Võ thuật khởi nguồn từ nền văn hóa cổ xưa và có một nội hàm vô cùng phong phú. Những trường phái võ thuật nổi tiếng nhất đều bắt nguồn từ tín ngưỡng và có mối liên hệ mật thiết với tu luyện, như võ Thiếu Lâm bắt nguồn từ Phật gia, Thái Cực Quyền bắt nguồn từ Đạo gia. Võ thuật là một phần nổi bật của văn hóa truyền thống.

Đạo và Đức trong võ thuật truyền thống
(Ảnh minh họa: Serg Zastavkin, Shutterstock)

Thời cổ đại, con người cho rằng mọi hình thức sinh sống chính thường, các hoạt động nghệ thuật, đời sống xã hội của con người đều là do Thần “truyền” cấp, gọi là “Thần truyền nhân thừa”. Bởi vậy có rất nhiều truyền thuyết về việc người được Thần truyền cho lửa, truyền cho cách dựng nhà, trồng lúa, v.v.. Hơn thế nữa, Thần còn quy phạm cuộc sống của con người, ban cho con người những nguyên tắc nhất định và nhất quán, đây chính là “thống”. Bởi vậy về sâu xa mà nói, văn hóa truyền thống của nhân loại không phải là chỉ bất kể loại phong tục tập quán nào. Những ký ức viễn cổ xa xưa, những giá trị phổ quát còn mãi mới xứng là truyền thống. Chính là có “truyền”“thống” thì mới được gọi là “truyền thống”. Võ thuật cũng là một bộ phận của khái niệm rộng lớn này.

Từ Võ (“武”) được tạo thành bởi hai bộ phận là “戈” (“qua” – cây thương, giáo, mác) và “止” (“chỉ” – kết thúc, ngăn lại). Nói cách khác, “võ” không phải là dùng để đánh nhau kịch liệt mà là để ngăn chặn bạo lực. “Thuật” mang ý nghĩa chỉ phương pháp, nghệ thuật. Cho nên, võ thuật nghĩa là nghệ thuật ngăn chặn bạo lực, ngăn chặn can qua. Bởi vì con người có dục vọng, sẽ vì dục vọng mà làm nên những chuyện tổn hại lẫn nhau, vậy nên Thần ban cho con người biện pháp để ngăn chặn điều đó.

Tinh hoa văn hóa Đông phương cổ đại là đạo đức, mà võ thuật truyền thống là một bộ phận của văn minh. Do vậy tất nhiên tinh túy trong võ thuật truyền thống cũng hàm chứa quan niệm đạo đức.

“Đạo” được hiểu là quy luật vận hành của vũ trụ, là điều cao thâm không thể nói bàn, còn “Đức” là dựa theo quy luật vận hành của vũ trụ, trời đất mà quy phạm cụ thể cho con người. Bởi vậy Lão Tử giảng rằng “Mất Đạo thì đến Đức”, con người không hiểu Đạo là gì, nên mới phải dùng Đức để quy phạm. Lão Tử cũng viết: “Đạo sinh chi, đức súc chi”, ý nói Đạo sinh ra vạn vật, Đức dung dưỡng vạn vật. Vạn vật trên thế gian trần tục do Đạo mà sinh ra, nhưng phải dựa vào Đức mà tồn tại. Vạn vật có Đức tất sẽ sống, mất Đức tất sẽ chết. Do đó, vạn vật đều phải lấy “tôn Đạo trọng Đức” làm căn bản để sinh tồn.

“Võ đức” chính là đạo đức của võ thuật. Tôn đạo trọng đức, tin tưởng vào nhân quả, thông tỏ thiện ác, thưởng thiện phạt ác, kính Trời khiêm mình, thuận Trời thuận người, hướng đạo tu đức – Đây chính là võ đức. Cổ nhân nói: “Võ dĩ đức chương, đức dĩ vũ hiển”, chính là nói rằng đức là cái gốc của võ, võ là cái lá của đức.

Thời cổ đại, Hoàng Đế lấy chính nghĩa để ngăn chặn ác nhân, sáng tạo ra lịch sử võ đức. Chu Vũ Vương lấy “có đạo” để phạt “vô đạo”. Đường Thái Tông cho xây dựng Lăng Yên Các để biểu dương võ đức và lòng trung dũng của các công thần. Trương Tam Phong sáng lập ra Thái Cực quyền, môn võ thuật nổi tiếng nhất, “chí nhu nhược thủy” vang danh thiên hạ. Thái Cực quyền không chỉ lấy sự nhu hòa, thong dong để làm lợi cho sức khỏe của con người, dưỡng sinh kéo dài tuổi thọ, mà càng là “lấy nhu khắc cương”, ngăn chặn bạo lực, không đả thương người. Đây được coi là điển hình của võ đức.

Võ đức thể hiện ở tu tâm dưỡng tính, có tâm cầu đạo, không màng danh lợi, thiện tâm, ý chí kiên định, có nếm trải qua trăm khổ ải cũng cam lòng, trải qua muôn vàn khó khăn cũng không nhụt chí, đối mặt với cường quyền và kẻ ác mà tâm không sợ. Một khi tâm không sợ thì “thần ngưng khí định”. Một khi trưởng thành qua trăm trui ngàn luyện thì đã thành đại khí, có thể tụ nghĩa, có thể ngăn chặn được bạo lực. Cho nên trong võ thuật truyền thống, đạo đức là đứng đầu rồi mới đến kỹ thuật giỏi.

Ở một phương diện khác, người xưa cho rằng “thân” “tâm” có quan hệ mật thiết với nhau, nên nếu “tâm” không chính thì “thân” tất không thể khỏe được. Tương tự như vậy, trong võ thuật, nếu “tâm” không chính thì chỉ là biểu diễn kỹ thuật thôi, như vậy kỹ thuật cũng không thể thăng hoa lên tầng cao hơn, và con người cũng không thể đến gần hơn với Thiên thượng.

“Gần hơn với Thiên thượng” nghĩa là gì? Những trường phái võ thuật nổi tiếng nhất đều bắt nguồn từ tín ngưỡng và có mối liên hệ mật thiết với tu luyện, như võ Thiếu Lâm bắt nguồn từ Phật gia, Thái Cực Quyền bắt nguồn từ Đạo gia. Luyện võ chính là một bộ phận trong các môn phái tu Phật, tu Đạo, với mục đích là phụ trợ, tạo nền tảng. Trương Tam Phong đi mây về gió, khiến các Hoàng đế nhà Minh kính ngưỡng hết mực. Bồ Đề Đạt Ma vượt sông Trường Giang bằng một cọng lau. Những điều này là công phu tu luyện cao thâm, không còn chỉ giới hạn trong phạm trù võ thuật nữa.

Người luyện võ đến trình độ cao thâm cũng cần nhập tĩnh, có thể thông qua các loại động tác đứng gọi là “trạm trang”, và động tác ngồi giống như “thiền định” vậy. Khi tâm tính kém thì khó có thể nhập tĩnh, tâm loạn, sự chuyển động của năng lượng trong thân thể đều là vội vàng xao động. Trái lại, người trải qua khổ luyện có thể vứt bỏ được đến mức tối đa các loại chấp nhất, nâng cao được tâm tính, trong quá trình nhập tĩnh thì loại bỏ sự xao động, khơi thông dòng chảy của Đạo trong cơ thể. Đây chính là công phu của võ, cũng chính là một hình thức tu luyện rồi.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: Thiển đàm về võ thuật truyền thống và võ thuật hiện đại