Thông thường trong cuộc sống hiện đại, người ta làm việc đều suy xét xem bản thân được lợi ích gì hay phải chịu thiệt gì không. Chính vì thế, có những việc đạo nghĩa, những việc cần nói lên tiếng nói lương tri lại bị người ta bỏ qua. Điều này trái ngược hẳn với cách xử lý sự tình của người xưa.   

Đại trượng phu xử sự chỉ xét đúng sai, không xét thiệt hơn
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong tác phẩm nổi tiếng “Vi lô dạ thoại” của tác giả Vương Vĩnh Bân thời nhà Thanh có câu: “Bất luận họa phúc nhi xử sự, bình chính tinh tường vi lập ngôn”, nghĩa là người ta khi xử lý bất kỳ một sự việc nào, chỉ quan tâm ở chỗ làm như thế có đúng hay không chứ không suy tính rằng làm như thế đối với mình có lợi ích hay có cái thiệt hại gì không.

Một người có chí khí và tiết tháo, khi xử lý bất kỳ sự việc nào, điều đầu tiên nhất định phải nghĩ đến là “đúng” “sai”, cuối cùng cũng nhất định kiên trì “đúng”“sai”. Họ chỉ luận “đúng” “sai” để làm, nếu “đúng thì phải nói là đúng, sai thì phải nói là sai”. Muốn làm được như thế không phải  là điều dễ dàng.

Trong xã hội luôn có một số người khi cùng với người khác cộng sự thì chỉ nhắm mưu lợi cho bản thân, chỉ nghĩ cách làm thế nào có lợi cho mình, bất chấp việc làm hại người khác. Họ không muốn đối phương dựa vào chính đạo để làm việc, chỉ muốn đối phương làm theo cách nào có lợi nhất đối với họ mà thôi. Nếu không làm theo, họ sẽ nghĩ mọi cách để ngăn chặn, đả kích. Nếu một người chỉ nghĩ đến việc xu cát tị hung, làm thế nào để bản thân được lợi mà không phải chịu thiệt, thì sẽ rất dễ mất đi chính đạo. Vì thế những người hiểu đạo nghĩa khi làm việc chỉ quan tâm đúng sai mà làm, có dũng khí gánh nhận hết thảy hoạ phúc.

Phú Bật đời Tống là vị quan thanh liêm chính trực, khoan hậu đối đãi với người, làm quan đến chức Tể tướng. Thời Tống Nhân Tông, giữa nước Tống và nước Liêu xảy ra nhiều năm chinh phạt, Phú Bật không lo sợ sống chết, bước ra đi sứ nước Liêu đàm phán, vừa nghiêm chính vừa nhân đức mà có uy, khiến nước Liêu dừng việc động binh, khiến người dân Nam Tống trong mấy chục năm trời không gặp chiến sự, thiên hạ đều khen ông là người thiện.

Khi Phú Bật nhậm chức ở Thanh Châu, vừa đúng lúc gặp sáu, bảy mươi vạn nạn dân chạy nạn lũ lụt Hoàng Hà về phía đông đi qua. Phú Bật vời tất cả lại, lo hơn mười vạn phòng cả của công lẫn của tư, dốc sức động viên quan lại và bách tính địa phương đem thóc gạo ra cứu tế người dân bị thiên tai, cộng thêm lương thực dữ trữ của kho quan, nên đã cứu sống được sáu, bảy mươi vạn nạn dân này.

Thời Tống Anh Tông, Phú Bật đảm nhiệm chức Tể tướng, Tống Anh Tông đem những vật của phụ hoàng Tống Nhân Tông để lại ban thưởng cho các trọng thần trong triều đình. Sau đó Hoàng đế lại giữ một mình Phú Bật lại, là ngoại lệ, ban thưởng đặc biệt một số vật cho ông. Phú Bật từ chối không nhận, Tống Anh Tông nói: “Những thứ này cũng chẳng đáng giá bao nhiêu, khanh không cần phải từ chối.”

Phú Bật khẩn thiết nói: “Vật tuy nhỏ bé, nhưng mấu chốt là ban thưởng ngoại lệ. Đại thần nhận ban thưởng ngoại lệ mà không tạ tuyệt, vạn nhất sau này hoàng thượng làm sự việc ngoại lệ gì đó, thế thì dựa vào cái gì để can gián đây?”

Hoàng đế Tống Anh Tông nghe xong cảm nhận sâu sắc tính giáo dục trong câu nói ấy. Phú Bật cả đời cung kính cần kiệm, tu hành đạo đức, không lo được mất của bản thân mà vì dân làm việc, không lo mất lòng Hoàng đế mà đưa ra những lời can gián chính trực, tâm huyết, giúp Hoàng đế trị vì tốt thiên hạ.

Bậc chí sĩ cao thượng khi xử sự chính là như vậy. Bên cạnh đó, đạo xử thế của người xưa còn thể hiện ở việc lập ngôn. Lập ngôn nghĩa là viết sách. Người xưa viết sách không phải như thời nay, cần quan tâm đến nhuận bút, xuất bản, số lượng tiêu thụ. Họ tâm niệm rằng viết sách lập ngôn thì điều quan trọng là phải ngay thẳng chính trực, nếu có thể trình bày thêm được lẽ nhân quả kỹ càng thì càng đáng quý.

“Lập ngôn” là một trong “tam bất hủ” thời cổ đại, là lý tưởng cao thượng của đời người. Lập ngôn, quý ở chỗ ngôn từ khách quan công chính, không thể riêng tư võ đoán. Bởi văn chương là để người ta xem, nếu quan điểm có chỗ sai lệch thì sẽ thành hướng dẫn nhầm người đọc.

Tào Phi thời Tam Quốc cho rằng văn chương là nghiệp lớn trăm năm, một chút cũng không được sai sót. Khổng Tử viết trong sách Luận Ngữ rằng: “Thuật nhi bất tác”, nghĩa là ông chỉ thuật lại lời dạy của cổ nhân chứ không sáng tạo, cốt sao cho mọi người tin tưởng cổ nhân mà tiếp thu đạohánh hiền là được. Vì những quan điểm này, cổ nhân yêu cầu các trước tác văn chương nhất định phải khách quan công chính, cẩn thận khi đặt bút, nếu khinh suất vội vàng thì sẽ không có tính khả tín. Một yêu cầu nữa là cần phải  rõ ràng, văn chương như thế mới là đáng quý nhất.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: