Đó là câu hỏi trẻ em hay đặt ra cho ba mẹ, ông bà khi chúng nhìn một hiện tượng, sự việc, sự vật mà chúng chưa hiểu. Chúng đang trong quá trình tìm tòi khám phá, học hỏi, bắt chước để dần trưởng thành, tự lập. Chúng đang tư duy. Trách nhiệm của ba mẹ, ông bà, những người lớn quanh chúng là giúp chúng tư duy, nhận biết.

Người Việt chúng ta thường không chú trọng việc này. Vì không hiểu quá trình hoặc vì không biết giải thích thế nào về điều trẻ con hỏi nên thường nạt ngang, nhiều lần trẻ sẽ bị mất khả năng tư duy, suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi. Khi lớn trẻ sẽ thụ động, ngu ngơ, lúc đó bố mẹ lại đổ lỗi tại trời!

Mình nhớ, hồi nhỏ mình rất hay hỏi, như mọi đứa trẻ khác, những câu hỏi nào ba mẹ giải thích được thì ba mẹ giải thích, nhưng mình hỏi tiếp đến câu thứ tư là ba mẹ mất kiên nhẫn và mắng mình “Hỏi linh tinh.” Hoặc khi mình hỏi về những điều khó giải thích, những điều mà người lớn cho là nhạy cảm thì ba mẹ lúng túng và trả lời “Hỏi gì hỏi lắm thế? Lớn rồi biết.” Lúc ba mẹ bực thì thôi rồi, sẽ quát “Đi chỗ khác chơi đi.” Hoặc họ… nói dối.

Mình đồ là các bạn ngang lứa mình đều gặp câu trả lời “Chui ra từ rốn” hoặc “Chui ra từ nách” hay “Con cò mang đến”, “Lụm ở gốc cây”, mỗi khi ta hỏi ta được sinh ra thế nào. Mình đã tin là mình được nhặt ở gốc cây bởi điều đó giải thích cho việc mình cảm thấy không được yêu. Ba mẹ hoàn toàn không thể hiểu được cảm giác và cái lý lẽ của một đứa trẻ bởi ba mẹ đã quên cảm giác và lý lẽ khi mình còn là một đứa trẻ như thế nào.

Trẻ con bắt đầu học từ khi chui ra khỏi bụng mẹ, cách chúng ta dạy như thế nào, tư duy như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên đứa trẻ như thế. Chúng ta không tư duy thì đừng mong con trẻ sẽ thông minh, hiểu biết.

Có những vấn đề con hỏi, chúng ta không biết để trả lời, thì xin đừng xấu hổ vì điều mình không biết mà quát nạt chúng. Hãy thẳng thắn bảo với con rằng, “Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về việc đó nhé!” Hoặc khi bận rộn hãy nói, “Chúng ta sẽ nói về việc đó vào lúc bố, mẹ rảnh, sau bữa tối nhé.”

Trong vô thức, bố mẹ luôn muốn mình là thần tượng của con, nên khi con hỏi về những điều bố mẹ chưa biết thì bố mẹ thường lúng túng, không muốn cho con biết là mình không biết về vấn đề con hỏi nên gạt ngang bằng cách quát nạt. Điều này không đem lại hiểu biết mà làm thui chột sự tư duy của trẻ. Nhưng nếu bố mẹ bảo sẽ cùng con tìm hiểu thì sẽ kích thích tư duy của trẻ, khơi gợi được tính ham học hỏi và làm cho trẻ tôn trọng bố mẹ hơn nhiều. Chúng sẽ nhận biết kiến thức là vô tận và không ai có thể biết hết mọi thứ kể cả bố mẹ, nhưng chúng không cần phải lo lắng vì bên cạnh chúng có bố mẹ cùng chúng tìm hiểu cuộc sống. Chúng sẽ tự tin hơn rất nhiều trong việc học, suy nghĩ.

Việc cùng con tìm hiểu này đồng thời tạo được sự gần gũi thân thiết, chia sẻ như những người bạn thân – là điều mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần. Hãy nhớ, chúng không cần cái ôm vuốt ve nịnh nọt sau khi bị quát vô lý. Tốt nhất là đừng quát chúng một cách vô lý.

Có những câu hỏi của trẻ mà người lớn thấy vô lý. Hãy nhớ, đừng dùng sự suy nghĩ của người lớn mà mắng chúng vô lý, tào lao. Với chúng không có cái gì là tào lao và vô lý cả, mọi việc đều cần sự giải thích.

Chúng ta là người lớn, chúng ta hiểu một người mù thì không thể thấy đường đi. Nhưng trẻ con chưa nhìn thấy người mù bao giờ, chúng sẽ hỏi tại sao người mù không thể thấy đường đi? Chúng ta không được bảo con rằng, “Mù thì không thấy đường chứ sao!” Chúng ta sẽ phải kiên nhẫn giải thích mù là như thế nào. Và từ câu giải thích trên, con trẻ sẽ lại hỏi về khúc xạ, về ánh sáng, về nhiều thứ liên quan mà có thể bạn không biết, thế thì lại phải hẹn trẻ “chúng ta cùng tìm hiểu”.

Điều này buộc bạn phải dành thời gian cho trẻ nhiều. Bạn bận rộn? Bạn không bận đến mức đấy đâu, tin tôi đi, hãy bỏ một buổi nhậu, bỏ một cuộc chơi, bạn dư thời gian học với con. Vấn đề ở đây không phải ở thời gian mà là ở trong chính suy nghĩ của bạn: bạn có hiểu biết về quá trình tư duy của con hay không và có sẵn lòng hỗ trợ sự phát triển của con mình hay không?

Những đứa trẻ luôn đặt câu hỏi tại sao là những đứa trẻ thông minh, là những thiên tài, bạn hãy giúp chúng thể hiện, phát triển, đừng làm thui chột những thiên tài trong chính nhà bạn.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: