Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Ngũ sắc làm người ta mờ mắt, ngũ âm làm người ta điếc tai, ngũ vị làm người ta tê miệng lưỡi”, cũng lại viết: “Vui chơi làm người ta phát cuồng, của cải khó tìm khiến người ta hành xử sai trái, bởi vậy bậc thánh nhân chỉ cần vừa đủ mà không tìm cầu thoả mãn cái dục vọng của mắt, tai, mũi, lưỡi…” Từ lịch sử nhân loại mà xét, trong xã hội phương Đông và phương Tây, dù ở giai tầng nào, dù giàu có hay thiếu thốn, người thanh tâm quả dục cũng đều là những người được kính trọng và tín nhiệm nhất.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Thanh tâm quả dục
(Tranh: Giuseppe Castiglione, Wikipedia, Public Domain)

Cổ ngữ có câu: “Túng tình thanh sắc họa quốc hại kỷ”, ý nói mặc sức phóng túng thanh sắc thì họa quốc hại thân. Trong lịch sử và các sách cổ có ghi chép lại rất nhiều ví dụ về điều này.

Trong Lễ Ký viết về hai vị quân chủ thích thứ nhạc phóng túng là Ngụy Văn Hầu và Đường Huyền Tông. Ngụy Văn Hầu không thích nhạc cổ, cho dù ông ngồi nghiêm túc thưởng thức cũng không hiểu. Ông thích nghe âm nhạc của nước Trịnh và nước Vệ hơn vì loại âm nhạc ấy khiến ông có thể nằm trên giường nghe mà cảm xúc vẫn dạt dào không chán. Ngụy Văn Hầu đem điều ấy hỏi Tử Hạ, Tử Hạ nói rằng nhạc của hai nước “dâm ở sắc mà hại ở đức”, đều là thứ nhạc không nên dùng.

Đường Huyền Tông thì không thích nghe đàn cổ cầm mà lại thích tiếng trống Yết của dân tộc khác. Ông cho rằng thanh âm của tiếng trống này có thể làm tan biến những buồn bực trong lòng mình. Ông còn đích thân hái một đoá hoa dâm bụt cài lên mũ của người tấu nhạc, gọi người đó là “hoa nô”.

Sau này Đường Huyền Tông về già hoang dâm, dẫn đến loạn An Sử, để lại tiếng xấu khiến người đời chê cười. Còn Ngụy Văn Hầu thì nghe lời Điền Tử Phương, tránh đặt tâm vào âm nhạc mà “dùng trí trị quốc”, cuối cùng khiến nước Ngụy cường thịnh.

Thạch Sùng không chỉ là một hình tượng dân gian để kể chuyện cổ tích nguồn gốc tên gọi con vật. Ông là một vị quan nhà Tây Tấn, nổi tiếng xa hoa giàu có. Thạch Sùng lợi dụng chức quyền, vơ vét của cải, cũng tiêu tiền như nước, sa vào “thanh sắc”. Ông cất một biệt thự rất tráng lệ ở Lũng Kim Cốc, thường hội họp bạn bè để ăn uống, chơi bời, mua mỹ nữ về ca hát ngày đêm. Kết quả về sau Thạch Sùng bị chém chết, tài sản bị tịch thu, hơn nữa còn làm hại đến cả cha mẹ vợ con. Nhà Tây Tấn cũng đoản mệnh dưới “phong trào” sa đọa mà Thạch Sùng đứng đầu.

Sách Luận Ngữ có ghi lời Khổng Tử dạy Nhan Uyên về việc trị quốc rằng: “Phải bỏ đi âm nhạc của nước Trịnh”. Âm nhạc của nước Trịnh thời đó được cho là thuộc loại tà âm phóng túng, mê hoặc con người. Loại âm nhạc ấy khi nghe nhiều sẽ khiến nam nhân bị đắm chìm vào sự hấp dẫn của sắc dục, dần dần khiến tâm tính và sở thích của họ trở nên bại hoại, làm ra những việc vô đạo.

Từ lịch sử có thể thấy rằng trầm mê trong thanh sắc, phóng túng dục vọng khiến cho ý chí và tinh thần của người ta dễ dàng sa sút, an nhàn mà phóng đãng cuối cùng làm nhiễu loạn tâm trí con người, bại hoại đức hạnh. “Vô dục tắc cương”, người không tham thì lúc nào cũng cương trực, trong hoàn cảnh nào cũng có thể đứng vững. Người bình thường đã là như thế, mà vua quan lại càng cần phải “thanh tâm quả dục”.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: