“Người có thể hiểu được những đạo lý này, khi chèo thuyền trong dòng nước thì con Giao Long cũng không thể hại đến, khi đi trên đường cũng không bị mãnh thú làm thương tổn, các loại bệnh tật, ôn dịch cũng không thể lây nhiễm, kẻ thích nói xấu người khác cũng không thể phỉ báng tới. Người hiểu được đạo lý này thì cũng sẽ minh bạch hết thảy những sự tình trong thế gian.” – Dược vương Tôn Tư Mạc.

Dược vương Tôn Tư Mạc bàn về kiểu người không sợ hãi ôn dịch
(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Tôn Tư Mạc là một danh y lỗi lạc, cũng là một người tu hành, giỏi quan sát thiên tượng, lịch pháp và thuật dưỡng sinh. Tương truyền ông thọ trên trăm tuổi, sống qua các triều đại nhà Chu, nhà Tùy và nhà Đường. Hoàng đế Đường Thái Tông từng triệu kiến ông, lại mong muốn ban cho ông chức vị và tiền tài, nhưng Tôn Tư Mạc đều từ chối không nhận, chỉ xin được về quê. Không giữ được người, Đường Thái Tông đành ban cho ông danh hiệu là Dược Vương, gián tiếp khẳng định y thuật cao siêu của Tôn Tư Mạc.

Theo ghi chép, Tôn Tư Mạc từng bàn về đạo lý giúp con người có thể đứng vững trước bệnh tật nói riêng và mọi điều khổ não nơi thế gian nói chung, đó chính là cần phải “dưỡng tính”, mà trong việc “dưỡng tính” thì cần có tâm cẩn trọng và kính sợ.

Tôn Tư Mạc nói:

Trời có đủ có thiếu, sự tình nơi thế gian bởi vậy mà hàm chứa rất nhiều gian nguy khốn khó. Không ai có thể tự giải thoát bản thân khỏi nguy hiểm khi không biết hành sự thận trọng. Vì vậy, những người coi trọng dưỡng tính trước tiên phải biết cẩn trọng.

Kinh Thi viết: “Con người không biết sợ tai họa thì trời sẽ giáng tai nạn xuống cho con người”. Cái sợ quan trọng nhất là phải biết sợ Đạo, sau đó sợ Trời, kế tiếp đến là vật, sợ người, cuối cùng là sợ chính bản thân mình.

Nếu như con người mất đi sự sợ hãi thì tâm tư dễ bị rối loạn, không có trật tự, hành vi nôn nóng khó lòng tự kiềm chế. Trạng thái tinh thần luôn không ổn định, dễ thay đổi, thường mất phương hướng.

Người có thể hiểu được những đạo lý này, khi chèo thuyền trong dòng nước thì con Giao Long cũng không thể hại đến, khi đi trên đường cũng không bị mãnh thú làm thương tổn, các loại bệnh tật, ôn dịch cũng không thể lây nhiễm, kẻ thích nói xấu người khác cũng không thể phỉ báng tới. Người hiểu được đạo lý này thì cũng sẽ minh bạch hết thảy những sự tình trong thế gian.

Trong đoạn nói chuyện này, Tôn Tư Mạc đã giải thích về khái niệm tu tâm dưỡng tính trong văn hóa truyền thống ở một khía cạnh đặc biệt. Ông nói con người cần phải “biết sợ Đạo, sau đó sợ Trời, kế tiếp đến là vật, sợ người, cuối cùng là sợ chính bản thân mình”.

Sợ Đạo và sợ Trời, chính là tôn kính quy luật của tự nhiên. Nói cụ thể hơn, trên thế gian này vạn sự vạn vật đều có quy luật, quy luật vận hành ấy là không chịu sự khống chế của con người. Luật vận hành của nguyên tử, phân tử, luật vận hành của trời đất, bốn mùa, luật vận hành của thiên thể vũ trụ. Bản thân con người cũng có sinh, lão, bệnh, tử. Đó chính là những quy luật mà con người không thể tránh né. Còn có những quy luật cao hơn ảnh hưởng đến sinh mệnh của con người, như luật nhân quả, thiện ác hữu báo, lại là điều con người chỉ có thể mặc khải mà không thể chứng minh rõ ràng bằng khoa học hiện hữu. Từ góc độ này mà nói, con người sinh tồn trên thế gian tràn đầy quy luật, Phật gia gọi đó là Pháp, Đạo gia gọi đó là Đạo, nói đơn giản thì chính là quy luật của vũ trụ này.

Sợ vật và sợ người, chính là không mang lòng ác, không dám làm tổn thương sinh mệnh, không muốn làm tổn thương sự vật sự việc. Sinh mệnh xung quanh ta là có cao có thấp, có phân chia khác biệt, nhưng là một cá nhân bên trong quần thể mà nói thì cần có tâm trân quý mọi điều. Mỗi con người chỉ là một sinh mệnh nhỏ bé nơi thế gian, cũng như một hạt cát trong biển rộng; Trái đất là to lớn đối với con người, nhưng cũng chỉ là một hạt bụi bên trong dải ngân hà. Con người hiểu được sự nhỏ bé của bản thân trong thế giới xung quanh, cũng sẽ hiểu được rằng sinh mệnh dù lớn dù nhỏ, dù cao dù thấp cũng cần phải nâng niu bảo hộ. Trừ việc duy trì hoàn cảnh sống của bản thân, thì không thể vì tư tâm của bản thân mà vô cớ làm tổn thương người và vật khác.

Sợ bản thân mình chính là biết rằng trong con người là có Thiện và có Ác. Con người không lấy tu dưỡng bản thân làm chủ, trong cuộc sống hàng ngày thì dung túng cho lòng tham, dục vọng, ác niệm của bản thân, như vậy con người sẽ phải chịu nhiều ác báo. Vậy nên chẳng phải con người nên “sợ chính mình” sao?

Vậy thì vì sao có tâm kính sợ thì lại có thể khiến cho con người không bị các loại bệnh tật hay ôn dịch lây nhiễm? Đó là bởi vì con người có tâm kính sợ những điều trên thì sẽ sống thuận theo Thiên đạo, sẽ duy hộ Thiên đạo, duy trì chính đạo, tuân theo chính nghĩa. Bởi vậy chính khí của con người thuận theo đó mà được bồi bổ, đề cao.

Y học Đông phương cổ xưa xem nguồn gốc của bệnh tật là tà khí. Trong “Hoàng Đế nội kinh” viết rằng: “Chính khí tồn nội, tà bất khả kiền, tà chi sở thấu, kì khí tất hư”, “Tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư”, tức là một khi nhân thể có chính khí cường thịnh thì tà khí không thể xâm nhập được vào cơ thể, cũng sẽ không phát sinh bệnh tật. Còn tà khí sở dĩ có thể xâm phạm vào thân thể thì nhất định là do chính khí đã hư nhược rồi. Cho nên, bảo hộ chính khí, không chịu sự quấy nhiễu của tà khí thì sẽ nâng cao khả năng kháng bệnh. “Chính khí mạnh, tà khí lui” là nguyên tắc phòng bệnh của người xưa.

Vậy thì làm cách nào để bồi bổ chính khi? Cách gián tiếp thì như Dược vương Tôn Tư Mạc đã bàn đến. Cách trực tiếp thì như Vương Dương Minh, nhà hiền triết lỗi lạc có ảnh hưởng sâu rộng ở cả Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đã bàn rằng: “Tâm hồn của người trần tục giống như chiếc gương đồng bị rỉ sét, phải thường xuyên mài giũa để loại bỏ rỉ sét, sau đó lại phải lau sạch bụi bẩn, như vậy mới thấy bản chất thật của mình. Muốn bản thân tràn đầy chính khí, cách tốt nhất là giữ cho đôi mắt hướng vào bản thân chứ không hướng vào người khác, không ngừng tự kiểm điểm bản thân, tra xét và sửa lỗi, làm cho thân tâm thiện lương, thực hiện thường xuyên như vậy thì chính khí tràn đầy, tà không thể xâm nhập.”

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: