Mặc dù quân Minh đánh bại nhà Hồ nhưng nhà Hậu Trần cũng đã đứng vững ở vùng đất cực nam, bao gồm một phần Nghệ An và Hóa châu. Danh tiếng của hậu duệ nhà Trần là Giản Định Đế cùng Đặng Tất bay xa, thủ lĩnh các nơi đều đưa quân đến để tụ nghĩa.

Tiến quân đến tận Đông Quan

Nhận thấy các vùng đất ở phía nam là Thanh Hóa, Nghệ An ở xa thành Đông Quan (tên của thành Thăng Long do quân Minh đặt) nên quân Minh cử ngụy quân trấn giữ, sức chiến đấu không cao. Đầu năm 1408, Đặng Tất tâu với Giản Định Đế nên đánh chiếm toàn bộ Nghệ An trước để tạo chỗ đứng vững chắc lâu dài.

Đặng Tất cho quân tiến đánh thành Nghệ An và Diễn Châu, giành được chiến thắng. Nhà Hậu Trần nắm được toàn bộ vùng Nghệ An, người dân nô nức hưởng ứng, trai tráng tòng quân khiến lực lượng nhà Hậu Trần thêm mạnh.

Phạm Ngũ Lão: Từ người nông dân thành danh tướng, con rể Hưng Đạo Vương
(Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Đặng Tất cho quân đánh chiếm đến tận vùng Thanh Hóa. Sau đó ông tập hợp quân các lộ tiến đánh thành Đông Quan.

Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng:

“Mùa đông, tháng 10, quốc công Đặng Tất điều quân các lộ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa tiến đánh Đông Đô (sử ghi tên gọi thành Thăng Long thời nhà Hồ). Khi quân đi qua các xứ Trường Yên, Phúc Thành (nay thuộc Ninh Bình), các quan thuộc cũ và các hào kiệt không ai không hưởng ứng đi theo. Tất chọn những người có tài đều trao cho quan chức”.

Đánh tan 10 vạn quân Minh

Sau khi đánh phá quân Minh ở ngoại thành Đông Quan, Đặng Tất cho quân rút lui. Nhà Minh liền cử Mộc Thạnh đưa 5 vạn quân sang, hợp với đội quân ở Giao Chỉ là 10 vạn quân tiến đánh quân Hậu Trần.

Đặng Tất thống lĩnh 6 vạn quân lập thế trận tại bến Bô Cô (thuộc Nam Định ngày nay) quyết chiến quân Minh.

Cuộc chiến ở Bô Cô vô cùng ác liệt cả dưới thủy lẫn trên bộ, cũng thể hiện được tài cầm quân của Đặng Tất. Kết quả quân Minh thảm bại, nhiều tướng nhà Minh cai trị hà khắc, có nợ máu với người Việt tử trận, như Thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị, Tham chính Lưu Dục, Đô chỉ huy Liễu Tông, v.v… (Xem bài: Nhà Hậu Trần – P1: Đại chiến bến Bô Cô đánh bại 10 vạn quân Minh)

Mộc Thạnh phải nhờ binh tướng cố phá vây mới chạy thoát về thành Cổ Lộng ở gần Bô Cô. 10 vạn quân Minh bị đánh tan, nhà Hậu Trần cũng bị mất hơn 1 vạn quân. Lúc này quân Minh chỉ còn lại quân ở thành Đông Quan cùng tàn binh ở thành Cổ Lộng.

Về trận đánh này Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng:

“Bấy giờ nhà Minh sai tổng binh Mộc Thanh mang tước Kiềm quốc công, đeo ấn Chinh di tướng quân, đem 5 vạn quân từ Vân Nam đến Bô Cô, vừa khi vua cũng từ Nghệ An tới, quân dung nghiêm chỉnh, gặp lúc nước triều lên gấp, gió thổi mạnh, sai các quân đóng cọc giữ, và lên hai bên bờ đắp lũy. Thạnh cũng chia quân thủy, quân bộ cùng cầm cự. Vua cầm dùi đánh trống, hạ lệnh, các quân thừa cơ xông ra đánh, từ giờ Tỵ đến giờ Thân, quân Minh thua chạy, chém được Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị, cùng quân mới, quân cũ đến hơn 10 vạn tên. Chỉ một mình Mộc Thạnh chạy thoát trốn về thành Cổ Lộng.”

Mâu thuẫn với Giản Định Đế

Đặng Tất cùng Nguyễn Cảnh Chân muốn đưa binh đến đánh thành Cổ Lộng để diệt Mộc Thạnh và tàn binh chạy đến đây. Thế nhưng Giản Định Đế chỉ muốn tiến ngay đến thành Đông Quan, chính thức lên ngôi Vua, bố cáo thiên hạ.

Sách Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục ghi chép rằng Giản Định Đế nói: “Bây giờ nhân thế chẻ tre, đánh quét một trận ruổi dài, làm cho chúng không kịp bịt tai khi gặp sét đánh mạnh, rồi ta tiến lên lấy thành Đông Đô, thì thế nào cũng phá được”.

Đặng Tất nói: “Hãy bắt hết bọn giặc còn sống sót, không nên để mối lo về sau.”

Mâu thuẫn giữa Giản Định Đế với Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân xảy ra. Nhà Hậu Trần dùng dằng không quyết được, khiến quân Minh ở thành Đông Đô có đủ thời gian tiến đến Cổ Lộng đưa Mộc Thạnh chạy thoát về thành Đông Đô.

Trong khi đó Đặng Tất tính lâu dài, tiến đánh các thành trì còn lại, kêu gọi người dân hưởng ứng sau chiến thắng lớn.

Tướng tài không gặp được minh chủ

Lúc này đám người trong cung và hoạn quan không ưa Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân liền xàm tấu lên Vua rằng: “Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất chuyên quyền bổ quan và cách chức, nếu không tính sớm đi, sau này khó lòng kiềm chế.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Giản Định Đế nghe lời xàm tấu, cũng thấy công lao 2 người này quá lớn, có uy tín cao trong binh lính và dân chúng, sợ có ý khác, liền cho vệ sĩ mai phục sẵn rồi cho gọi 2 người đến.

Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân vào đến nơi thì bị võ sĩ xông ra. Đặng Tất bị bóp cổ đến chết, Nguyễn Cảnh Chân chạy thoát ra ngoài cũng bị đuổi theo và chém chết.

Đặng Tất là tướng tài với chiến công đánh bại Chiêm Thành, tiêu diệt 10 vạn quân Minh ở Bô Cô. Thế nhưng tướng tài không gặp được minh chủ, sự thiển cận của Giản Định Đế khiến Đặng Tất bị chết oan, nhà Hậu Trần mất đi vị tướng chỉ huy tài nhất.

Tin dữ truyền ra ngoài, ba quân cùng dân chúng sững sờ, nhiều người lung lay không tin tưởng Giản Định Đế có thể là minh quân để phò tá.

Con trai hai ông là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bất bình liền bỏ đi. Các tướng cùng binh lính không muốn theo Giản Định Đế cũng bỏ đi theo 2 người gồm Đặng Chủng, Đặng Thát, Đặng Liên, Đăng A Thiết cùng các quân thuộc Hóa Châu, Thuận Châu, Nghệ An; cùng các binh lính mới tuyển và các binh lính khác bất mãn với Vua.

Lúc này số quân còn lại của Giản Định Đế rất yếu. Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị hoàn toàn có thể bắt và giết chết Giản Định Đế nhưng hai ông đã không làm.

Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị cho người tìm được tôn thất nhà Trần là Trần Quý Khoáng vốn là cháu nội của Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông, tôn làm vua, hiệu là Trùng Quang Đế, chống lại quân Minh.

Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời viết trong Đại Việt Sử ký Toàn thư rằng:

“Vua may thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, cầu người cứu giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân giỏi tài mưu lược, đủ để lập được công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng. Với trận thắng Bô Cô, thế nước lại nổi. Thế mà nghe lời gièm pha ly gián của bọn hoạn quan, một lúc giết hại hai người bề tôi phò tá mình, thì làm sao nên việc được ”.

Các tướng nhà hậu Trần sau này như Đặng Dung con Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy dù có lòng dũng cảm và trung nghĩa, nhưng tài cầm quân vẫn không thể sánh bằng Đặng Tất.

Đặng Tất được chôn cất ở làng Thế Vinh, huyện Sĩ Vang, ngoại thành Hóa châu (nay là xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) bên bờ sông Hương, dân chúng trong vùng tôn ông làm Thành Hoàng.

Năm 1428, Lê Lợi cùng nghĩa quân đánh đuổi được quân Minh về nước, đã ban cho 2 cha con Đặng Tất và Đặng Dung biển vàng tám chữ: “Tiết liệt cương trung – Trung thần hiếu tử”, truy phong Đặng Tất làm Đại quốc công, Khuông quốc đại vương Thượng đẳng tôn thần.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: