Trong các tác phẩm điện ảnh, không ít vị Hoàng đế được khắc họa là những nhân vật phóng túng hưởng lạc. Nhưng kỳ thực, theo sử sách ghi chép lại thì hầu hết Hoàng đế của các triều đại không chỉ không được phép tận sức hưởng thụ, mà trái lại, họ còn phải có yêu cầu nghiêm khắc hơn người bình thường rất nhiều. Đặc biệt, những minh quân trong lịch sử đều là những người tiết dục và chính tâm.

minh quân chính tâm
(Tranh: Giuseppe Castiglione, Wikipedia, Public Domain)

Khổng Tử viết: “Kì thân chính, bất lệnh nhi hành; kì thân bất chính, tuy lệnh bất tòng”, tức là mình mà chính đáng thì dù không ra lệnh người khác cũng theo; mình mà không chính đáng thì dù ra lệnh người khác cũng chẳng theo.

Khổng Tử nhiều lần nhắc đến tầm quan trọng của chính tâm, bậc Quân vương phải là tấm gương cho dân chúng noi theo. Hơn nữa, mấu chốt của việc trị quốc là đoan chính, đoan chính ngôn hành cử chỉ của bản thân, lấy mình làm gương mới có thể khiến cho người bên dưới phục tùng mệnh lệnh được.

Trong “Hán Thư”, Đổng Trọng Thư viết rằng, người làm Quân vương trước tiên phải đoan chính phẩm đức và nội tâm của mình, như thế sẽ tác động đến các quan lại của triều đình, tiến tới sẽ làm cho dân chúng thiên hạ và xã hội trở nên thuần khiết. Đây là cảnh giới cao nhất của Vương đạo.

Cổ ngữ có câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, làm vua của một nước thì mỗi một hành vi lời nói đều có vai trò trọng yếu đối với cả đất nước.

Vậy cụ thể một vị minh quân chính tâm như thế nào? Biện pháp đơn giản nhất để chính tâm là tiết chế dục vọng của bản thân. Trong lịch sử, không ít vị minh quân nhờ làm được tiết dục chính tâm mà giúp đất nước hưng thịnh, thiên hạ thái bình như Nghiêu Đế, Thuấn Đế, Đường Thái Tông, Khang Hy…

Trong “Mạnh Tử” thiên “Tận tâm” có viết: “Phương pháp dưỡng tâm tốt nhất chính là giảm bớt dục vọng. Một người có thể làm được giảm bớt dục vọng thì chân lý sẽ thường xuyên tồn tại trong tâm người ấy. Trái lại, người mà có nhiều dục vọng thì thời gian chân lý tồn tại trong tâm người ấy sẽ rất ít”.

Người đứng đầu một quốc gia, một vùng đất, hay một gia đình sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn đến người khác. Nếu đó là một người xa xỉ, phóng túng thì không chỉ bản thân người ấy mà quốc gia, vùng đất, gia đình ấy cũng sớm suy vong.

Trong “Thuyết uyển” thiên “Phản chất” có ghi lại điển cố giữa Tề Hoàn Công và quan đại thần Quản Trọng như sau:

Thời Xuân Thu, Tề Hoàn Công từng hỏi Quản Trọng: “Ngươi nhìn xem, quốc gia chúng ta vừa nhỏ lại vừa nghèo nhưng y phục và xe ngựa của các đại thần lại xa hoa như vậy, ta nên hạ lệnh như thế nào để cấm họ?”

Quản Trọng đáp rằng, thần nghe nói, quốc quân thích ăn thứ gì thì thần tử liền ăn theo thứ ấy, quốc quân thích mặc thứ gì thì thần tử cũng liền mặc theo thứ ấy. Hiện giờ, ngài mỗi bữa ăn đều phải có rượu ngon, thường ngày đều mặc áo màu tím, áo khoác lông trắng, cho nên các đại thần mới theo ngài mà xa xỉ lên. Trong “Kinh Thi” nói, không có tự mình làm thì dân chúng sẽ không tin tưởng. Nếu ngài muốn cấm thì sao không tự mình làm trước?

Tề Hoàn Công nghe theo lời đề nghị của Quản Trọng, thường ngày mặc quần áo bình thường và đội mũ không có trang sức. Kết quả, một năm sau người dân nước Tề đều dưỡng thành được thói quen tiết kiệm. Điều này cũng ứng với đạo lý mà đạo sỹ Đàm Tiễu viết trong “Hóa Thư. Tam hoàng”: “Quân vương tiết kiệm thì các vương công đại thần đều sẽ biết đủ. Vương công đại thần tiết kiệm thì các sỹ phu sẽ biết đủ. Sỹ phu tiết kiệm thì dân chúng sẽ biết đủ. Dân chúng tiết kiệm thì thiên hạ sẽ biết đủ. Thiên hạ mà biết đủ thì sẽ không có tham tài, tranh danh, gian nịnh, lừa gạt, những chuyện xảo ngôn nịnh bợ đã không xảy ra. Cho nên, biết đủ là vô cùng đáng quý bởi vì dục vọng của con người là không có chừng mực.”

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Tội mạc đại vu đa dục, họa mạc đại vu bất tri túc, cữu mạc đại vu dục đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ”, tội ác lớn nhất là phóng túng dục vọng, tai họa lớn nhất là không biết đủ, khuyết điểm lớn nhất là lòng tham không đáy,  cho nên, biết thế nào là đủ thì sẽ vĩnh viễn không thiếu gì.

Vậy như thế nào mới có thể khống chế được dục vọng của bản thân?

Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương nói rằng, dục vọng của con người là rất nhiều, không chỉ giữa nam và nữ, hoàn cảnh nhà ở, cái ăn cái mặc, chỉ cần là tư tâm có lợi cho bản thân thì đều là dục vọng và chỉ có lễ chế mới khống chế được dục vọng. Hệ thống lễ nghi ban đầu được hình thành cũng là vì để ngăn chặn dục vọng của con người.

Làm Quân vương của một nước tuyệt đối không thể vì phóng túng dục vọng mà phế bỏ lễ, từ đó gây độc hại cho dân chúng. Chỉ có thủ giữ lễ mới khiến con người ít phạm sai lầm, còn phóng túng dục vọng thì nhất định sẽ hủy hoại chính mình.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: