Cuốn “Tấn thư” có ghi lại câu gián ngôn: “Nhân tâm sở quy, duy đạo dữ nghĩa”, tức là nơi mà cái tâm của dân chúng ủng hộ và hướng đến thì chỉ có thiên lý và nhân nghĩa. Cái tâm này không ai có thể thay đổi được, cho dù có sử dụng phương pháp nào đi nữa cũng vậy. Cho nên bậc minh quân hay người tài trí thời xưa đều dựa vào đạo nghĩa, đồng cam cộng khổ với dân chúng mà thành tựu được sự nghiệp.

Đạo trị quốc: Đồng cam cộng khổ với dân chúng
(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Trong “Tấn thư. Hùng Viễn liệt truyện” có ghi chép một câu chuyện như sau. Triều Tấn có người tên Hùng Viễn, là một thanh niên có chí hướng, rất có danh vọng. Về sau Hùng Viễn làm chủ bạ của Thừa tướng Tư Mã Duệ. Vào dịp năm mới, triều đình tổ chức đại điển rất linh đình náo nhiệt. Hùng Viễn cho rằng làm như thế là quá mức, không tương xứng với cục diện nguy nan của quốc gia lúc ấy. Ông bèn dâng thư khuyên can Mẫn Đế rằng:

Thời xưa, sau khi Nghiêu Đế mất, khắp nơi đình chỉ âm nhạc. Hiện giờ Tấn Hoài Đế vừa qua đời chẳng bao lâu, Thiên tử nên với bách tính cùng đau buồn, nơi mà nhân tâm quy về là đạo và nghĩa. Thần khuyên thiên tử nên đề xướng trung hiếu, tuyên dương nhân nghĩa, không nên tổ chức những buổi hát ca để vui tai mắt như vậy.

Đối với kiến nghị của Hùng Viễn, Thừa tướng Tư Mã Duệ vô cùng tán thưởng nên đã khuyên Mẫn Đế  nghe theo.

Hùng Viễn cũng lấy chuyện Tề Hoàn Công thời Xuân Thu làm ví dụ. Lúc còn trẻ, Tề Hoàn Công vô cùng anh minh, trong lòng luôn lo nghĩ đến sự an vui của dân chúng thiên hạ. Vì thế các quốc gia đều tôn ông làm bá. Nhưng sau khi làm bá chủ, Tề Hoàn Công dần dần kiêu ngạo tự mãn. Các nước ban đầu quy thuận đều quay ra chống lại ông. Từ đó Hùng Viễn cho rằng điều mà mọi người cùng hướng đến chính là các gốc để lập quốc. Mà muốn tụ hợp ý người thì chỉ có dựa vào sức mạnh của đạo đức và nhân nghĩa để thỏa mãn ước nguyện của dân chúng, quan tâm đến đời sống của dân chúng, ngoài ra không còn con đường nào khác.

Tây Tấn sau khi thống nhất nam bắc, đáng lẽ phải tiếp tục phát triển thành vương triều cường đại vì được kế thừa sự hưng thịnh từ triều đại trước. Nhưng sau khi thống nhất, Tây Tấn lại nhanh chóng từ thịnh chuyển sang suy, chỉ trong mấy chục năm ngắn ngủi đã bị tiêu vong. Đó là bởi vì quân thần Tây Tấn không nhận thức được điều mà lòng dân hướng đến. Triều đình duy trì quyền lực chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, không một chút để ý đến dân chúng, không quan tâm đến người dân.

Từ xưa, Khổng Tử đã đưa ra quan niệm dùng đức để trị vì. Ông cho rằng:“Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách”. Câu này có ý là nếu dùng pháp chế cấm lệnh để dẫn dắt dân chúng, dùng hình pháp để quản thúc họ thì chỉ quản được hành vi cử chỉ bề ngoài của dân chúng, mà dân chúng đánh mất đi lòng liêm sỉ. Nếu dùng đạo đức giáo hóa dẫn dắt dân chúng, dùng lễ chế để thống nhất ngôn ngữ hành vi của dân chúng thì dân chúng không những có lòng liêm sỉ mà còn giữ gìn quy củ. Đó là cách cảm hóa cái tâm của con người.

Sau khi Khổng Tử qua đời, Mạnh Tử, Tuân Tử đều kế thừa và phát huy tư tưởng này của ông. Trong “Mạnh Tử. Công Tôn Sửu hạ” viết: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. “Nhân hòa” ở đây chính là lòng người cùng hướng, là sự hòa thuận bên trong nội bộ. Mạnh Tử cũng nói: “Lấy sức mạnh mà thu phục dân thì tâm không phục, lấy đức mà thu phục dân thì dân tâm phục khẩu phục”. Theo ông, đức có sức mạnh lớn hơn cả quyền lực vì đó là điều mà lòng dân cùng hướng đến. Mạnh Tử còn nói đến lý niệm trên dưới hài hòa: “Dữ dân đồng nhạc”, tức là đồng cam cộng khổ với dân.

Thời xưa, vua nước Tề là Tề Tuyên Vương rất xem trọng Mạnh Tử cho nên đã mời Mạnh Tử đến nghỉ ở Tuyết cung, nơi dành cho thượng khách. Tề Tuyên Vương hỏi Mạnh Tử ở nơi đẹp như vậy có cảm thấy vui không. Mạnh Tử cho rằng người làm vua được ở cung điện đẹp đẽ mà dân chúng lại không được ở thì sẽ sinh ra oán trách. Việc oán trách ấy không đúng, nhưng việc vua không đồng cam cộng khổ với dân thì cũng không đúng. Nếu người làm vua mà biết chia sẻ buồn vui với dân chúng, hiểu được điều dân chúng mong ước thì dân chúng sẽ vui vẻ hợp sức với vua mà xây dựng đất nước hưng thịnh.

“Mạnh Tử. Lương Huệ Vương hạ” viết rằng: “Nhạc dân chi nhạc giả, dân diệc nhạc kì nhạc; ưu dân chi ưu giả, dân diệc ưu kì ưu”, tức là vui với niềm vui của dân thì dân cũng vui với niềm vui của mình, buồn với nỗi buồn của dân thì dân cũng buồn với nỗi buồn của mình. Vui cùng thiên hạ, buồn cùng thiên hạ thì mới được thịnh vượng. Bậc quân chủ thánh minh xưa nay luôn đồng cam cộng khổ với dân chúng, trong lòng chứa dân chúng thiên hạ, biết được điều mà lòng dân cùng hướng đến, như vậy mới có thể được dân chúng ủng hộ và yêu mến.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: