Phần Chu Ngữ trong sách Quốc Ngữ có viết: “Xưa Trời giáng tai họa”. Sách Xuân Thu Tả Truyện có ghi chép: “Lửa con người là lửa, lửa Trời là thiên tai”. Phần Thiên Nhân Cảm Ứng trong sách Xuân Thu Phồn Lộ có viết rằng: “Vương Đạo của quân thần ở nhân gian không hợp với Đạo Trời mà dẫn đến việc Trời giáng dị tượng. Trời giáng dị tượng, thiên tai ở nhân gian, nếu không hối lỗi, thì sẽ giáng xuống tai họa lớn hơn”. Vì vậy vào thời xưa, hễ gặp năm thiên tai, các quan lại nhân đức đều coi việc cứu giúp bách tính, xem xét sai sót và giảm nhẹ án ngục ở vị trí quan trọng.

Đạo làm quan thời xưa: Cứu giúp bách tính trong thiên tai
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Lưu Hoán thu mua trâu cày

Những năm Trị Bình thời Tống Anh Tông, Hà Bắc xảy ra thiên tai mất mùa, sau thiên tai mất mùa là động đất lớn, cả năm là năm hung. Lương thực trong nhà người dân đã hết từ lâu, nạn đói hoành hành. Mọi người không có cách nào, đành đem trâu cày của gia đình đi bán, đổi chút lương thực để qua ngày.

Khi đó Lưu Hoán là Tri châu Thiền Châu, đem tất cả tiền bạc trong kho bạc Tri phủ ra để mua toàn bộ trâu cày của người dân vùng thiên tai. Sang năm sau, khi động đất đã qua lâu, người dân lưu lạc ly tán khắp nơi đều trở lại, nhưng nhà nhà đều không có trâu cày. Giá trâu cày trên thị trường tăng gấp 10 lần. Lưu Hoán bèn đem tất cả trâu cày ông đã mua về phủ bán lại với giá gốc. Năm đó các châu của tỉnh Hà Bắc thì chỉ có người dân Thiền Châu là không buộc phải lưu lạc ly tán.

Triệu Thanh Hiến bình ổn giá gạo

Vào những năm Hy Ninh thời Tống Thần Tông, khu vực Lưỡng Chiết bị hạn hán và nạn châu chấu, lương thực mất mùa, các nơi đều xảy ra nạn đói. Giá gạo rất đắt, người dân không có gì ăn bị chết đói. Quan lại các châu đều dán bảng quan phủ trên đường, thưởng cho những ai tố cáo người đẩy giá gạo lên cao. Quan phủ bắt được sẽ trừng trị nghiêm khắc.

Triệu Thanh Hiến khi đó là Tri châu Việt Châu, bảng mà ông dán lại là thông cáo với những người dự trữ gạo trong thiên hạ rằng, quan phủ thu mua gạo với giá cao. Thế là người buôn gạo các nơi đều tụ tập đến Việt Châu để cung cấp gạo, chỉ trong thời gian ngắn, gạo trên thị trường đã nhiều lên, giá cả cũng rất nhanh chóng giảm xuống.

Chu Hy sáng tạo phương pháp kho xã

Năm Càn Đạo thứ 4 đời Tống Hiếu Tông, các nơi xảy ra mất mùa, Chu Hy cầu cứu châu phủ, mượn được 600 thạch (1 thạch là 60kg) gạo để cứu tế. Người dân thiếu lương thực thì mùa hè có thể đến mượn gạo từ kho xã, đến mùa đông trả lại cộng thêm lợi tức, mất mùa thất thu thì có thể giảm một nửa lợi tức, khi gặp nạn đói lớn thì miễn lợi tức. Sau 14 năm, toàn bộ 600 thạch gạo đã được hoàn trả hết cho châu phủ, ngoài ra vẫn còn dự trữ 3.100 thạch gạo. Số gạo dự trữ này không thu lợi tức nữa. Nếu người dân mất mùa hoặc bị nạn đói thì cũng không phải lo lắng không có cơm ăn nữa.

Thế là Tống Hiếu Tông xuống chiếu thực hiện phương pháp kho xã này trên toàn quốc để cứu giúp bách tính những năm thiên tai.

Trần Tễ Nham vỗ yên dân chúng vùng thiên tai

Năm Vạn Lịch Kỷ Tỵ thời Minh Thần Tông xảy ra lũ lụt lớn, Trần Tễ Nham lúc đó là Tri phủ Khai Châu. Quan lại trong phủ cùng bàn bạc biện pháp cứu tế thiên tai. Trần Tễ Nham đề nghị phát cho những người nghèo nhất 1 thạch ngũ cốc, những người khá hơn một chút 5 đấu, để người dân được cứu tế thực sự.

Trần Tễ Nam lệnh cho thuộc hạ đánh số người dân bị thiên tai, mọi người cầm số hiệu rồi theo thứ tự xếp hàng lấy ngũ cốc. Trần Tễ Nham đích thân ngồi ở trong chiếc lều nhỏ ở cổng nhà kho, cầm bút điểm danh, nhìn y phục và diện mạo người đến lĩnh lương thực. Ông đặt biệt chú ý ghi lại những người nghèo nhất. Tuy hàng vạn người dân thiên tai đến xếp hàng nhưng không có người nào tranh giành cãi nhau. Bởi vì lần này lĩnh đồ cứu tế là thông báo đột xuất nên từ y phục và diện mạo đều có thể nhìn ra người nghèo khổ là những ai.

Mùa xuân năm Canh Ngọ có công văn thông báo cần cứu tế những người nghèo khó nhất một lần nữa, yêu cầu phải dán cáo thị tìm những người nghèo này. Trần Tễ Nham lấy ra danh sách tên những người ông đã đánh dấu lần trước, rồi trực tiếp thông báo cho họ đến lĩnh lương thực.

Cuối năm Vạn Lịch Kỷ Tỵ, lương thực trong kho Khai Châu đã phát hết, Phủ đài lệnh cho các châu huyện huy động 2.000 lạng bạc tồn trong quan khố để mua ngũ cốc. Nhưng lúc này giá ngũ cốc đang tăng cao, mỗi thạch là 6 đồng bạc. Quan phủ lệnh cho các hộ giàu có cung cấp ngũ cốc, quan phủ trả giá 5 đồng, cộng thêm chút phí vận chuyển và lưu trữ, các hộ giàu có bị tổn thất mỗi thạch 2 đồng. Vốn là năm thiên tai, khả năng chịu đựng của các hộ giàu cũng có hạn, chỉ thu mua lượng ít ngũ cốc nhập kho, tổng cộng đã thu mua được 4.000 thạch. Trần Tễ Nham cũng không cưỡng ép thu mua.

Mùa thu năm Canh Ngọ, hoa màu ở Khai Châu chín rộ, ngũ cốc chỉ hơn 3 đồng mỗi thạch, Trần Tễ Nham báo cáo lên Phủ đài huy động 2.000 lạng bạc của quan phủ thu mua lương thực, báo giá là 3 đồng, trả tiền mặt ngay. Trong thời gian thu mua, ngũ cốc lại giảm giá xuống còn 2 đồng rưỡi, những nhà giàu cảm niệm Trần Tễ Nham, tới tấp đề xuất giảm trừ nửa đồng này. Trần Tễ Nam mỉm cười, vẫn trả mỗi thạch 3 đồng cho những nhà giàu này. Kết quả là Khai Châu không chỉ hoàn thành định mức, mà còn dư ra nhiều hơn 700 thạch lương thực. Trần Tễ Nham đem số lương thực dư ra này chia cho những người dân nghèo.

Vì lũ lụt liên tiếp mấy năm liền, thành đất Khai Châu bị sụp đổ hơn chục chỗ. Quan phủ bàn bạc thi công sửa thành, có người nói cần trưng dụng người dân phục dịch. Trần Tễ Nham không đồng ý, ông cho rằng làm như vậy quá vất vả cho dân và hao tiền tốn của. Ông lệnh cho thuộc hạ dán cáo thị ở 4 cổng thành thông báo cho những người dân lưu vong nơi xa về quê làm nông, miễn thuế ruộng, quan phủ còn cấp ngũ cốc cứu tế. Thế là một truyền mười, mười truyền trăm, rất nhiều người đã trở về.

Dân nghèo hồi hương tới tấp đem bao đến lĩnh lương thực, Trần Tễ Nham sai người dán thêm một cáo thị nhỏ rằng: Người lĩnh lương thực cần dùng bao của mình, trước tiên đựng đất đến những nơi thành đổ thì đổ đất, tổng quản sẽ đóng dấu lên chiếc bao, sau đó đem bao có con dấu đó đi lĩnh ngũ cốc. Như thế, khi công tác cứu tế hoàn thành thì tường thành cũng đã được sửa chữa xong, Khai Châu và bách tính đều được lợi.

Tô Thức xây dựng “Đê Tô Công”

Khi Tô Thức đảm nhiệm Thái thú Hàng Châu thì vừa lúc bị hạn hán, thu hoạch không tốt, lại có bệnh truyền nhiễm hoành hành. Tô Thức dâng tấu triều đình xin miễn 1 phần 3 số lương thực nộp lên trên, giá gạo lập tức giảm xuống. Tô Thức lại dâng tấu triều đình ban mấy trăm giấy phép cho những người có thể xuất gia, từ đó đổi lấy lương thực cứu tế người dân bị đói bởi vì tăng lữ không phải nộp thuế cho quốc gia. Mùa xuân năm sau, Tô Thức đem thóc ở kho dự trữ bán ra giá thấp cho dân chúng, nên người dân không bị nạn đói.

Thời Bạch Cư Dị triều Đường đã từng đưa nước Tây Hồ dẫn vào sông đào, rồi lại dẫn nước sông đào tưới cho hàng ngàn khoảnh ruộng, nhưng cỏ nước trong nước Tây Hồ quá nhiều, năm nào cũng cần khơi thông, nên từ đời Tống trở đi đã từ bỏ không quản nữa. Sông đào mất nguồn nước Tây Hồ nên chỉ còn dựa vào thủy triều của sông Trường Giang, nhưng nước thủy triều nhiều phù sa, thuyền bè qua lại khu vực nội thành cần cứ 3 năm lại phải huy động nhân công nạo vét khai thông một lần, vì vậy đã trở thành mối lo cho cư dân Hàng Châu.

Sau khi Tô Thức nhậm chức, ông sai người khai thông sông đào Mao Sơn và sông Diêm Kiều, sau đó lại xây cống kiểm soát dự trữ và tháo nước Tây Hồ. Như vậy nước thủy triều không chảy vào khu nội thành.

Ngoài thời gian làm việc, Tô Thức thường xuyên đến bên Tây Hồ quan sát. Cuối cùng ông nghĩ ra cách đem cỏ nước và phù sa vun đống trong hồ, hình thành một con đê chạy xuyên qua hồ, khiến hai bờ Nam Bắc được nối thông trực tiếp, tiện lợi cho người dân đi lại. Ruộng đất ven hồ có thể khai khẩn để trồng mạch, lợi nhuận thu được làm quỹ xây dựng đê và khoản tiền cải tạo Tây Hồ.

Thế là ông đem số tiền và lương thực còn dư sau khi cứu tế năm mất mùa ra dùng để chiêu mộ người trồng mạch. Sau khi hoàn thành con đê dài, ông trồng phù dung, dương liễu trên đê, cảnh sắc như bức tranh, người Hàng Châu gọi là Đê Tô Công.

*

Đạo làm quan thời xưa đại để là không làm phiền nhiễu bách tính, không phô trương hình thức, không thể hiện quyền uy, giữ mực giản dị, gặp người nghèo khổ hay khốn khó thì dốc sức cứu giúp tương trợ, dù là hạng người thấp kém tù tội cũng không đối xử khác đi, thường xuyên quản thúc và giáo dục người nhà biết khiêm cung với dân… Người có thể làm “cha mẹ của dân” thì trước tiên phải coi dân làm cha mẹ của mình mà đối đãi.

Đăng có chỉnh sửa theo “5 câu chuyện về chính sách nhân đức của các quan thời xưa trong những năm thiên tai”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Xuân Thu

Xem thêm:

Mời xem video “Vẻ đẹp của Trung và Hòa trong lý niệm truyền thống”: