Vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều biến đổi không ngừng, nhưng đều tuân theo quy luật nhất định. Chỉ có dựa vào quy luật khách quan của vạn sự vạn vật để điều khiển thì chúng ta mới đạt được điều mình mong muốn. Trị quốc cũng giống như điều hành vạn vật, phải tuân theo quy luật mới đạt được sự hưng thịnh. Một đặc điểm quan trọng của đạo trị quốc thời xưa là “thuận thế”, chính là khi mọi sự đã ổn định rồi thì cần ít thay đổi để khéo gìn giữ những điều tốt đẹp. Nhiều đời minh quân hay quan lại cũng theo đuổi cảnh giới “vô vi mà trị”, thuận theo tự nhiên mà trị. Trong lịch sử thời đầu nhà Hán có một nhân vật làm được điều này.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Khéo gìn giữ những điều tốt đẹp
(Tranh minh họa: Xuân tuyền tiểu ẩn đồ, Họa sĩ Chu Thần, Public Domain)

Tào Tham là công thần khai quốc của nhà Hán. Vì ông lập được đại công, Hán Cao Tổ Lưu Bang phong ông làm Thừa tướng nước Tề.

Người nước Tề nổi tiếng là cường hoành, hay xuất hiện hào kiệt, xưa nay khó cai trị. Tào Tham biết trách nhiệm trọng đại, vì vậy ông mời hơn một trăm nhà hiền triết lớn tuổi bàn bạc cách giữ cho nước Tề hòa bình thịnh vượng. Chẳng may, mỗi người một ý, Tào Tham chẳng thể tự quyết định.

Tào Tham nghe tiếng Cái Công ở Giao Tây hết sức uyên bác, ông bèn sai người mang nhiều lễ vật đến thỉnh mời Cái Công đến. Cái Công gặp mặt Tào Tham, nói: “Cai trị, quý ở chỗ thanh tịnh vô vi, ít can thiệp và để người ta chọn lựa con đường riêng của họ”.

Tào Tham dành lễ thượng khách để tiếp đãi Cái Công, ngày đêm thỉnh giáo. Kết quả là nước Tề được an hòa trong suốt 9 năm.

Khi tướng quốc Tiêu Hà chết, Tào Tham thay thế. Ông chọn người hiền đức thay thế những quan lại cũ theo đuổi danh lợi tiền đồ và những quan chuyên bợ đỡ nịnh hót. Còn về pháp lệnh, ông nhất nhất tuân theo những pháp lệnh cũ của Tiêu Hà, không thay đổi gì. Nhìn bề ngoài thì Tào Tham vô cùng nhàn rỗi.

Một ngày, Hán Huệ Đế hỏi Tào Tham, “Ta nghe đồn khanh suốt ngày uống rượu thưởng nhạc, làm sao cai quản việc quốc gia đại sự được?”.

Tào Tham trả lời, “Xin bệ hạ suy nghĩ một chuyện này, so bệ hạ với Cao Tổ hoàng đế, thì ai hơn?”.

“Làm sao ta dám sánh bằng tiên đế cho được!”.

“Bệ hạ xem Tiêu Hà và thần, ai tài đức hơn?”.

“Có lẽ Tiêu Hà hơn”.

“Đúng vậy. Người đức cao để lại đất nước, hậu nhân như thần chỉ nên chiếu theo đó mà làm”.

Huệ Đế cảm thấy Tào Tham nói phải. Dưới sự “vô vi” của Tào Tham, dân chúng được nghỉ ngơi dưỡng sức, người trong thiên hạ kính trọng và khâm phục ông.

Trong xã hội ngày nay, đa số người ta đều cho rằng mình giỏi hơn, có bản sự cao hơn người khác, một khi nắm quyền hành, việc đầu tiên là chế định luật lệ mới, ban bố quy định mới, thay thế bộ máy mới. Thực tế, quản việc một cách vô vi cũng là một cách làm đáng tham khảo.

Theo “Câu chuyện lịch sử: Tào Tham khéo giữ gìn những điều tốt đẹp
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Nhất Đẩu

Xem thêm:

Mời xem video: Đạo trị quốc của cổ nhân: Thuận theo tự nhiên