Cao Dao là một vị quan thời thượng cổ, cùng với các vị vua Nghiêu, Thuấn, Vũ được xưng tụng là “Thượng cổ tứ Thánh”. Ông đã đề xướng nhiều giá trị phổ quát để giúp vua Thuấn trị vì quốc gia, giáo hóa bách tính, trong đó có “Cửu Đức”.

Trong sách “Luận ngữ – Đằng Văn Công thượng” viết rằng: “Vua Thuấn có được thiên hạ, liền tuyển chọn hiền tài, chọn được Cao Dao, vậy là những kẻ bất nhân đều lánh xa không dám tới nữa”. Theo sử sách, Cao Dao là pháp quan thời vua Thuấn, chấp pháp nghiêm cẩn mà công chính, thiên hạ không có ai bị xử oan. Ông chú trọng giáo hóa, chế tác lễ nhạc.

Đạo trị quốc của cổ nhân: “Cửu Đức” trị quốc thời cổ đại
Tranh “Đế vương đạo thống vạn niên đồ” của họa sĩ Cừu Anh thời Minh. (Tranh: Public Domain)

Sách cổ ghi lại rằng Cao Dao tên thật là Đại Nghiệp. Mẹ ông là Nữ Tu, cháu gái Đế Chuyên Húc. Một hôm Nữ Tu đang ngồi dệt vải ở ngoài sân thì trên trời bỗng nhiên xuất hiện một con chim én bay ngang đẻ trứng. Đúng lúc Nữ Tu ngửa mặt ngáp thì quả trứng rơi xuống trúng miệng mà nuốt luôn quả trứng đó. Chẳng bao lâu Nữ Tu thụ thai rồi sinh ra Cao Dao. Cao Dao làm pháp quan rất có uy tín.

Thời thượng cổ là thời đại “thiện nhượng”, người có đức độ thì được nhường ngôi Vua. Vua Vũ rất trọng Cao Dao và có ý muốn nhường ngôi cho ông nhưng không may ông lại mất trước nhà vua. Sau này vua Vũ nhường ngôi cho Bá Ích, con của Cao Dao. Nhưng sau khi vua Vũ băng hà, Bá Ích lo quốc tang đúng 3 năm rồi rút lui, trao lại ngôi cho con vua Vũ là Khải. Từ đây thời đại “thiện nhượng” kết thúc, hậu duệ của vua Vũ duy trì vương triều nhà Hạ.

Về đạo trị quốc, Cao Dao cho rằng Thiên Thượng tạo ra vạn vật vốn dĩ có chứa đựng đặc tính mỹ hảo kỳ diệu, vì vậy cần tuân theo thiên ý, bảo trì đức tính mỹ hảo ấy chính là trách nhiệm thần thánh của người. Cao Dao còn đề xuất “Thiên mệnh hữu đức” (Trời trao sứ mạng cho người có đức), “Thiên thảo hữu tội” (Trời diệt kẻ có tội), chuẩn mực “Thánh nhân cửu đức” (Chín đức tính của Thánh nhân).

Cao Dao đề xuất “Cửu Đức” này bao gồm:

  • Khoan nhi lật – khoan dung đại lượng nhưng cũng nghiêm túc cung kính.
  • Nhu nhi lập – tính tình ôn hòa nhưng lại có chủ kiến.
  • Nguyện nhi cung – cẩn thận tỉ mỉ nhưng cũng trang trọng nghiêm túc.
  • Loạn nhi kính – có tài trị quốc nhưng cũng thận trọng.
  • Nhiễu nhi nghị – giỏi lắng nghe ý kiến của người khác nhưng cũng cương nghị quyết đoán.
  • Trực nhi ôn – hành vi chính trực nhưng thái độ ôn hòa.
  • Giản nhi liêm – khoáng đạt giản dị nhưng cũng chú trọng cả những việc nhỏ.
  • Cương nhi tắc – cương trực nhưng cũng vẹn toàn.
  • Cường nhi nghĩa – kiên cường dũng cảm nhưng cũng phù hợp đạo nghĩa.

Cao Dao cũng đề xuất “Thận thân”, “Tri nhân”, “An dân” làm phương sách để trị quốc. “Thận thân” nghĩa là phải tự nghiêm khắc yêu cầu chính mình, lấy bản thân làm gương, khiến dân chúng kính phục noi theo. “Tri nhân” nghĩa là chọn lấy người có đức có tài, biết mưu cầu lợi ích cho dân. “An dân” ý là chỉ khi người dân có cuộc sống yên ổn mới thể hiện được uy đức của bậc Đế vương.

Dựa theo “Văn hóa Thần truyền: Cao Dao Cửu Đức”
Đăng trên Minghui.org

Ninh Sơn biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: