Có câu nói rất hay rằng, người bạn tốt giống như một chiếc áo ấm trong mùa đông giá lạnh. Có được người bạn tốt thực sự là phúc phận của chúng ta trong cuộc đời. Tuy nhiên, có được người bạn tốt hay không lại phụ thuộc phần lớn vào tính cách và cách đối nhân xử thế của chúng ta trong cuộc sống. Theo đạo kết giao của cổ nhân, để duy trì được tình bạn tốt đẹp cần tuân thủ ba điều dưới đây.

Trí tuệ cổ nhân: Bạn bè tốt cần tuân thủ 3 điều
(Tranh minh họa: Họa sĩ Thạch Duệ thời Minh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Đối với bạn bè phải một lòng

Trong đạo kết giao bạn bè của cổ nhân điều trọng yếu trước tiên là tình nghĩa. Khi đã là những người bạn tốt của nhau thì luôn luôn phải nghĩ cho đối phương trước bản thân mình, không hai lòng, không vì lợi ích bản thân mà bỏ mặc bạn. Càng không thể bỏ bạn lúc nguy nan. Về điều này có câu chuyện tình nghĩa của Tuần Cự Bá thời Đông Hán được ghi trong cuốn “Thế thuyết tân ngữ”.

Một hôm nghe nói bạn mình ở nơi xa đang bị bệnh nằm liệt giường, Tuần Cự Bá đã vội vã đến thăm bạn. Thật không may, đúng lúc đó giặc Hồ đến quấy phá, người dân trong thành nghe tin giặc đến lập tức chạy trốn. Nhưng Tuần Cự Bá không chạy. Người bạn khuyên anh mau rời khỏi thành. Anh nói: “Trong lúc nguy cấp thế này, bỏ bạn lại một mình là bất nhân bất nghĩa”.

Quân Hồ mau chóng phát hiện ra Tuần Cự Bá và người bạn bị bệnh nằm trên giường, là hai người duy nhất còn lại trong thành. Quân Hồ cảm thấy khó hiểu, Tuần Cự Bá nói: “Bạn tôi bị ốm đang nằm ở đây, tôi sao có thể bỏ rơi không chăm sóc. Nếu bạn tôi hôm nay thoát nạn, tôi mong rằng có thể chết thay anh ấy”.

Nghe xong những lời của Tuần Cự Bá, quân Hồ hổ thẹn vì làm chuyện bất nghĩa và tự thoái lui.

Trọng tình không trọng danh lợi quyền thế

Mối quan hệ giữa bạn bè nếu được thuần khiết, không vụ lợi, không toan tính thì mới có thể gắn bó lâu dài, thậm chí là bất tận, mãi trường tồn. Câu chuyện về tình bạn tốt đẹp giữa Tiết Nhân Quý và Vương Mậu Sinh thời Đường là một ví dụ.

Thời điểm chưa được công thành danh toại, vợ chồng Tiết Nhân Quý sống trong cảnh bần hàn. May mắn là vợ chồng người bạn của ông là Vương Mậu Sinh thường xuyên tiếp tế cho họ. Về sau, Tiết Nhân Quý được phong làm Bình Liêu Vương. Ngày Tiết Nhân Quý nhậm chức, văn võ bá quan trong triều đến chúc mừng ông. Nhưng, Tiết Nhân Quý đều khước từ không nhận quà của mọi người, chỉ nhận hai vò “rượu ngon” của Vương Mậu Sinh đưa đến.

Vừa mở vò rượu ra thì quan chấp sự Khải Phong giật mình, bởi ông phát hiện ra vò rượu bề ngoài nhìn như rượu ngon nhưng bên trong lại toàn là nước lã. Vị quan tâu lên, chuẩn bị trị tội Vương Mậu Sinh. Tiết Nhân Quý nghe xong, chẳng những không tức giận mà còn ở trước mặt mọi người uống ba bát nước trong mà Vương Mậu Sinh đưa tới.

Văn võ bá quan thấy vậy, lấy làm khó hiểu, Tiết Nhân Quý lúc này mới nói: “Lúc trước, khi ta khốn khó, tất cả đều nương nhờ vào sự giúp đỡ của vợ chồng Vương Mậu Sinh. Hiện giờ hậu lễ của các vị, ta không nhận, lại cố tình nhận lấy nước trong do Vương huynh đưa tới, bởi vì ta biết Vương huynh bần hàn. Tặng ta nước trong cũng là tâm ý tốt của Vương huynh, đây gọi là quân tử kết giao đạm bạc như nước.”

Từ đó về sau, mối quan hệ giữa Tiết Nhân Quý và Vương Mậu Sinh càng thêm gắn bó thắm thiết hơn. Giai thoại “Quân tử chi giao đạm nhược thủy” cũng vì thế mà được lưu truyền.

Tôn trọng, giữ lễ nghi

Bạn bè tốt sẽ không vì ti tiện nghèo khó mà coi thường, cũng sẽ không vì thấy quyền thế, địa vị cao mà nịnh hót, không vì quá thân thiết mà tùy tiện. Người có thể luôn giữ lòng tôn trọng, hành xử một cách có lễ độ đối với người khác thì không chỉ duy trì được tình bạn tốt đẹp mà còn được người khác tôn kính.

Về chuyện giữ lễ nghi tôn trọng người khác, trong cuốn “Thế thuyết tân ngữ. Phương chính” chép rằng: Cuối thời nhà Hán, Tào Tháo làm quan cùng với Tông Thế Lâm người Nam Dương. Tông Thế Lâm luôn coi Tào Tháo như cái gai trong mắt mình nên không kết giao với ông. Thậm chí, khi tiếp xúc với Tào Tháo, Tông Thế Lâm thường thể hiện thái độ lạnh nhạt.

Khi Tào Tháo làm chức Tư Không, nắm quyền triều chính đã nói với Tông Thế Lâm: “Hiện giờ chúng ta có thể kết giao không?”

Tông Thế Lâm vẫn khước từ nói: “Chí hướng của ta giống như cây tùng cây bách, vĩnh viễn cũng không thay đổi”.

Ở rất nhiều sự tình, Tông Thế Lâm luôn thể hiện thái độ xúc phạm, khinh khi, bất hòa với Tào Tháo nhưng Tào Tháo vẫn tôn trọng, giữ lễ nghi với ông. Cũng bởi thái độ của mình, Tông Thế Lâm mãi sau này cũng không được trọng dụng.

Không chỉ Tào Tháo mà các con trai của ông là anh em Tào Phi mỗi lần đến nhà Tông Thế Lâm đều hành lễ kính cẩn. Điều này cho thấy, trong cách giáo dục gia đình, Tào Tháo rất coi trọng việc giáo dục lễ nghi. Không vì người khác coi thường mình mà mình vứt bỏ phẩm đức của bản thân, vứt bỏ lễ nghi. Cách hành xử này của Tào gia được hậu nhân vô cùng ca ngợi.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: