Nếu nhà Lý bắt đầu cho việc dời đô về Kinh thành Thăng Long, khởi đầu cho nền văn hóa phát triển rực rỡ, thì nhà Trần đã kế thừa truyền thống ấy, tổng hợp sức mạnh của Đại Việt, 3 lần đánh bại đội quân Mông Cổ gây kinh hoàng khắp thế giới lúc bấy giờ. Các vua Trần đời đầu cũng là người tu luyện, tạo ra những kỳ tích hết sức huy hoàng.

vua Trần
Bức “Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ” mô tả cảnh thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất sơn, được con là Anh Tông tiếp đón. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Vua Trần Thái Tông

Đầu năm 1226, Lý Chiêu Hoàng bị Trần Thủ Độ ép nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Ngày 10/1/1226, Trần Cảnh chính thức lên ngôi Vua sáng lập ra nhà Trần, hiệu là Trần Thái Tông. Sở dĩ nhà Vua không lấy hiệu là Thái Tổ vì Trần Cảnh xem mình lên ngôi là nhờ được vợ nhường cho, nên xem ngôi Thái Tổ là của vợ mình, còn mình chỉ được truyền lại tức Thái Tông.

Vua Trần Thái Tông kính ngưỡng tuân theo tín ngưỡng mà cụ tổ Trần Tự Viễn truyền lại. Nhà Vua là người mộ đạo, kính ngưỡng Phật Pháp. Vua có người bạn thân là Quốc sư Phù Vân ở núi Yên Tử, và thường đến nơi đây đàm đạo về Phật Pháp, dùng Phật Pháp để giáo hóa muôn dân, giúp xã tắc trở nên ổn định và cường thịnh.

Giang Sơn thịnh vượng dựa trên niềm tin tín ngưỡng, những bậc Thánh nhân và anh hùng cũng xuất sinh rất nhiều vào thời kỳ này.

Vào dịp tết Nguyên đán năm 1257 có vị quan nhà Tống là Nguyễn Bính quan sát thiên văn thấy các sao chiếu xuống Mông Cổ mạnh bất khả đương, biết rằng nhà Tống ắt bị diệt, nhìn xuống phương nam thấy sao tử vi (ứng vào vua) sáng chói, các quần tinh xung quanh sáng rực rỡ, thịnh đến hơn trăm năm. Từ đó ông cho rằng Mông Cổ sẽ diệt nhà Tống, nhưng đến phương nam sẽ bị chặn lại. Nguyễn Bính liền đưa toàn bộ gia tộc khoảng 3.000 người dời đến phương nam nương nhờ Đại Việt

Sau khi chiến thắng Mông Cổ lần thứ nhất năm 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử, bản thân làm Thượng hoàng, chuyên chú tu luyện.

Sau khi nhường ngôi, vua Thái Tông chăm chỉ nghiên cứu Phật Pháp. Vua cho xây chùa Phổ Minh tại Thiên Trường (Nam Định) và am Thái Vi tại hành cung Vũ Lâm (Hoa Lư, Ninh Bình) để tu luyện.

Nhà Vua tu học với sự hỗ trợ của các thiền sư như Đạo Viên ở Yên Tử, Ứng Thuận, Tức Lực và Đại Đăng ở Thăng Long, cùng các vị tăng người Tống là Đức Thành, Thiên Phong. Ngoài ra còn dựng chùa Tư Phúc để trao đổi thêm kiến thức với các cao tăng, đồng thời cũng viết khá nhiều sách, Phật học và giảng dạy cho lớp hậu sinh.

Vua Trần Thánh Tông

Đến đời vua Trần Thánh Tông, Vua ban hành nhiều chính sách nhằm hoàn thiện nền hành chính, giáo dục, kinh tế dựa trên nền tảng tín ngưỡng vào Phật giáo. Vua cũng ra các chính sách nhằm bảo trợ, duy trì và phát triển Phật giáo.

Ngoài ra, Vua cũng dùng Nho giáo để giáo hóa dân chúng. Nho giáo ảnh hưởng mạnh đến các cơ quan nhà nước Đại Việt, rất nhiều vị trí quan trọng đều sử dụng Nho sĩ. Đại Việt tiếp tục tạo nên kỳ tích đánh bại đại quân Nguyên Mông vào năm 1285 và 1288.

Sau khi quân Mông Cổ rút chạy, quân Đại Việt bắt được một tráp công văn ghi rõ giao dịch của một số vương hầu và quan lại tư thông với quân Nguyên. Một số quan muốn bắt những người này để trị tội, nhưng vua Thánh Tông đã lệnh đốt hết mà không truy cứu, chỉ những ai đã chính thức chạy sang đầu hàng quân Nguyên thì không tha.

Vua Trần Thánh Tông cũng là một người tu luyện. Khi Thượng hoàng Thái Tông mất, ông nhường ngôi Vua lại cho Thái tử, rồi lên làm Thượng hoàng, dành nhiều thời gian hơn cho Phật Pháp. Vua thường tu luyện ở chùa Tư Phúc gần Kinh thành.

Sau khi đánh bại quân Nguyên lần thứ 3 vào năm 1288, vua Trần Thánh Tông vào hẳn trong chùa Tư Phúc chuyên tâm tu luyện dưới sự hướng dẫn của Quốc sư Trúc Lâm Đại Đăng.

Vua Trần Nhân Tông

Vua Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm. Theo các ghi chép để lại thì ngay từ nhỏ ông đã hiểu sâu Phật điển.

Năm Trần Khâm 16 tuổi thì được Vua cha phong làm Thái tử, nhưng Trần Khâm luôn muốn chuyên tâm tìm hiểu Phật Pháp. Sống bên người vợ hiền với ngôi vị Thái tử, nhưng Trần Khâm đặt chí ở tu luyện, nhiều lần ngỏ ý muốn nhường ngôi Thái tử cho em mình là Tá Thiên vương Trần Đức Việp nhưng không được Vua cha đồng ý.

Có lần Trần Khâm nhân lúc đêm khuya liền vượt tường thành đến núi Yên Tử định ẩn tu. Lúc trời sáng đến núi Đông Cứu thì mệt quá, bèn đi vào ngôi chùa ở đấy xin được nghỉ ngơi. Vua Thánh Tông và Hoàng hậu tìm khắp nơi, biết Thái tử lên núi Yên Tử liền đến nơi khuyên nhủ Thái tử mới trở về. (Theo “Thánh đăng ngữ lục”).

Đại Việt thịnh trị khi Vua là người tu luyện (P2)
Một ngôi chùa trên núi Yên Tử. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Khi lên ngôi, vua Nhân Tông tiếp tục chính sách của các vua Trần trước đó, duy trì tín ngưỡng Nho giáo và Phật giáo để giáo hóa dân chúng, tạo nền tảng vững chắc đánh bại quân Mông Cổ nào năm 1285 và 1288.

Sau khi chiến thắng, do ảnh hưởng của chiến tranh và thời tiết nên sản xuất nông nghiệp bị đình trệ, nạn đói xảy ra liên miên. Vua Nhân Tông cho phát thóc và bãi bỏ hoàn toàn thuế cho người dân. Nhà vua dùng từ bi đối xử với dân chúng, các quan lại được giáo dục bởi tam giáo đều yêu thương dân chúng. Dù những năm này đói kém liên miên nhưng lòng dân ổn định, không ghi nhận có bất kỳ sự nổi dậy nào. Điều này khiến nông nghiệp nhanh chóng hồi phục.

Năm 1293, sứ nhà Nguyên là Lương Tăng và Trần Phu sang Đại Việt đã vô cùng kinh ngạc vì mới sau chiến tranh đã có một Đại Việt phồn vinh “lúa mỗi năm gặt bốn lần, tuy vào mùa đông rét, mạ vẫn phơi phới” hay “thôn xóm đều có chợ, mỗi hai ngày họp một lần, trăm món tạp hóa đều dồi dào” “thuyền bè các nước mọi ngoài biển đều đến rất đông, buôn bán trên thuyền rất rộn rịp” (Theo “An nam tức sự” của Trần Phu).

Trong vòng 3 năm (1285 – 1288) Đại Việt 2 lần phải chống lại 100 vạn quân Mông Cổ, thế nhưng những ghi chép từ lịch sử trên cho thấy đất nước đã hồi phục nhanh chóng sau chiến tranh thế nào.

Năm 1295, vua Trần Nhân Tông tryền ngôi cho vua Trần Anh Tông, rồi làm Thượng hoàng chuyên tâm tu luyện, xuất gia ở Hành Cung Vũ Lâm (Ninh Bình), sau đó rời đến Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành, lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Vua Trần Anh Tông

Cũng như các vua Trần trước đó, vua Anh Tông là người vô cùng mộ Đạo. Khi vua Nhân Tông xuất gia và tu luyện theo thiền phái Trúc Lâm, vua Anh Tông đã đóng góp nhiều cho thiền phái này.

Vua cho xây chùa tháp, tự viện, tịnh thất, cùng rất nhiều trung tâm tu học khác ở các nơi. Vua lại khuyến khích các cao tăng như Nhị tổ Pháp Loa, Quốc sư Liễu Minh phổ truyền Phật Pháp, dùng Phật Pháp để giáo hóa dân chúng làm nền tảng vững chắc để Giang Sơn vững mạnh.

Năm 1304, vua Trần Anh Tông thỉnh cầu cha là vua Nhân Tông đến Kinh thành Thăng Long để truyền “Tâm giới Bồ tát” tại gia cho mình, nguyện dùng Hoàng quyền của mình để cứu dân độ thế (Theo “Thánh đăng lục giảng giải”).

Thấy Vua là người mộ đạo và thành tâm tu luyện, nhiều Hoàng thất và quan lại noi gương theo, đặt niềm tin vào tín ngưỡng của mình, dụng tâm tu luyện và tìm hiểu Phật Pháp, dùng Phật Pháp để trị quốc, khiến quốc thái dân an. Người dân Đại Việt thời này cũng là có phúc.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời nghe radio: