Đền Pantheon, ngôi đền to lớn vĩ đại nằm ngay giữa lòng thủ đô Rome, cách quảng trường Novona không xa, hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến với nước Ý, thật sự là một kỳ quan kiến trúc cổ đại.

Đền Pantheon: Kỳ quan kiến trúc cổ đại - Ngôi đền của các vị thần
(Ảnh: Flying Camera, Shutterstock)

Được xây dựng từ năm 113 đến 125 sau Công Nguyên, đền Pantheon là một trong những công trình kiến trúc lớn nhất thời cổ đại. Có nhiều giả thiết xoay quanh việc hình thành ngôi đền Pantheon hiện tại. Một số nhà khảo cổ cho rằng ngôi đền từng trải qua hai vụ cháy lớn. Sau khi bị cháy lần thứ hai, đền Pantheon được xây lại hoàn toàn và tồn tại cho đến ngày nay. Trong lần xây dựng thứ hai, kiến trúc của ngôi đền có sự thay đổi. Trên ngôi đền có khắc nhiều thông tin về các kiến trúc sư và những vị vua đã giúp xây dựng, trùng tu đền.

Dòng chữ trên mặt tiền của ngôi đền “M·AGRIPPA·L·F·COS·TERTIVM·FECIT” có nghĩa: “Marcus Agrippa con trai của Lucius đã xây ngôi đền này vào lần thứ ba ông chấp chính”.

Den Pantheon 02
(Ảnh: Roberta Dragan, Wikipedia, CC BY-SA 2.5)
Đền Pantheon: Kỳ quan kiến trúc cổ đại - Ngôi đền của các vị thần
(Tranh: Họa sĩ Jakob Alt, Wikipedia, Public Domain)

Hình thức và quy mô ngôi đền Pantheon vượt lên tất cả các đền đài Hy Lạp – La Mã có trước đó. Mặt tiền của Pantheon tương tự những ngôi đền phong cách Hy Lạp – La Mã với 8 cột trụ bằng đá hoa cương xám, trụ cột bằng đá cẩm thạch trắng. Tiếp đến là ba hàng cột trụ đá hoa cương hồng chia tiền sảnh đền làm ba phần, trong đó phần giữa dẫn vào phía trong đền.

Trung tâm đền Pantheon là tòa nhà hình trụ tròn, bên trên có vòm hình bán cầu với đường kính 43,44m. Đây là mái vòm lớn nhất trong suốt 13 thế kỷ, cho đến khi mái vòm nhà thờ Santa Maria del Fiore ở Florence của Brunelleschi lấy mất ngôi vị quán quân này.

Mái vòm đền Pantheon
(Ảnh: Mohammad Reza Domiri Ganji, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Trên đỉnh của mái vòm có một vòng tròn trống đường kính 8,92m, là chỗ duy nhất đưa ánh sáng tự nhiên vào phía trong đền. Ở đây vào những ngày nắng, du khách sẽ được thưởng thức một luồng ánh sáng huyền bí dội từ trên xuống cứ như mái vòm là bầu trời che chở cả thế giới do các vị thần tạo nên.

Đền Pantheon: Kỳ quan kiến trúc cổ đại - Ngôi đền của các vị thần
(Tranh: Họa sĩ Giovanni Paolo Panini, Wikipedia, Public Domain)
Den Pantheon 04
(Ảnh: Stefan Bauer, Wikipedia, CC BY-SA 2.5)

Trong hai ngày xuân phân và thu phân, vào tháng 3 và tháng 9, ánh sáng mặt trời chiếu qua lỗ hổng sẽ đến đúng chỗ nối giữa tường và mái vòm ở cửa lớn phía bắc của ngôi đền. Một căn phòng phía trên cửa ra vào cho phép một phần nhỏ ảnh sáng chiếu xuống sân trong của tiền sảnh. Sẽ chỉ có một khoảng thời gian ngắn trong năm nhìn thấy được ánh sáng mặt trời nếu các cửa chính của ngôi đền được đóng lại.

Một điểm thú vị nữa là bán kính của mái vòm đúng bằng độ cao của bức tường chống đỡ nó. Để chịu tải được mái vòm khổng lồ đó, tường đền hình trụ này phải dày đến 6,20m. Với đường kính vòm 43,3m, việc xây dựng mái vòm Pantheon là một kỳ công, bởi thuở ấy người La Mã chưa có cốt thép. Bê tông không cốt thép của mái vòm là công nghệ xây dựng thất truyền mà mãi sau này giới khoa học mới tìm ra được bằng phương pháp giám định chất liệu. (Xem bài: Bê tông La Mã có độ bền nghìn năm, cho đến giờ khoa học mới có thể giải thích)

Trong thiết kế của đền Pantheon, người ta tìm thấy những con số của Tỷ lệ vàng (Con số vàng F, hay con số 1,618). Ngoài ra, bên trong đền thờ cũng tìm thấy con số Pi (π). Và điều ấn tượng hơn là, chúng ta cũng bắt gặp con số e = 2,72, vốn là hằng số toán học quan trọng, cơ số của Lôgarit tự nhiên. Cả 3 con số được bao hàm trong cấu trúc đền Pantheon cũng được tìm thấy trong tự nhiên, hiện diện trong tạo hóa, và không thứ gì có thể hoạt động nếu thiếu chúng.

Tên gọi Pantheon (Πάνθειον – Pántheion) nghĩa là “Ngôi đền của các vị thần”. Người ta cho rằng mái vòm của công trình tượng trưng cho vòm trời, nơi các vị thần ngự trị, theo tín ngưỡng của người La Mã.

Giulio Magli, một nhà lịch sử chuyên nghiên cứu các kiến trúc cổ thuộc Đại học Bách khoa Milan ở Italy và Robert Hannah, một học giả thuộc trường Đại học Otago ở New Zealand, đã phát hiện ra rằng chính xác vào giữa trưa trong thời gian xảy ra điểm phân (equinox) vào tháng Ba, một chùm sáng hình tròn chiếu xuyên qua mắt đền (oculus) và rọi sáng lối vào uy nghiêm của ngôi đền Pantheon. Từ đó họ đưa ra giả thiết rằng đây cũng là thời điểm Hoàng đế La Mã bước vào ngôi đền để làm lễ nhân tháng điểm phân.

Den Pantheon 06
(Tranh: Cmglee, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Giáo sư Magli nói: “Hoàng đế được chiếu sáng như thể ông ta đang ở trong xưởng phim. Người La Mã cổ đại tin rằng quan hệ giữa Hoàng đế và thiên đường là chặt chẽ nhất vào thời gian xảy ra điểm phân trong năm.”

Giáo sư Robert Hannah còn cho biết kiến trúc ngôi đền Pantheon với một bán cầu rỗng có lỗ hổng trên đỉnh là một kiểu đồng hồ mặt trời dùng để tính thời gian của người La Mã. Mặc dù trong trường hợp này, nó được dùng để biểu diễn thời gian của một năm.

Đến nay, ngôi đền Pantheon vẫn còn vững chãi với những cánh cửa bằng đồng và các cột đá hoa cương. Người ta tin rằng một số cột đá này trước đây được khai thác ở vùng sa mạc của Ai Cập và được vận chuyển bằng thuyền dọc theo sông Nile, băng qua Địa Trung Hải để đến Rome, một công việc khá tốn kém về sức lực và tiền của.

Đền Pantheon cũng là nơi có chứa mộ của rất nhiều danh nhân, như Victor Emmanuel II, vị vua đầu tiên của Vương quốc Ý thống nhất; hay Raphael, nghệ sỹ kỳ tài của thời đại Phục Hưng.

Như Lan

Xem thêm:

Mời xem video: