“Biến ước mơ của mình thành công việc là điều tôi sẽ không bao giờ làm”

…Bạn tôi nói vậy, khi một người đề nghị anh làm hướng dẫn viên và thầy dạy leo núi cho một nhóm đi muốn đi đến K2 ở Himalayas. Là người có kinh nghiệm leo núi trình độ cao và đã đến Himalayas rất nhiều lần trong những chuyến đi kéo dài, anh nhận được nhiều đề nghị như vậy, và luôn từ chối, kể cả với những nhóm sẵn sàng trả chi phí lớn.

Trong một quyển sách tên “Moments of Doubt” của tác giả David Roberts, một giáo sư văn chương và là người viết về leo núi thuộc hàng đỉnh cao của Mỹ, ông cũng viết về một điều tương tự như vậy. Những năm học ở Đại học Havard, là thành viên của câu lạc bộ leo núi đại học Havard, David Roberts dễ dàng có uy tín để có thể dạy leo núi mùa hè cho học sinh, sinh viên, kiếm tiền và để dành cho những hành trình dài đến mấy ngọn núi ông ao ước như Huntington ở Alaska. Nhưng những bài viết của David về công việc ấy chỉ đầy một màu sắc: sự chịu đựng để kiếm được tiền bằng sở thích, để đạt được một chuyến đi. Tác giả thừa nhận ông không yêu thích công việc đó – dù ông đam mê leo núi cả đời.

Hai câu chuyện đó bẻ ngược lại tuyên ngôn tôi thường được thấy ở những hội thảo nghề nghiệp: “Nếu bạn biến đam mê thành nghề nghiệp, thì còn gì tuyệt hơn, bạn sẽ được làm thứ bạn đam mê cả đời”.

Hai trục đam mê – việc làm thường được đem ra để cân đong giá trị với người làm việc, nhất là giới chuyên môn. Chúng tôi cố gắng chứng tỏ bản thân bằng mọi cách, nhất là khi ai đó đụng tới “đam mê”. Có đam mê mới dám hành động. Có đam mê mới đủ dũng khí. Có đam mê mới hết mình. Có đam mê mới dám sống chết vì công việc. Thực ra, cuối cùng chắc nhà tuyển dụng chả cần gì đam mê của bạn đâu, thứ họ cần là bạn dám sống chết vì công việc.

Bạn sử dụng đam mê làm tấm khiên chắn đỡ cho những lý do chệch hướng trong nghề nghiệp. Bạn lấy đam mê làm lý do để biện minh cho hành động không đúng đắn – miễn đạt được mục đích.

Tôi từng quen những đồng nghiệp… chả có nhiều đam mê lắm, nhưng họ làm việc rất chuyên nghiệp, phong độ ổn định và thành quả trọn vẹn. Ngược lại, tôi cũng gặp những người cứ mở miệng ra là nói “vì đam mê”, không rõ là mê gì, nhưng hành vi tác nghiệp thì cực kỳ méo mó. Nếu dùng đam mê làm lời biện giải cho mọi hành vi, thì có lẽ đam mê cũng xứng đáng bị coi thường như một công cụ chẳng kém gì bất cứ trò mèo nào khác trong nghề nghiệp.

Hai kiểu chọn lựa bên trên đã tái định hình suy nghĩ của tôi về đam mê và nghề nghiệp.

Tôi không còn muốn hành nghề vì đam mê nữa, mà muốn làm việc vì mình có nghề nghiệp, kỹ năng, thứ mà khách hàng cần đến mình. Tôi muốn đam mê được sống như một hạt mầm, tự do nảy nở khi đủ độ ẩm, đủ nước, đủ nắng, vừa gió. Tôi muốn nhìn thấy đam mê đưa hành động của mình đến một động cơ phù hợp và xứng đáng. Xa hơn cả, khi hành động vì đam mê, tôi không muốn ai phải chịu trách nhiệm về nó giùm mình – hay quàng lên cổ nó những triết danh lộng lẫy và đồ sộ.

Đam mê không bán được. Cũng chẳng nên đợi ai mua. Nhưng xứng đáng dành công sức chăm sóc và yêu thương nó.

Khải Đơn (Nhà văn, người viết tự do)
Trích từ cuốn “Đi thật xa trên một chiếc Camper”

Đăng theo Facebook Phạm Lan Phương. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm:

Mời xem video: