Người xưa chú trọng “Thiên nhân hợp nhất”, nhấn mạnh vào sự hài hòa giữa con người và trời đất. Điều này không chỉ thể hiện ở tín ngưỡng, ở sự tôn kính Trời và Thần, mà còn thể hiện trong việc sinh hoạt hằng ngày. Trong ẩm thực và dưỡng sinh, người xưa đặc biệt nhấn mạnh việc ăn uống phải phù hợp với nguyên tắc mùa vụ, khí tiết, cho rằng con người chính là một phần nhỏ bé của tự nhiên nên ẩm thực cũng phải thuận theo tự nhiên.

Nguyên tắc ẩm thực của cổ nhân: "Bất thời bất thực"
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Y học cổ đại cho rằng con người và nhật nguyệt là tương ứng với nhau, sự vận hành của khí huyết tạng phủ của con người là có liên quan mật thiết với sự biến hóa thời tiết bốn mùa. Theo ghi chép của “Hoàng Đế Nội Kinh” thì nguyên tắc cơ bản của dưỡng sinh là thuận theo tự nhiên, điều phối âm dương, tích tụ sinh lực, đả thông kinh mạch, cho nên ẩm thực phải chú trọng phù hợp thời gian, phù hợp hoàn cảnh, phù hợp mùa vụ.

Trong thiên “Hương đảng” sách “Luận Ngữ”, Khổng Tử viết: “Bất thời bất thực”, không đúng thời điểm thì không ăn.

“Không đúng thời điểm thì không ăn” có mấy hàm nghĩa. Một là cần chú ý đến giờ giấc sinh hoạt. Xã hội hiện đại ngày nay có không ít người thường xuyên ăn tối muộn, thậm chí là ăn khuya, điều này vô cùng bất lợi cho thân thể. Bữa ăn của người xưa thường kết thúc trước khi mặt trời lặn, không ăn quá no, vậy nên cơ thể có thời gian tiêu hóa, có thời gian nghỉ ngơi.

Hàm nghĩa thứ hai chính là nguyên tắc “ứng tiết luật nhi thực”, tức là không ăn những thứ không phù hợp với mùa, đồ ăn cần phải phù hợp với quy luật của khí tiết, mùa vụ. Hay nói cách khác mùa nào có loại đồ ăn nào thì nên ăn loại đồ ăn ấy. Nguyên tắc ẩm thực này không chỉ giúp con người tiêu tốn chi phí ẩm thực thấp nhất mà cũng là phương pháp giữ gìn sức khỏe hiệu quả nhất.

Con người có sinh lão bệnh tử, một năm có bốn mùa xuân hạ thu đông. Dân gian có rất nhiều ngạn ngữ về ẩm thực như: “Đông ăn củ cải, hạ ăn gừng”, “Sáng ăn gừng bổ hơn canh sâm, tối ăn gừng độc hơn thạch tín”, “Nam không thể trăm ngày không gừng, nữ không thể trăm ngày không đường”, “Mùa đông ăn cá diếc, mùa hạ ăn cá chép”… Những câu tục ngữ này ẩn chứa trí tuệ dân gian thâm sâu. Xét về thuộc tính và khẩu vị của đồ ăn thì mùa xuân chua hơn, mùa hè đắng hơn, mùa thu cay hơn và mùa đông mặn hơn. Cơ thể con người tuần hoàn tương ứng với hoàn cảnh tự nhiên và mùa vụ, vì vậy khi ăn cần căn cứ vào các mùa khác nhau để bổ sung thức ăn khác nhau.

Trong bốn mùa xuân hạ thu đông thì mùa xuân là sinh, mùa hạ là phát triển, mùa thu là thu hoạch, mùa đông là cất giữ. Ẩm thực của con người cũng không nên vi phạm quy luật tự nhiên này.

Ẩm thực của mùa xuân nên là dưỡng gan, gan là chủ mắt, nên ăn nhiều rau xanh. Việc ăn nhiều rau xanh vào mùa xuân cũng là cách trừ bỏ hỏa, tiêu hóa thịt cá ăn nhiều vào mùa đông. Rau hẹ được cho là đệ nhất mĩ thực của mùa xuân.

Mùa hè là giai đoạn cây cối sinh sôi nảy nở. Thời điểm này dương khí bốc lên, sự trao đổi chất của con người ở trong trạng thái mạnh mẽ. Mùa này nên ăn những loại đồ ăn ít béo, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, có thể giải trừ đi sự phiền muộn, như mướp đắng, canh đậu xanh.

Mùa thu là lúc dương khí trong tự nhiên dần dần giảm bớt, âm khí dần dần tăng lên, khí hậu từ nhiệt chuyển hàn, tất cả đều trong giai đoạn “dương tiêu âm trưởng”. Do khí hậu dần dần chuyển mát, khí khô tăng lên, khiến con người cảm thấy miệng, họng, da dẻ đều khô. Lúc này nên ăn đồ nhạt, dễ tiêu hóa. Mùa thu là mùa thu hoạch nên hoa quả rất nhiều và phong phú, nên ăn lê, cam, quýt…

Mùa đông, dương khí trong tự nhiên suy yếu, vạn vật tàng ẩn lại, cây cối điêu linh, nhiều loại động thực vật gần như trong trạng thái ngủ đông. Mùa đông nên ăn loại đồ ăn có thể chống lạnh nhưng không thích hợp ăn nhiều.

Ngoài những nguyên tắc trên, đồ ăn nóng quá sẽ làm tổn thương dạ dày, lạnh quá sẽ làm tổn thương phổi. Ngoài ra có một số thói quen không tốt mà người ta thường mắc phải. Ví dụ thời tiết càng nóng càng không thích hợp ăn đồ ăn quá lạnh như kem. Điều này sẽ gây xung đột, gây hại cho cơ thể. Muốn tiêu bớt cảm giác nóng nực và khát này, có thể dùng đồ ăn ấm vừa phải như canh đậu xanh.

Ngoài ra người xưa cho rằng các loại rau củ phải được trồng dưới đất và ngoài trời, như thế mới có được đầy đủ chất dinh dưỡng. Những loại quả trái vụ tuy rằng hiếm và đắt nhưng lại không có chất dinh dưỡng của thực phẩm tự nhiên và không thể đạt được mục đích bồi dưỡng sức khỏe thân thể. Hơn nữa ăn uống không phải ăn nhiều đồ bổ là tốt, cần hiểu và áp dụng các quy luật tự nhiên vào ăn uống thì mới có thể dưỡng sinh thân thể hiệu quả.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Trên thế gian có 3 kiểu người giỏi nhất