Trong xã hội quân chủ thời xưa, Cửu Đỉnh có ý nghĩa rất to lớn, tượng trưng cho quyền lực thống nhất của quân vương. Cửu Đỉnh tương truyền được vua Đại Vũ nhà Hạ cho đúc, nhà Thương và Chu nối tiếp nhau thay triều đổi đại, cũng đều giữ Cửu Đỉnh này như bảo vật chứng minh cho quyền nhất thống thiên hạ. Sau này vua Minh Mạng nhà Nguyễn cũng cho đúc Cửu Đỉnh làm Vương khí của nhà Nguyễn, tượng trưng cho vương quyền.

Đại Vũ sau khi trị thủy thành công đã chia Trung Nguyên thành 9 châu gồm Ký Châu, Duyện Châu, Thanh Châu, Từ Châu, Dương Châu, Kinh Châu, Lương Châu, Ung Châu và Dự châu. Bởi vì Đại Vũ có công trị thủy nên các Châu cảm kích ân điển, đóng góp thứ kim loại quý nhất bấy giờ là đồng cho vua.

Đại Vũ cho mang đồng đến núi Kinh Sơn đúc thành 9 cái bảo đỉnh, gọi là Cửu Đỉnh. Trên mỗi bảo đỉnh lại cho khắc núi sông, người, cảnh vật, các loài cá, chim, muông thú… ứng với từng Châu. Cửu Đỉnh từ đó trở thành biểu tượng uy quyền của nhà Hạ.

Nhà Thương diệt Hạ, cho mang Cửu Đỉnh về kinh đô. Nhà Chu diệt Thương, cũng mang Cửu Đỉnh về kinh đô. Bởi vậy có câu: “Có Cửu Đỉnh là có thiên hạ.”

Lấy ý tưởng từ đó, năm 1836, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho nội các cùng bộ Công làm Cửu Đỉnh để khẳng định quyền uy của vương triều nhà Nguyễn. Chỉ dụ như sau:

“Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thực to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế miếu… Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc.”

(Quốc sử quán triều Nguyễn).

Theo Dịch học thì “Đỉnh” gồm quẻ “ly” ở trên và quẻ “tốn” ở dưới. Quẻ “ly” là có đức thông minh, sáng suốt; quẻ “tốn” có đức vui, thuận. Con số 9 (cửu) mang ý nghĩa là con số lớn nhất trong các số. “Cửu” cũng mang ý nghĩa vĩnh cửu, với hy vọng trường tồn mãi mãi.

Đến năm 1837 thì Cửu Đỉnh đúc xong. Đại lễ diễn ra vào ngày mùng 1 tháng 3 năm 1837, vua cho đặt Cửu Đỉnh ở sân Thế Miếu. Trải qua bao cuộc chiến tranh, Cửu Đỉnh vẫn không di dời khỏi vị trí này và vẫn còn đến tận bây giờ.

cuu dinh 11
Cửu Đỉnh nhà Nguyễn. (Ảnh: Lê Tấn Lộc, Wikipedia)

“Cửu Đỉnh” nhà Nguyễn lần lượt được đặt tên là Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Trên Cửu Đỉnh có khắc nhiều họa tiết như thái dương, thái âm, sông núi, chim muông, linh vật, v.v… Nhưng nhiều nhất là chim muông và sông núi. Cụ thể như sau:

Cao đỉnh: Đây là đỉnh đầu tiên trong Cửu Đỉnh, được khắc chim trĩ rất đẹp, ngoài ra còn có biển Đông là biển lớn nhất gắn liền với lịch sử văn hóa dân tộc.

Nhân đỉnh: Đây là đỉnh thứ hai, được chạm khắc “khổng tước” tức chim công, là loài chim nổi tiếng đẹp nhất với bộ lông màu sắc rực rỡ cùng chiếc đuôi xòe ra như quạt. Nhân đỉnh còn được khắc Ngự Bình sơn, đây là ngọn núi phía trước Kinh thành Huế, làm tiền án của Kinh thành. Nhân Đỉnh còn có sông Hương, con sông thơ mộng lớn nhất Thừa Thiên Huế, chảy qua Kinh thành và đổ ra cửa biển Thuận An.

Chương Đỉnh: Đây là đỉnh thứ ba, được chạm khắc “kê” tức con gà, đây là loài gia súc gần gũi với đời sống người Việt. Ngoài ra Chương Đỉnh cũng được khắc Tây Hải, tức vùng biển phía tây ở Nam bộ.

Anh đỉnh: Đây là đỉnh thứ tư, đươc khắc hình chim Hạc, đây là loài chim gắn liền với người Việt cổ, tượng trưng cho tính cách của người Việt, xuất hiện trên nhiều trên các di tích cổ như Trống Đồng. Ngoài ra Anh đỉnh còn có núi Hồng Lĩnh, đây là núi lớn ở Hà Tĩnh.

Anh dinh 1
Họa tiết chim Hạc trên Anh Đỉnh. (Ảnh: AJ Oswald, Wikipedia)

Nghị Đỉnh: Là đỉnh thứ năm, được khắc hình chim Uyên Ương. Đây là loài chim nước thuộc họ vịt nổi tiếng với bộ lông trắng tinh khiết, biểu tượng của sự chung thủy. Ngoài ra Nghị đỉnh còn được khắc sông Bạch Đằng, con sông nổi tiếng sử Việt, nơi 3 lần người Việt đánh bại quân xâm lược, tượng trưng cho việc bảo vệ Giang Sơn Xã Tắc.

Thuần đỉnh: Là đỉnh thứ sáu, được khắc chim Vàng Anh, đây là loài chim gắn liền với cuộc sống người Việt xưa. Thuần đỉnh cũng được khắc núi Tản Viên, gắn liền với sự tích Sơn Tinh Thủy Tinh.

Tuyên đỉnh: Đây là đỉnh thứ bảy, được chạm khắc “Tần Cát Liễu” nghĩa là chim Yểng, là loài chim thuộc họ Sáo, biết học nói tiếng người, được nuôi nhiều. Ngoài ra Tuyên Đỉnh còn được khắc núi Đại Lĩnh, dãy núi lớn này là ranh giới giữa tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà.

Dụ đỉnh: Đây là đỉnh thứ tám, được khắc hình tượng “chim vũ” nghĩa là chim Vẹt, cũng là loài chim được nuôi nhiều vì biết nói tiếng người. Dụ đỉnh được khắc cửa biển Đà Nẵng, nơi sông Cẩm Lệ chảy về vũng Hàn rồi đổ ra biển.

Huyền đỉnh: Đây là đỉnh thứ chín, cũng là đỉnh cuối cùng. Huyền đỉnh được khắc hình “Thốc thu”, nghĩa là chim phù lão hay chim già đẫy. Đây là một loài chim thuộc họ Hạc, thường thấy ở vùng đất ngập nước Nam bộ. Hai con sông lớn nhất Nam bộ là sông Tiền giang và Hậu giang cũng được khắc trên Huyền đỉnh, hai con sông này giúp hình thành nên đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn của cả nước. Trên Huyền Đỉnh còn có Hoành Sơn hay Đèo Ngang, dãy núi ranh giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Dãy Hoành Sơn gắn liền với câu nói “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, góp phần vào sự hình thành Đàng Trong và công cuộc mở cõi của người Việt đến tận vùng cực nam, định hình ra nước Việt ngày nay.

Trần Hưng tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: