Tôi được may mắn đi Quảng Nam với anh bạn Nguyễn Bá Ngọc, dạo chơi suốt bốn ngày ròng, trưa không nghỉ, lòng bồi hồi cảm động. Từ trước đến giờ, chỉ ghé Đà Nẵng một đêm, ghé đèo Hải Vân một buổi, còn kỳ dư là hiểu Quảng Nam qua sách vở và qua các bạn từ Quảng Nam vào Sài Gòn làm ăn.

Ấn tượng đầu tiên: Ở những con đường lớn, các bảng hiệu đều rực rỡ, nét chữ rất chân phương, ngay thẳng, cổ điển, không có kiểu chữ nghiêng ngửa hoặc những dấu sắc mà nằm ngang như ở Sài Gòn, lại không thấy chữ Anh, chữ Hán kèm theo. Trong quán ăn bình dân, nói chuyện lắm khi ồn ào, quả là: “Quảng Nam hay cãi” nhưng không nghe chửi thề. Một tỉnh cổ kính, sực nhớ nếu Sài Gòn đã 300 năm thì Quảng Nam đã có 500 năm. Đời Lê Thánh Tông, “Xứ Quảng Nam” về hành chính bao trùm luôn cả vùng Bình Định, lần hồi phát triển với tơ tằm, quế, lúa gạo, thêm mỏ vàng, mỏ than đá… Ruộng đồng xanh tươi, canh tác kỹ lưỡng từng mảng nhỏ. Xe chạy ngang vài con sông khá to, vàm sông Thu Bồn. Lạ thật, sông to nhưng bãi cát quá dài, mùa lụt và bão lớn thì nước đổ xuống tràn bờ. Gần như không có chiếc ghe, chiếc thuyền nào, cũng không thấy ai chài lưới. Không có cá, hoặc nếu có thì rất ít. Và tuyệt nhiên không thấy chiếc tắc ráng, cái máy đuôi tôm nào cả.

Đi thăm mộ Hoàng Diệu. Nếu ở Nam bộ, đồng bào gọi là lăng. Công lao của Hoàng Diệu đối với đất nước còn hơn mấy ông vua cùng thời. Phần mộ khiêm tốn quá, giữa cánh đồng lúa, vắng vẻ, xa xóm làng. Ông đã thắt cổ tự tử, khi đánh Pháp, chống giữ thành Hà Nội lần thứ nhì. Đang trực chiến với giặc quá mạnh thì bọn nội ứng đã cho nổ kho thuốc súng trong thành. Bấy giờ, cấp bậc của ông là Tổng đốc, cai quản hai tỉnh; ông tự tử trong khi bà vợ đang nhổ cỏ ruộng lúa, như một nông dân lam lũ. Bà mẹ ông rất trong sạch. Lúc làm quan, có lần ông gửi về cho mẹ một vóc lụa. Bà mẹ không nhận, gởi trả lại cho con, kèm theo một nhánh dâu, tượng trưng cho ngọn roi, để cảnh cáo đứa con đừng nhận quà cáp gì của dân.

Lại đi viếng mộ Trần Quý Cáp, nhà khoa bảng bị thực dân qui tội lãnh đạo chống sưu cao thuế nặng hồi phong trào Duy Tân. Bị bắt ở Nha Trang, xử tử lập tức, không cần ra tòa án. Chúng chém ngang lưng ông để làm tăng sự đau đớn. Phần mộ của ông được cải táng, đưa từ Nha Trang về quê. Mộ khang trang, chung quanh là phần mộ của dân làng.

Lại viếng mộ Phạm Phú Thứ, từng giữ chức Phó sứ trong phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp chuộc 3 tỉnh miền Đông. Ông Phạm ghi lại chuyến đi, khi trở về đưa ra đề nghị cải cách nước nhà, công nghiệp hóa nhưng ai đã chịu nghe! Rất tiếc hai ngôi mộ nói trên hẻo lánh quá, phải chi ở gần lộ xe thì đồng bào, học sinh, thanh niên tiện tham quan để nung nấu truyền thống của cha ông.

Các giáo viên Trường Phổ thông cấp 2 Điện Bàn có nhã ý mời tôi đến nói chuyện thân mật, với sự giới thiệu của nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Anh Xuân lớn hơn tôi năm, bảy tuổi, lớn xác, còn mạnh khỏe, tha thiết với truyền thống quê nhà. Học sinh và giáo viên rất vui vẻ, nghiêm túc. Ngoài này, nói chung thanh niên rất hiếu học, các thầy cô yêu nghề. Muốn gì cũng phải trang bị bằng trung học, tú tài cho xong rồi hãy vào Sài Gòn.

Hôm sau, viếng phố cổ Hội An, ghé Chùa Cầu, nơi còn tấm biển với nét bút của chúa Nguyễn Phúc Chu, đạo hiệu Thiên Túng Đạo nhân, người đã sai phái Nguyễn Hữu Cảnh vào Đồng Nai – Gia Định.

Phố cổ Hội An được những người khó tính nhất yêu thích, vì tự bản thân nó có thực chất, xưa kia sầm uất, các thương gia nước ngoài mô tả là náo nhiệt, nhiều mặt hàng bán ra và mua vào, còn ngày nay đáng gọi là khu du lịch lý tưởng, mát mẻ, sạch sẽ, có ngăn nắp, lại gần kề biển Đông. Đường sá nhỏ bé vì thời xưa chỉ cưỡi ngựa và xe ngựa.

So với các chùa người Hoa ở Chợ Lớn thì chùa ở Hội An rất sạch sẽ, thoáng mát, bảo quản kỹ lưỡng và khung cảnh trầm lặng. Và có trầm lặng thì mới gợi được mùi đạo. Bên cửa một ngôi chùa, tôi giật mình, bắt gặp nét bút của tay viết chữ Hán lừng danh, hiện đại: “Đinh thiên lập địa. Kế vãng khai lai”. Người viết là Vu Hữu Nhậm, “đầu đội trời chân đạp đất để kế thừa quá khứ, khai sáng ra tương lai”. Vu Hữu Nhậm còn để lại vài chữ thần, ở Chợ Lớn. Nghe đâu trên nóc đình Minh Hương Gia Thạnh ở Chợ Lớn còn mấy nét chữ thần của ông. Từ xưa, viết chữ Hán phải “ngang bằng sổ thẳng” nét mịn, nét mũi mác; Vu Hữu Nhậm đã hiện đại hóa, tạo ra kiểu chữ với nét suôn sẻ, như viết với bút bi hoặc bút lông kim.

Ghé viếng nhà thờ họ Nguyễn Tường. Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh) của Tự Lực Văn Đoàn, là người gốc Hội An, sau đó lập sự nghiệp ở đất Bắc. Du khách đến Hội An gồm khá đông người nước ngoài, mọi người đều hài lòng, suy nghĩ ngạc nhiên không bát nháo. Các chủ nhà xưa rất hiếu khách, xinh đẹp, nhã nhặn như người ở Sài Gòn. Gió mát rượi, từ biển Đông thổi vào. Thức ăn không đắt. Hội An phải chăng là một kiểu thành phố sông nước và biển, kiểu Venise bên Ý.

Đoán được nguyện vọng của tôi, bạn bè bố trí một chuyến tham quan di tích Mỹ Sơn. Đường không xa, về phía núi non, gần dãy Trường Sơn, cao ráo. Tôi chợt hiểu ngoài này là “văn minh đường bộ” với xe cộ, gồng gánh là phương tiện chính. Đường về di tích Mỹ Sơn khá tốt, nhân viên của ngành du lịch làm việc chu đáo. Nhiều khách nước ngoài chịu khó đến tận đây, với thái độ nghiêm túc. Ở Mỹ Sơn không có gì để “chơi”, chỉ là học hỏi, tìm về cội nguồn của Đông Nam Á.

Thoạt nhìn những di chỉ xưa có thể người tham quan hơi thất vọng vì quy mô còn lại quá bé nhỏ, nếu so sánh với điện Ăngco. Kiến trúc bằng gạch, đen sẫm vì mưa nắng, nhưng xưa hơn Huế đâu cũng mười thế kỷ. Vẫn là phong thủy, với núi, với sông, như một thế giới riêng; mỗi người là một thế giới nhỏ, cả nước là thế giới lớn. Vẫn là tác động giữa âm-dương, sông-núi, nước-lửa, đàn ông và đàn bà. Ngọn tháp cao nhất bị máy bay Mỹ làm gẫy đổ. Đây là thánh địa. Người Chăm thời hưng thịnh đã gây chiến tận nước Cao Miên, và Huyền Trân Công chúa đã vào đây làm Hoàng hậu, với khúc hát Nam ai. Đế của tháp tượng trưng cho thế giới trần tục, cao hơn đế là thế giới thần linh, cao hơn là thế giới tâm linh. Ra đây mới thấy cụ thể nhiều cách nói, cách phát âm rằng “của Nam kỳ” nhưng kỳ thật bắt nguồn từ Quảng Nam, như sơn (thay vì san), đồng thanh (đồng thinh), trào vua (triều vua), dõng khí (dũng khí)… Rau mò-om, khi nấu canh chua làm gia vị, gọi rau ngổ điếc, lá ngò gai thì gọi ngò Tây. Bánh tét cũng xuất phát từ ngoài này. Điệu nói thơ Lục Vân Tiên phía đồng bằng sông Cửu Long quả là kiểu hò Bài Chòi Quảng Nam, Bình Thuận. Thời mở nước, người Việt đến đây với dân số ít, bên cạnh người Chăm đông đảo hơn. Vì vậy chịu ảnh hưởng Chăm như thờ Bà (nữ thần Bà-la-môn), ngồi ăn cơm trên đất, thích ăn mắm cái, tức là mắm cá biển còn nguyên cái, nguyên xác. Có thứ bánh cuốn khá ngon, bên trong là thịt heo nạc, kế đó là rau, rồi bánh ướt khá dày đến lớp bánh tráng bên ngoài.

Còn nhiều chuyện đáng ghi nhớ. Nhất là tục cúng vong, nhằm cúng người Chăm khuất mặt và lễ cúng Đất mà ở trong Nam những gia đình xưa còn noi theo, gọi cúng Việc lề, hiểu là cúng ông bà quá cố từ ngoài Trung.

Cám ơn tất cả bạn bè ngoài Đà Nẵng, Quảng Nam. Mới gặp nhau lần đầu mà đã thân thương, như anh em ruột thịt.

Anh em vào Sài Gòn, làm sao tôi tiếp đón được như vậy để báo đáp tình đồng bào, tình văn chương!

Sơn Nam

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm:

Mời xem video: