Người xưa có câu: “Trời có đạo thì nhật nguyệt rõ ràng. Người có đạo thì xã tắc thái bình”. Cổ nhân coi trọng tôn ti trật tự, sử dụng nó để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội cho phù hợp với luân lý đạo đức, từ đó sinh ra “Lễ”. Do đó Tả Truyện viết rằng “Lễ dĩ thuận thiên, thiên chi đạo dã”, Lễ là thuận theo trời, là đạo của trời, nói cách khác “Lễ” chính là biểu hiện phép tắc của trời đất tại xã hội con người. Trong lịch sử Trung Hoa, Viên Áng là một vị quan đại thần dùng “Lễ” để can gián thiên tử, chỉnh đốn triều chính, rất được hậu nhân khâm phục.

Viên Áng là đại thần thời Hán Văn Đế, Hán Cảnh Đế, là người cương trực, luôn khiến người khác phải kiêng nể. Sách sử chép rằng, khi đó, Thận phu nhân là phi tử của Hán Văn Đế, rất được sủng ái, thường ngồi cùng với Văn Đế và Đậu hoàng hậu trong cung.

Một hôm, Văn Đế, Đậu hoàng hậu, Thận phu nhân cùng tới chơi vườn Thượng Lâm. Viên Áng nhân lúc Hoàng đế chưa trở lại, đã sắp đặt chỗ ngồi, kéo chiếu ngồi của Thận phu nhân dịch ra phía sau một chút, không cho nàng ta được ngồi cùng với Văn Đế và Đậu hoàng hậu. Thận phu nhân khi quay về thì nổi giận, không chịu ngồi. Văn Đế cũng rất tức giận, bỏ chỗ ngồi mà đi, trở về nội cung.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Tôn ti trật tự khiến gia hòa quốc an
Tranh vẽ chuyện Viên Áng sắp đặt chỗ ngồi, khuyên can Văn Đế. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Viên Áng bái kiến Văn Đế mà rằng: “Thần nghe nói tôn ti có trật tự, mới có thể trên thuận dưới hòa. Nay bệ hạ đã lập hậu, Thận phu nhân chỉ là thiếp, thiếp và chủ sao có thể cùng ngồi được đây. Như vậy sẽ mất đi sự phân biệt tôn ti. Hơn nữa bệ hạ sủng ái như vậy, kỳ thực lại là cái gốc họa hại cho Thận phu nhân.”

Ở đây Viên Áng có ý nhắc Văn Đế không nên quên chuyện Thích phu nhân, ái thiếp của Cao Tổ, từng bị Lã thái hậu ghen tuông ngược đãi, khiến Thích phu nhân trở thành phế nhân, bị cắt bỏ tứ chi, móc mắt, chọc thủng tai, cắt lưỡi, hành hạ đau đớn muôn phần.

Văn Đế hiểu ra, nói lại nguyên cớ chuyện này cho Thận phu nhân hay. Thận phu nhân chợt tỉnh ngộ, ban thưởng cho Viên Áng 50 lượng vàng. Viên Áng dùng “Lễ” để can ngăn chuyện gia đình của Hoàng đế, có thể nói là ít có được.

Còn một chuyện nữa về việc Viên Áng dùng “Lễ” để chỉnh đốn triều đình. Lúc đó Giáng Hầu Chu Bột giữ chức tể tướng, lại lập được công lớn khi giết những người họ Lã tạo phản, nên được Hán Văn Đế coi như đại thần khai quốc, nhất mực kính cẩn. Điều này khiến Chu Bột vô cùng đắc ý.

Viên Áng can gián Văn Đế rằng Chu Bột không thể được coi là đại thần khai quốc, bởi lẽ vào thời Lã Hậu, thân là Thái Úy nhưng ông ta lại không thể dẹp loạn. Sau khi Lã Hậu chết đi, các vị đại thần liên kết lại giết người nhà họ Lã, lúc đó Chu Bột nắm quyền bính trong tay, vừa hay là thuận theo thời thế mà làm, chỉ có thể được xưng là “công thần”. Mỗi khi Chu Bột lộ vẻ kiêu ngạo với bậc quân vương, Văn Đế lại thường nhún nhường, như vậy theo Viên Áng là không còn chút tôn ti trật tự, không còn chút lễ quân thần nào nữa.

Hán Văn Đế tiếp nhận những lời can gián của Viên Áng. Sau này khi thiết triều, Hoàng đế cũng tỏ vẻ uy nghiêm, khiến tể tướng Chu Bột dần biết kính sợ. Chu Bột sinh ra oán hận Viên Áng.

Sau này Chu Bột bị bãi chức, trở về mảnh đất được sắc phong. Nhưng vì sợ bị người khác ám hại nên ông ta mặc áo giáp cả ngày. Ngay cả khi gặp quan thái thú hay quận úy Chu Bột cũng đều cho người nhà cầm vũ khí đứng cạnh. Điều này khiến mọi người nghi ngờ ông ta âm mưu tạo phản. Chu Bột bị bắt nhốt vào nhà giam. Trong triều chỉ có Viên Áng nói đỡ cho ông ta, kiên quyết nói rằng ông ta không thể tạo phản. Sau khi được thả, Chu Bột lại giao hảo với Viên Áng.

Viên Áng công minh chính trực, không vì tư lợi, được mất cá nhân, trước sau luôn gìn giữ khuôn phép, tránh được mối họa từ trong trứng nước. Thời Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế trị vì cũng là thời thịnh trị của nhà Hán, được xưng là “Văn Cảnh chi trị”.

Trong “Tư trị thông giám”, Tư Mã Quang viết: “Chu Văn Vương diễn dịch Kinh Dịch, đặt kiền khôn đứng đầu. Khổng Tử giảng giải rằng: Trời cao Đất thấp, kiền khôn theo đó mà được định ra. Cao thấp được đặt ra mà sang hèn được lập theo.” Điều này muốn nói rằng, địa vị của quân và thần là do địa vị của Trời Đất lập ra. “Quân đối đãi với bề tôi phải dùng Lễ, bề tôi đối đãi với quân vương phải dùng Trung”, đây được coi là nội dung chính yếu trong nguyên tắc đối đãi giữa quân và thần thời cổ đại. Bậc quân vương thì có lễ có nhân, mà bậc tôi thần thì trung thành hết lòng.

Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: