Trong lịch sử, Đặng Đại Độ được đánh giá là vị quan công minh liêm khiết dưới thời Chúa Võ, còn dân chúng xem ông là “băng thanh ngọc khiết”.

Vị quan thanh liêm thời Nguyễn khiến đạo tặc vì nể phục mà tránh xa
(Ảnh minh họa: Anna Levan, Shutterstock)

Xuất thân

Theo gia phả họ Đặng ở làng Quảng Cư (Quảng Bình) thì ông tổ họ là Đặng Quý Công, giữ chức Chưởng phủ thị vệ quân lãnh, tước Liễu Đại hầu dưới thời vua Lê Thánh Tông, giỏi về lý số. Năm 1470 trên đường cùng Vua đi kinh lý phương nam, Đặng Quý Công nhận thấy vùng đất Quảng Cư là nơi địa linh nên cho dựng chùa Phật Ngồi nơi đây, sau đó thì lập làng định cư, khai sinh ra dòng họ Đặng Đại.

Từ đó dòng họ Đặng Đại có 8 đời liên tiếp đỗ đạt làm quan lớn, hàng chục người được phong tước Hầu, Bá, nổi tiếng là dòng họ thanh liêm, trung hậu. Sách “Đại Nam Địa dư chí ước biên” ca ngợi:

Đặng Đại thị giữ mình trong sạch,
Cha con cùng triều nức tiếng thơm.

Cháu 3 đời của Đặng Quý Công là Đặng Đại Lược (1690-1764) nhờ có tài năng đỗ đạt nên được làm trong Hàn Lâm viện, sau đó làm Ký lục dinh Bố Chính rồi Cai bạ dinh Quảng Nam (gồm ba phủ là Thăng Hoa, Quảng Ngãi và Quy Nhơn).

Theo sử sách thì Đặng Đại Lược làm quan thanh liêm nổi tiếng lại là người có khí tiết và đức độ. Ông làm quan to nhưng nhà vẫn nghèo khó, được phong tước Tuy Lộc hầu, Kim tử Vinh Lộc Đại phu, lúc mất được ban thụy Văn Chính.

Đặng Đại Lược có 8 con trai thì có đến 7 người đỗ đạt làm quan lớn thời chúa Nguyễn, đều từ Tri huyện trở lên, có 4 người được phong tước Hầu. Trong số đó thì Đặng Đại Độ là người nổi tiếng thông minh từ nhỏ, lại khiêm nhường, nhờ chăm chỉ học tập mà có kiến thức sâu rộng. “Đại Nam nhất thống chí” cho rằng ông là người nổi tiếng về “học hạnh”, đỗ Hương Tiến (học vị cao nhất ở Đàng Trong lúc bấy giờ) từ lúc còn rất trẻ.

Năm 1748, Đặng Đại Độ được thăng Ký lục dinh Bình Khang (Khánh Hòa). Ông nổi tiếng liêm kiết như cha mình, ai dâng tặng cái gì ông đều kiên quyết từ chối không nhận, dân chúng yêu quý xem ông là “băng thanh ngọc khiết”.

Chọn lo cho dân mà đánh thắng quân nổi loạn

Năm 1761, người bản địa ở tây Quảng Ngãi dựa vào núi Thạch Bi hiểm trở chống lại Triều đình, lịch sử gọi là “Man Thạch Bích”. Đội quân Thạch Bích có tổ chức, dựa vào địa thế hiểm trở thoắt ẩn thắt hiện, khiến quan quân không đối phó nổi.

Chúa phải cho Đặng Đại Độ cầm quân. Đặng Đại Độ đến nơi tìm hiểu kỹ thì phát hiện rằng dân chống lại Triều đình là do đám quan lại địa phương hà khắc, tham ô nhũng nhiễu. Ông lệnh cho quân sĩ không được lạm sát vô cớ, kiên nhẫn tìm ra con đường đến sào huyệt của quân Thạch Bích, rồi chọn thời điểm bất ngờ đưa quân chiếm sào huyệt.

Quân Thạch Bích choáng váng, bỏ chạy khỏi sào huyệt. Ông đóng quân ở lại chấn chỉnh đám quan lại địa phương, vỗ an dân chúng, phủ dụ quân Thạch Bích hãy trở về. Quân Thạch Bích nào trở về đều được yên ổn sinh sống, nên họ kéo nhau ra đầu hàng. Đặng Đại Độ đều giúp họ ổn định cuộc sống.

Chúa khen thưởng cho ông, rồi bổ làm Ký lục dinh Quảng Nam. Thời gian sau, lại bổ làm Ký lục dinh Trấn Biên (Biên Hoà, Đồng Nai ngày nay) – một trung tâm văn hoá, giáo dục, thương mại của chúa Nguyễn ở phía Nam.

Xử án công minh, không sợ quyền thế

Đặng Đại Độ làm quan nổi tiếng công minh, chính trực. Ông làm quan ở đâu, đám quan tham và cường hào ác bá không chốn dung thân. Ông có tài điều tra các vụ án, xử nghiêm minh hợp lòng dân, dân chúng đều tôn kính ca ngợi:

Danh chính trực rạng ngời quan Ký lục,
Đuốc công minh sáng rọi chốn quan đường.

Cuốn “Đại Nam liệt truyện” có ghi chép lại câu chuyện về Đặng Đại Độ ở Trấn Biên như sau. Hai viên quan cai đội hầu cận Chúa từ Phú Xuân đến Biên Hòa tìm ca nhi để đưa về kinh đô biểu diễn cho Chúa xem. Hai viên cai đội này ỷ thế nên hống hách, làm nhiều điều có tội với dân.

Dù biết đó là kẻ phục vụ cho Chúa và ở gần Chúa nhưng Đặng Đại Độ vẫn cho bắt lại đem ra xét xử. Với những chứng cớ rành rành, hai viên cai đội phải nhận tội. Đặng Đại Độ lệnh xử tử 2 tên cai đội.

Nghĩ mình giết người của Chúa cử vào, Đặng Đại Độ mặc áo đơn, đeo gông ngắn về Kinh chịu tội, người con liền đi theo. Hai cha con đi bộ ròng rã hơn 1 tháng mới đến Kinh thành, Đặng Đại Độ trình báo sự việc rồi xin vào ngục đợi tội.

Chúa xem xong cho gọi ông đến và nói: “Khanh có tội gì, mà tự lao khổ thế ? Trước kia ta sai đi chọn một vài con hát để tiêu khiển lúc rỗi, không ngờ lũ tiểu nhân đi ra, cậy thế ức hiếp người! Khanh giết đi là phải. Có tội gì đâu. Vậy bỏ qua việc ấy đi”.

Tận tụy phụng sự cho Xã Tắc

Chúa lập tức thăng cho Đặng Đại Độ làm Khâm sai tuần hành 5 phủ là Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận – kiêm Tuần phủ Gia Định, được quyền bãi hay thăng chức các quan lại ở sáu phủ này.

Dù nhận chức quan to, trọng trách lớn, nhưng Đặng Đại Độ rất khiêm nhường, ông chỉnh đốn quan lại ở các Phủ, giúp dân chúng có cuộc sống yên vui no ấm.

Ông làm việc tận tụy đến nỗi gục xuống bàn rồi mất. Hai người con đưa ông về quê nhà, dọc đường quan lại và dân chúng bày hương án thương tiếc vị quan đại thần đáng kính.

Tin bay về Kinh đô, Chúa Nguyễn Phúc Khoát thương tiếc, ban thụy hiệu là Trung Cần và phong tước Thạch Đức Hầu, dựng bia ca ngợi công đức của ông. Ngày nay ở quận 7 (Sài Gòn) và thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đều có đường mang tên ông.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: