Bức tượng kỳ lạ đầu Khổng Tử, thân Bồ Tát này được đặt tại Công viên văn hóa dân gian Thánh Thủy của thôn Thành Đông Phụ, thuộc đô thị mở rộng Bình Độ. Đây là kết quả điển hình nhất cho ham muốn kiểm soát đến cả tư tưởng người dân của chính quyền Trung Quốc.

Năm 2011, ủy ban thôn Thành Đông Phụ đã chi hơn hai triệu nhân dân tệ (khoảng 300.000 USD) để chạm khắc một bức tượng bằng đá cẩm thạch cao 21 mét, Thánh Tuyền Quán Âm trong công viên. Sau này bức tượng được biết đến với cái tên “Đệ nhất Quán Âm của Sơn Đông”. Người dân địa phương và khách du lịch đều thường xuyên đến địa điểm này để thắp hương và cầu may.

Đằng sau công trình kỳ dị: Đầu Khổng Tử, thân Bồ Tát
Bức tượng trước đó.

Người dân địa phương kể rằng bí thư thôn thông báo với họ vào mùa thu năm 2018 về mệnh lệnh từ trung ương, cấm truyền bá các hoạt động “phong kiến hay mê tín dị đoan”, trong đó có tín ngưỡng Phật giáo và thờ Quán Âm Bồ Tát. Trên cơ sở đó, bí thư thôn yêu cầu bức tượng của Quán Âm phải bị phá dỡ.

Các thành viên của Ủy ban thôn không sẵn sằng phá hủy bức tượng Quán Âm, nhưng lại sợ trái ý cấp trên. Cuối cùng, một trong số họ đã đề xuất giải pháp: thay thế đầu Quán Âm bằng đầu Khổng Tử. Một bức tượng với cái đầu của Khổng Tử sẽ không bị coi là mê tín dị đoan.

Nguyên nhân sâu xa là trong quá trình ngày càng kiểm soát tư tưởng người dân, chính quyền Trung Quốc đã coi Nho học – vốn ít mang giá trị tín ngưỡng tâm linh nhất trong tam giáo – như một công cụ tuyên truyền, để lấp vào khoảng trống tâm linh đem đến do việc bị cưỡng chế mất đi tín ngưỡng. Sự quảng bá tư tưởng Khổng Tử trong và ngoài Trung Quốc còn có ý nghĩa là một bước đệm để cưỡng ép dịch chuyển các niềm tin tôn giáo.

Sau hơn ba tháng làm việc tiêu tốn 400.000 nhân dân tệ (khoảng 60.000 USD), kết quả vô cùng nực cười. Bức tượng đứng ở trung tâm công viên có đầu của Khổng Tử và thân của Quán Âm – còn giữ nguyên áo choàng và thủ ấn. Sự thay đổi chỉ là chiếc bình ngọc trên tay trái của Quán Âm đã được thay thế bằng quyển sách tre. Hoa sen ở đế tượng bị gột bỏ và các chữ “Thánh Tuyền Quán Âm” đã bị xóa đi, và bức tượng ban đầu màu trắng được đổi sang màu sơn đồng.

Đằng sau công trình kỳ dị: Đầu Khổng Tử, thân Bồ Tát

Người dân địa phương đã cảm thấy bối rối và tức giận khi thấy sự lai căng của bức tượng về mặt giới tính, về truyền thống, và về tôn giáo. Một số người phàn nàn rằng thay vì thực hiện nhiệm vụ của mình, các quan chức đang nhũng nhiễu người dân và rút cạn ngân khố.

“Giống như thời Mao Trạch Đông, mọi người không được phép tin vào Thần hay Phật; mà chỉ được phép tin vào Đảng Cộng sản Trung Quốc”, một người dân phàn nàn.

Thực chất trong cuộc Đại Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc, ĐCSTQ đã hoàn toàn hủy diệt các giá trị cốt lõi của tín ngưỡng tôn giáo, bao gồm cả Phật, Đạo, Nho, Cơ đốc, v.v.. Trong chiến dịch thanh trừng văn hóa này, cuộc đàn áp của ĐCSTQ vào các địa điểm Phật giáo đã dẫn đến sự biến mất của nhiều bức tượng trên khắp Trung Quốc. Chùa chiền, tượng, di vật, v.v. bị phá hủy bằng các loại công cụ khác nhau, trong đó có cả chất nổ.

Vào thời hiện đại, với cái cớ gìn giữ văn hóa truyền thống, ĐCSTQ lại cung cấp tài lực để hồi sinh cái vỏ tôn giáo. Tuy nhiên trong một xã hội vô thần thì các giá trị tôn giáo đã không còn, tín ngưỡng bị hiểu sai, dẫn đến việc khôi phục chỉ dừng lại ở những cái vỏ: tượng đài, đền chùa, lễ hội, thắng cảnh. Trong khi đó việc kiếm chác thờ cúng, hối lộ thần phật, mua bán trao đổi thì tràn lan trong các cơ sở tín ngưỡng.

Với bức tượng đầu Khổng Tử, thân Bồ Tát này, ĐCSTQ đã đạt đến một đỉnh cao mới trong việc kiểm soát tư tưởng người dân, đó là tạo ra một kết quả méo mó dị hợm.

Theo BitterWinter (Bitterwinter.org)
Quang Dũng tổng hợp

Xem thêm: