Lý Bạch (701- 762) là một trong những nhà thơ danh tiếng nhất thời Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung, được hậu bối tôn làm Thi Tiên. Thơ của ông vượt lên cao tuyệt giữa thời Thịnh Đường, vốn là thời điểm thi ca không chỉ phong phú về số lượng mà giá trị nghệ thuật cũng đạt đến mức độ trước sau chưa từng có.

Thịnh Đường là thời điểm thái bình thịnh trị trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội cho đến tín ngưỡng trong lịch sử Trung Hoa. Văn học nghệ thuật thời kỳ này được tôn vinh là “Tường Đường Khí Tương”. Sau này khi Hoàng đế Khang Hy triều Thanh yêu cầu biên soạn bộToàn Đường Thi thì số lượng tác phẩm thu thập được là hơn 48.000 bài thơ, trong đó có 2.200 nhà thơ. Số lượng bài thơ, thể loại thơ cùng với nội hàm uyên bác của thời Thịnh Đường đã trở thành một ngôi sao sáng trong lịch sử Trung Hoa, như nhà thơ Lưu Quang Vũ từng cảm thán: “Đường thi vằng vặc”.

Vậy mà trong chốn anh hào đó, Thi Tiên Lý Bạch lại nổi bật lên trên hết với cả ngàn bài thơ bất hủ. Thậm chí tác phẩm thơ của Lý Bạch còn xuất hiện các bản dịch phương Tây từ thế kỷ 18. Cuộc đời của ông nhuốm màu truyền kỳ, vời tài uống rượu làm thơ, một bóng áo trắng, một bầu rượu và một thanh kiếm, ngao du khắp nơi, hết ra làm quan rồi lại về ở ẩn.

Lý Bạch sinh ở Lũng Tây, Cam Túc, suốt thời thơ ấu được mẹ dạy cho chữ Tây Vực, cha dạy cho Kinh Thi, Kinh Thư, đến 10 tuổi đã thông thạo và thích làm thơ. Gia đình giàu có, nên từ nhỏ Lý Bạch đã được ngao du sơn thủy cùng cha. Ông tỏ ra rất thích thú, chí hướng của ông sau này không phải quan trường, mà là thơ túi rượu bầu, thong dong tiêu du, tự tại.

Đến năm 10 tuổi gia đình ông chuyển về huyện Chương Minh, Tứ Xuyên. Tại đây, Lý Bạch say mê học kiếm thuật, trong một thời gian ngắn, tài múa kiếm và tài thơ của ông được bộc lộ rõ rệt.

Khi 15 tuổi, ông đã có bài “Phú ngạo Tư Mã Tương Như”, “Thư gửi Hàn Kinh Châu”, khá nổi tiếng. Lúc 16 tuổi danh tiếng ông đã nổi khắp Tứ Xuyên. Nhưng lúc đó ông lại có chí hướng khác, lên núi học Đạo, bắt đầu cuộc đời ẩn sĩ và ngao du thiên hạ. Bước chân của Thi Tiên Lý Bạch có mặt ở khắp mọi danh thắng Trung Nguyên.

Vài nét về Thi Tiên Lý Bạch
(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Dẫu sau này có vài lần vướng mắc chuyện quan trường, nhưng chí của ông không đặt ở công danh, chính là như thơ của ông, không chỉ không màng công danh, mà có không ít là vượt thoát khỏi thế tục, dùng lời của người đời khen tặng là “không phải lời của thế gian”.

Tương truyền rằng Lý Bạch làm vô cùng nhiều thơ, nhưng làm xong rồi lại không lưu giữ, thơ của ông được biết tới là nhờ dân gian ghi chép lại. Loạn An Sử diễn ra, Lý Bạch không tham gia nhưng vẫn bị cuốn vào, suýt bị xử tử. Thời gian này thơ của ông bị mất rất nhiều.

Năm 762, khi Lý Bạch đã qua đời thì người anh họ Lý Dương Lân mới bắt đầu thu thập lại thơ ông. Đến năm 1080, một người Cao Ly mới gom lại tập thơ của Lý Bạch, số lượng gồm 1.800 bài. Đến nay thì còn trên dưới 1.000 bài, bài nào cũng được đánh giá rất cao, nhưng nổi tiếng trong dân gian thì có: Tương Tiến Tửu, Hiệp Khách Hành, Thanh Bình Điệu, Hành Lộ Nan…

Dưới đây là một số bài thơ của Lý Bạch được khá nhiều người Việt biết đến, bản dịch thơ không thể nói hết cái hay của ngôn từ, chỉ nên để tham khảo.

Vọng Lư Sơn Bộc Bố

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên

Dịch thơ:

Xa ngắm thác núi Lư

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay
Xa trông dòng thác trước sông này
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây

Bài “Vọng Lư Sơn Bộc Bố” của Lý Bạch đã lưu lại muôn đời trong thi ca cái đẹp hùng vĩ của một dòng thác, trí tưởng tượng phóng khoáng, khả năng quan sát rộng lớn, ý thơ vượt ra khoảng không bao la, ngôn từ hoa lệ, khí khái cao siêu.

Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu
Yên hoa giang nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu

Dịch thơ:

Tại lầu Hoàng Hạc tiễn bạn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng

Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời

Đây là một trong những tuyệt tác về thể thơ thất ngôn tứ tuyệt của Lý Bạch, cách sử dụng từ ngữ thanh cao, ý tứ nhẹ nhàng, thiên nhiên rộng lớn, khung cảnh vô cùng khoáng đạt, vẽ nên bức tranh kiệt tác tại nhân gian.

Tĩnh dạ tứ

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sơn
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Dịch thơ:

Cảm nghĩ đêm yên tĩnh

Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương

“Tĩnh dạ tứ” là một bài thơ mà bất cứ người tha hương nào cũng sẽ cảm nhận được trọn vẹn.

Há Giang Lăng – Tảo phát Bạch Đế thành

Triêu từ Bạch Đế thái vân gian
Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trụ
Khinh chu dĩ quá vạn trùng san

Dịch thơ:

Tới Giang Lăng – Sáng rời thành Bạch Đế

Sáng từ Bạch Đế giữa ngàn mây
Muôn dặm Giang Lăng tới một ngày
Tiếng vượn đôi bờ kêu không dứt
Ngàn non thuyền nhẹ đã qua ngay

Người đời xưng tụng Lý Bạch là “Thi Tiên”, bởi thơ của ông luôn đứng từ một cảnh giới cao hơn mà bao quát vạn vật. Truyền thuyết rằng sau khi ông bị đuổi khỏi triều đình thì thường uống rượu say, nhờ cơ duyên được chứng kiến tiên nữ múa, từ đó thấu hiểu lẽ sinh tử mà viết ra bài “Cửu nhật Long sơn ẩm”:

Cửu nhật Long sơn ẩm

Cửu nhật Long sơn ẩm,
Hoàng hoa tiếu trục thần.
Tuý khan phong lạc mạo,
Vũ ái nguyệt lưu nhân.

Dịch nghĩa:

Tiết Trùng Cửu uống rượu trên núi Rồng

Tiết Trùng Cửu uống rượu trên núi Rồng,
Hoa vàng cười kẻ làm quan bị đuổi đi.
Say nhìn gió thổi rơi mũ,
[Tiên nữ] múa tuyệt đẹp dưới trăng làm người chẳng muốn dời chân.

Cũng bởi thấu hiểu lẽ sinh tử rồi nên Lý Bạch mới cảm khái viết về cõi nhân sinh rằng:

Sinh giả vi quá khách,
Tử giả vi quy nhân.
Thiên địa nhất nghịch lữ,
Đồng bi vạn cổ trần.

Nghĩa là:

Sống là khách qua đường,
Chết tựa về cố hương.
Trời đất này khác chi quán trọ,
Người ở trong cõi trần ai đó mà bi thương [không biết chốn về].

Thanh Phong biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: