Mối quan hệ trung tâm nhất, có tác dụng chính yếu nhất trong xã hội là quan hệ vợ chồng. Từ mối quan hệ vợ chồng mà làm nảy sinh ra các mối quan hệ khác như cha con, anh em… trong gia đình và xã hội. Thời cổ đại, chồng có đạo làm chồng, vợ có đạo làm vợ.

Bề trên của vợ chồng là cha mẹ. Cha mẹ được xem là những người dưỡng dục nửa đời trước, cho nên phải hiếu kính với cha mẹ đôi bên, khiến cho người bề trên luôn an tâm, thoải mái. Bên dưới của vợ chồng là con cái. Con cái được xem là thành tựu quan trọng ở nửa đời sau, cho nên phải yêu thương, dạy bảo con cái thật tốt.

Còn mối quan hệ vợ chồng là từ ân nghĩa mà hình thành nên. “Một ngày vợ chồng trăm ngày ân, trăm ngày vợ chồng thì tình nghĩa còn sâu hơn biển”. Giữa vợ chồng không chỉ có tình cảm mà quan trọng hơn là còn có một chữ “ân” nữa. Chữ “ân” (恩 – ơn, ân) ấy là do chữ nhân (因 – trong nhân quả) đặt trên chữ “tâm” (心 – trái tim) mà ra, vậy nên mới nói hai con người xa lạ có thể nên duyên vợ chồng chính là do duyên nợ mà thành. Cũng bởi vì cái ân ấy mà hai con tim cần phải nâng đỡ lẫn nhau, không xa rời, không bỏ quên nhau, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, không vì ngoại cảnh mà đổi thay hay bội bạc. Vợ chồng thời xưa, mỗi người đều có đạo, đều cần hoàn thành tốt bổn phận của bản thân mình.

Đạo làm vợ, làm chồng trong lý niệm của người xưa
(Tranh: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Đạo làm chồng

Người đàn ông thời xưa nắm vai trò là người chủ ngoại của gia đình, phải có trách nhiệm dẫn dắt gia đình đi theo con đường chính đạo, hiếu kính với người bề trên.

Người đàn ông được phân làm ba kiểu: nhược phu, bạo phu và trượng phu. Trong đó, nhược phu là người chồng nhu nhược, khúm núm, nói mà không làm, không có khả năng gánh vác trách nhiệm, rốt cuộc người vợ làm chủ. Bạo phu là người chồng không biết lẽ phải, động một chút là phát hỏa, người khác nói cũng không nghe, khiến cho mọi người trong nhà đều sợ hãi.

Người chồng trượng phu là người dũng cảm gánh vác trách nhiệm, dùng lý để thu phục lòng người, dựa vào đức và tài để đối nhân xử thế. Người trượng phu thì nói lời giữ lời, nói được làm được, làm việc có đầu có cuối, do vậy mà có tôn nghiêm. Cổ nhân cho rằng người đàn ông trượng phu mới xứng làm người chồng tốt.

Người đàn ông trong gia đình phải lấy cương chính (cương trực, ngay thẳng) làm bổn phận. “Cương” là mạnh mẽ nhưng cũng là bất động không dễ dàng làm lung lay. “Chính” là hợp lẽ phải, không làm điều bất nghĩa. Người đàn ông tốt phải có thể thủ vững “tính cương” mới không nóng nảy, “tâm cương” mới không có tư dục, “thân cương” mới không quá ham mê. Người như vậy mới có thể trở thành tấm gương tốt, khiến gia phong được gìn giữ lâu dài.

Người đàn ông là trụ cột gia đình, nếu có thể hiểu rõ đạo lý, có chí khí, có gan gánh vác trách nhiệm, không bỏ mặc gia đình thì gia đình mới thuận hòa. Nếu trong gia đình, người chồng không hoàn thành tốt vai trò vị trí của mình thì gia cảnh khó khăn mọi bề.

Đạo làm vợ

Nữ nhân thời xưa là người chủ nội trong gia đình, phải sáng tỏ trọng trách, trên kính dưới hòa. Người vợ tốt phải dùng lòng biết ơn mà hiếu kính cha mẹ, dưỡng dục con cái, phụ giúp chồng trở thành người có đức.

Người phụ nữ cũng được chia thành ba kiểu: hãn phụ, nhược phụ và tức phụ. Người vợ mà hung bạo, “chèn ép” người chồng, lời nói tựa như “sét đánh”, “một tay che trời” thì là người phụ nữ đanh đá, chua ngoa. Một người phụ nữ như thế này sẽ khiến gia đình “âm thịnh dương suy”, “người chồng chưa già đã yếu”. Người vợ mà không làm việc gì, việc gì cũng ỷ lại vào người chồng, ỷ lại vào cha mẹ, được gọi là “nhược phụ”. Người vợ như thế “hết ăn lại nằm”, “oán trời trách đất”, quét sạch may mắn của gia đình. Còn “tức phụ” kỳ thực là cách nói chỉ người “con dâu”. Người phụ nữ xưa lấy chồng là về làm dâu, bởi vậy cần làm cho tốt trọng trách của mình, làm một người con dâu chân chính.

Người phụ nữ xưa lấy nhu hòa làm bổn phận. “Nhu” tức là tính phải như nước, “hòa” chính là thuận theo đạo lý. Người phụ nữ nhu hòa sẽ biết thích ứng với mọi hoàn cảnh, cân bằng phúc khí gia đình. Người vợ như vậy sẽ là nhân duyên của gia đình, giúp gia đình an ổn, may mắn.

Vợ chồng sinh sống với nhau phải phù hợp đạo, đạo vợ chồng cũng chính là đạo âm dương. Chồng trượng nghĩa, vợ nhu thuận thì âm dương trong gia đình sẽ thuận, không sinh bệnh, không yểu vong, mọi bề hưng thịnh.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: