Nói một cách toàn diện, trong tiến trình lịch sử của chế độ quân chủ trị quốc thời Trung Hoa cổ đại, đạo trị quốc đã trải qua bốn quá trình lớn là Hoàng Đạo, Đế Đạo, Vương Đạo và Bá Đạo. Bốn quá trình này cũng khiến hậu nhân hiểu biết được một vài điểm trong sự diễn hóa thâm sâu của nền văn mình nhân loại và nền tảng huy hoàng của các dân tộc và các quốc gia.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Hoàng Đạo, Đế Đạo, Vương Đạo và Bá Đạo
Tranh: “Đế vương đạo thống vạn niên đồ” mô tả cảnh Đại Vũ trị thủy do Cừu Anh, thời nhà Minh vẽ. (Tranh: Public Domain)

Hoàng Đạo

Trong các truyền thuyết còn lưu lại từ thời cổ đại, từ khi Bàn Cổ khai thiên lập địa và Nữ Oa cùng các vị Thần tạo ra con người, thời kỳ sớm nhất được biết đến của lịch sử văn minh Trung Hoa là thời kỳ Tam Hoàng. Thuật ngữ “Tam Hoàng” được xuất hiện lần đầu trong “Chu Lễ”, và tiếp đến là trong “Lã thị Xuân Thu”. Trong “Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ” của Tư Mã Thiên đã từng dẫn lời của Lý Tư nói rằng: “Thời cổ đại có Thiên Hoàng, có Địa Hoàng, có Thái Hoàng, và Thái Hoàng là quý nhất.”

Nói chung, Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Thái Hoàng (Nhân Hoàng) được gọi chung là Tam Hoàng, mà Tam Hoàng này cụ thể là ai, cũng có nhiều ý kiến ​​khác nhau, có rất nhiều cách nói. Thời kỳ này đại biểu cho một thời kỳ văn minh tiền sử rất lâu dài và thần bí.

Trong “Quản Trọng – Chương Chân Pháp” có nói: “Người minh là Hoàng”. Vào thời Tiên Tần, “Đạo” được gọi là “Thái nhất”, có thể lý giải là Đại Đạo cao minh soi rọi thế giới hỗn loạn vô minh. Hoàng có ý nghĩa này.

Trong “Xuân Thu vận đẩu khu” cũng nói: “Hoàng đại biểu cho Thiên, Thiên Đạo không nói, bốn mùa luân chuyển, vạn vật tương sinh. Tam Hoàng thực hiện vô vi mà cai trị, dạy dỗ bằng hành động không cần nói, và có đạo đức cực cao, lời họ nói ra bách tính đều không làm trái, giống như Hoàng Thiên, nên gọi là Hoàng.”

Trong “Bạch hổ thông nghĩa” nói: “Phàm được xưng là Hoàng, ánh sáng rực rỡ vạn trượng, thi hành việc vô vi mà trị, thực hiện dạy dỗ không bằng lời nói, lấy Đại Đạo mà giáo hóa vạn vật, bách tính thiên hạ sẽ không làm trái người đó. Nếu như quản lý bằng cách thức của con người, can thiệp vào cuộc sống của bất kỳ người dân thường nào, đều không thể được gọi là Hoàng. Vì vậy, lúc bấy giờ, thiên hạ đều hành theo Đại Đạo, vàng bị vứt bỏ trên núi, không ai khai thác, trân châu ngọc thạch vứt xuống dưới nước mà không có người vớt; dân chúng sống trong hang động, mặc áo lông thú, uống nước mưa nước sương, cùng hòa với thiên nhiên, vô lo vô nghĩ, không muốn không cầu, và tương thông với Thiên Địa Thần linh.”

Vào thời xa xưa tiền sử, con người thuần khiết chân thật vô tà, không ham muốn ích kỷ, hòa hợp làm một với thiên nhiên, đơn thuần như một tờ giấy trắng. Vào thời điểm đó, nhân loại giống như một đứa trẻ sơ sinh. Vì vậy, các Thần thoại kể rằng các vị Thần đã hạ thế, hóa thân thành “Hoàng” của nhân gian, mang trí tuệ của Thiên thượng truyền cấp cho nhân loại, soi sáng thế giới còn hỗn loạn vô minh, giống như cha mẹ chăm sóc con thơ, dẫn dắt nhân loại đi qua một thời kỳ lịch sử lâu dài và bước vào nền văn minh.

“Đế Vương Thế Kỷ” và các tài liệu cổ khác ghi lại: Vào thời Tam Hoàng cổ đại, ở nước Hoa Tư có một người phụ nữ gọi là Hoa Tư. Một ngày nọ, Hoa Tư phát hiện ra bên cạnh đầm Lôi có một dấu chân rất lớn nên hiếu kỳ giẫm chân mình lên dấu chân khổng lồ, vì thế nhận sự cảm ứng ở trên trời nên mang thai và sinh ra Phục Hy. Phục Hy là một trong năm vị Thiên đế được sinh ra trong nhân gian và là một trong Tam Hoàng, lưu lại cho loài người các thiên cơ Đại Đạo.

“Liệt tử – Hoàng đế thiên” ghi lại rằng: Hoàng Đế ban ngày ngủ và trong giấc mơ của mình lang thang đến nước Hoa Tư quê hương của Phục Hy. Vương quốc Hoa Tư ở một nơi rất xa xôi và bí ẩn, sức của con người không thể đến được, chỉ có thể “Thần du” (đến trong mộng). Đất nước này không có người quản lý, mọi thứ đều hòa hợp với thiên nhiên làm một, bách tính không có dục vọng ích kỷ, tâm hồn rất trong sáng, không luyến tiếc sự sống cũng không sợ chết, hoàn toàn thuận theo tự nhiên. Vì vậy, họ không có đau khổ nào và vạn vật trong tự nhiên không thể làm tổn hại họ được, họ có thể bay trên không trung, có phép Thần thông, nửa người nửa Thần. Đó là một vùng đất kỳ diệu. Sau khi Hoàng Đế tỉnh dậy, ông đã ngộ được con đường tu dưỡng bản thân và cai trị đất nước, thế là trải qua hai mươi tám năm cai quản, đã khiến thiên hạ thuận theo Đại Đạo, đạt tới vô vi mà trị, và khiến thiên hạ được trị vì giống như nước Hoa Tư.

Trong “Hoài Nam tử – Bản kinh huấn” ghi lại rằng: Trong thời kỳ trị vì của tộc Dung Thành thời cổ đại, con người đi trên đường một cách tự nhiên và trật tự như chim nhạn, khi đi ra ngoài đặt con non trong tổ sẽ không có nguy hiểm gì, lương thực chưa dùng hết chất đống ngoài đồng cũng không bao giờ bị mất; không có nguy hiểm khi đi theo chó sói, hổ, báo; khi đi đường dẫm phải rắn độc cũng không có nguy hiểm gì. Con người sống thật tự nhiên, vui vẻ và chưa bao giờ cảm thấy có gì kỳ lạ.

Từ những mô tả trên, chúng ta có thể hiểu ít nhiều xã hội thời Hoàng Đạo trị quốc: Vào thời cực kỳ xa xưa, tâm hồn con người thuần khiết, không có ham muốn ích kỷ, không bị ô nhiễm bởi hậu thiên, và ở trong trạng thái tự nhiên, giống như một đứa trẻ sơ sinh. Khi đó, các vị Thầngiáng sinh xuống mặt đất và trở thành Hoàng của nhân gian, giống như Hoàng Thiên vậy, tỏa sáng rực rỡ, mang đến chân lý của Thiên Đạo, truyền đạt cho nhân loại văn minh và trí huệ, dạy bằng hành động không cần lời nói, thực thi vô vi mà trị, khiến cho thiên hạ làm theo Đại Đạo. Như vậy, vào thời điểm đó, nhân loại và Thiên Địa Thần linh tương thông, sống như trạng thái nửa Thần nửa người. Khi đó, môi trường trên mặt đất tươi đẹp, con người và thiên nhiên hòa làm một, không còn đau khổ buồn rầu, cuộc sống bình dị và hạnh phúc, vô dục vô cầu…

Đế Đạo

Sau này, thuận theo văn minh xã hội phát triển, đời sống vật chất phong phú, đạo đức con người bắt đầu thoái hóa, tâm hồn không còn thuần chân, bị đủ loại tư tâm dục vọng lấp kín làm ô nhiễm, bắt đầu trở nên “thông minh”. Cứ như vậy, con người dần dần sản sinh ra giãn cách với Đại Đạo của tự nhiên, ngày càng rời xa Thần, Thần lực dần dần tiêu mất, môi trường tự nhiên cũng thuận theo đó mà ngày càng xấu đi, trạng thái sinh tồn dần trở nên khó khăn. Kết quả là, Hoàng Đạo từ từ suy tàn trong lịch sử. “Lạc Thư” viết: “Sau khi Hoàng Đạo khuyết thiếu, suy tàn, Đế Đạo bắt đầu hưng khởi.”

Vậy là vùng đất Trung Nguyên tiến nhập vào giai đoạn đầu của thời kỳ Ngũ Đế. Thời kỳ Ngũ Đế thực ra không có nghĩa là thời kỳ chỉ có năm vị đế vương đản sinh, mà là thời kỳ lấy năm vị đế vương này làm đại biểu, từ Hoàng Đế là thủy tổ cho đến Thuấn Đế là kết thúc. Ví như Hoàng Đế, Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Khốc, Nghiêu, Thuấn… đều là các vị đế vương trong thời kỳ Ngũ Đế.

“Thuyết Văn Giải Tự” viết: “Đế” (帝) cũng đồng nghĩa với “Đế” (諦), đều có hàm ý chỉ khả năng hiểu thấu chân lý của vạn vật thế gian, là danh hiệu chỉ vị quân vương cai quản thiên địa.

“Quan tử – Chân Pháp Thiên” cũng viết: Người có thể nhìn thấu, thể ngộ ra chân lý của thiên đạo gọi là “Đế”.

“Lễ ký – Thụy Pháp” viết: Người noi theo đạo của thiên địa mà kiến lập được “đức” rộng lớn khắp thiên địa thì gọi là “Đế”.

“Thượng Thư Đại Truyện” viết: Đế, noi theo thiên đạo mà kiến lập đạo đức, thiết lập hình pháp…

Căn cứ theo những ghi chép trên, ta có thể biết được rằng: Người hiểu thấu thiên địa vạn vật, tham ngộ ra đại Đạo từ trong thiên địa vạn vật, lại tuân theo đại Đạo mà kiến lập “đức”, lấy “đức” giáo hóa bách tính trong thiên hạ, được gọi là “Đế”.

Thời kỳ Tam Hoàng, nhân loại ở trong trạng thái thuần chân ngây thơ tiên thiên, không thụ nhận bất kỳ ô nhiễm nào. “Hoàng” trực tiếp triển hiện rõ thiên đạo để khai hóa mông muội, khiến nhân loại sơ kỳ với tâm hồn thuần chân, đơn giản, ở trong đạo tự nhiên thuận theo tính cách mà làm các việc, thi hành “vô vi mà trị”, thiên hạ vận hành trong đạo.

Trong tiến trình phát triển lâu dài của xã hội, tâm trí con người dần dần không còn thuần chân, bị ô nhiễm bởi các loại tư tâm dục vọng, bắt đầu lừa dối, tranh đấu lẫn nhau, trong xã hội cũng tương ứng xuất hiện những thảm họa như chiến tranh. Lúc này, con người đã rời xa đại đạo, vậy nên không thể để cho bách tính tự nhiên thuận theo tính cách mà làm các việc, tất phải kiến lập “đức”, quy phạm ngôn hành của bách tính trong thiên hạ để dẫn dắt bách tính một lần nữa quay về tiêu chuẩn của “Đạo”.

Lúc này, “Đế” liền ứng vận mà sinh. Họ hiểu thấu thiên địa vạn vật, từ trong thiên địa vạn vật mà tham ngộ được đại Đạo, từ đó kiến lập “đức”, dùng “đức” để quy phạm ngôn hành của bách tính trong thiên hạ, dẫn dắt bách tính quay về trong “Đạo”, lấy việc đạt tới “vô vi mà trị” làm mục tiêu cuối cùng. Đây chính là điều mà Lão Tử nói: “Thất đạo nhi hậu đức” (mất Đạo rồi thì mới tới đức).

Nói một cách chính xác, đức là chuẩn tắc được kiến lập dựa trên Đạo. Toàn bộ những gì được biểu đạt trong cuốn thiên thư “Chu Dịch” thần bí của Trung Hoa cổ đại, thực chất chính một loại quan hệ đối ứng: Biến hóa thiên tượng đối ứng mà dẫn khởi biến hóa nhân gian. Đồng thời “Chu Dịch” còn triển hiện toàn bộ quá trình sinh thành đức đối ứng với sự vận hành của Thiên đạo: “Càn đạo sinh khôn đức, thuận chi giả cát, nghịch chi giả hung”, Đạo của Càn sinh ra đức của Khôn; người thuận theo đó thì tốt lành, thuận lợi; kẻ đi ngược lại thì bất hạnh, nguy hiểm.

“Đức” là tiêu chuẩn được kiến lập dựa trên “Đạo”, cũng có thể coi là một hiện loại hiện hình của “Đạo” ở nhân gian. Khi vạn vật trong thiên hạ đều vận hành trong Đạo, thì không tồn tại khái niệm “đức” này, khi ấy “Đạo” hoàn toàn vô hình. Sau khi sinh mệnh lệch rời khỏi Đạo, hòa hợp tự nhiên bị phá hỏng, mới có tham chiếu và so sánh, thuận theo đó mà người ta cảm giác thấy Đạo. Giống như không có “tốt” làm tham khảo đối chiếu thì không cách nào kiến lập được khái niệm “xấu” vậy.

Đế thông qua ngộ Đạo mà lập đức, dẫn dắt bách tính trong thiên hạ quay về với tiêu chuẩn của Đạo, cuối cùng thực hiện được “vô vi mà trị”, đây là “vô vi mà trị” hậu thiên, có chỗ khác biệt với “vô vi mà trị” tiên thiên của thời kỳ Hoàng Đạo.

Vương Đạo

Sau thời Ngũ Đế, Đại Vũ đã sáng lập triều Hạ, chế độ triều đại “gia thiên hạ” (chế độ truyền ngôi cho con) đã thay thế cho chế độ thiện nhượng (nhường ngôi), lịch sử Trung Hoa bước vào thời kỳ Tam Đại là Hạ – Thương – Chu. Đồng thời dân tộc Trung Hoa cũng chuyển từ thời kỳ Đế Đạo trị quốc sang thời kỳ Vương Đạo trị quốc, từ thời kỳ Tam Hoàng Ngũ Đế sang thời kỳ Tam Vương Ngũ Bá.

Trong “Lễ – Hiệu Thụy Ký” viết: Người sáng lập triều Hạ là Đại Vũ, người sáng lập triều Thương là Thương Thang, người sáng lập triều Chu là Chu Vũ Vương, gọi là Tam Vương.

“Thuyết Văn giải tự” viết: “Người khiến bách tính trong thiên hạ đua nhau tới quy thuận thì gọi là Vương”. Khổng Tử và Đổng Trọng Thư nói: “Chữ Vương (王) là một nét sổ xuyên suốt ba nét ngang tạo thành, ba nét ngang tượng trưng cho Tam Tài là Thiên Địa Nhân, nghĩa là người có thể thấu suốt được Tam Tài: Trời, Đất, Người thì gọi là Vương (王)”.

“Quản Tử – Chân Pháp Thiên” viết: Người thông hiểu “Đức” gọi là Vương.

Trong “Lễ Ký – Thụy Pháp” viết rằng: Người nhân nghĩa thì mới gọi là Vương.

Đến thời kỳ Vương Đạo trị quốc, nhân tâm đã biến đổi trở nên càng phức tạp hơn, thiên hạ càng chệch khỏi Đại Đạo. Vương bèn quán thông Thiên, Địa, Nhân, định ra chế độ Lễ Nhạc để quy chính hành vi, giáo hóa thiên hạ, thúc đẩy phổ biến nhân nghĩa ra khắp thiên hạ, vì thế thiên hạ đua nhau tới quy phục.

“Thái Bình Kinh” viết: Đế tham ngộ ra trí huệ của Đạo trong Trời Đất, khiến thiên hạ trở về cân bằng hài hòa, tránh xa hung hiểm, cho nên gọi là Đế. Vương thực hiện nhân nghĩa, khiến người dân, vạn vật quy thuận ông mà không bị tổn hại, cho nên gọi là Vương.

Thời kỳ Đế trị, nhân loại đã đi chệch hướng khỏi Đại Đạo, nhưng vẫn chưa quá xa, do đó Đế từ trong thiên địa vạn vật mà ngộ Đạo, phát hiện ra cơ chế duy trì sự cân bằng hài hòa của trời đất vạn vật, từ đó kiến lập đức, khiến trời đất vạn vật trở về với sự hài hòa.

Đến thời kỳ Vương trị, nhân loại đã lệch khỏi Đại Đạo quá xa rồi, không thể nào đạt được chuẩn mực của Đạo nữa, Vương bèn dựa theo đạo đức, dùng biện pháp Lễ Nhạc để quy phạm lời nói hành vi của bách tính trong thiên hạ, để đạt được tiêu chuẩn nhân nghĩa, khiến thiên hạ duy trì được trạng thái tương đối hài hòa, khiến người dân và vạn vật quy thuận ông mà không bị tổn hại.

Bá Đạo

Đến thời kỳ Xuân Thu, triều đình nhà Chu suy tàn, Vương Đạo suy yếu, đạo đức, nhân tâm xuống dốc đến mức được ghi chép là “Lễ băng Nhạc hoại”, các chư hầu trong thiên hạ liền đua nhau xưng bá, Bá Đạo thừa đó mà sinh.

“Xuân Thu” viết: Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Tống Tương Công, Sở Trang Vương được gọi là Ngũ Bá.

“Quản Tử – Chân Pháp Thiên” viết: Người dùng biện pháp vũ lực khiến thiên hạ sợ uy quy phục để đạt mục đích thì được gọi là Bá.

Mạnh Tử nói: Dựa vào vũ lực, giả danh nhân nghĩa để thiên hạ quy phục thì gọi là Bá, muốn xưng Bá thì nhất định phải dựa vào quốc lực lớn mạnh; người dựa vào đạo đức, thực hiện nhân nghĩa khiến lòng người trong thiên hạ quy phục được gọi là Vương, muốn xưng Vương không cần phải dựa vào quốc lực lớn mạnh. Thương Thang chỉ dựa vào đất đai 70 dặm và dùng nhân nghĩa thần phục thiên hạ, kiến lập triều Thương. Văn Vương cũng chỉ dựa vào đất đai 100 dặm mà khiến lòng người thiên hạ quy thuận, sáng lập ra cơ nghiệp nhà Chu. Dựa vào vũ lực không thể nào khiến người ta thực lòng phục tùng, mà chỉ khiến người ta nhất thời phục tùng do không dám chống lại cường bạo; dựa vào nhân nghĩa đạo đức thì mới có thể khiến mọi người vui vẻ tâm phục khẩu phục.

Những lời của Mạnh Tử đã phân biệt rất rõ ràng Vương Đạo và Bá Đạo. Đến thời kỳ Bá Đạo, phương thức trị quốc đã thay đổi từ việc quy thuận lòng người thông qua giáo hóa nhân nghĩa sang biện pháp vũ lực cưỡng chế buộc thiên hạ phải khuất phục.

*

Bàn về Hoàng Đạo, Đế Đạo, Vương Đạo và Bá Đạo, “Tân Luận – Vương Bá Đệ Nhị” của Hoàn Đàm đời Đông Hán viết:

Thời thượng cổ có Tam Hoàng, Ngũ Đế, sau đó lại có Tam Vương, Ngũ Bá, đây đều là những đại biểu của các bậc quân vương trong thiên hạ.

Tam Hoàng dùng Đạo trị thế, Ngũ Đế dùng Đức giáo hóa vạn vật, Tam Vương thực thi nhân nghĩa, Ngũ Bá dựa vào mưu mẹo giảo hoạt.

Người không sử dụng hình phạt, không có chế độ pháp lệnh mà khiến quốc gia thịnh trị thì được gọi là Hoàng; Người có chế độ pháp lệnh, nhưng không sử dụng hình phạt để trị vì quốc gia thì được gọi là Đế; Người thưởng thiện diệt ác, khiến chư hầu thiên hạ đều quy phục thì được gọi là Vương. Người dựa vào vũ lực, ký thệ ước với chư hầu, mượn danh tín nghĩa để dẹp yên thiên hạ thì được gọi là Bá.

Vương nghĩa là quy về,Vương dùng nhân nghĩa ban ân trạch cho thiên hạ, khiến lòng dân bách tính theo nhau quy về. Vương Đạo trị quốc, trước tiên vì bách tính mà trừ hại, khiến bách tính đời sống no đủ, sau đó dùng Lễ nghĩa giáo hóa bách tính, dùng hình phạt để quy phục bách tính, để đạt được mục đích biểu dương cái thiện diệt trừ cái ác, khiến thiên hạ an lạc.

Bá Đạo trị quốc, thích việc lớn hám công to, khiến quân chủ thì tôn quý còn thần dân thì hèn kém, đem toàn bộ quyền lực quốc gia tập trung vào trong tay một người là quân chủ, do một mình quân chủ ra mệnh lệnh, quyền sinh quyền sát trong tay, sau đó dựa vào uy thế cường quyền khiến pháp lệnh được thi hành, thưởng phạt tất nhiên phải giữ chữ tín, khiến mọi quan lại trong thiên hạ đều theo đó mà làm.

Tổng hợp dựa trên loạt bài viết “Đại Đạo trị quốc”
Đăng trên Chanhkien.org (Zhengjian.org)
Tác giả: Lý Đạo Chân

Xem thêm:

Mời xem video: