Trong dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm, rất nhiều vị Hoàng đế đã có những thành tựu tạo nên sự hưng thịnh của triều đại mình trị vì, họ được lưu danh thiên cổ, được hậu nhân tôn xưng là minh quân. Và những vị minh quân này thông thường đều có đặc điểm chung nhất là kính Trời tín Thần, yêu thương dân chúng.

Đặc điểm của minh quân xưa: Kính trời và yêu dân
(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Giá trị quan truyền thống trải dài suốt mấy ngàn năm của người xưa chính là kính Trời tín Thần. Không chỉ ai ai cũng đều tin vào sự tồn tại của Trời và Thần mà ngay cả Hoàng đế cũng xưng là “Thiên tử”, con của Trời. Cho nên, một vị Quân vương được xưng là minh quân thì nhất định phải là người kính Trời tín Thần.

Trong sách “Hoàng Đế âm phù kinh” viết: “Thiên tử quan thiên chi đạo, chấp thiên chi hành”, nghĩa là Thiên tử phải luôn quan sát và tôn sùng ý chí của Trời, đó cũng chính là nói “Thiên tử thụ mệnh vu Thiên”, Thiên tử chịu mệnh lệnh của Trời. Quyền lực của Hoàng đế là do trời ban cấp cho, chỉ người có đức mới được ngồi vào vị trí đó.

Trong thiên “Hàm hữu nhất đức” của sách “Thượng Thư”, thừa tướng Y Doãn nhà Thương đã nói: “Không phải thượng thiên thiên vị nhà Thương chúng ta giúp chúng ta lật đổ được triều đại bạo ngược trước đó mà là thượng thiên trợ giúp người có đức; cũng không phải nhà Thương chúng ta thỉnh cầu dân chúng mà là dân chúng chủ động quy phục người có đức”.

Các bậc hiền triết, minh quân xưa đều làm tấm gương mẫu mực cho thế hệ sau. Ngũ Đế thuận Trời mà trị vì đất nước khiến cho dân chúng đều tín ngưỡng tôn kính đại đạo, tin rằng “trên đầu ba thước có Thần linh”, nhờ đó thiên hạ đạt đến trạng thái thái bình và tường hòa.

Thừa tướng Văn Thiên Tường triều Nam Tống nói rằng thiên đạo và nhân sự là có quan hệ mật thiết với nhau. Từ xưa tới nay, phàm là bậc Quân Vương biết kính sợ thiên đạo thì vị Quân Vương ấy trị vì quốc gia nhất định sẽ hưng thịnh.

Sử sách ghi chép lại, các đời Hoàng đế  đều coi việc tế Trời là việc trọng đại hàng đầu. Mỗi một vị Hoàng đế lên ngôi thì việc đầu tiên chính là tế Trời. Ngoài ra vào các ngày lễ, tết, khi đất nước gặp thiên tai nhân họa, Hoàng đế cũng trực tiếp tiến hành tế Trời. Cũng vì thế mà thiên đàn ở Bắc Kinh lớn gấp bốn lần Tử Cấm Thành. Hay trên ngọc tỷ truyền quốc có khắc tám chữ triện “Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương”, nhận mệnh trời ban, tồn tại mãi mãi. Mở đầu các chiếu thư triều nhà Thanh đều viết: “Phụng thiên thừa vận Hoàng đế chiếu viết”. Đây đều là thể hiện việc kính Trời tín Thần của minh quân các triều đại.

Cùng với kính Trời tín Thần thì đặc điểm chung của bậc minh quân phải là yêu thương dân chúng. Trời được coi là cha mẹ của Hoàng đế, và Hoàng đế lại được coi là cha mẹ của dân chúng. Trong sách “Minh Bảo huấn” viết rằng, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương nói, kính Trời không phải làm giả bộ được mà phải có thực chất. Trời giao cấp con dân cho Quân vương, cho nên Quân vương trước hết phải thương xót và yêu thương dân, đó mới là kính Trời thực chất.

Chu Nguyên Chương cũng nói rằng: Làm Quân vương, trời đất là cha mẹ, dân chúng là con cái, đây là điều mà Quân vương phải tận trách nhiệm. Tế bái trời đất không phải để cầu phúc cho mình mà là vì thương xót dân, cầu phúc cho dân chúng.

Trong “Hàn Thi ngoại truyện” cũng viết: “Nước có thể nâng thuyền cũng có thể lật thuyền”. Tề Hoàn Công từng hỏi Quản Trọng làm Vua điều gì là quan trọng nhất? Quản Trọng nói rằng làm quân chủ phải coi dân chúng như trời, dân chúng gần gũi với quân vương thì quốc gia sẽ an bình, dân chúng mà giúp đỡ quân vương thì quốc gia có thể cường thịnh, dân chúng mà phản đối quân vương thì quốc gia lâm nguy, dân chúng ruồng bỏ quân vương thì quốc gia diệt vong. Ý trời sẽ thông qua lòng dân mà thể hiện ra.

Cổ nhân giảng rằng, dân là gốc, Quân vương là ngọn, phải có gốc thì mới có ngọn. Vì vậy, thời cổ đại, càng là bậc Quân vương có trí tuệ và đạo đức cao thượng thì càng coi trọng người dân thường, còn những vị Quân vương coi khinh dân chúng thì thường là kẻ mất nước.

Mạnh Tử cũng viết: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, ý nói dân là quan trọng hơn cả, xã tắc đứng sau, Quân vương còn nhẹ hơn, xếp sau cùng. “Người được lòng dân thì được thiên hạ, mất lòng dân thì mất thiên hạ”, vì thế, các bậc minh quân thời xưa luôn lấy dân làm gốc, yêu dân như con, dùng nhân từ và đức độ để cai trị mà được “hưng dân lợi quốc”.

Các Hoàng đế mẫu mực xuyên suốt các triều đại như Hoàng đế Đường Thái Tông, Hoàng đế Khang Hy… đều là minh quân, đều nghiêm khắc tu dưỡng bản thân, dùng thiện chính cai trị đất nước, yêu thương dân chúng, cuối cùng tạo ra một thế hệ thiên triều thịnh vượng “Trinh Quán chi trị”, “Khang Càn thịnh thế”. Cho nên, yêu thương dân chúng, coi dân như con, kính Trời tín Thần, lấy dân làm gốc, vừa là đức hạnh cũng là trách nhiệm của bậc minh quân.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: