Bình dị dễ gần là mỹ đức, là biểu hiện của sự tu dưỡng và đức hạnh, là sự tôn trọng đối với người khác. Mọi người đều tôn trọng và thích gần những người bình dị như thế, đồng thời cũng thích nghe theo lời họ. Bởi thế, bình dị dễ gần còn là đạo trị quốc của cổ nhân.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Bình dị dễ gần thì dân tất theo
(Tranh: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Người có đạo đức cao thượng thời xưa đều không bao giờ khoa trương tài năng và uy lực của mình. Họ cũng không dùng danh phận, thành tựu hay công đức của mình để khiến người khác quy thuận. Ngược lại, họ luôn mang trong mình đức tính khiêm tốn, thái độ sống bình dị dễ gần. Đó cũng không phải họ giả trang như vậy, cố tình thể hiện ra như vậy, mà chính là nội tâm cao thượng của họ thể hiện ra như vậy. Do đó cổ ngữ nói: “Muốn hủy diệt chính mình thì tự cao tự đại, muốn người khác quy thuận mình thì bình dị khiêm tốn”.

Về đức tính bình dị dễ gần, “Sử Ký. Lỗ Chu Công thế gia” viết: “Bình dị cận dân, dân tất quy chi”, nghĩa là bình dị gần dân thì dân tất sẽ theo. Câu chuyện điển cố liên quan đến thành ngữ này như sau:

Chu Công Đán là em trai của Chu Vũ Vương. Vào năm đầu thời Tây Chu, con trai Bá Cầm của Chu Công Đán được phong tước tại nước Lỗ, trở thành Lỗ Công. Bá Cầm tới nước Lỗ được 3 năm rồi mới quay lại trình bày tình hình cai trị với Chu Công.

Chu Công hỏi Bá Cầm: “Vì sao lại chậm trễ như thế?”

Bá Cầm đáp rằng: “Thay đổi tập tục nơi ấy, cải cách lễ nghi của nơi ấy mất 3 năm mới có thể làm xong. Vì vậy mà thần đã đến trễ”.

Lúc ấy Khương Tử Nha được phong tại nước Tề. 5 tháng sau ông liền đến báo cáo tình hình với Chu Công. Chu Công Đán hỏi Khương Tử Nha: “Vì sao lại nhanh như thế?”

Khương Tử Nha trả lời rằng: “Thần đơn giản hóa lễ tiết, thuận theo tập tục nơi ấy”.

Sau này Khương Tử Nha nghe nói về chuyện Bá Cầm, đã thở dài than rằng: “Ôi! Nước Lỗ đời sau sẽ phải thần phục nước Tề rồi! Chính sự không đơn giản hóa, trăm họ sẽ không thể gần gũi. Có thể giản dị và gần dân thì người dân tất nhiên sẽ quy thuận”.

Bình dị dễ gần, mọi người tất nhiên sẽ thân thiết, còn nếu tập tục vốn không xấu, chỉ là khác biệt về văn hóa, mà bắt mọi người thay đổi theo, thì mọi người tất nhiên sẽ xa lánh không theo. Chính vì nguyên nhân ấy mà Khương Tử Nha dám chắc chắn tương lai nước Lỗ sẽ phải thần phục nước Tề. Quả nhiên nước Tề về sau lớn mạnh, trở thành ngũ bá thời Xuân Thu, một trong bảy nước hùng mạnh thời Chiến Quốc.

Không chỉ trong việc trị quốc mà trong việc đối nhân xử thế và kết giao với mọi người cũng có cùng đạo lý bình dị dễ gần này. Trong cuộc sống, nếu một người chỉ muốn thay đổi người khác, chỉ muốn ra lệnh sai khiến người khác, thậm chí còn lên mặt nạt người, vô cớ áp bức người ta, bộ dạng ngạo mạn khó gần, thì có ai sẽ sẵn lòng chấp nhận và gần gũi với người ấy đây? Đó chắc chắn là cách thức tự mình cô lập mình vậy.

Trái lại, nếu một người có thể bình dị dễ gần, tôn trọng người khác, khiêm tốn ôn hòa, thì mọi người tự nhiên đều nguyện ý gần gũi và nghe theo lời người ấy. Đây chính là trí tuệ trong đối nhân xử thế, cũng là điều mà một người cần phải tu dưỡng mới có thể đạt được.

Theo The Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: