Ông bà mình có câu tục ngữ, “học ăn học nói, học gói học mở” để dạy con cháu cách ăn uống, nói năng và cư xử cho phải. Học gói học mở là gì?

Học gói nghĩa là học cách tiết kiệm, cách chi tiêu sao cho hợp lý, hợp với túi tiền của mình. Học mở là học cách chia sẻ, cách trao đi, cách bao dung.

Theo một nghĩa khác, học gói học mở còn là học cách sắp xếp tổ chức cuộc sống của bản thân, gia đình một cách khoa học nhất để tiết kiệm tiền bạc, công sức và thời gian.

Với trẻ con, làm sao để dạy học gói học mở?

Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất:

Dạy trẻ ăn hết khẩu phần ăn trong bát đĩa của trẻ. Phân tích cho con trẻ hiểu để làm ra được hạt gạo, cái rau, miếng thịt… những người nông dân đã mất rất nhiều công sức lao động. Người lớn phải làm việc kiếm tiền mua thực phẩm, người nấu phải đi chợ, nấu ăn… Xin đừng rao giảng, hãy thủ thỉ với trẻ như kể chuyện, trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh lòng biết ơn và quý trọng thực phẩm.

Dạy trẻ tắt các thiết bị điện khi không sử dụng như quạt, đèn. Tiết kiệm nước khi trẻ rửa tay, rửa bát bằng cách mở một nửa vòi.

Khi trẻ lớn hơn một chút, có tiền sinh hoạt riêng hằng tuần, ta dạy trẻ ghi lại những món trẻ mua và giá tiền. Khi trẻ đòi mua đồ chơi không hợp lý, hãy cương quyết từ chối mua cho trẻ mà bảo trẻ tự chi trả bằng tiền sinh hoạt của mình. Trẻ sẽ học được cách tiết kiệm và đắn đo, cân nhắc sau vài lần chi tiền mua thứ không hợp lý. Nếu bố mẹ chi tiền, trẻ sẽ không học được bài học cân nhắc và xót tiền.

Khi gặp người cơ nhỡ, bố mẹ hãy đưa tiền hoặc vật dụng cho trẻ đem trao họ. Giải thích cho trẻ biết người cơ nhỡ vì một lý do gì đó nên mới rơi vào cảnh khốn cùng, chúng ta cũng có thể sẽ giống họ nếu một ngày ta gặp hoàn cảnh bất đắc dĩ. Không được phép coi khinh họ vì họ là những người rất dễ bị tổn thương trong cuộc sống. Việc này sẽ làm trẻ học được cách mở lòng, tính nhân ái.

Khi trẻ cho bạn mượn bút hoặc giúp bạn bè trong lớp điều gì đó, hãy khen ngợi trẻ và khuyến khích trẻ kể cho ta nghe về hoàn cảnh của bạn. Hướng dẫn trẻ cách giúp bạn. Nếu bạn trẻ làm mất bút, trẻ cho bạn, về nhà bị bố mẹ mắng thì trẻ sẽ không học được tính chia sẻ, giúp người mà chỉ học được tính ích kỷ. Với đứa trẻ nhạy cảm và hiểu biết sớm, nó sẽ coi thường bố mẹ.

Làm thế nào để dạy trẻ cách sắp xếp tổ chức cuộc sống?

Bố mẹ phải biết cách sắp xếp tổ chức cuộc sống. Bố mẹ nấu một bữa cơm xong mà bàn, bếp, chậu rửa bày bừa đầy đồ, bẩn thỉu thì dĩ nhiên trẻ sẽ không thể học được cách sắp xếp, làm việc gọn gàng hợp lý.

Hồi tôi còn nhỏ, mười tuổi đã nấu cơm, kho cá, nấu canh, xào rau… bằng bếp củi. Mẹ luôn dạy cách làm nhanh gọn: Bắc nồi cơm lên bếp. Khi chờ cơm sôi thì rửa, thái thịt hoặc cá, ướp sẵn để kho. Cơm chín thì nhắc xuống để bên cạnh ủ nóng, nhắc nồi thịt hoặc cá lên. Trong khi chờ cá thịt chín thì nhặt rau, rửa rau. Cá, thịt chín thì bắc nồi nước nấu canh lên. Trong lúc đợi nước sôi thì dọn dẹp rửa sạch dao thớt, rổ rá, lau bàn, quét nhà. Nước sôi cho rau vào nấu chín là xong. Khi nấu xong bữa mọi thứ đều tinh tươm, sạch sẽ, gọn gàng. Tôi dư nhiều thời gian để học, chơi, đọc sách.

Giờ nhà nhà có nồi cơm điện, bếp từ, bếp ga, máy giặt… thì việc nấu nướng, dọn dẹp còn nhanh và tiện lợi hơn xưa rất nhiều nếu ta biết cách làm việc khoa học, sắp xếp thời gian hợp lý.

Dạy trẻ em cách sắp xếp cuộc sống bắt đầu từ việc hướng dẫn con lên thời khóa biểu trong ngày cho bản thân từ giờ thức, học, chơi, cho đến giờ ngủ để con tự thực hiện.

Dạy con sắp xếp bàn học ngăn nắp gọn gàng, vật dụng nào có vị trí riêng của vật đó để dễ dàng lấy khi cần thiết. Đồ đạc trong gia đình cũng vậy, cần sắp xếp đúng vị trí, khi dùng xong lại cất vào vị trí cũ. Cất gọn đồ chơi sau khi chơi xong.

Hướng dẫn trẻ làm việc nhà tùy theo độ tuổi. Vừa dạy trẻ cách làm việc vừa dạy trẻ cách sắp xếp thời gian các công việc để trẻ làm nhanh và gọn. Ví dụ dạy trẻ cho quần áo vào máy giặt, khi máy giặt đang giặt đồ thì lấy quần áo vào xếp, móc phơi quần áo sắp lại cẩn thận theo đúng chiều, xong việc sắp xếp quần áo thì máy giặt đồ xong, đi phơi đồ… Trong một tiếng trẻ sẽ làm xong hai phần việc. Nếu không dạy trẻ sắp xếp thì trẻ sẽ đợi giặt xong mới lấy quần áo xuống, phơi xong mới xếp quần áo thì sẽ mất từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng, trẻ sẽ cảm thấy thời gian làm việc nhà quá dài, trẻ sẽ lười.

Trong việc hướng dẫn con, bố mẹ chỉ nên kiên trì nhắc con để con thành lập thói quen, không quát tháo khi con chưa thực hiện đúng vì dù sao chúng cũng chỉ là trẻ con ham chơi và lơ đãng.

Trẻ biết học gói học mở, biết sắp xếp tổ chức cuộc sống thì khi lớn trẻ rất dễ dàng có tính tự lập, làm công việc nào cũng sẽ thuận lợi dễ dàng bởi đã có tính khoa học và thông minh, đối nhân xử thế chu toàn, ít va vấp.

Và để dạy được cho trẻ những điều này thì trước tiên bố mẹ cần nhìn lại mình xem mình đã biết “gói, mở” chưa. Nếu chưa thì mình học thôi, không khó, bớt lười là học được.

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: