Bại trước Đại Việt, quân Khmer chuyển sang liên tục đánh phá Chiêm Thành, vua Suryavarman II bắt Chiêm Thành phải thần phục. Không còn cách nào khác, vua Chiêm lúc này là Jaya Indravarman III buộc phải chấp nhận.

đế quốc Khmer
Angkor Wat, kinh đô đế quốc Khmer, năm 1870. (Ảnh: Émile Gsell, G.Garitan, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Cuộc chiến lần thứ ba và lần thứ tư

Sau 4 năm chuẩn bị, mùa thu năm 1132, vua Suryavarman II quyết định tiến đánh Đại Việt lần thứ 3, lệnh cho vua Chiêm Thành là Jaya Indravarman III phải đem binh thuyền đến hỗ trợ.

Liên quân Khmer – Chiêm Thành theo đường biển tiến đến Nghệ An, chiến trận lan đến Thanh Hóa. Nhưng cuộc chiến đã được định đoạt khi Thái úy Dương Anh Nhĩ dẫn thêm quân từ Triều đình đến đánh bại quân Khmer.

Sau thất bại này Đế quốc Angkor tạm thời không nghĩ đến việc thôn tính Đại Việt nữa, năm 1135 còn cử sứ giả đến bang giao với Đại Việt.

đế quốc Khmer
Angkor Wat nhìn từ trên cao. (Ảnh: Primsanji, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Nhưng năm 1135-1136, các đại thần trụ cột trong triều đình Đại Việt là Thái úy Dương Anh Nhĩ, Thái sư Trương Bá Ngọc (tên thật là Lê Bá Ngọc), Lưu Khánh Đàm lần lượt qua đời, trấn thủ Nghệ An là Mâu Du Đô bị bãi chức.

Nhận thấy đây là cơ hội tốt, vua Suryavarman II lại sai tướng Phá Tô Lăng đem quân tấn công Đại Việt, lệnh cho Chiêm Thành cử quân phối hợp. Thế nhưng Chiêm Thành quá mệt mỏi vì chiến tranh, nên phút cuối cùng đã không đưa quân tham chiến.

Năm 1137, tướng Phá Tô Lăng cùng quân Khmer tiến đến Nghệ An, sử sách ngày nay không còn nguồn nào ghi rõ số quân Khmer tiến đánh.

Nhận tin cấp báo vua Lý Thần Tông xuống chiếu cử Thái úy Lý Công Bình dẫn quân đến đánh, quân Khmer lần thứ 4 chịu thảm bại, tướng Phá Tô Lăng cho quân rút lui, từ đó không dám vô cớ đánh Đại Việt nữa.

Angkor tiến đánh Chiêm Thành

Năm 1143 vua Angkor Suryavarman II lấy cớ Chiêm Thành không chịu đưa quân trợ giúp đánh Đại Việt, nên đưa quân tiến đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành là Jaya Indravarman III cùng toàn quân nỗ lực chống lại quân Khmer.

Cuộc chiến dai dẳng suốt 2 năm, Kinh đô Đồ Bàn (thành phố Quy Nhơn, Bình Định ngày nay) bị lọt vào tay quân Khmer. Trong một cuộc chiến ác liệt, vua Chiêm bị mất tích (có nguồn sử cho rằng nhà vua bị tử trận).

Triều thần tôn hoàng thân Parabrahman lên ngôi, lấy hiệu là Rudravarman IV. Lúc này Chiêm Thành kiệt quệ không thể chống lại quân Khmer, vua Rudravarman IV cùng gia đình và các triều thần chạy sang Đại Việt lánh nạn. Toàn bộ Chiêm Thành rơi vào tay Đế quốc Angkor.

Với sự giúp đỡ của Đại Việt, vua Rudravarman IV trở về Chiêm Thanh đến vùng cao nguyên dựa vào người Thượng rồi phát động khởi nghĩa, Người Champa và người Khmer theo rất đông.

Qua thời gian dài giao chiến, quân Chiêm Thành dần dần chiếm lại được Kinh thành Đồ Bàn cùng phần lớn lãnh thổ, nhưng quân Khmer vẫn chiếm đươc phần đất phía bắc nơi giáp với biên giới Đại Việt.

Cuộc chiến lần năm

Lúc này ở Đại Việt, vua Lý Thần Tông mất vào năm 1138, vua Lý Anh Tông lên ngôi nhưng còn rất nhỏ tuổi. Bấy giờ Linh Chiếu Hoàng thái hậu tư thông với Đỗ Anh Vũ và để ông ta làm Phụ quốc Thái úy, trở thành quyền thần bậc nhất trong triều đình. Để dễ bề thao túng Triều đình, Đỗ Anh Vũ dùng quyền lực của mình giết hại trung lương, nhà Lý bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái.

Năm 1140 – 1141 diễn ra cuộc nổi dậy của Thân Lợi, khiến nhà Lý phải vất vả dẹp loạn. Điều này đã làm khơi dậy ý muốn tấn công Đại Việt của vua Suryavarman II.

Sau thời gian dài chuẩn bị kỹ càng, năm 1150 quân Khmer tổ chức tấn công Đại Việt lần thứ 5, ngoài bộ binh và thủy binh, có cả có tượng binh.

đế quốc Khmer
Bản đồ cuộc tấn công của quân Khmer vào năm 1150. Quân Khmer còn được gọi là quân Chân Lạp. Năm 802, vua Chân Lạp đổi tên lãnh thổ của mình thành Đế quốc Khmer. (Ảnh từ nghiencuulichsu.com)

Dù nhà Lý đã suy yếu hơn, nhưng thời tiết đã chống lại quân Khmer. Khi đến núi Vụ Thấp (tức núi Vụ Quang ở huyện Hương Sơn tĩnh Hà Tĩnh ), quân Khmer gặp phải lam chướng, nắng nóng ẩm thấp mà chết rất nhiều. Vua Suryavarman II cũng chết tại đây, khiến toàn quân Khmer tan rã.

Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép như sau: “Canh Ngọ [1150], Đại Định năm thứ 11… Mùa xuân, tháng 3, hạn. Mùa thu, tháng 7 hạn. Tháng 9, người Chân Lạp cướp châu Nghệ An, đến núi Vụ Thấp gặp nắng nóng ẩm thấp, phần nhiều chết vì lam chướng bèn tự tan vỡ”.

Người Khmer vốn tự vào về Angkor Wat cùng vua Suryavarman II. Các nhà sử học khi nghiên cứu các văn khắc trên bia đá ở Angkor Wat đều cho thấy vua Suryavarman II từng mang quân chinh phục Chiêm Thành và Đại Việt. Nhưng không có một hòn đá nào ghi lại ngày tháng năm cũng như cái chết của vị Vua này khi tiến đánh Đại Việt.

Cùng với chiến công đánh Tống, bình Chiêm, 5 lần đánh bại Đế quốc Angkor là chiến công vang dội của thời nhà Lý, đánh dấu một thời văn minh rực rỡ của Đại Việt.

Trần Hưng

Xem thêm: