Thời xưa, những vị quan thanh liêm trong sạch rất được người đời kính trọng, khen ngợi và tán tụng. Dân gian còn căn cứ vào mỹ đức hoặc việc làm mà đặt cho họ những biệt hiệu rất riêng để thể hiện tấm lòng kính trọng của mình. Điều này đã trở thành một nét văn hóa độc đáo có thể răn dạy và khích lệ mọi người học tập theo.

Đạo làm quan thanh liêm: Lấy mình làm gương, mỹ đức còn mãi
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Người xưa vô cùng coi trọng sự truyền thừa tinh thần, đức hạnh và lễ tiết, bởi vì dù thân thể xác thịt có bị tiêu vong nhưng khí tiết, danh tiếng sẽ tồn tại mãi mãi. Sống và làm việc như thế nào để có thể lưu danh sử sách, không để lại tiếng xấu khiến hậu nhân chê cười cũng là chí hướng của rất nhiều người, trong đó có người làm quan. Rất nhiều vị thanh quan yêu dân và chăm lo cho dân như con không chỉ được người đời tán tụng mà còn được sử sách ghi lại.

Theo “Hậu Hán Thư”, vào thời Đông Hán, Thái thú Lư Giang là Dương Tục làm quan rất thanh liêm. Một lần nọ, có người biết ông rất thích ăn cá nên sáng sớm đã đem tặng ông một con cá tươi nhưng ông không nhận. Người đó nói rằng: “Chỉ là con cá nhỏ, không phải tiền của vàng bạc, đại nhân hà tất gì phải nghiêm khắc như vậy?” Nói xong, anh ta bỏ cá xuống rồi đi. Dương Tục liền đem con cá ấy treo nơi thềm, mấy ngày sau cá khô. Sau này, hễ có ai đến tặng quà, ông liền đem cá khô đó cho họ xem để cự tuyệt. Từ đó không ai đến tặng quà cho ông nữa. Mọi người tặng cho ông biệt hiệu “Huyền ngư Thái thú” (Thái thú treo cá).

Cũng theo “Hậu Hán Thư”, thời Đông Hán, Thái thú Hội Kê là Lưu Sủng, là một vị quan rất thanh liêm. Trong thời gian nhậm chức, ông luôn giảm trừ đi những luật lệ hà khắc, quan tâm đến dân chúng, vì dân chúng mà làm rất nhiều việc tốt. Về sau khi được điều về kinh nhậm chức, lúc ra đi, dân chúng quận Hội Kê tấp nập kéo tới tiễn đưa. Để bày tỏ thành ý của dân chúng, một số vị trưởng lão đã đại điện cho dân toàn huyện, mỗi người mang đến 100 đồng tiền tặng cho Lưu Sủng để ông mua rượu uống trên đường về kinh. Lưu Sủng nhất quyết không nhận, mấy vị trưởng lão lại càng kiên quyết. Cuối cùng, Lưu Sủng đành nhận mỗi vị một đồng. Đợi cho mọi người đi khỏi, Lưu Sủng đã âm thầm đem mấy đồng đó thả vào dòng sông. Sau này khi mọi người biết chuyện đã vô cùng cảm kích, tặng ông biệt hiệu “Thái thú nhất tiền” (Thái thú một đồng tiền).

Vào triều nhà Minh, Phạm Cảnh Văn từng đảm nhậm qua các chức như Binh bộ thị lang, Nội các đại học sĩ, nhiều bà con bạn bè đương thời tới nhà xin giúp đỡ, muốn có một chức quan nào đó. Phạm Cảnh Văn đều cự tuyệt, đồng thời dán trên cửa 6 chữ lớn: “Bất thụ chúc, bất thụ quỹ” (không nhận lời gửi gắm, không nhận quà tặng). Từ đó, không ai đến nhà nhờ ông giúp đỡ. Về sau mọi người tặng ông biệt hiệu “Nhị bất công” (ông lão hai không).

Tri phủ Kinh châu triều Minh là Trương Hoành rất cương chính ngay thẳng. Ông không theo tình riêng, kiên quyết không tiếp đãi hạng người đi cửa sau. Người thời bấy giờ tặng cho Trương Hoành biệt hiệu là “Bế môn Trương” (Ông Trương đóng cửa) để khen ngợi phẩm đức của ông.

Cũng vào triều Minh, Giám sát ngự sử Đinh Tuấn, tuy làm quan cao nhưng luôn giữ thân trong sạch. Ông sống một cuộc sống vô cùng giản dị tiết kiệm, thường chỉ ăn cơm với đậu. Vì thế mọi người gọi ông là “Đậu hũ Ngự sử”. Còn vị Tri huyện Tân Phồn là Hồ Thủ An cả đời thanh liêm, ăn cơm thô, mặc vải thô, thường tự mình trồng rau để ăn nên mọi người gọi ông là “Thái Tri huyện” (Tri huyện rau).

Thời Nam Bắc triều có một người tên Viên Duật Tu, làm quan trải qua các triều Đông Nguỵ, Bắc Tề, Tuỳ hơn 50 năm, trước sau luôn lấy thanh bần làm gốc, không hề nhận quà tặng,. Người đời sau tặng ông biệt hiệu “Ngũ đại thanh lang” (Quan thanh liêm thời Ngũ đại).

Thời Tống Chân Tông, có viên Tham tri chính sự tên là Lỗ Đạo Tông, là người rất chính trực không sợ quyền uy. Sau khi Tống Chân Tông qua đời, Tống Nhân Tông chỉ mới 13 tuổi đã kế vị, quyền hành tập trung trong tay Thái hậu. Lỗ Đạo Tông dám theo lý mà khẳng khái làm việc, hoàng thân quốc thích đều sợ ông. Vì thế có người đã tặng ông biệt hiệu “Ngư đầu Tham chính” (Quan Tham chính đầu cá), ý nói ông cương trực cứng rắn giống như đầu cá vậy.

Xuyên suốt dòng chảy lịch sử, những tấm gương về quan thanh liêm được người đời kính trọng mà đặt cho những biệt hiệu riêng có rất nhiều. Nó thể hiện ra lòng tôn sùng đạo đức của dân chúng, cũng là bài học sâu sắc cho người làm quan cả xưa và nay.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: