trợ lý của ông đã hoàn thành chuỗi 4 căn phòng mà sau này được đặt tên là Stanze di Raffaello, hay các căn phòng Raphael.

Các căn phòng Raphael lúc đầu được xây dựng dành cho Giáo hoàng Julius II làm chỗ ở. Mặc dù một số bức họa trong bốn căn phòng này không được bậc thầy hội họa Raphael vẽ ra, nhưng tất cả các tác phẩm tại đây đều thuộc về những bức họa quý giá nhất của nước Ý nói riêng và của thế giới nói chung.

Nhóm bốn căn phòng Raphael nằm tại lầu ba, phía trên căn hộ của Giáo hoàng Alexander VI, nhìn ra phía Nam của sân Belvedere. Mỗi căn phòng chứa bốn tác phẩm chính. Trần nhà của từng căn phòng cũng được trang trí vô cùng tỉ mỉ. Trong số các tác phẩm này thì danh tiếng nhất là “Học viện Athens”.

Mặc dù có tên là “Học viện Athens” nhưng ngoài Plato và Aristotle ở chính giữa tranh ra, thì trong số các triết gia còn lại, không có ai là người dân Athens cả, và cũng có khá nhiều người sống vào thời trước Plato và Aristotle. Tất cả các triết gia này đều tìm kiếm tri thức về “chân lý tối hậu”, được cho là nguyên nhân và nguồn gốc của mọi thứ.

Bình luận về bức bích họa “Học viện Athens”, Giorgio Vasari cho rằng nó mô tả “các nhà Thần học đang tìm cách điều hòa triết học và chiêm tinh học”, và rằng Raphael đã “mô tả chân dung của tất cả các nhà thông thái trên thế giới đang đưa ra những lý lẽ khác nhau của họ”. Ở vị trí trung tâm của bức họa, bên dưới một mái vòm kiến trúc cổ điển, là hai nhân vật nổi bật nhất: Plato và Aristotle.

21 2 image
Plato và Aristotle. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Vậy thì Plato và Aristotle đang tranh luận về điều gì? Đây là một vấn đề hết sức độc đáo nhìn từ phương diện người nghệ sĩ, nhất là trong thời kỳ Phục Hưng.

Luận điểm của Plato: Vai trò của nghệ thuật, nghệ sĩ và triết học gia

Plato là bậc tiền bối, đứng bên phải Aristotle (bên trái của tranh). Có người cho rằng khi vẽ Plato, Raphael đã lấy cảm hứng từ hình ảnh của Leonardo da Vinci. Plato được miêu tả như một người đàn ông lớn tuổi mặc trang phục giản dị, khoác vải màu đỏ, tương phản với màu xanh da trời của Aristotle. Có sự bất đồng trong cuộc tranh luận giữa hai người. Tay phải của Plato chỉ lên trời, và tay trái thì ôm tác phẩm nổi tiếng của ông là Timaeus.

Các suy tưởng của Plato dựa trên một khái niệm căn bản mà ông đưa ra, gọi là “hình thái”. Những “hình thái” này là các chân lý tuyệt đối của vũ trụ, và có thể tiếp thu được thông qua việc suy lý. Ví dụ như điều mà chúng ta gọi là “sự thật” tồn tại dưới một “hình thái”, và ở “hình thái” này, sự thật là đúng với tất cả mọi người, khác với cái gọi là sự thật chủ quan, thứ chỉ đúng với cá nhân có thể trải nghiệm nó.

Câu chuyện ngụ ngôn mà Plato sử dụng để minh họa ý tưởng này là câu chuyện về một cái hang động. Có một số người bị nhốt trong hang động tối tăm. Trước mặt họ là một bức tường. Có ánh sáng và những cái bóng ở phía trên của bức tường đó. Những người bị nhốt trong hang nhìn nhận rằng cái bóng đó là sự thật. Một người đã giúp tất cả thoát khỏi hang động. Sau khi thoát khỏi hang động, những người đó đi tìm cái bóng, và họ biết được sự thật rằng cái bóng đó được tạo ra bởi vì có một ngọn lửa ở bên ngoài hang động và những vật đằng trước nó đã tạo ra những cái bóng ở trong hang.

Cuộc tranh luận giữa Plato và Aristotle trong kiệt tác "Học viện Athens"
Minh họa cho ngụ ngôn về hang động của Plato. Tranh của họa sĩ Jan Saenredam, phỏng theo tác phẩm của Cornelis van Haarlem, 1604, bảo tàng Anh. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Nói một cách khác, thế giới vật chất nơi con người sinh sống (hang động) là ít chân thật hơn so với thế giới của các “hình thái” mà Plato nói đến.

Cuốn sách mà Plato cầm bên tay trái, cùng với hành động tay phải chỉ lên trời của ông có hàm ý sâu xa. Timaeus nói về cách một vị Thần – một “nghệ nhân Thần thánh” – đã sắp xếp và tạo ra cấu trúc vũ trụ. Ngụ ý của Plato là chân lý vũ trụ là chân lý vĩnh cửu, là “hình thái” bất biến, là vượt ra ngoài thế giới vật chất mà chúng ta sinh tồn. Chân lý đó được một “nghệ nhân Thần thánh” tạo nên, và con người chỉ có thể biết được điều này thông qua quá trình khám phá và suy lý.

Lý luận của Plato cũng có ảnh hưởng rất lớn tới sự nhìn nhận về vai trò của nghệ thuật và vai trò của người nghệ sĩ trong cuộc sống. Plato từng nói rằng không thể để người nghệ sĩ tự do làm nghệ thuật, bởi vì họ là những kẻ dối trá và cần bị cấm không được bước chân vào nền Cộng hòa, hoặc ít nhất là bị kiểm duyệt. Tất cả các kỹ năng của người nghệ sĩ chỉ là sự “mô phỏng” của vạn vật, nhưng sự “mô phỏng” này vừa hay lại khiến cho tác phẩm làm ra tách rời khỏi “hình thái” nguyên gốc của chúng.

Hãy lấy ví dụ về một cái “ghế” để làm rõ luận điểm này. “Hình thái” của cái ghế tồn tại trong tâm thức của chúng ta, nó là điều chúng ta nghĩ tới khi nghĩ về “ghế”. Khi người ta nói đến cái “ghế”, thì ai cũng hiểu được đó là “ghế”. Vì vậy để được gọi là cái “ghế”, một đồ vật phải có những phẩm chất nhất định, nếu không thì chúng ta sẽ không gọi nó là “ghế”.

Người thợ thủ công làm ra cái ghế dựa trên ý tưởng về nó, tức là dựa trên “hình thái” của ghế mà chúng ta đều biết. Người thợ thủ công sản xuất một cái ghế thì phải hiểu được “hình thái” của nó, nhưng đồng thời trong quá trình sản xuất ra nó, họ đã xoá bỏ sự thật tuyệt đối về “hình thái” của cái ghế này. Vì vậy mà những cái ghế khi được sản xuất ra sẽ có rất nhiều hình dạng khác nhau. Do đó không có cái ghế nào được tạo ra là biểu hiện thực sự của “hình thái” của nó. Dù vậy, tất cả “ghế” được tạo ra đều có nguồn gốc từ một chân lý tuyệt đối.

Tuy nhiên câu chuyện đối với một họa sĩ thì khác hẳn. Người họa sĩ này không dựa trên “hình thái” của ghế để vẽ nên tác phẩm của mình. Người họa sĩ chỉ đơn giản là sao chép lại cách người thợ thủ công hiểu biết về “hình thái” của ghế. Hơn thế nữa, người họa sĩ lại chỉ có thể sao chép lại nó tại một góc độ nhất định, dưới một hoàn cảnh nhất định vào trong bức tranh, và không thể nào thể hiện tất cả các phương diện của cái ghế đó cùng một lúc mà không khiến nó mất đi hình dạng của nó. Ngoài ra, người họa sĩ còn không cần phải biết “hình thái” chân thực của cái ghế, mà chỉ cần hiểu cách “sao chép” lại hình dạng của một vật thể mà thôi. Thậm chí trong cái gọi là “nghệ thuật hiện đại”, thì người họa sĩ còn rũ bỏ luôn cả hình dạng của một cái ghế và trông nó không hề giống với bất kỳ một cái ghế vật chất nào và lại càng không phù hợp với “hình thái” phổ quát của “ghế”.

Vì vậy đối với Plato, bởi vì người nghệ sĩ quá xa rời với nguồn gốc chân thực và tuyệt đối của cái ghế, họ chỉ có thể “nói dối” về nó. Plato đã nhìn thấy trước sự nguy hiểm này đối với nền Cộng hòa mà ông cố gắng xây dựng, nên ông phản đối các nghệ sĩ.

Vào thời mà Plato sinh sống, nền tảng tín Thần của người Hy Lạp đã trở nên vô cùng thấp kém. Các vị nam Thần, nữ Thần, và các vị anh hùng bán Thần mà người Hy Lạp thờ phụng vốn mang Thần tính và sự Thần thánh nhất định, đã bắt đầu bị khoác lên một lớp áo “ghê tởm” về mặt đạo đức. Về cơ bản có thể thấy điều này qua Thần thoại Hy Lạp, khi các vị Thần dưới ngòi bút của nghệ sĩ được tô vẽ với đủ thất tình lục dục, với tất cả những thói xấu ghê tởm nhất về tình dục và quyền lực, thậm chí còn làm cả những việc mà một người bình thường không làm.

Trong khi theo Plato thì nhiệm vụ của một người nghệ sĩ là bày tỏ lòng tôn kính với những vị Thần và các vị anh hùng, thì người nghệ sĩ ở thời đại của ông lại không làm thế. Vì vậy nếu hợp pháp hóa và khuyến khích họ thì sẽ kéo tụt nền đạo đức cơ bản xuyên suốt xã hội, và Plato cho rằng điều đó sẽ chỉ phá hoại xã hội mà thôi.

Do đó, Plato lập luận rằng nhiệm vụ của những nhà triết học – với tư cách là người hiểu rõ chân lý (các “hình thái” chân thật) – là hướng dẫn nghệ sĩ về những gì nên và không nên được miêu tả, để các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trước công chúng xứng đáng là các tác phẩm nói về các vị Thần và các vị anh hùng. Như vậy, công chúng có thể hiểu một cách chân thực về các tấm gương đó và noi theo những giá trị đạo đức phổ quát mà họ để lại.

Plato còn cho rằng nhiệm vụ của các triết học gia là phải làm cho xã hội càng gần với “hình thái” chân thật càng tốt, tức là gần với chân lý, gần với ý định của “nghệ nhân Thần thánh” (Sáng Thế Chủ – Đấng Sáng Thế – Chúa Sáng Thế). Với ông, bất kỳ ai không đồng ý với điều này đều nên bị loại bỏ.

Luận điểm của Aristotle: “Kết nối” với thế giới vật chất bằng đạo đức

Raphael miêu tả Aristotle đang đi bên cạnh Plato. Dường như Raphael đã sử dụng hình mẫu của nhà điêu khắc Giulliano del Sagallo để miêu tả Aristotle – đó là một người đàn ông trẻ, trang nhã hơn, mặc quần áo tinh tế hơn. Là học trò của Plato, Aristotle có những suy tưởng riêng của bản thân mình. Bàn tay của ông xòe ra và hướng xuống dưới đất, trên tay cầm cuốn sách Nicomachean Ethics dựa vào đùi. Đây là cuốn sách viết về đạo đức nổi tiếng nhất của Aristotle.

Aristotle dường như muốn nói rằng không có lý do gì để “vượt qua” thế giới vật chất này trước khi chúng ta thực sự hoàn thiện cách tiếp cận với nó. Bởi vì vị trí của con người là ở trên mặt đất này, và chúng ta cần phải “kết nối” với thế giới vật chất của chúng ta một cách có đạo đức.

Không giống như Plato, Aristotle tách nghệ thuật khỏi chính trị và đạo đức, để xem liệu bản thân nghệ thuật có gì tốt đẹp hay đáng giá không. Ông nhìn vào nghệ thuật thông qua 4 lăng kính khác nhau, gọi là 4 nguyên nhân: nguyên nhân vật chất, nguyên nhân hình thái, nguyên nhân hiệu dụng và nguyên nhân tối hậu. Ví dụ như một cái ghế vật chất được tạo ra bởi: gỗ (nguyên nhân vật chất), thiết kế (nguyên nhân hình thái), công cụ làm ghế như bào, đục (nguyên nhân hiệu dụng) và việc người ta làm ra ghế để ngồi (nguyên nhân tối hậu).

Ngược lại với Plato, Aristotle cho rằng sự bắt chước có lợi cho con người bởi vì nó gắn trực tiếp với tri thức. Chúng ta học thông qua việc bắt chước, tìm ra cách bắt chước, và bắt chước thành công. Quá trình này mang đến cho con người một niềm vui nhất định.

Tuy nhiên, một tác phẩm của người nghệ sĩ thì không chỉ có niềm vui. Nó bao hàm đủ loại nhân tố tình cảm như buồn bã, khổ đau hay thậm chí điên cuồng… Điều này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với công chúng, nếu chiểu theo lý luận của Aristotle?

Một người nghệ sĩ sẽ sao chép và bắt chước lại thế giới vật chất, tuy nhiên anh ta cần phải có kiến thức nhất định về sự vật để có thể có một tác phẩm “đẹp”, đồng thời có thể truyền cảm hứng đến cho người xem. Vậy nên người nghệ sĩ kỳ thực sẽ tiếp cận một cách sâu hơn đến các khía cạnh tình tự và tâm lý của con người. Người nghệ sĩ phải biết rất rõ thế nào là vui vẻ, buồn đau, giận dữ, bình tĩnh, v.v.. nếu anh ta muốn miêu tả được điều đó trong tác phẩm nghệ thuật của mình.

Với hiểu biết của mình, người nghệ sĩ có thể xây dựng một tác phẩm gợi lên cảm xúc cụ thể từ người xem. Aristotle nói rằng có hai cảm xúc đặc biệt khiến ông chú ý là thương cảm và sợ hãi. Khi người nghệ sĩ tạo ra tác phẩm có bao hàm hai yếu tố cảm xúc này, đặc biệt là khi cảm xúc đó được tạo nên một cách mãnh liệt, thì người xem sẽ trải nghiệm được một sự xúc động lớn. Sự xúc động đó, theo Aristotle, là có khả năng “thanh tẩy”.

Cuộc tranh luận giữa Plato và Aristotle trong kiệt tác "Học viện Athens"
Bức “The Blind Oedipus Commending his Children to the Gods” mô tả cảnh vua Oedipus tự chọc mù đôi mắt, sau đó giao phó các con của mình cho các vị Thần. Đây là một minh họa xuất sắc cho lập luận của Aristotle. Câu chuyện về vua Oedipus xem tại đây. Tranh của họa sĩ Bénigne Gagneraux, 1784, Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Khi sự thương cảm hay sợ hãi được đẩy tới mức độ rất cao thì chúng sẽ gây ra một sự thanh lọc đối với tâm linh. Và đối với Aristotle thì đây là một khía cạnh đạo đức của nghệ thuật.

Bởi vậy, Aristotle cho rằng người nghệ sĩ sẽ có thể “kết nối” một cách có đạo đức với thế giới này nếu như họ hiểu rõ tác phẩm của họ sẽ tác động tới người xem như thế nào. Đây cũng chính là “nguyên nhân tối hậu” (nguyên nhân thứ 4) mà Aristotle nói đến.

Kỳ thực điều này không chỉ đúng với nghệ thuật. Xét xem điều mình làm sẽ có ảnh hưởng đến người khác như thế nào chính là nền tảng đạo đức của việc “kết nối” với thế giới dưới mặt đất này.

Tạo hóa của nhân loại

Plato và Aristotle đều đồng ý rằng đạo đức là cần thiết cho cuộc sống. Sự bất đồng giữa hai nhà triết học kiệt xuất chính là: Điều gì là tối quan trọng để chúng ta có thể hiểu được tạo hóa (creation) của chính con người chúng ta? Chúng ta sẽ hướng về thế giới vật chất trong nỗ lực “kết nối” với nó bằng chuẩn mực đạo đức như Aristotle? Hay chúng ta sẽ vượt qua cái nhìn vật chất về thế giới này để hướng tới chân lý cao hơn như Plato? Hay đây chỉ là hai mặt của một vấn đề?

Cuộc tranh luận giữa Plato và Aristotle không kết thúc ở đó.

Nằm đối diện với bức “Học viện Athens” là bức “Tranh luận về Thánh lễ”. Hai bậc thầy triết học là Plato và Aristotle trong “Học viện Athens” vừa tranh luận vừa như muốn bước thẳng ra khỏi tranh, hướng về phía đối diện, tức là hướng về bức “Tranh luận về Thánh lễ” này. Triết học là một chuẩn mực trong hành trình con người kiếm tìm chân lý. Trong khi đó, chân lý mà Raphael muốn biểu hiện chính là Đức tin vào Chư Thần.

1 16 image
Bức “Tranh luận về Thánh lễ”. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Tranh luận về Thánh lễ là bức họa đầu tiên mà Raphael thực hiện vào năm 1508 – 1509. Nó miêu tả bức tranh toàn cảnh về tín ngưỡng đối với Chúa trời: Chư Thần ở phía trên Thiên đàng và Giáo hội ở dưới mặt đất.

Trên Thiên đàng, Chúa Jesus nằm ở vị trí trung tâm, với vòng hào quang bao quanh mình. Phía bên tay trái Chúa Jesus là Đức mẹ Mary, người đã sinh ra Chúa, còn bên phải là Thánh John, người đã rửa tội cho Chúa. Xung quanh phía xa hơn là những vị Thánh, và các nhà tiên tri trong Kinh Thánh, ví dụ như Jacob, Moses.

12 5 image
Chúa Jesus, Đức mẹ Mary và Thánh John (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Phía trên Chúa Jesus là hình ảnh Chúa Cha, hay Yahweh – Đấng Tạo Hóa, vị Thần đã sáng tạo ra vũ trụ trong tín ngưỡng Kitô. Phía dưới Chúa Jesus là Thánh Linh, được vây quanh bởi 4 cuốn sách phúc âm do 4 Thiên Thần nâng đỡ. Ngay phía dưới Thiên đàng, cũng nằm ở vị trí trung tâm nơi mặt đất, là Mặt Nhật, một vật dụng quan trọng trong các nghi lễ Kitô giáo.

Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng: Tuyệt tác các căn phòng Raphael – Kỳ II: Nhân loại kiếm tìm chân lý
Đấng Tạo Hóa Yahweh (Tranh: Wikipedia, Public Domain)
Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng: Tuyệt tác các căn phòng Raphael – Kỳ II: Nhân loại kiếm tìm chân lý
Thánh Linh là con chim trắng ở giữa, xung quanh là Thiên thần đang nâng sách phúc âm (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Dưới hạ giới, xung quanh Mặt Nhật, các vị Thánh, các Giáo hoàng, và các Tiến sĩ Hội Thánh đang bàn luận về sự hóa thể, một khái niệm trong đó bánh mì và rượu trở thành cơ thể, máu và linh hồn của Chúa Jesus.

14 3 image
Xung quanh Mặt Nhật, người ta tranh luận về sự hóa thể (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Chiếu theo lập luận của Plato và Aristotle, chiếu theo ngón tay chỉ lên trời của Plato và bàn tay áp xuống dưới đất của Aristotle, thì bức “Tranh luận về Thánh lễ” sẽ có một hàm ý hoàn toàn mới mẻ. Chư Thần ở phía trên Thiên đàng và Giáo hội ở dưới mặt đất. Điều gì là tối quan trọng để chúng ta có thể hiểu được tạo hóa (creation) của chính con người chúng ta?

Hai lựa chọn đặt ra lần này là: Chúng ta sẽ hướng về thế giới vật chất trong nỗ lực “kết nối” với nó bằng nghi lễ của Giáo hội? Hay chúng ta sẽ vượt qua cái nhìn vật chất về thế giới này để hướng tới chân lý đến từ Thiên đàng?

Điều này thật đáng suy ngẫm, bởi đó là tạo hóa của nhân loại, cũng là những câu hỏi mà bấy lâu nay con người vẫn không ngừng tìm kiếm câu trả lời: Ta từ đâu tới? Đến thế gian này để làm gì? Chết rồi thì sẽ đi về đâu? Liệu thế giới của chư Thần trong các tín ngưỡng kia có là sự thật?

Quang Minh
Dựa theo “The Philosophy behind Raphael’s School of Athens” của Eric Bess
Đăng trên Tạp chí Nghệ thuật Canvas (canvas.nma.art)

Xem thêm:

Mời xem video: