Sau thất bại trước cuộc chiến với Đại Nam, vua Xiêm La đành chịu mất Cao Miên và phải cử một đoàn sứ bộ đến Huế xin giảng hòa.

Không được lòng dân, Đại Nam phải rút khỏi Trấn Tây Thành

Sau khi sáp nhập Cao Miên vào nước mình và đặt tên là Trấn Tây Thành, Đại Nam cắt cử quan lại tại đây. Tuy nhiên các quan lại người Việt lại có ý miệt thị hoàng gia Cao Miên, lạm quyền nhũng nhiễu dân tình.

Năm 1840, các quan chức người Việt phát hiện Ngọc Biện (chị của quận chúa Ngọc Vân) viết thư cho mẹ mình ở Battambang (là nơi không nằm trong sự kiểm soát của triều đình nhà Nguyễn), ngỏ ý muốn trốn qua đấy với mẹ. Tham tán Dương Văn Phong cho rằng Ngọc Biện định chạy sang Xiêm La mưu phản, phải xử tử. Sau đó Trương Minh Giảng lại bắt quận chúa Ngọc Vân cùng em gái là Ngọc Thu và Ngọc Quyên giam lỏng ở Gia Định.

Việc coi thường hoàng gia và nhũng nhiễu dân chúng tại Cao Miên không được lòng dân Khmer, khiến người Việt khó cai trị Trấn Tây Thành. Cùng lúc, em trai vua Ang Chan là Ang Duong (Nặc Ông Đôn) được Xiêm La hậu thuẫn liền dấy binh làm phản, khiến quan quân nhà Nguyễn đánh dẹp rất vất vả.

Đại Nam 3 lần đánh bại Xiêm La như thế nào? (Phần 2)
Một góc Hoàng cung Cao Miên tại Nam Vang. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Năm 1840, Xiêm La đưa vài vạn quân đến đóng ở U Đông (Kinh đô cũ của Cao Miên), vua Minh Mạng sai Phạm văn Điển và Nguyễn Tiến Lâm tiến đánh nhưng không phá được.

Năm 1841, vua Minh Mạng mất, vua Thiệu Trị lên thay, Tạ Quang Cự liền trình bản tấu xin rút khỏi Trấn Tây Thành về giữ vùng An Giang. Vua Thiệu Trị chuẩn tấu và lệnh cho Trương Minh Giảng rút quân về.

Trương Minh Giảng rút quân về An Giang thì sinh bệnh mà mất. Việt Nam sử lược giải thích rằng: “Bởi vì việc kinh lý đất Chân Lạp là ở tay ông cả, nay vì có biến loạn, quan quân phải bỏ thành Trấn Tây mà về, ông nghĩ xấu hổ và buồn bực đến nỗi thành bệnh mà chết”.

Xiêm La xuất quân đánh Đại Nam lần thứ 2

Thấy quân Việt đã rút, Xiêm La nhân cơ hội này thao túng Cao Miên, đưa Nặc Ôn Đôn về Nam Vang lên ngôi Vua, tướng quân Phi Nhã Chất Tri cũng đưa quân tới chuẩn bị phục thù.

Phi Nhã Chất Tri cho quân dựng đồn lũy ở bờ kênh Vĩnh Tế (nằm tại địa phận An Giang và Kiên Giang). Đại Nam cho quân tiến đánh khiến quân Xiêm bại trận.

Vị tướng quân tài giỏi giúp quân chúa Nguyễn nhiều lần chặn đứng chúa Trịnh
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Năm 1842, quân Xiêm kéo vào Đại Nam theo cả hai đường thủy bộ. “Bản Triều Bạn Nghịch Liệt Truyện” biên soạn năm 1901 mô tả như sau:

“Quân Xiêm đổ bộ lên Hà Tiên, ta chặn giặc tại đồn Vĩnh Thông. Tình thế trở nên căng thẳng, quân Xiêm có thêm cánh quân theo sông Tiền, sông Hậu đổ xuống. Tướng Nguyễn Tri Phương lại tâu về triều đình, nhận định rằng mất sông Tiền là mất An Giang, Vĩnh Long, Định Tường, nên ta cần đem binh giữ và phòng bị cẩn mật những đồn Thông Bình (Tuyên Bình), Hùng Ngự (Hồng Ngự), Tân Châu, An Lạc.”

Tại kênh Vĩnh Tế, quân Xiêm tập trung 2 vạn quân tại bên hữu ngạn từ Vĩnh Thông đến Tiên Nông, bên tả ngạn từ Vĩnh Lạc đến Tĩnh Biên, rồi đem quân đánh vào các vùng thuộc Hậu Giang và Tiền Giang. Quân Đại Nam không đủ để chống lại phải gửi bản tấu về Triều đình xin thêm quân. Vua không cho mà cử các tướng trấn giữ Nam bộ trợ giúp lẫn nhau.

Quyết đánh dù ít hơn quân Xiêm 4 lần

Tổng đốc Phạm Văn Điển đưa quân của mình đến Hà Âm (thuộc An Giang, nay thuộc tỉnh TaKéo của Campuchia) ở ngay bờ bắc con kênh Vĩnh Tế, quan sát thế trận. Quân Xiêm lập 8 đồn lớn, mỗi đồn có 2.000 quân, số quân còn lại chia làm 13 trại đóng trong rừng sẵn sàng tiếp ứng.

Trong khi đó Đại Nam chỉ có 5.000 quân, tức ít hơn quân Xiêm đến 4 lần. Dù thế Phạm Văn Điển vẫn quyết đánh.

Phạm Văn Điển cho Đoàn Văn Mật và Tôn Thất Nghị cùng 1,5 ngàn quân tiến đánh các đồn bên tả; Nguyễn Lương Nhàn đưa 600 quân đánh phía hữu; Nguyễn Công Nhàn dẫn 1.300 quân đánh 3 đồn ở giữa. Sau khi các cánh xuất phát, Phạm Văn Điển mới dẫn theo 1.600 quân tiếp ứng.

Quân của Mật và Nghị xuất phát trước đánh tan quân Xiêm ở đồn bên tả rồi hợp với quân của Nguyễn Công Nhàn đánh các đồn bên hữu.

Quân Xiêm đóng ở 13 trại trong rừng liền đến tiếp ứng, Phạm Văn Điển đưa quân chặn lại phía trước, Nguyễn Lương Nhàn bất ngờ đánh úp phía sau.

Quân Xiên thua trận bỏ chạy lại vào trong rừng, quân Việt truy kích theo, 13 trại quân Xiêm tan vỡ.

Phạm Văn Điển cho quân vây các đồn quân Xiêm. Trong tháng 3/1842 (âm lịch), quân Đại Nam chiếm được các đồn ở Hà Âm và một phần Hà Dương ven kênh Vĩnh Tế. Quân Xiêm còn lại cố giữ các đồn ở Thất Sơn, Xà Tôn thuộc Hà Dương.

Quân Đại Nam thắng lớn, Vua phong Phạm Văn Điển làm Đô thống phủ Đô thống. Đến tháng 4 (âm lịch) dù tuổi cao vẫn lao lực chống Xiêm, ông bị bệnh rồi mất, thọ 73 tuổi.

Đánh đuổi quân Xiêm

Nguyễn Công Nhàn thay Điển làm Tổng đốc An Hà, Nguyễn Lương Nhàn làm Đề đốc An Giang, Tôn Thất Nghị làm Lãnh binh An Giang tiếp tục bao vây các đồn còn lại cho đến khi đánh bại quân Xiêm.

Đầu năm 1842, quân Xiêm lập 18 đồn trại ngày đêm vây hãm tỉnh Hà Tiên, quân Đại Nam chia nhau trấn giữ vùng biển Kim Dữ, thành Hà Tiên và đồn Chu Nham cùng một số nơi xung yếu khác.

Quân Đại Nam phòng thủ thành công rồi tấn công vào các đồn trại và vùng biển Kim Dữ, quân Xiêm bị vỡ trận, binh tướng phải rút chạy theo đường biển. Quân Đại Nam truy đuổi rồi chốt giữ ven bờ vịnh Thái Lan ở Hà Châu, Hà Tiên.

Đến đây cuộc chiến lần thứ 2 với Xiêm La kết thúc, quân Xiêm bại trận phải rút về, Đại Nam dù thắng trận nhưng phần đất Cao Miên lại để rơi vào tay Xiêm La.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: