Vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nếu Đàng Trong có Nguyễn Hữu Dật nhiều lần chặn đứng quân chúa Trịnh, thì Đàng Ngoài cũng có danh tướng trải qua 3 đời chúa là Đào Quang Nhiêu, giúp chặn đứng quân chúa Nguyễn.

Đào Quang Nhiêu: Vị tướng giúp Đàng Ngoài chặn quân chúa Nguyễn
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Dòng dõi con nhà tướng

Theo gia phả họ Nguyễn Gia chi thôn An Khoái, Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội thì Đào Quang Nhiêu vốn là người họ Nguyễn ở Thanh Oai, phủ Ứng Thiên. Cha ông là quan to, giữ chức Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Thị vệ sự tại Vệ cấm y, sau được phong thêm Tả đô đốc cánh quân phương Nam, tước Dũng Quận công, lập nhiều công lao cho triều đình và là người hiền đức.

Dù là quan to và có công lớn nhưng cha lại mất sớm khi ông mới được 3 tuổi, cậu ruột của ông là Tổng thái giám Đào Quang Hoa rất có thế lực trong triều nhận ông về nuôi.

Năm ông 9 tuổi thì được cậu đưa vào học trong vương phủ, sau này nhớ ơn muôi nấng dạy dỗ nên ông đổi họ, lấy họ cậu là Đào Quang, tên Đào Quang Nhiêu xuất hiện từ đấy.

Là dòng dõi con nhà tướng, từ bé Đào Quang Nhiêu đã có tướng mạo, phẩm chất của bậc võ tướng, vì thế mà năm 13 tuổi ông được Vua cử làm Chánh đội trưởng Tả đội, năm sau được giao giữ chức Quản binh, sắc phong Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân

Năm 1623, Trịnh Xuân làm phản muốn cướp ngôi Chúa, dù sau dó Trịnh Xuân bị giết nhưng đám loạn quân đánh phá Thăng Long, chúa Trịnh Tráng phải lệnh đưa vua Lê chạy đến Thanh Hoa. Đào Quang Nhiêu đều chỉ huy hộ giá cho nhà Vua an toàn.

Thời vua Lê Chân Tông, hai Vương tử quận Hoa Trịnh Sầm và quận Phù Trịnh Lịch dấy quân làm phản, Đào Quang Nhiêu nhận lệnh cầm quân đi đánh. Kết quả bắt sống được Trịnh Lịch và Trịnh Sầm. Do lập công, Đào Quang Nhiêu được phong làm Đương quận công.

Sau đó Đào Quang Nhiêu liên tục đánh dẹp họ Mạc ở Thất Khê, dẹp nổi loạn ở Hà Nam, bình định trấn Sơn Nam.

Lúc này Đàng Trong của nhà Nguyễn rất mạnh, nên Đào Quang Nhiêu được phong làm Đốc suất Nghệ An.

Quân Nguyễn vượt sông Gianh bắc tiến

Trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, sông Gianh ở châu Bố Chính (Quảng Bình ngày nay) là ranh giới phân chia, phía bắc Bố Chính trở ra bắc là Đoàng Ngoài, phía nam Bố Chính trở vào nam thuộc Đàng Trong.

Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn 7 lần giao tranh, trong đó 6 lần là quân Trịnh chủ động tấn công chúa Nguyễn, lần duy nhất quân Nguyễn chủ động đánh quân Trịnh là lần thứ 5 vào năm 1655. Đây cũng là lần mà danh tướng Đàng Ngoài là Đào Quang Nhiêu phải đối mặt với danh tướng Đàng Trong lúc đó là Nguyễn Hữu Dật.

Tháng 4/1655 chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật cho quân tiến ra bắc đánh Bắc Bố Chính của Đàng Ngoài, tướng quân Trịnh là Phạm Tất Toàn đầu hàng. Quân Chúa Nguyễn đánh tiếp đến Hoành Sơn, quân chúa Trịnh lại thua chạy. Quân Nguyễn đánh tiếp vào Hà Trung, quân Trịnh thua bỏ chạy về giữ An Trường (Nghệ An).

Chúa Trịnh Tráng cho Trịnh Thượng thống lĩnh binh mã đưa quân vào nam ngăn quân chúa Nguyễn. Trịnh Thượng dẫn quân tiến đánh, Hữu Tiến cho quân rút về phía nam sông Gianh. Trịnh Thượng thấy quân Nguyễn rút đi đoán biết là có ý nhử mình đuổi theo, nên không đuổi mà chia quân trấn giữ Hà Trung.

Các tướng quân Nguyễn là Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật không thấy quân Trịnh đuổi theo như mong đợi, liền quay lại, chia quân làm hai đường thủy bộ cùng tiến đánh. Quân Trịnh cả hai cánh thủy bộ đều thua to, phải rút về giữ An Trường. Một vùng đất lớn phía nam bờ sông Lam thuộc tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và bắc Bố Chánh lọt vào tay quân chúa Nguyễn.

Tin bại trận báo về, Trịnh Tráng giáng chức Trịnh Thượng, rồi cho con mình là Trịnh Tạc làm thống lĩnh. Thế nhưng lúc này họ Mạc quấy rối phía bắc, Trịnh Tạc phải ra bắc, để nhiệm vụ chặn quân Nguyễn lại cho các tướng khác trong đó có Đào Quang Nhiêu.

Giao tranh với quân Nguyễn

Năm 1656, Nguyễn Hữu Dật chỉ huy quân chúa Nguyên đánh tan thủy quân chúa Trịnh. Đào Quang Nhiêu đưa quân đến chặn quân của Nguyễn Hữu Dật, hai danh tướng cùng thời của hai bên gặp nhau, kết quả quân của Đào Quang Nhiêu không ngăn được quân của Hữu Dật, phải rút về giữ An Trường.

Chúa Trịnh Tráng phải phái con út là Trịnh Toàn mang thêm quân đến cứu viện. Quân chúa Nguyễn lại đánh tan quân Trịnh tại cửa Châu Nhai (cửa khẩu sông Lam). Thắng trận, Nguyễn Hữu Dật cho quân thẳng tiến đến Đại Nại, trước sức mạnh của quân Nguyễn, Đại Nại thất thủ, Nguyễn Hữu Dật cho quân đến Hương Bộc.

Đào Quang Nhiêu cho quân trấn giữ Hương Bộc, thủ chắc nơi chiến lũy cố ngăn quân Nguyễn. Trịnh Toàn phải đưa thêm quân tới Hương Bộc ứng cứu, Đào Quân Nhiêu cho quân mở chiến lũy phối hợp với quân Trịnh Toàn cùng đánh mới đẩy lui được quân Nguyễn.

Quân Trịnh dưới sự chỉ huy của Trịnh Toàn và Đào Quang Nhiêu tiến đánh lấy lại Đại Nại, quân Nguyễn thua, tướng chỉ huy là Cửu Kiều tử trận.

Quân Nguyễn rút chạy, Trịnh Toàn và Nhiêu đuổi theo nhưng lại bị quân của Nguyễn Hữu Dật đánh bại, phải rút về giữ An Trường. Quân Nguyễn vẫn giữ vùng đất phía nam sông Lam.

Đào Quang Nhiêu được giao trọng trách ngăn quân Nguyễn vượt sông Lam bắc tiến. Năm 1658 quân Nguyễn tiến đánh Bạch Đường, Đào Quang Nhiêu ngăn lại được khiến quân Nguyễn phải rút lui.

Sau trận này Đào Quang Nhiêu được phong làm phó tướng, trấn thủ vùng đất còn lại của Nghệ An ở phía bắc sông Lam, ngăn cản quân Nguyễn bắc tiến.

Quân Trịnh giành lại được các vùng đất bị mất

Đến năm 1660 vào thời chúa Trịnh Tạc, Trịnh Căn được giao thống lĩnh binh mã nam tiến nhằm lấy các vùng đất đã mất.

Lúc này hàng ngũ tướng lĩnh quân Nguyễn lại bất hòa, chúa Nguyễn khen Nguyễn Hữu Dật và phong thưởng cho bảo kiếm, Nguyễn Hữu Tiến biết tin thì ghen tức và ghét Dật. Nguyễn Hữu Tiến không muốn chống giữ các vùng chiếm được mà chỉ muốn lui binh.

Tháng 11/1660, chúa Trịnh tăng thêm quân cho Trịnh Căn, quân Trịnh rất đông tấn công, Nguyễn Hữu Tiến không chống nổi phải lui quân, nhưng vì ghét Dật nên dù lui quân về nam Bố Chính nhưng lại phao tin là lệnh cho quân tiến đánh An Trường.

Quân Trịnh trên đà thắng đánh tiếp quân của Nguyễn Hữu Dật ở Khu Độc, lúc này Dật mới biết tin quân của Tiến đã rút rồi.

Bất ngờ bởi chỉ còn một mình trơ trọi chống với đại quân Trịnh, Hữu Dật phải cho quân rút lui, nhưng trước việc quân mình có nguy cơ bị truy đuổi tiêu diệt toàn bộ, ông đã bố trí nghi binh khéo léo hư hư thực thực khiến quân Trịnh cẩn trọng không dám tiến nhanh. Nhờ đó Nguyễn Hữu Dật mới đưa quân rút lui an toàn. Quân Trịnh chiếm lại được các vùng đã mất.

Giữ trọng trách ngăn chặn quân Nguyễn

Đào Quang Nhiêu được giao trấn thủ cả vùng Nghệ An (gồm cả Hà Tĩnh ngày nay) và bắc Bố Chính ngăn quân Nguyễn. Sau khi Trịnh Tạc mất, Trịnh Căn lên thay, Đào Quang Nhiêu vẫn được tin tưởng trấn giữ vùng đất đất này.

Dù xa xứ nhưng Đào Quang Nhiêu vẫn nhớ quê hương bản quán. Ông mua 71 mẫu ruộng cho người dân huyện Thanh Oai gọi là “huệ điền” để dân nghèo có ruộng; mua một mảnh đất 1 mẫu 5 sào để người dân quê ông họp chợ.

Ông mất năm 1672 khi đang đương nhiệm trấn thủ Nghệ An và Bố Chính, thọ 72 tuổi. Trước khi mất ông làm di huấn căn dặn con cháu rằng:

“Người ta ở đời phải lấy đạo đức làm chủ, lấy hiếu lễ, trung thứ làm đầu. Không có những cái ấy thì làm gì có công danh sự nghiệp; không có những cái ấy thì làm gì có nền móng, gốc rễ; không có những thứ ấy thì làm sao rạng rỡ được ông cha.”

“Đối với những việc bất trung, bất hiếu, vô nhân nghĩa, ác ý với người ta, nịnh nọt người trên, khi quân phản chủ thì chớ làm. Có lộc đừng hưởng hết, có thế đừng cậy hết, đừng cậy giàu khinh người, cậy mạnh hiếp yếu, đừng giấu điều dở, khoe điều hay, không nói người kia hay, người này dở… phúc đức nên tích trữ, quyền thế đủ thì thôi ”.

Nhà Vua ban cho ông Thái tể, thụy là Thuần Cẩn. Người dân quê ông xem ông là phúc thần.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: